Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

MÔ HÌNH QUẢN LÝ HỌC & DẠY PHẦN I
07/02/2006


PHẦN I: VÌ SAO PHẢI QUẢN LÝ HỌC & DẠY VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CỦA MÔ HÌNH


Trong bài viết này tôi không có tham vọng trình bày một cách tổng quát về bài toán quản lý nhà trường nói chung và trường phổ thông nói riêng. Tại Việt Nam, có lẽ còn quá sớm để có thể có được một mô hình tổng thể như vậy. Bài viết sẽ chỉ đề cập đến một bài toán quản lý cụ thể và tương đối rõ ràng nhất trong trường phổ thông, đó là việc quản lý "điểm" học sinh, hay nói một cách chính xác hơn là bài toán quản lý việc HỌC của học sinh và DẠY của giáo viên trong nhà trường. Theo chúng tôi được biết đã có khá nhiều các phần mềm được viết theo hướng này và đang áp dụng trong nhiều trường phổ thông khác nhau trên cả nước. Vậy thì bài viết này nhằm mục đích gì? Tôi không có ý định so sánh hay thực hiện bất cứ một tổng kết nào về các phần mềm đang được dùng trong nhà trường. Bài viết này trước hết nhằm vào đối tượng các hiệu trưởng, các thành viên ban giám hiệu, các giáo viên đang trực tiếp quản lý công việc học tập hàng ngày của học sinh trong nhà trường. Tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ về việc cần phải hiểu và mô hình hóa bài toán quản lý Học tập của học sinh như thế nào để có thể "tin học" hóa nó một cách hợp lý, tối ưu và thực tế nhất trong điều kiện cụ thể Việt Nam.

Vì sao lại quản lý HỌC & DẠY?

Trong một nhà trường việc HỌC của học sinh không thể tách rời việc DẠY của giáo viên. HỌC và DẠY là hai công việc được tiến hành thường xuyên và đều đặn nhất trong suốt quá trình "sống" của một nhà trường. Không nên và không thể tách rời các công việc trên. Không nên tách làm các chương trình nhỏ riêng biệt, ví dụ quản lý Điểm Học sinh, quản lý nhân sự Giáo viên, quản lý nhân sự Học sinh, ... Những chương trình nhỏ như vậy có thể dễ dàng thiết kế và cài đặt, tuy nhiên chúng có thể tạo ra các rào cản cho việc tạo ra một mô hình quản lý thống nhất HỌC và DẠY trong một nhà trường. Đối với người quản lý nhà trường (chẳng hạn Hiệu trưởng), rõ ràng toàn bộ hoạt động của trường đều xoay xung quanh 2 đối tượng chính là HỌC SINH và GIÁO VIÊN, và động tác chính của các đối tượng này là HỌC & DẠY. Như vậy ngay từ đầu chúng ta có thể thấy mô hình bắt buộc và tối thiểu phải quản lý của một nhà trường được mô tả trong sơ đồ sau đây:



Đối tượng của phần mềm quản lý Học & Dạy

Ta cần xác định rõ mục đích và đối tượng hưởng lợi chính từ phần mềm quản lý Học và Dạy trong nhà trường phổ thông. Vấn đề này ít khi được đề cập đến một cách chi tiết, thường bị coi là không có gì phải "bàn cãi" và bị bỏ qua hoàn toàn trong quá trình thiết kế. Nếu chúng ta nhìn kỹ lại, vấn đề có lẽ không đơn giản như vậy. Đối tượng chính của chúng ta là Học sinh và Giáo viên trong nhà trường được khá nhiều cấp và cơ quan quản lý. Hãy xét một mô hình đơn giản nhất:



Nhìn vào mô hình "đơn giản" trên ta thấy việc xác định chính xác các đối tượng hưởng lợi từ phần mềm quản lý Học & Dạy không dễ dàng chút nào. Với 4 cấp quản lý như trên, chúng ta sẽ có 4 "mô hình" quản lý khác nhau!! Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Nên ưu tiên cho cấp quản lý nào?

Có thể sẽ có một cách lý giải đơn giản: Phần mềm sẽ được viết phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp cho việc này xuất phát từ đâu, Bộ, Sở, Phòng hay Trường? Theo tôi cách đặt vấn đề như vậy không ổn. Trên thực tế các nguồn kinh phí phát triển ứng dụng CNTT, trong đó có phần mềm được lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nếu xuất phát từ ý tưởng trên, chúng ta sẽ có một "mớ" các phần mềm quản lý đa dạng khác nhau với các mục đích khác nhau, và chúng ta sẽ khó có thể có được một môi trường "tin học hóa" quản lý thống nhất.

Theo chúng tôi, tuyệt đối hóa vấn đề này trong tình hình cụ thể của Việt Nam hiện nay là không thể thực hiện được. Có 2 nguyên tắc chính cho việc này là:

* P1. Làm từng bước.
* P2. Xác định rõ mức ưu tiên và qui trình chuẩn hóa quản lý.

Có lẽ tất cả chúng ta đều phải thống nhất với quan điểm là để quản lý việc HỌC và DẠY trong nhà trường, đơn vị quản lý trực tiếp, quan trọng nhất phải là NHÀ TRƯỜNG. Không có một cấp quản lý nào khác có thể trực tiếp, sâu sát, thực tế với từng học sinh, từng giáo viên, từng tiết học như Nhà trường. Hay nói một cách khác mô hình quản lý việc Học & Dạy phải nhằm vào đối tượng chính nhất là Nhà trường, hay cụ thể hơn là Ông/Bà Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường. Theo chúng tôi mức độ ưu tiên cho các cấp quản lý phần mềm sẽ tuân thủ theo thứ tự sau:

1. Nhà trường (Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu)
2. Sở Giáo dục & Đào tạo (Phòng TH, Phòng Tiểu học, ...)
3. Phòng Giáo dục & Đào tạo
4. Bộ Giáo dục & Đào tạo

Chúng tôi sẽ có lý giải sau vì sao lại để mức ưu tiên của cấp quản lý Bộ xuống hàng cuối cùng, vấn đề là ở sự quá phức tạp của bài toán quản lý này.

Như vậy đầu tiên và trước hết, mô hình quản lý HỌC và DẠY trong nhà trường phải được thiết kế dành cho Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, những người đang trực tiếp quản lý hàng nghìn học sinh, hàng trăm giáo viên trong phạm vi trường của mình. Chính họ sẽ phải là những người được hưởng nhiều lợi nhất từ mô hình quản lý này khi đã được tin học hóa. Và cũng chính điều này dẫn đến việc khẳng định vai trò to lớn của Hiệu trưởng trong việc đưa các ứng dụng của Tin học vào trường của mình. Bên cạnh việc khẳng định vai trò quan trọng nhất của Nhà trường, của Hiệu trưởng trong mô hình phần mềm, một điều rất quan trọng khác là đảm bảo tính thống nhất của mô hình quản lý ở một cấp cao hơn. Chúng tôi đề nghị mô hình quản lý thống nhất nên ở cấp Sở Giáo dục & Đào tạo. Các phần mềm quản lý Học & Dạy của các trường trong phạm vi một Sở phải có khả năng chuyển đổi dữ liệu và thực hiện được các mẫu báo cáo thống nhất. Chúng ta sẽ còn quay trở lại vấn đề này khi bàn về mô hình dữ liệu của chương trình.

Các đối tượng quản lý cơ bản

Trong phần này chúng ta sẽ mô tả các đối tượng quản lý chính của mô hình HỌC & DẠY trong nhà trường. Từ hình 1 với mô hình lõi, chúng ta đã thấy 2 đối tượng chính quản lý là Học sinh và Giáo viên. Quan hệ trực tiếp giữa Học sinh và Giáo viên thông qua các Môn học mà học sinh phải HỌC và giáo viên phải DẠY. Việc phân công việc cụ thể được thể hiện bằng Thời khóa biểu mô tả rằng giáo viên sẽ dạy môn học gì tại Lớp học cụ thể nào. Kết quả việc học tập của học sinh và dạy của giáo viên thể hiện bởi các giá trị Điểm. Như vậy Điểm là một trong các yếu tố quan trọng nhất của mô hình quản lý của chúng ta. Hiện tại chúng ta chưa có một phương thức đánh giá nào khác ngoài Điểm, do vậy trong một thời gian khá dài trước mắt, ĐIỂM vẫn là một đại lượng quản lý quan trọng.

Mô hình các đối tượng quản lý cơ bản của phần mềm được mô tả trong hình sau:



Các thông số quan trọng liên quan đến các đối tượng trên:

Học sinh

* Điểm học sinh
* Lên lớp, nghỉ học, bỏ lớp
* Quá trình học tập
* Ôn luyện kiến thức
* Kiểm tra định kỳ
* Phân loại học lực
* Hạnh kiểm
* Sổ liên lạc với gia đình

Giáo viên

* Giáo án
* Chương trình đào tạo
* Bài giảng trên lớp
* Kiểm tra kiến thức
* Ngân hàng đề bài
* Các công việc quản lý khác: dự giờ, họp tổ chuyên môn, chủ nhiệm.

Môn học

* Tên môn học
* Mã môn học
* Các tính chất môn học
* Cách tính điểm Trung bình môn

Thời khóa biểu

* Bảng Phân công giảng dạy
* Thời khóa biểu Lớp
* Thời khóa biểu Giáo viên

Điểm

* Giá trị điểm
* Loại điểm (Miệng, 15 phút, Kiểm tra 1 tiết, ...)
* Kiểu điểm
* Hệ số điểm
* Môn học, Lớp, Học sinh, Giáo viên
* Nhận xét điểm
* Thời gian cho điểm

Lớp học

* Danh sách học sinh
* Giáo viên chủ nhiệm
* Giáo viên bộ môn
* Các đặc thù riêng của lớp (chuyên, phân ban, học nghề, ...)

URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=42

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn