Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

SÁCH QUỐC-VĂN GIÁO-KHOA THƯ
13/05/2010

Đôi lời thưa trước
Cuốn sách Quốc-văn giáo-khoa thư – sách tập đọc và tập viết dành cho Lớp dự - bị lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1935, sách do Nha Học – chính Đông – Pháp giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận biên soạn. Cuốn sách này mới đây đã được Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2000.

Đây là một cuốn sách rất quý giá, có giá trị sư phạm và văn học rất lớn mà cho đến ngày nay khó có một bộ sách nào sánh kịp với nó. Cuốn sách trở thành nhân chứng lịch sử một thời về nền giáo dục nói chung và việc học Tiếng Việt nói riêng của thời kỳ những năm đầu của thế kỷ XX.


Trong một thời gian dài, lớp lớp học sinh tiểu học thời bấy giờ đều được học tập và rèn luyện từ Bộ sách Tiểu học Tùng thư này. Mỗi bài học trong cuốn sách đều thật giản dị và đầy ý nghĩa nhằm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản đầu đời cho các em nên người, những bài học dạy các em đạo lý làm con cháu hiếu thảo, lễ nghĩa với thầy cô, chan hòa với bạn bè và trở thành người giàu lòng tự trọng với tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào mình…

Và bởi chính những bài học đạo đức có giá trị sâu sắc đầy tính nhân văn đó mà trải qua bao nhiêu năm, cuốn sách ngày càng được trân trọng và giữ gìn.

Chúng tôi xin đăng tải lời tựa của cuốn sách Quốc-văn giáo-khoa thư của dịch giả Hữu Ngọc đến bạn đọc. Mời các bạn đón xem!

LỜI TỰA

(của dịch giả Hữu ngọc)


Quốc-văn giáo-khoa thư

Trẻ con sống trong hiện tại, lớn lên sống trong tương lai, về già sống trong dĩ vãng. Nhận xét này do một cuốn sách tâm lý học phương Tây nêu lên phải chăng là một quy luật phổ biến? Tôi không có ý tranh luận ở đây.

Có điều là nhiều người cao tuổi, theo chỗ tôi biết, thích nghĩ về quá khứ, nhớ lại những sự việc và con người thuộc quá khứ có khi còn tinh tường hơn những sự việc và con người thuộc thời gian gần hơn, nhất là khi tuổi đã sắp “cổ lai hy”.

Tôi đã có dịp hỏi nhiều người Việt Nam tuổi ngoài sáu mươi (kể cả Việt kiều) đã từng theo học trường Tiểu học Pháp-Việt dăm sáu năm trước Cách mạng tháng Tám 1945: “Bác có nhớ sách Quốc-văn giáo-khoa thư không?”. Hầu như tất cả đều gợi lại một cách trìu mến bộ sách ấy với những câu khó quên: “Ai bảo chăn trâu là khổ?”, “Chỗ quê hương là đẹp hơn cả”, “Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”… Có người còn đọc một mạch một số bài, không quên một chữ.

Cái gì đã khiến cho bộ sách 3 tập dạy Việt Văn cho trẻ 7-8-9 tuổi do chính quyền thực dân Pháp cho soạn để phục vụ một nền giáo dục cơ bản là ngu dân mà lại để lại những rung cảm lưu luyến trong lòng những thế hệ 60-70 tuổi đã từng kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến thắng lợi Điện Biên Phủ?

Lý do thứ nhất có lẽ là lý do tâm lý. Trừ những trường hợp thật bi đát, khi nghĩ về quá khứ, nhất là về thời thơ ấu, người ta thường nhớ đến cạnh khía đẹp hơn cạnh khía xấu, - thời gian tô vẽ nó đẹp hơn thực tế sống.

Lý do thứ hai là có sự đan xen giữa hai hiện tượng chế độ thực dân và tiếp biến văn hóa (acculturation). Tuy Quốc-văn giáo-khoa thư chỉ là sách cho trẻ em, nó cũng phản ánh khá rõ rệt hai hiện tượng ấy.

Tuy Quốc-văn giáo-khoa thư chỉ là sách cho trẻ em, nó cũng phản ánh khá rõ rệt hai hiện tượng ấy.

Thực chất của chủ nghĩa thực dân, con đẻ chủ nghĩa đế quốc, là xâm chiếm đất của các dân tộc nhược tiểu để bóc lột làm giàu. Nó được ngụy trang bằng lý thuyết “nhiệm vụ người da trắng khai hóa cho người da màu”, “mang văn minh đến cho các dân tộc lạc hậu”. Giáo dục được quan niệm qua lăng kính này. Và Quốc-văn giáo-khoa thư là một công cụ phục vụ chính sách thực dân pháp, do Nha học chính Đông Pháp xuất bản từ những năm 20. Dĩ nhiên, sách có một số bài (tỷ lệ không nhiều) đề cao công cuộc “khai hóa” của thực dân pháp, như: Ông Paul Bert (toàn quyền), - Nước có trị thì dân mới an (Chính phủ Bảo hộ dẹp loạn), - Hà Nội, kinh đô mới ngày nay, - Đường xe lửa chạy suốt xứ Đông Pháp… Hẳn là một số thành tích này là có thật, nhưng được thực hiện không do mục đích nhân đạo mà do mục đích cuối cùng là tạo điều kiện để khai thác thuộc địa. Còn những biện pháp bóc lột đàn áp dã man thì không nói đến.

Bỏ phần tiêu cực đi, phần tích cực còn lại của Quốc-văn giáo-khoa thư có lẽ là chủ yếu. Nhớ lại, hồi còn bé, khi đi học, những cái gì là “nịnh tây” chúng tôi đều coi thường, có lẽ trong tiềm thức của người dân mất nước đã sẵn có chất men phản kháng.

Còn lại là những bài phản ánh sự “tiếp biến văn hóa” Việt (phương Đông)-Pháp (phương Tây) theo nghĩa tốt của nó. Song song với ảnh hưởng chủ nghĩa thực dân, nhiều khi ngoài ý muốn của chủ nghĩa thực dân, nền văn hóa Việt Nam đã biết tiếp thu cái mới của phương Tây và bảo tồn cái gốc của phương Đông, của bản sắc dân tộc.

Trong Quốc-văn giáo-khoa thư, trẻ em Việt Nam đã học hỏi, làm quen với lời văn giản dị, khúc triết của ngôn ngữ Pháp, với các kiến thức khoa học như: Bệnh ghẻ, Mây và mưa, Con ong, Đau mắt, Bệnh chó dại, Tinh tú…

Cái quan trọng nhất mà các thế hệ kháng chiến chống Pháp trìu mến trong Quốc-văn giáo-khoa thư là các tác giả, bằng những bài không quá 200 chữ, đã kết tinh được hồn văn hóa dân tộc, đặc biệt nâng niu tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương, lịch sử oai hùng của cha ông. Người Pháp có một kẽ hở trong chương trình giáo dục các cấp, do đánh giá chủ quan: họ không cho học môn lịch sử ở bậc đại học, chỉ cho học lịch sử nước Pháp ở ban tú tài mà học sinh Việt Nam đã thấm nhuần ý tưởng tự do, độc lập dân tộc của Cách mạng Pháp 1789. Trong Quốc-văn giáo-khoa thư những bài về lịch sử Việt Nam dĩ nhiên không nói gì đến phong trào chống Pháp mà chỉ hướng về những cuộc nổi dậy chống xâm lược Trung Quốc (Chị em Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn…). Có lẽ với ý đồ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, coi đó là kẻ thù chính của Việt Nam, chứ không phải là Người Pháp (Giặc khách ở Bắc Kỳ). Nhưng chính những bài ấy lại thổi bùng ngọn lửa yêu nước chống mọi ngoại xâm (kể cả Pháp).

Ngoài ra một mảng lớn các bài (kể cả ca dao) ca ngợi cái đẹp của đời sống nông thôn (Làng tôi, Chỗ quê hương, Rủ nhau đi cấy, Công việc người làm ruộng…), đề cao những đức tính lao động, hiếu thảo, tình thày trò, tình thương yêu đồng loại… trong khuôn khổ không học và nền đạo lý dân gian.

Vì những lý do trên, Việt kiều ở Pháp đã tái bản Luân-lý giáo-khoa thư cho con em học tiếng Việt và gắn với quê hương, và ở Hà Nội, một cuốn sách phụ đạo về luân lý đã in lại một số bài trong đó.

LỜI NGƯỜI DỊCH

“Sự hiểu biết về tổ quốc là nền tảng của mọi nền học vấn đích thực”. Câu nói mở đầu lời tựa cho cuốn “Hai đứa trẻ đi vòng quanh nước Pháp” (1905) ấy cũng có thể ghi lên trang đầu cuốn sách này.

Đây là cuốn sách tập đọc bằng chữ quốc ngữ cho học sinh lớp dự bị (bản xứ) dưới thời Pháp thuộc. Cuốn sách được Nha học chính Đông Pháp đặt biên soạn từ những năm 1930, giữa thời kỳ “Bảo hộ”.

Ngày nay, việc đọc lại nó sẽ khiến những người đã từng sống qua cơn Bão táp lớn mỉm cười buồn rầu pha chút buồn nhớ nhung: chính tả đã thay đổi, cách hành văn thường cổ lỗ và mang phong cách tỉnh lẻ, các ý trong bài học và các bài tập có vẻ trịnh trọng quá mức và “lạc hậu”.

Chính vì thế mà nó trở thành một nhân chứng lịch sử có thể hấp dẫn không chỉ người Việt Nam còn nói tiếng pháp, mà cả con cái của những người xa xứ muốn tìm lại đôi chút cội rễ của mình. Những bài khoa học thường thức đơn giản và trực tiếp này sẽ giúp họ tìm thấy hoặc tìm lại được nhiều nét của văn hóa Việt Nam.

Việc dịch cuốn sách này được ông Hữu Ngọc, chuyên gia xuất sắc về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa Pháp, gợi ý. Nhằm mục đích làm cho độc giả nói tiếng Pháp có thể hiểu được bản gốc tiếng Việt, bản dịch này bám sát bản gốc ở mức độ cao nhất có thể. Không tham vọng, nhằm tính giản dị, bản dịch này có thể có vẻ khá tẻ nhạt, đôi khi vụng về, nhưng độc giả sẽ dễ dàng tưởng tượng ra một bản dịch đúng hơn với cái thần của ngôn ngữ. Cách trình bay như vậy là cần thiết cho việc học tiếng Việt, và hiểu biết tiếng việt đi đôi với sự tồn tại của tiếng Pháp ở Việt Nam, bởi vì các trao đổi văn hóa và ngôn ngữ phải được tiến hành từ cả hai phía. Đối với tôi, việc dịch đúng từng từ đã giúp tôi học được nhiều điều mà trước đây tôi không chú ý lắm.

Tôi đã mất không ít công sức để thể hiện lại bản gốc một cách trung thực nhất. Nguyễn Ngọc Ánh đã giúp tôi sửa một số nhầm lẫn và thường giúp tôi hiểu được sắc thái chính xác của từ. Về nguyên tắc, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về những nhầm lẫn còn sót lại. Việc xuất bản một cuốn sách kiểu này, với minh họa từ thời đó, chỉ có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật và tài chính ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Nhà xuất bản Thế Giới đã nhận trách nhiệm ấy.

Hy vọng rằng cuốn sách này, ngay cả bản dịch tiếng pháp của nó, cũng sẽ là một niềm vui, có thể là xen lẫn chút nhớ nhung, đối với các bạn học của tôi ở Trường Puginier, Trường trung học Albert Sarraut và Trường Luật ở Hà Nội. Độc giả nào muốn biết nhiều hơn nữa, xin tham khảo những tác phẩm sau (phần lớn không thể tìm thấy nữa hoặc chỉ có các bản in lậu):

- Phạm Quỳnh, Le paysan tonkinois à travers le parler populaire, Hanoi, 1943.

- Pierre Huard et Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, Paris-Hanoi,1945.

- Dương Đình Khuê, La littérature populaire vietnamienne, Saigon, 1967; réédition Bruxelles, 1967.

- Lê Thành Khôi, Aigrettes sur la rizère, Paris, 1995.

- Hữu Ngọc, Esquisses pour un portrait de la culture vietnamienne, Hanoi, 1995.

- Hữu Ngọc, Esquisses pour un portrait de Hanoi, Hanoi, 1997.

- Hữu Ngọc, Dictionnaire de la culture traditionnelle du Vietnam, Hanoi, 1997.

Tôi đã sử dụng rất hiệu quả các tác phẩm sau này:

- Victor Barbier, Miss. ap., Dictionnaire Annamite-Francais, 3e édition, Hanoi-Haiphong, 1929.

- Alfred Léon Bouchet, Lexique Annamite-Francais, 4e édition, Haiphong, 1934.

- Gustave Hue, Miss. ap., Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Francais, 1937, Trung Hòa, nouvelle édition, Saigon, 1991.

- Dictionnaire Vietnamies-Chinois, You Feng, Paris s.d.

Louis Sizare

Luxembourg

Tết Canh Thìn - 2000

1. Tràng học vui

2. Ngày giờ đi học

3. Đi học để làm gì?

4. Lịch sử nước ta

5. Khuyến hiếu đễ

6. Mau trí-khôn

7. Người ta cần phải làm việc

8. Làng tôi

9. Chọn bạn mà chơi

10. Khuân tảng đá

11. Nội-thuộc nước Tàu

12. Ông Tôi

13. Bà ru cháu

14. Cây sen

15. Truyện hai chị em bà Trưng

16. Chuyện người Thừa-Cung

17. Đồ làm ruộng

18. Bịnh ghẻ

19. Bịnh ghẻ (tiếp theo)

20. Học-trò chăm học

21. Học-trò lười-biếng

22. Chữ nho

23. Nên giúp đỡ lẫn nhau

24. Lễ phép với người tàn-tật

25. Cày cấy

26. Truyện ông Ngô-Quyền

27. Mây và mưa

28. Thợ làm nhà

29. Chăn trâu

30. Vua Lý Thái-tổ dời đô ra thành Hà-nội

31. Chỗ quê hương đẹp hơn cả

32. Ngoan (giỏi) được khen, hư phải chê

33. Con ong

34. Ông Trần-Quốc-Tuấn

35. Mấy lời khuyên về vệ-sinh

36. Ngày giỗ

37. Bữa cơm ngon

38. Ông Lê-Lai liều mình cứu chúa

39. Tối ở nhà

40. Con cò mà đi ăn đêm

41. Ta không nên ngã lòng

42. Truyện gươm thần của vua Lê-Lợi

43. Cái cày

44. Con trâu

45. Con chim với người làm ruộng

46. Vua Lê Thánh-Tôn

47. Kính trọng người già cả

48. – Lòng thương kẻ tôi-tớ

49. Học-trò biết ơn thầy

50. Các khoa thi

51. Học thuộc lòng

52. Làm người phải học

53. Chùa làng tôi

54. Mưa dầm gió bấc

55. Cơn mưa

56. Đứa bé và con mèo

57. Ông Nguyễn- Kim

58. Trang-sức

59. Ăn mặc phải giữ-gìn

60. Một cái thư

61. Ông tổ sáng nghiệp nhà Nguyễn: ông Ngyễn-Hoàng

62. Thư gửi mừng thầy học

63. Cái cò, cái vạc, cái nông.

64. Chim sơn-ca(chuyện-chuyện)

65. Lũy Đồng-hới

66. Con chuột

67. Ở sạch thì không hay đau mắt

68. Lý-trưởng làng ta

69. Cố Alexandre de Rhodes và việc đặt ra chữ quốc-ngữ

70. Tuần phu

71. Thú thật

72. Đi câu

73. Người đi cấy

74. Da

75. Người ta cần phải vận-động

76. Ba thầy thuốc giỏi

77. Phải có thứ tự

78. Rau muống

79. Bắp ngô

80. Gừng và riềng

81. Chuyện ông Tử-Lộ

82. Phải bạo-dạn mới được

83. Truyện Sơn- tinh, Thủy- tinh

84. Anh em phải hòa thuận

85. Bịnh chó dại

86. Đền Ngọc-sơn ở Hà-Nội

87. Không đánh đáo

88. Tiếng động ban đêm

89. Gió

90. Các lăng-tẩm ở Huế

91. Công nghệ

92 . Người đi buôn thật thà

93. Chơi đùa không phải là vô ích

94. Ông vua có lòng thương dân

95. Mặt trời

96. Mặt trăng

97. Các cách đi thủy đi bộ

98. Cối giã gạo

99. Nhà ở phải sạch-sẽ và có ngăn-nắp

100. Các tinh-tú

101. Công việc của người làm ruộng

102. Viện Pasteur

103. Nghỉ hè/a>

104. Ông già với bốn người con

105. Người khôn hơn loài vật



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3890

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn