Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục Việt Nam nhìn từ ngã tư... Bảy Hiền (kỳ 3)
17/08/2010

Mỗi ngày, các em phải “học”, nghĩa là buộc phải nghe, phải chép, phải nhớ, phải làm lại trong vở hết gần mười giờ đồng hồ, một khoảng thời gian làm việc thực sự cao hơn một vị chủ tịch cấp quận nhiều.


Mổ xẻ gốc bệnh


Lứa trò tuổi tôi trở về trước, tốt nghiệp cấp 3 trước năm 1975, thời nền giáo dục trằn qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ của một đất nước đói nghèo, có chiến tranh triền miên nhưng thực tế cho thấy, đó là lớp công dân có chất lượng học vấn khá vững chắc. Hàng ngàn cán bộ khoa học cao cấp, cán bộ giảng dạy bậc đại học hiện nay cũng ra đời từ nền tảng đó.


Nhưng hai chục năm gần đây, càng ngày, khi nội dung giáo dục kiểu “vẽ rắn thêm chân” này càng tham lam, vơ váo, ôm đồm thì chất lượng càng sa sút.


Sự sa sút đến nay tưởng không còn chỗ để xuống thấp hơn nữa.

Năm 2006, tôi tham gia vào đợt tuyển nhân lực cho một công ty XNK ở tp HCM. Đối tượng là các cử nhân đã tốt nghiệp một số trường đại học theo yêu cầu đã đăng báo.


Tôi soạn ra một bộ câu hỏi bổ trợ sau khi các bộ phận khác tuyển xong:


1- Anh chị cho biết, hồi chống Mỹ, nước ta bị chia cắt thành hai miền, vị trí đó nằm ở tỉnh nào hiện nay?


2- Anh chị cho biết, phía bắc nước Việt Nam có những nước nào?


3- Anh chị cho biết: Nhà nước có thể in tiền, có quyền in tiền sao lúc khó khăn không in mà lại phải vay của dân, có trả lãi bằng các hình thức huy động vốn?


4- Anh chị cho biết hai hình vuông, hình B có cạnh dài hơn hình A hai lần thì diện tích cao hơn mấy lần?


5- Anh chị cho biết các tên gọi khác nhau của nước Lào anh em?


Trong một buổi sáng, với 22 ứng viên, chỉ có 4 người trả lời đúng 4/5 câu. Còn lại phần lớn chỉ được một, hai câu.


Có người quả quyết diện tích của hình B bằng hai hình A. Có người hỏi lại tôi “sao nhà nước không in tiền thêm nhỉ?”. Có người biết vị trí chia cắt đất nước ở “vỹ tuyến 17” nhưng không biết ở tỉnh nào… Có người cho rằng Lào còn có tên gọi là Bruney.


Thật là thảm hại!


Thực ra, lỗi này không hoàn toàn thuộc về các em.


Một vị tiến sỹ của Đức đã có một nghiên cứu nhỏ: Một người bình thường, nếu mỗi ngày học 05 từ mới một ngoại ngữ thì mười ngày sau, sau khi học 50 từ , khả năng còn nhớ tốt được 45 từ, đạt 90%. Nhưng nếu mỗi ngày học 20 từ, mười ngày sau đã học 200 từ chỉ còn nhớ không chắc chắn được 60 từ, đạt 30% mà thôi. Với nội dung giáo khoa như hiện nay, các em có thể quên sạch một vài chương trình là điều dễ hiểu. Kỳ thi đại học vừa qua, tại ĐH Thái nguyên, có hàng ngàn thí sinh “đạt” 0 điểm Toán chính là như vậy.

Đó là hậu quả của trò vẽ rắn thêm chân, khi quen mắt rồi thì chính người vẽ cũng không còn nhớ là rắn vốn không chân nữa.


Vẽ rắn thêm chân để làm gì?


Cần nói rõ rằng, khi tôi viết những dòng này, tôi không được tự tin lắm. Trong đầu cứ lảng vảng câu tự vấn “chả lẽ…”, chả lẽ…


Chả lẽ, ngành giáo dục, với hơn 50% trí thức của cả nước, với đặc thù nghề nghiệp, với những vụ, viện chuyên môn, với đội ngũ hùng hậu cán bộ chuyên môn, có những chuyên môn mũi nhọn về nghiệp vụ giáo dục họ lại không biết cái điều đơn giản ấy hay sao?


Chẳng lẽ họ không biết được cái điều cực kỳ đơn giản là: Nguyên tắc hàng đầu của giáo dục phải là hiệu quả giáo dục. Một nền giáo dục theo kiểu “học để quên“ thì không thể gọi là giáo dục.

Nếu biết vậy, thì trong chiều dài hàng vài chục năm qua, khi các thể hiện đã rõ mười mươi về cái sự thừa thãi, vô dụng, rối rắm ấy thì họ phải kịp thời cắt cúp, thực hiện chủ trương giảm tải của thủ tướng, của nhu cầu cuộc sống chứ sao lại đi ngược lại, mỗi ngày cứ nâng dài thêm nội dung giảng dạy, cứ phải chạy vòng qua “ngã tư Bảy Hiền” mãi sao?


Cuối cùng, tôi phải cầm lòng đồng ý với một kiến giải nặng nề: Họ làm vậy có chủ ý.


Việc kéo dài, nâng cao, thêm vào thỏa thích nội dung giáo khoa, giảng dạy nằm trong km đầu tiên của một lộ trình có tên: “Giáo dục kiểu Việt Nam”


Có hay không có “bệnh thành tích”?


Bấy lâu nay, khi đề cập đến những trì trệ, tiêu cực của ngành GD, nhiều ý kiến cho rằng, nó có nguồn gốc từ việc chạy theo “bệnh thành tích”.


Tôi hơi nghi ngờ điều này.


Chúng ta cùng thẳng thắn nhìn nhận hình ảnh dưới đây:


Một ông hiệu phó một trường THPT ở một huyện nọ, thành tích của trường chỉ ở mức làng nhàng, trung bình nhưng “tiềm năng” về món ôn luyện, học thêm rất “dày”, rất đậm. Tạo “công ăn việc làm” cho ông, cho các đồng sự của ông “gặt hái” thêm thì ông có bận tâm nhiều đến cái “thành tích” của trường ông phụ trách hay không?


Ngược lại, giả sử trường ông là trường tiên tiến, dạy và học xuất sắc, nổi tiếng, kết quả thường mỹ mãn nhưng “tiềm năng” kia sụt giảm, thậm chí nhu cầu học thêm học nếm tiêu luôn thì ông có sung sướng gì với bảng thành tích của trường không?


Câu trả lời rất rõ, cái gọi là “bệnh thành tích” nếu có, nó chỉ là cái chất để kích hoạt cho việc học của các em căng lên, căng nữa lên và hễ có “cầu” ắt sẽ có cung, đây là một thực tế. Một mặt, nó còn có tác dụng tạo “thương hiệu” cho thầy thu hút “hệ hai” vào quỹ đạo nhồi nhét của thầy ở chương sau, hồi sau.


Là ký giả chuyên tâm với đề tài này mà khi cầm trên tay một bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 9, mở một phần ba nội dung, tôi đã muốn ù tai hoa mắt, không thể tin ở mắt mình nữa.


Thay bằng nhận định về “bệnh thành tích” tôi xin chỉ ra 3 căn bệnh khác, cụ thể hơn, rõ nét hơn như sau:


Bệnh liều!


Một học sinh tiểu học ở một trường thuộc quận Tân Bình tp HCM có thời khóa biểu cụ thể như sau:


Sáng dạy từ 6h để còn đi vệ sinh, ăn sáng và cùng phụ huynh vượt 6 km đường dễ tắc đến trường.


7h15 vào học. 11h30 tan 5 tiết học, ăn xong, ngủ chừng một giờ, 13h dậy, 13h30 học tiếp. 17h tan học chính khóa vào học tiếp buổi thứ 3 là buổi được gọi là “tăng cường tiếng Anh” do cô giáo Anh văn của trường dạy. 18 giờ tan “thật” rời lớp học. 18 giờ 30 về đến nhà, tắm giửa, ăn tối xong 19 giờ 30 ngồi vào bàn học tiếp chừng gần 2 giờ đồng hồ mới xong.


Về cơ cấu bài học, nếu xâu chuỗi cả tuần, có tổng số giờ tiếp xúc với chữ nghĩa, bài vở như kiểu “học” phổ biến hiện nay “đạt” cỡ trên 90% thời gian lên lớp.


Các hoạt động gọi là “vui chơi, ngoại khóa” thực chất chỉ có trong báo cáo sơ kết, tổng kết của thầy trong ngày lễ chứ thực ra, không quá 10% còn lại.


Như vậy, mỗi ngày, các em phải “học”, nghĩa là buộc phải nghe, phải chép, phải nhớ, phải làm lại trong vở hết gần mười giờ đồng hồ, một khoảng thời gian làm việc thực sự cao hơn một vị chủ tịch cấp quận nhiều.


Nêu nét sơ phác như vậy, để thấy rằng, việc dạy học như hiện nay, dù vô tình hay hữu ý, cũng là góp phần làm mụ mị tâm trí trẻ, đẩy các em vào cuộc “học để quên” kéo dài vô chừng vô chớn cho đến hình ảnh cuộc tuyển người ở văn phòng công ty nêu trên.


Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường





URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4365

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn