Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục đại học Việt Nam: Khủng hoảng và giải pháp
10/09/2009

Thomas J. VallelyBen Wilkinson (tháng 11/2008)
NL dịch theo Harvard Kennedy School

I. Tổng quan

Bài báo ngắn này cố gắng cung cấp cho các thành viên Mỹ trong Nhóm đặc nhiệm Giáo dục đại học song phương một phân tích nhất quán về cuộc khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu bằng việc phân tích tầm trọng yếu của cuộc khủng hoảng này và những nguyên nhân sâu xa của nó. Tiếp theo, chúng tôi xem xét những nhân tố then chốt – chính quyền Việt Nam, nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế – đang đối phó với tình hình này như thế nào. Ở phần kết luận, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cách tân cơ chế như là một thành tố cần thiết của một cương lĩnh cải cách hiệu quả. Một tiểu luận ngắn về giáo dục đại học và khoa học Việt Nam của một nhà khoa học Việt Nam lỗi lạc cũng được đưa vào để tham khảo trong phần phụ lục.


Thông báo này xuất phát từ kinh nghiệm của Havard trong việc xây dựng và điều hành Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu chính sách công đặt ở TPHCM [1]. Hiện tại thì Viện Ash là đối tác trong một dự án nghiên cứu do The New School tiến hành về các rào cản trong cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam.

II. Các phương diện của cuộc khủng hoảng

Khó có thể nói quá lời về sự nghiêm trọng của những thách thức đang ở trước mặt Việt Namtrong giáo dục đại học. Chúng tôi cho rằng nếu không có sự cải cách cấp thiết và căn bản đối với hệ thống giáo dục đại học thì Việt Nam sẽ không thể phát triển được tiềm năng lớn lao của họ [2]. Sự phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa phát triển và giáo dục đại học. Mặc dù mỗi quốc gia thịnh vượng trong khu vực này – Nam Hàn, Đài Loan, các quốc gia một thành phố, và gần đây là Trung Quốc – đã đi theo những con đường phát triển riêng biệt, nhưng chủ điểm chung trong thành công của họ là nhất quán theo đuổi chất lượng cao trong giáo dục và khoa học ở bậc đại học. Những đất nước hơi kém thành công hơn trong vùng Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines, và Indonesia– cho ta một câu chuyện có tính chất cảnh báo. Những quốc gia này nói chung chưa đạt được chất lượng cao trong giáo dục và khoa học đại học và họ thất bại trong cả những lĩnh vực kinh tế cấp cao. Đây không phải là điềm báo gì hay ho cho tương lai: các đại học ở Việt Nam sẽ tụt rất xa phía sau những hàng xóm xoàng xĩnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bảng 1. Số bài báo trên tạp chí Peer-Review, 2007

Viện đào tạo

Quốc gia

Số bài

Đại học quốc gia Seoul

Hàn Quốc

5.060

Đại học quốc gia Singapore

Singapore

3.598

Đại học Bắc Kinh

Trung Quốc

3.219

Đại học Phúc Đán

Trung Quốc

2.343

Đại học Chulalongkorn

Thái Lan

822

Đại học Malaya

Malaysia

504

Đại học Philippines

Philippines

220

Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và TPHCM)

Việt Nam

52

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam

Việt Nam

44

Nguồn: Chỉ số trích dẫn khoa học mở rộng, Thomson Reuters

Việt Namthậm chí còn thiếu cả một đại học có chất lượng. Chẳng có một học viện nào của Việt Nam xuất hiện trong bất kỳ một bảng xếp hạng có tiếng nào của các trường đại học hàng đầu châu Á. Ở phương diện này thì Việt Nam thậm chí còn thua cả các quốc gia Đông Nam Á khác, hầu hết trong số đó có thể khoe khoang về ít nhất là một vài học viện đỉnh cao. Các đại học Việt Nam hầu hết bị cách ly khỏi các dòng chảy tri thức quốc tế, như số lượng bài báo nghèo nàn trong bảng 1 đã cho thấy, và Giáo sư Hoàng Tụy đã minh họa mạnh mẽ trong bài viết của ông [3].

Các trường đại học Việt Namkhông sản sinh ra được nguồn nhân lực mà kinh tế và xã hội Việt Nam đòi hỏi. Điều tra do các tổ chức liên kết với chính quyền thực hiện đã thấy rằng đến 50% sinh viên tốt nghiệp từ các ĐH Việt Nam ra không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành, bằng chứng này cho thấy sự đứt quãng giữa trường lớp và nhu cầu thị trường rất lớn. Đến 25% chương trình giảng dạy ĐH dành cho các môn bắt buộc chứa đầy những truyền bá chính trị, các sinh viên Việt Nam không được chuẩn bị tốt cho cả đời sống chuyên ngành lẫn việc học sau ĐH ở nước ngoài là chuyện dễ hiểu. Việc Intel phải vất vả như thế nào để thuê được những kỹ sư làm việc cho xưởng sản xuất của họ ở TPHCM là minh chứng rõ nét cho việc này. Khi công ty này tiến hành một cuộc thi đánh giá theo chuẩn đối với 2000 sinh viên công nghệ thông tin người VN, chỉ có 90 ứng viên, hay 5% là thi đậu. Và trong nhóm 90 người đó chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc cho Intel. Intel khẳng định là đây là kết quả tệ hại nhất họ từng thấy ở bất kỳ nước nào họ đầu tư vào. Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế vẫn nói đến sự thiếu thốn công nhân và quản lý có kỹ thuật như là rào cản lớn nhất cho việc mở rộng đầu tư. Chất lượng tồi tệ của giáo dục đại học còn mang đến một hệ lụy khác nữa: đối lập với những bạn bè Ấn Độ và Trung Quốc, người Việt Nam không thể cạnh tranh để chiếm được những chỗ tốt trong chương trình sau đại học tinh hoa ở Mỹ và châu Âu.

Bảng II. Chỉ số đổi mới

Quốc gia

Số bằng sáng chế được cấp trong năm 2006

Hàn Quốc

102,633

Trung Quốc

26,292

Singapore

995

Thái Lan

158

Malaysia

147

Philippines

76

Việt Nam

0

Nguồn: Tổ chức Sở hữu trí tuệ, số liệu thống kê năm 2008

III. Những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

A. Di căn của lịch sử

Những vấn đề Việt Namđang gặp phải trong giáo dục đại học ngày nay là một phần trong hậu quả của lịch sử hiện đại bi thảm của đất nước này. Bộ máy thực dân Pháp đã cai trị Việt Namtừ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945 đã đầu tư rất ít vào giáo dục đại học, thậm chí so với các bộ máy thực dân khác. Kết quả là Việt Nam đã bỏ lỡ làn sóng cách tân cơ chế trong giáo dục đại học xảy ra ở rất nhiều nước châu Á vào nửa đầu thế kỷ XX, khi nhiều cơ sở giảng dạy hàng đầu trong khu vực được thành lập. Kết quả là, sau khi giành được độc lập thì Việt Nam có nền tảng cơ chế rất yếu để từ đó xây dựng lên (Đây là một tương phản khắc nghiệt với Trung Quốc, nơi mà, thậm chí đến ngày nay, hầu hết các trường đại học đỉnh cao của họ được thành lập tốt từ trước cách mạng.). Thời kỳ này, bị tàn phá bởi trước hết là chiến tranh và sau đó là cả một kỷ nguyên của nguyên lý xã hội chủ nghĩa bàn tay sắt, không thể sản sinh ra những cơ sở giáo dục đại học có chất lượng được.

B. Điều hành

Nguyên nhân rõ ràng nhất của cuộc khủng khoảng ngày nay là sự thất bại thảm hại của việc điều hành nền giáo dục. Các đại học chất lượng cao, từ Boston đến Bắc Kinh, đều có những đặc điểm then chốt mà ở Việt Namhiện nay đang thiếu. [4]

Tự trị: Các viện khoa học Việt Nam vẫn lệ thuộc vào một hệ thống điều khiển được trung tâm hóa cao độ. Chính quyền trung ương quyết định các đại học được nhận bao nhiêu sinh viên, và (trong trường hợp các đại học công lập) giảng viên đại học được trả bao nhiêu tiền. Thậm chí những quyết định cũng then chốt như vậy đối với sự điều hành của một đại học như là phát triển giảng viên cũng do trung tâm điều khiển. Hệ thống này không thể khích lệ các đại học và học viện cạnh tranh hay đổi mới. Việc trả tiền thù lao được dựa trên thâm niên, và lương công chức thì quá thấp, đến mức giảng viên đại học phải đi làm thêm ngoài giờ rất nhiều để kiếm sống. Đối lập với Trung Quốc, Việt Nam không có gì để khuyến khích người Việt học ở nước ngoài về làm việc.

Tuyển lựa dựa trên công lao: Tham nhũng lan tràn và ai cũng biết rằng bằng cấp và học vị có thể mua bán được [5]. Hệ thống nhân sự ở đại học rất mù mờ và việc thăng tiến chủ yếu dựa trên những tiêu chí phi học thuật như thâm niên, gia đình và nền tảng chính trị, và những liên hệ cá nhân.

Các khoa ngành và các cấp điều hành cao có xu hướng bị chi phối bởi những cá nhân được đào tạo ở Liên bang Xô viết và Đông Âu, những người không nói được tiếng Anh và trong nhiều trường hợp, thù địch với những đồng sự trẻ, được giáo dục theo chuẩn phương Tây.

Liên hệ và chuẩn quốc tế: Sản sinh kiến thức là một chiến lược không biên giới, nhưng các học viện Việt Namthiếu những quan hệ quốc tế có giá trị. Thật sự, các học giả trẻ được đào tạo ở nước ngoài thường nêu lên mối quan ngại rằng họ sẽ không thể làm đúng lĩnh vực của mình như là một lý do họ muốn tránh né làm việc trong các học viện Việt Nam. Như GS Hoang Tụy đã nói, học viện Việt Namthu hẹp vào trong và không đánh giá chính nó theo chuẩn quốc tế.

Trách nhiệm giải trình: Các ĐH Việt Nam không có trách nhiệm phải giải trình với các nhà đầu tư bên ngoài, nói rõ ra là những người chủ. Trong hệ thống công, trợ cấp không được trói buộc với việc thực hiện hay chất lượng theo bất cứ cách thức đàng hoàng nào. Tương tự như vậy, tiền tài trợ cho giáo dục được phân phát một cách không canh tranh và thực chất chỉ là một hình thức bổ sung cho lương mà thôi. Bởi vì ai cũng thèm khát một chỗ ngồi trong trường đại học – chỉ một trong mười người Việt Namở tuổi đại học được nhập học – các đại học Việt Nam không cảm thấy áp lực phải đổi mới. Họ có một thị trường khép kín, đối với thị trường đó thì học ở nước ngoài là một lựa chon cho một thiểu số rất nhỏ.

Tự do học thuật: Ngay cả khi so sánh với Trung Quốc, Việt Nam cũng rất đáng chú ý về việc các đại học của họ thiếu động lực tri thức đến mức độ nào. Ngay cả khi các đại học dần dần được cho phép một không gian lớn hơn, thì vẫn có một mạng lưới điều khiển và ràng buộc chính thức lẫn không chính thức khiến cho đại học vẫn suy tàn về tri thức trong khi diễn ngôn quần chúng đã sôi nổi hơn.

Trong những ý trên đây, có mấy điều chúng tôi muốn nói. Thứ nhất, rào cản quan trọng đối với đầu ra có chất lượng của giáo dục đại học không phải chỉ là tiền. Thật sự, về số phần trăm GDP, Việt Nam sử dụng cho giáo dục nhiều hơn nhiều nước khác trong khu vực. Số liệu này không bao gồm số tiền lớn mà các gia đình Việt Namđầu tư vào giáo dục cho con em họ, ở trong nước và nước ngoài. Tiền bạc được sử dụng như thế nào là vấn đề khác. Thứ hai, đầu tư vào giáo dục nước ngoài không đủ để cải tiến hệ thống. Trừ khi môi trường chuyên nghiệp được đại tu, không gì đảm bảo rằng rất ít người Việt Namđược đào tạo ở nước ngoài sẽ trở về các học viện trong nước.

IV. Phản ứng

A. Chính sách của chính quyền

Trong thời kỳ từ 1986 khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, tức quá trình cải cách và tự do hóa kinh tế, tốc độ cải cách trong giáo dục đại học vẫn đóng băng. Trong thời kỳ này chất lượng vẫn đình trệ đến mức một số nhà khoa học Việt Nam cho rằng chất lượng dạy học trong những môn then chốt như khoa học căn bản đã đi xuống [6].

Trong ba năm vừa qua chính quyền đã đặt cải cách giáo dục lên cao hơn. Năm 2005 chính quyền tuyên bố chính sách Giải pháp 14 về “đổi mới toàn diện giáo dục đại học” trước 2020. Đây là điểm bước ngoặt, kêu gọi cải cách quản lý, bao gồm cả tự trị về cơ chế lớn hơn và cơ cấu lựa chọn dựa trên thực chất hơn. Cũng khó mà đo lường được tác động của Giải pháp 14 đối với quá trình thực hiện chính sách, nhưng tốc độ thay đổi vẫn còn chậm.

Gần đây hơn, chính quyền đã tuyên bố bắt đầu thiết lập nhiều học viện mới với các đối tác quốc tế và đã thể hiện sự sẵn sang tài trợ bằng vốn đi vay từ những nhà cho vay đa phương như Ngân hàng thế giới. Tuy rằng chính sách này cho thấy một tín hiệu đáng hoan nghênh là họ đã nhận ra nhu cầu xây dựng những học viện đại học mới, nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi. Giới lãnh đạo giáo dục Việt Nam vẫn giữ cái nhìn “dĩ nhà nước vi trung” đối với hợp tác giáo dục đại học, trong đó nhà nước, chứ không phải học viện, là đối tác chính. Cái nhìn này đặc biệt không phù hợp khi làm việc với các hệ thống Mỹ vốn phi tâm hóa cao độ, trong đó mỗi đại học là nhân tố quan trọng nhất và vai trò của nhà nước rất hạn chế. Thứ hai, chính quyền đã cho thấy một tinh thần “kế hoạch trung tâm” trong việc thiết kế kế hoạch phát triển cơ chế này, bao gồm việc quyết định trước những lĩnh vực để mỗi đại học mới chuyên chú vào (những đề xuất ban đầu cho thấy một trọng tâm rõ ràng về những lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ, và có lẽ họ phải loại bỏ khoa học nhân văn và các ngành khoa học xã hội). Thứ ba, mặc dù kế hoạch đó dựa vào quan điểm rằng các đối tác quốc tế sẽ cho ta những nhà quản lý và khoa ngành, nhưng cơ cấu tài trợ vẫn không chắc chắn; không ai rõ rằng tiền vay được từ các nhà tài trợ nhiều phía có còn sẵn cho các đối tác quốc tế dùng hay không. Cuối cùng, người ta vẫn thấy rằng sự tự trị thật sự mà các học viện mới này nhận được cũng chẳng là bao nhiêu [7].

B. Trao đổi

Rất nhiều người Việt Namđã ra nước ngoài học từ 1986. Trong những năm đầu đổi mới, hầu hết đi học ở nước ngoài theo các chương trình học bổng song phương hoặc đa phương như chương trình Fulbright, chương trình Ngân hàng thế giới, v.v.. Khi xã hội Việt Nam dư dả tiền bạc hơn thì nhiều gia đình Việt Nam bắt đầu tự túc cho con cái mình đi học. Mấy năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của số sinh viên đi Mỹ; theo Viện Giáo dục Quốc tế, Việt Nam xếp vào hàng 20 nước có số sinh viên đi Mỹ nhiều nhất. Các nhà kinh tế Việt Nam ước tính rằng các gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất 1 tỷ đô la mỗi năm để cho con em đi học nước ngoài.

Học ở nước ngoài là một phản ứng quan trọng đối với cuộc khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam, nhưng đấy không phải là giải pháp. Đầu tiên và quan trọng nhất, học ở nước ngoài chỉ là một lựa chọn cho một thiểu số ít ỏi hoặc có khả năng chi trả hoặc may mắn kiếm được học bổng. Có một khoảng cách cơ hội lớn và đang ngày càng lớn giữa đô thị và nông thôn, và giữa tầng lớp tinh hoa giàu có với tuyệt đại đa số vẫn đang rất nghèo. Việt Namlà một đất nước lớn và không thể nào “chuyển giao” giáo dục đại học cho các đại học nước ngoài được. Thứ hai, một khi các đại học Việt Nam vẫn còn cung cấp cho nhân sự của họ những điều kiện làm việc đáng thất kinh và những khuyến khích chẳng hấp dẫn gì, thì những cá nhân học ở nước ngoài về sẽ vẫn tránh né làm việc cho trường đại học. Những điều tra không chính thức về sinh viên sau đại học ở Mỹ cho thấy đa số sẽ không trở về các đại học Việt Nam hiện nay nhưng họ sẽ xem xét đến việc trở về nếu môi trường nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.

C. Các nhân tố quốc tế

Các nhà tài trợ quốc tế đã hỗ trợ cho việc trao đổi cá nhân trong nhiều năm qua. Với yêu cầu của chính quyền Việt Nam, giới tài trợ hiện nay đang đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục đại học. Theo quan điểm của chúng tôi, nỗ lực của giới đầu tư vẫn không hiệu quả vì họ làm được rất ít nếu không nói là không làm được gì để giái quyết các vấn đề quản lý. Tiền tài trợ không được trao thưởng trên cơ sở cạnh tranh, và các học viện nhận tiền cho biết họ ít phải nói gì về việc tiền đó được sử dụng như thế nào.

Các đại học quốc tế được khuyến khích thành lập các chương trình đào tạo ở Việt Nam, hoặc độc lập hoặc (thường là) hợp tác với các học viện trong nước. Với rất ít ngoại lệ, những chương trình này chạy theo thu nhập và kết quả là chỉ tập trung vào vài lĩnh vực ứng dụng mà thị trường đang yêu cầu (như marketing, quản lý, lập trình máy tính, v.v.) Việc nhận học chủ yếu dựa vào khả năng trả tiền, và chỉ có một thiểu số ít ỏi có khả năng đó. Ở mức độ tốt nhất thì cũng chỉ có thể nói rằng những thương vụ mày chiếm được một chỗ đứng thích hợp trong hệ thống giáo dục đại học. Chúng không đáp ứng nhu cầu giáo dục chất lượng cao. Chính quyền hăng hái thu hút sự tham gia của các đại học quốc tế, nhất là Mỹ. Chúng tôi đã nói rằng có ít nhất ba yếu tố then chốt khi họ thực hiện mục tiêu này. Thứ nhất, chính quyền phải nhận thức rằng đại học chất lượng cao sẽ không vào Việt Namvới vai trò của nhà đầu tư. Hơn nữa, trong cuộc đua tranh toàn cầu để đi tìm tài năng thì các đại học Mỹ đòi hỏi đối tác rất cao. Nói thẳng ra thì Việt Nam phải sẵn sàng đề trả tiền. Thứ hai, và cũng quan trọng như vậy, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng các đại học danh tiếng sẽ không thỏa hiệp về tiêu chuẩn học thuật của họ và chính quyền sẽ phải chấp nhận làm sao để điều hành cho tốt, bao gồm cả việc cho phép sự tự do và tự trị học thuật lớn hơn so với tiêu chuẩn ở Việt Nam hiện nay. Thứ ba, bởi vì giáo dục đại học Mỹ có tính giải tâm cao, chính quyền Mỹ sẽ phải đóng vai trò hạn chế, tức là chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các đại học Mỹ tham gia mà thôi.

IV. Kết luận: Nhu cầu đổi mới cơ chế

Cải cách điều hành toàn diện là yếu tố then chốt để cải tiến giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, cải cách cơ chế khoa học ở bất kỳ đâu cũng là một quá trình dài lâu. Chính vì thế chúng tôi cho rằng Việt Nam phải xây dựng một cơ chế giáo dục đại học mới mà từ đầu phải tiếp thu sự điều hành tối vào DNA cơ chế của nó [8]. Một nỗ lực như vậy sẽ có tác động chuyển hóa đối với giáo dục đại học Việt Nam. Một cơ chế mới sẽ giúp lôi kéo các học giả và nhà khoa học Việt Nam trẻ về nước, những người hiện nay không quan tâm đến việc theo đuổi nghề nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. Thứ hai, một cơ chế như thế có thể trở thành hình mẫu để các đại học khác học hỏi và cạnh tranh – cũng như thành nguồn gốc cho sự cạnh tranh lành mạnh và tối cần thiết. Chúng tôi cho rằng Đặc nhiệm Giáo dục đại học có vị trí đặc biệt trong việc phát triển quá trình cải cách ở Việt Nambằng cách phát triển một sơ đồ toàn diện hơn và khả thi hơn đối với đổi mới cơ chế ở Việt Nam.

Phụ lục

GS Hoàng Tụy vẫn được coi là một trong những nhà khoa học Việt Nam xuất sắc nhất trong thế kỷ 20. Là một nhà toán học, ông đã xuất bản rộng rãi trên các tạp chí của tế và một định lý mang tên ông. GS Tụy đã nổi lên như là một trong những người phê phán sắc sảo nhất đối với giáo dục đại học và khoa học Việt Nam. Bài tiểu luận sau xuất hoiện trên Tia sáng, một tạp chí tiếng Việt do Bộ khoa học công nghệ Việt Namxuất bản. Chương trình Việt Namcủa Havard dịch sang tiếng Anh.


Năm mới, chuyện cũHoàng Tụy
(Tạp chí Tia sáng, 2007)

Cách đây mấy tháng, phát biểu trước Quốc hội khi từ nhiệm, nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải nhìn nhận chúng ta không thành công trên lĩnh vực giáo dục và khoa học. Rồi chỉ mới cách đây vài tuần, ông Lý Quang Diệu, một chính khách lỗi lạc của Singapore, lại có lời nhắc nhở chúng ta: thắng trong giáo dục thì sẽ thắng trong kinh tế.

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho việc hội nhập quốc tế khi đất nước gia nhập WTO, mong rằng hai ý kiến đó sẽ tạo một cú hích mới cho giáo dục và khoa học Việt Nam.

Thật ra sự trì trệ triền miên của giáo dục và khoa học Việt Nam nhiều năm qua là sự thật khách quan dễ nhận thấy. Nhưng đây là lần đầu tiên sự thật đó được chính thức thừa nhận bởi người có trách nhiệm chính quyền cao nhất trong một thời gian dài. Nếu như trung thực với chính mình, không tự ru ngủ bằng những thành tựu ảo hay phóng to lên nhiều lần, là điều kiện đầu tiên để thành công trong hội nhập thì nhận định của vị cựu lãnh đạo không những không làm chúng ta bi quan mà ngược lại đã gây cho chúng ta niềm tin vào tương lai hơn, vì từ đây ta biết rõ hơn mình đang ở đâu và cần làm gì để gỡ lại sự chậm trễ.

Singaporelà nước đã bứt phá ngoạn mục từ kém phát triển lên tiên tiến trong thời gian 3-4 thập kỷ, nhờ chủ yếu đã biết chăm lo giáo dục từ sớm. Cho nên lời khuyên của họ có trọng lượng thuyết phục hơn cả mọi lý thuyết. Phải nói rằng chúng ta cũng đã có những nhà lãnh đạo sáng suốt nhìn nhận tầm quan trọng “quốc sách hàng đầu” của việc phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Song thực tế nhiều năm qua cho thấy không dễ gì đưa được quan điểm ấy vào cuộc sống. Trong khi các văn kiện, nghị quyết nhấn mạnh quan điểm ấy, thì nhiều chính sách thực tế liên quan giáo dục và khoa học đều thể hiện tinh thần ngược lại. Hy vọng lần này tác dụng cộng hưởng của hai ý kiến trên của hai chính khách Việt Nam và Singapore sẽ làm thức tỉnh quan chức ở mọi ngành để có quyết tâm cao hơn góp sức chấn hưng giáo dục và khoa học vì sự phát triển của đất nước.

1. Cần một tầm nhìn chiến lược.

Muốn vực giáo dục và khoa học lên, vấn đề đầu tiên không phải là “tiền đâu”. Thật sự nguyên nhân chính của sự suy thoái giáo dục, khoa học không phải do thiếu tiền mà do ta không biết cách làm, cách quản lý. Giáo dục, khoa học là một hệ thống phức tạp, chỉ có thể quản lý tốt trên cơ sở hiểu biết đầy đủ các đặc thù hệ thống của nó, và chú ý kinh nghiệm của thế giới và các thế hệ đi trước. Điều quan trọng trước hết là phải có một tầm nhìn chiến lược về mục tiêu trước mắt và lâu dài, hướng đi, nhu cầu, khả năng trong xu thế phát triển, tư tưởng chỉ đạo, đường lối tổng quát, cũng có thể gọi là triết lý làm giáo dục, khoa học thời nay, trong thế giới này. Thiếu một tư duy hệ thống, một tầm nhìn chiến lược bao quát thì dễ sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “cải cách” liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều mà kết quả chỉ là làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, không có sinh khí. Thế giới ngày nay biến chuyển mau lẹ, xây dựng giáo dục và khoa học trong thế giới đó đòi hỏi những người lãnh đạo không chỉ có tâm trong sáng và trung thực mà còn phải đủ tầm nắm bắt nhanh nhạy những biến chuyển đó và có khả năng suy nghĩ sáng tạo để tìm ra chiến lược phát triển thích ứng nhất.

2. Một lỗi hệ thống cần sửa.

Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học. Một nền giáo dục, khoa học đã thiếu vắng các đạo đức cơ bản ấy tất nhiên hoạt động không bình thường và sớm muộn lâm vào bế tắc. Khi đó chỉ bằng những điều chỉnh cục bộ theo cơ chế phản hồi trong điều hành không cứu nổi hệ thống, mà phải tìm cho ra các lỗi hệ thống và sửa các lỗi đó mới mong đưa được hệ thống ra khỏi khủng hoảng. Vậy cái lỗi hệ thống gì khiến cho giáo dục, khoa học của ta thiếu cần, thiếu kiệm và thiếu cả liêm, chính? Câu hỏi này đặt ra không chỉ cho giáo dục, khoa học mà cho cả bộ máy nhà nước ta. Chính vì cái lỗi hệ thống đó nên cuộc chiến chống tham nhũng cho đến nay vẫn chưa thành công.

Mấu chốt nằm ở nghịch lý lương/thu nhập: lương chỉ bằng một phần nhỏ thu nhập ngoài lương, thì đương nhiên người lao động giáo dục, khoa học phải dồn phần lớn tâm trí, khả năng để kiếm thu nhập ngoài lương, mà phần này thì phân phối tùy tiện, bất công, không có kiểm toán chặt chẽ, cho nên là nguồn gốc nhiều sự tiêu cực mà ai cũng biết. Vì sao nói đó là lỗi hệ thống? Vì nó chi phối, làm méo mó mọi quan hệ trong hệ thống. Đến mức bây giờ dù có tăng lương cho đủ sống mà không sửa cái lỗi hệ thống đó thì cũng chẳng thay đổi được tình hình. Thậm chí lỗi hệ thống đó đã sản sinh ra những quan hệ vận hành lâu ngày trở thành một phần cấu trúc của hệ thống nên ngay khi đã sửa lỗi đó rồi cũng phải đợi một thời gian và có thể phải sửa thêm một số lỗi hệ thống khác nữa mới đưa được hệ thống về hoạt động bình thường.

Dù sao, giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính và do đó nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, khoa học. Tôi dám cam đoan còn tồn tại nghịch lý đó thì giáo dục, khoa học còn hư hỏng. Mà giải tỏa cái nghịch lý đó hoàn toàn khả thi về tài chính, nhưng đương nhiên khó khăn tư tưởng khá lớn vì nó đụng chạm đến một bộ phận khá đông quan chức được hưởng lợi từ cách quản lý thiếu minh bạch này. Chung quy vấn đề là ta có thật sự muốn xây dựng một nền giáo dục, khoa học lành mạnh hay không, đó chính là câu hỏi phải trả lời trung thực.

3. Tư duy toàn cầu.

Muốn thắng cuộc trong thế giới toàn cầu hóa, tất nhiên mọi suy nghĩ và hành động đều phải chú ý tới luật chơi chung. Phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động thì mới có thể hợp tác và cạnh tranh được. Tiếc thay, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, tiêu chuẩn đánh giá trình độ một công trình khoa học, một nhà khoa học, một trường đại học, chúng ta đều có tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Có những công trình khoa học, những luận văn tiến sĩ của ta ngay cả về những ngành học thuật có tính quốc tế như khoa học cơ bản, kinh tế, v.v…, nếu xét theo tiêu chuẩn thông thường ở các nước thì thậm chí chỉ là những mớ giấy lộn. Đội ngũ GS của ta thì nhiều người hữu danh vô thực, số khá đông dưới xa chuẩn mực quốc tế bình thường nhất. Oái ăm là trong khi đó nhiều người có năng lực xứng đáng, nhất là người trẻ, lại bị loại vì không đạt các tiêu chuẩn vớ vẩn, không giống ai, của ta. Chẳng lạ gì có những ông A bà B trong nước được coi là nhà khoa học nổi tiếng mà trên quốc tế hoàn toàn vô danh. Thời gian gần đây lại xuất hiện ngay trong hàng ngũ các quan chức hàng loạt viện sĩ “hữu nghị”, viện sĩ “chạy”, viện sĩ “mua”, hoàn toàn không xứng với danh hiệu mà nhiều người vẫn tưởng là dành cho những tài năng lỗi lạc.

Chuẩn mực xô bồ như vậy mà ngày nọ tôi còn thấy môt vị lãnh đạo của Hội đồng Chức danh GS tuyên bố trên báo rằng GS… phải là người xây dựng được trường phái học thuật của mình (!). Thật tình tôi không biết cái gọi là trường phái học thuật đó có gì chung với khái niệm trường phái học thuật theo cách hiểu thông thường ở các nước. Với chuẩn mực khác người như vậy, làm sao có thể hội nhập quốc tế dễ dàng được.

Cái nguy hại của việc huênh hoang bất chấp các chuẩn mực quốc tế là ta tự lừa dối ta quá dễ dàng, cuối cùng thật giả lẫn lộn, chẳng còn sự phân biệt nào giữa người có năng lực thật và những kẻ bất tài. Các chức danh GS, PGS ở Việt Nam bây giờ quá rẻ, đến độ khi bàn về nhân tài mà nêu GS nọ GS kia, nhiều người nghe cũng đủ ớn.

4. Trách nhiệm cộng đồng.

Kinh tế tri thức thực chất là nền kinh tế dựa vào chất xám và tài năng. Cho nên công cuộc hội nhập muốn thành công phải coi trọng đặc biệt vấn đề thu hút nhân tài. Đã từ nhiều năm Nhà nước hô hào người Việt thành tài ở nước ngoài về nước làm việc. Chủ trương đó rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên sự thực thì vấp phải quá nhiều rào cản, mà rào cản lớn nhất là chủ trương chung thì thoáng nhưng đi vào cụ thể thì còn nhiều chính sách rất bí. Từ cấp lãnh đạo cao đến người dân chưa phải ai cũng đã thật sự thông suốt với chủ trương này.

Chẳng hạn các cơ quan quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đều có nhiều quy định kỳ lạ, thể hiện những quan niệm rất bảo thủ và lạc hậu hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những yêu cầu tối thiểu về điều kiện làm việc cho các nhà khoa học. Một vài ví dụ: theo quy định của bộ Tài Chính, tiêu chuẩn không gian nơi làm việc cho giáo sư thấp hơn cả trưởng phó phòng hành chính, giáo sư phải chen chúc nhiều người trong một phòng chật hẹp, tìm đâu có chỗ để nghiên cứu, thảo luận, gặp gỡ giúp đỡ sinh viên. Tiền thù lao giờ giảng thì phụ thuộc chức vụ hành chính một cách lố bịch (Thứ, Bộ trưởng được thù lao giờ giảng cao hơn hẳn GS, PGS). Xếp ngạch bậc lương thì GS bậc cao nhất cũng chưa bằng chuyên viên cao cấp bậc thấp nhất, và số bậc nhiều đến mức phần lớn nhà khoa học giỏi làm việc nghiêm túc đến khi nghỉ hưu vẫn chưa leo lên được đến bậc cuối cùng, trừ khi tuổi hưu được gia hạn đến… 90 hay 100.

Hôm nọ tôi thấy trên báo còn có độc giả phát biểu: những người được đi học thành tài ở nước ngoài chưa đóng góp được gì cho Tổ quốc mà đòi hỏi điều kiện đãi ngộ này nọ là không ổn. Ai dám bảo ý kiến đó sai, nhưng sao mà nó giống với ý kiến: giáo sư là gì mà đòi hỏi buồng riêng, hoặc: anh là nhà khoa học Việt kiều, đã sống sung túc bao nhiêu năm, bây giờ về nước công tác sao còn đòi hỏi ưu đãi nọ kia. Với những quan niệm như thế thì thôi xin đành gác lại chủ trương thu hút người tài, và lùi cái thời hạn đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sang thế kỷ 22 hoặc sau nữa.

5. Tư duy tốc độ.

Để hội nhập thành công trong thế giới ngày nay, không chỉ cần hiệu quả mà còn cần tốc độ, hay nói đúng hơn đáp ứng nhanh trở thành một lợi thế đáng kể trong kinh doanh, nhiều khi còn quan trọng hơn hiệu quả.

Số là, cho đến gần đây, tiêu chí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh là hiệu quả và thông thường các hãng tập trung vào dự đoán nhu cầu của khách hàng và tăng hiệu quả đồng vốn. Logic kinh doanh đó thích hợp khi thị trường ổn định và thay đổi chậm. Nhưng ngày nay, khi thị trường khó tiên liệu và thế giới biến chuyển nhanh chóng mặt, thì cái logic ấy không còn thích hợp mà phải nhường chỗ cho một logic mới đặt ưu tiên vào khả năng thích ứng mau lẹ nhiều hơn là hiệu quả. Trước kia cặm cụi “làm-ra-và-tiêu-thụ” – make-and-sell thì bây giờ phương châm hoạt động là thường xuyên “nắm-bắt-và-ứng-đáp” – sense-and-respond. Tốc độ, khả năng thích ứng mau lẹ trở thành yêu cầu tối quan trọng, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội.

Trong cái thế giới đổi thay cực nhanh này, khó ai chấp nhận kiểu làm việc lề mề, chậm chạp như chúng ta. Cải cách hành chính hơn mười năm chưa thấy kết quả gì, chỉ thấy làm rối thêm một số việc đơn giản. Nhiều lỗi hệ thống là nguyên nhân chủ yếu sinh ra tham nhũng, quan liêu, lãng phí tràn lan, nhưng vẫn cứ tồn tại năm này qua năm khác. Kỳ họp Quốc hội nào cũng lên án mạnh mẽ tham nhũng, thế mà rồi cái quốc nạn ấy không hề bị đẩy lui. Ngay cái tập quán phong bì là nét văn hóa đáng xấu hổ của xã hội ta mà hàng chục năm rồi vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí văn phòng một cơ quan đầu não còn làm gương xấu. Giáo dục, khoa học trì trệ, trong lúc chất xám bị sử dụng hết sức lãng phí. Năm này qua năm khác, hội thảo đi rồi hội thảo lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không có được một chính sách cụ thể khả dĩ đem lại chút niềm tin trong vấn đề này. Bàn đi tính lại mãi chuyện khuyến khích tài năng, cuối cùng chỉ làm được mỗi việc là ghi tên các thủ khoa đại học vào bảng vàng để ở Văn Miếu! Từ hơn mười năm về trước đã có biết bao đề nghị hợp lý về cải cách, chấn hưng giáo dục, từ việc đào tạo tiến sĩ, công nhận GS, PGS, đến nhiều việc cụ thể khác về thi cử, phân ban, tuyển sinh, tự chủ đại học,v.v. có thể nói không có vấn đề gì thiếu những đề nghị cải cách cụ thể, nhưng mãi đền gần đây một số những đề nghị ấy mới bắt đầu được nghiên cứu. Cải cách quản lý luôn là những chủ đề nóng của giáo dục và khoa học, nhưng cũng không có lĩnh vực nào đổi mới chậm chạp hơn giáo dục và khoa học. Ngay gần đây nhất cái ý tưởng hay lập một đại học đẳng cấp quốc tế, từ lúc được Thủ Tướng chấp nhận và nêu ra, được nhiều nhà khoa học Mỹ nhiệt tình ủng hộ, đến nay đã gần hai năm vẫn chưa thấy hình hài rõ ràng. Anh bạn tôi kể lại trong khi đó Thủ tướng Trung Quốc vừa sang thăm một nước Phương Tây, thỏa thuận với họ cho một đại học nổi tiếng mở chi nhánh ở Bắc Kinh thì chỉ mấy tháng sau họ đã chiêu sinh. Cơ hội gì cũng chỉ trong thời gian nào đó, có bao giờ là vĩnh viễn.

Sống trong thời đại internet, tên lửa vũ trụ, điện thoại di động, mà cứ giữ nếp tư duy chậm chạp và làm việc rùa bò thì mọi thời cơ bay đi hết. Không ai đủ kiên nhẫn chờ chúng ta. Thời đại công nghệ thông tin vừa mới bắt đầu chưa lâu la gì thì nay họ đã bàn chuyển qua thời đại công nghệ nano, chưa biết rồi sẽ còn những gì bất ngờ nữa đây để liệu mà vừa làm vừa nghĩ vừa chạy, vẫn không kịp “sense-and-respond”.

Chú thích:

[1] Chương trình Việt Namnằm trong chương trình châu Á của viện Ash của trường Kennedy. Nhiệm vụ của viện Ash là đẩy mạnh sự cách tân trong chính quyền và hành chính công. Ở vùng châu Á Thái Bình Dương, nhiệm vụ này do các chương trình mở rộng ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác tiến hành.

[2] Để có một phân tích so sánh hệ thống về những thách thức về chính sách đang ở trước mặt Việt Nam, xem “Lựa chọn thành công: Sự phát triển của Đông Á và Đông Nam Á và những bài học cho Việt Nam” ở http://www.innovations.harvard.edu/showdoc.html?id=98251.

[3] Hệ thống đại học Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống đại học Xô viết, trong đó các trường đại học chủ yếu là các học viện giảng dạy, còn nghiên cứu thì do các viện nghiên cứu thực hiện. Chính quyền Việt Nam đang cố phát triển nghiên cứu ở các trường đại học, nhưng những nỗ lực này không mấy thành công, lý do chúng tôi sẽ bàn đến dưới đây. Như ta thấy trong bảng 1, các viện nghiên cứu Việt Namcũng không thực hiện tốt nhiệm vụ này.

[4] Phân tích của chúng tôi về những thất bại trong việc điều hành ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của những kết quả nghiên cứu của Đặc nhiệm Giáo dục Đại học, được thu thập bởi Ngân hàng Thế giới và UNESCO và đồng chủ tịch bởi GS Rosovsky ở ĐH Harvard và GS Professor Mamphela Ramphele ở ĐH Cape Town. Trong báo cáo kết luận, Hiểm họa và Hứa hẹn: Những thách thức của Giáo dục đại học ở các nước đang phát triển, Đội đặc nhiệm đã kết luận rằng điều hành thường là rào cản lớn nhất đối với việc đạt được những thành quả tốt hơn (có thể xem tại http://www.tfhe.net.) GS Rosovsky là cố vấn của chương trình mà Viện Ash Institute đang tiến hành về đổi mới cơ chế ở Việt Nam.

[5] Phải nhấn mạnh rằng một thành tố của hệ thống giáo dục đại học không bị hủy hoại bởi tham nhũng và cục bộ gia đình là kỳ tuyển sinh đại học. Chính quyền dành nguồn tài chính đáng kể để bảo đảm rằng kỳ thi không bị dàn xếp. Kết quả là sinh viên được nhận vào là những người có tài và có nhiều người đã thành công trong việc tự học để bổ sung cho chương trình học đã lỗi thời.

[6] Trong những năm gần đây các đại học tư đang nở rộ. Tuy nhiên những học viện này vẫn phải phụ thuộc vào nhiều trong số những lực điều khiển giống như các đại học công. Hầu hết đều là những thương vụ kinh doanh kiếm lãi và dựa vào học phí để tạo ra lợi tức; cho nên chất lượng cũng thấp như nhau cả.

[7] “Đại học Việt Đức” là học viện đầu tiên trong số những học viện mới này. Nó được coi như là một dự án liên thông giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền Đức.

[8] Chúng tôi đã đề nghị với chính quyền Việt Nam là việc này giống như một liên doanh giữa các đại học Mỹ để xây dựng một học viện nghiên cứu, ban đầu sẽ đào tạo đại học và từ từ sẽ thực hiện chương trình sau đại học.

Nguồn tài liệu gốc: http://www.hks.harvard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3497

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn