Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

CÓ MỘT HÀ NỘI TRONG ÂM NHẠC
25/09/2010

Trong cơn say đủ loại kỉ lục “nhiều nhất, to nhất, lớn nhất, hoành tráng nhất...”, giới nhạc cũng muốn lập một cái “nhất” cho một thủ đô mới vươn rộng cỡ nhất nhì hành tinh này, thế là một nhận định tuy chưa được kiểm chứng bằng điều tra xã hội học nhưng đã được báo giới vội tóm lấy: Hà Nội là thành phố xuất hiện trong nhiều ca khúc nhất thế giới! Chưa hết, vì được mệnh danh là cái nôi khí nhạc, hẳn nhiên Hà Nội cũng đi vào nhiều tác phẩm thính phòng giao hưởng và hợp xướng nhất thế giới!


Theo đà hàng loạt dự án lớn nhỏ chào mừng Thủ đô nghìn tuổi, ngành nhạc cũng góp phần bằng nhiều hình thức, nào là các cuộc thi sáng tác lớn nhỏ, các chương trình hòa nhạc quy mô để trình làng những giao hưởng được đặt hàng cho kỉ niệm nghìn năm; nào là những bộ sách, bộ đĩa giới thiệu di sản văn hóa âm nhạc Hà Nội, trong đó có cả dự kiến xuất bản 1000 ca khúc Hà Nội!

Hiệu ứng “nghìn năm” thực ra luôn nhằm vào hình thức và con số, bởi đó là cái dễ làm và dễ thấy.

Nếu là người thận trọng, hẳn bạn biết rằng số lượng và hình thức chưa nói lên điều gì về chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật. Sức sống tác phẩm còn phải chờ kiểm chứng của công chúng và thời gian.

Nếu là người lạc quan, bạn lại muốn tin rằng cái gia tài tích cóp suốt tám chục năm - gồm vài trăm ca khúc và ngót nghìn trang tổng phổ các thể loại “lớn hơn ca khúc”, dù khá nhiều tác phẩm trong số đó chưa hề được dàn dựng, nhưng ít nhất cũng đọng lại chút gì đó để nhận ra Hà Nội, để có thể gom nhặt cho một hình tượng, một tính cách mang tên Hà Nội trong âm nhạc.

1. Hình tượng Hà Nội

Dễ mục kích nhất là những biểu hiện mang tính hội họa, những đường nét, góc cạnh, màu sắc đặc trưng Hà Nội trong bức tranh âm nhạc về thiên nhiên, cảnh quan và con người.

Thành phố sông hồ

Chỉ một câu hát quen thuộc cũng đủ thâu tóm đặc điểm này: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây...” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi). Từ những ca khúc thuở bình minh của tân nhạc đến những sáng tác khí nhạc đầu thế kỉ XXI, Hà Nội hiện diện không biết bao nhiêu lần qua những hình ảnh gắn với dòng sông mặt hồ và những cái tên hồ tên sông chỉ nghe là biết liền Hà Nội: sông Hồng ngàn năm cuộn sóng là một biểu tượng quê hương, hồ Gươm cổ kính linh thiêng gợi về cội nguồn lịch sử, hồ Tây mờ ảo thơ mộng lồng vào cảm xúc tình yêu. Ngoài ra còn có sông Tô Lịch của một thời đã xa, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu của thời hiện tại.

Hà Nội phố

Phố là một nét đặc trưng bởi phố luôn mang theo hồn người Hà Nội. Âm thanh phố từ kí ức vọng về tiếng tàu điện leng keng, tiếng guốc khua trưa hè, tiếng chuông chiều ngân vang, tiếng rao hàng đêm vắng... Rất nhiều tên phố đã đi vào lời ca: “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng...” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp).

Hà Nội xưa còn đó với năm cửa ô, ba mươi sáu phố cổ và những mái ngói xô nghiêng. Hà Nội nay phố dài nhà mới lô xô nét tân kì, phố tỉnh giấc cùng người già tập dưỡng sinh mỗi sớm, phố phập phồng theo những dòng xe cộ nối dài lê thê, phố buồn vui giữa những mưu sinh đời thường: “Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi/ Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè (Ngẫu hứng phố - Trần Tiến).

Thành phố bốn mùa

Hà Nội khoác đủ các bộ cánh xuân - hạ - thu - đông trong bộ tranh tứ bình, mỗi mùa đều có chút gì đó rất riêng, lúc ở màu sắc hoặc hương vị, lúc trong âm thanh hoặc không gian:

Mùa xuân “hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa” (Mùa xuân làng lúa làng hoa - Ngọc Khuê).

Mùa hè “nơi đây con đường vẫn qua, chợt thoáng tiếng ve gần xa” (Kỉ niệm thành phố tuổi thơ - Hồng Đăng).

Mùa thu “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn) và “chợt nắng long lanh, chợt nắng thưa” (Đoản khúc mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn).

Mùa đông “chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông” (Đêm đông - Nguyễn Văn Thương và Kim Minh) và “Hà Nội mùa này trời không buông nắng/ phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô” (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - Trương Quý Hải và Bùi Thanh Tuấn).

Mùa thu Hà Nội

Thu ngắn nhất trong bốn mùa nhưng lại đến với âm nhạc nhiều hơn cả, bởi thu là mùa gợi nhớ các sự kiện lịch sử của Thủ đô: “Khi mùa thu từ chiến khu quân ta tiến về Thủ đô/ Lá cờ cách mạng cuốn gió rung thời cơ” (Bài ca cách mạng tiến quân - Đỗ Nhuận).

Thu luôn mang lại cảm xúc âm nhạc còn bởi thu là mùa đẹp nhất, dễ chịu nhất và đặc trưng nhất của Hà Nội với hoa sữa, hương cốm, sương mờ, nắng vàng, gió lộng...và tình yêu: “Chiều mùa thu gió về dọc trên phố phường/ Nắng vàng hồng tươi những nụ cười” (Hà Nội đêm trở gió - Trọng Đài và Chu Lai) và “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em?” (Hoa sữa - Hồng Đăng).

Hà Nội hào hoa

Cũng như mùa thu Hà Nội, thiếu nữ Hà Nội là một đặc trưng nữa cho nét đẹp kinh kì. Vẻ đẹp của một thành phố được lồng vào sắc đẹp người phụ nữ, Hà Nội chính là em, là tình yêu và nỗi nhớ: “Hà Nội ơi, dáng huyền tha thiết đê mê, tóc thề thả gió lê thê” (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương).

Cái đẹp còn tỏa sáng trong vẻ thanh lịch hào hoa của người Tràng An: “Cố đô xưa là bông hoa đẹp nhất, hoa thanh lịch...” (Hoa Tràng An - Duy Quang).

Hà Nội linh thiêng

Không ít bức tranh giao hưởng hợp xướng kể lại những truyền thuyết của mảnh đất Rồng bay:

Câu chuyện thần thánh về chú bé làng Gióng đầy ắp tiếng sắt thép, tre nứa, lửa cháy, ngựa bay...

Bi kịch oan nghiệt thành Cổ Loa chồng chéo những xung đột giữa hiếu với tình, cha với con, vợ với chồng, vua với tôi, Tổ quốc với ngoại bang.

Huyền thoại rùa thần hồ Gươm nửa mơ nửa thực trong thế giới âm thanh đa màu sắc.

Hành trình dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long nghìn năm trước hoành tráng chất sử thi. Và từ đó tên gọi Thăng Long gắn Thủ đô với hình tượng rồng vàng, vốn tượng trưng cho cội nguồn dân tộc con rồng cháu tiên, cho sự thịnh vượng của nền văn mình lúa nước, cho uy lực tối thượng của vương quyền. Xưa rồng được chạm khắc trong chùa chiền, đình làng, nay rồng còn được họa lại bằng âm thanh như một biểu tượng cao quý của đất kinh kì.

Hà Nội văn hiến

Cùng với rồng vàng, còn có một vật linh khác là rùa cũng “rất Hà Nội”, tượng trưng cho truyền thống khoa bảng, cho nền văn hóa trường tồn.

Trong chiến tranh, rùa là sức mạnh ngàn đời truyền lại, là mưu lược và sự tỉnh táo sáng suốt, rùa cho An Dương Vương nỏ thần bảo vệ thành, rùa đưa Lê Lợi gươm thần giữ nước.

Trong hòa bình, rùa là hiện thân cho trí tuệ, cho điềm lành, chả thế người đời vẫn đồn may mắn luôn đến với ai tình cờ thấy cụ rùa hàng trăm tuổi nổi lên mặt hồ Hoàn Kiếm... Rùa, cũng như rồng, là hình ảnh tượng trưng rất “đắt hàng” trong âm nhạc về Hà Nội.

Hà Nội hào hùng

Hà Nội một thời đạn bom được tái hiện trong nhiều bức tranh âm nhạc, trong những khoảnh khắc lịch sử của thế kỉ XX đầy biến động, trong niềm vui nỗi đau của người Hà Nội, cũng là những nỗi niềm chung của cả dân tộc:

Như một bản tốc kí bằng âm thanh, có bài ca đã ra đời theo nhịp bước của đoàn người xuống đường tiến về Nhà hát Lớn trong ngày cướp chính quyền mùa thu 1945: “Mười chín tháng Tám ánh sao tự do đem tới” (Mười chín tháng Tám - Xuân Oanh).

Phố phường lại hóa thành chiến lũy để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mùa đông năm 1946: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng ầm ầm rung...” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi).

Người Hà Nội vỡ òa trong niềm vui giải phóng mùa thu 1954: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...” (Tiến về Hà Nội - Văn Cao).

Hà Nội vươn mình trong đổ nát hóa thành pháo đài để làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không mùa đông năm 1972: “Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” (Hà Nội niềm tin và hi vọng - Phan Nhân).

Ngất ngây niềm vui thống nhất đất nước mùa xuân 1975, cả Hà Nội lại xuống đường ca vang: “Việt Nam - Hồ Chí Minh” (Như có Bác trong ngày đại thắng - Phạm Tuyên).

2. Tính cách Hà Nội

Sáng tác
Không đơn thuần là những trang nhật kí bằng âm thanh, sáng tác về Hà Nội còn là mô hình thu nhỏ cuộc hành trình tám mươi năm của nền nhạc mới Việt Nam, với đầy đủ những nét đặc trưng trong cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Đưa không gian và thời gian Hà Nội vào âm nhạc, tác phẩm Hà Nội hẳn cũng để lại gì đó thuộc “bản sắc địa phương” trong nghệ thuật biểu hiện.

Một trong những nét đặc thù của âm nhạc Việt Nam là tác động của ngữ điệu tiếng nói vào sự phát triển tuyến giai điệu. Ở đây không chỉ âm điệu địa danh “Hà Nội” và những tiếng gọi thiết tha “Hà Nội ơi...”, xen lẫn tự hào “Hà Nội đó!”, mà cả chuỗi tên gọi “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” đã trở thành motif quen thuộc liên tiếp in dấu ngữ điệu theo giọng nói Hà Nội vào đường nét giai điệu của hàng loạt ca khúc và hợp xướng.

Ngữ điệu tiếng nói có vai trò không nhỏ trong nhạc không lời. Tên gọi tác phẩm, tiêu đề chương nhạc hoặc câu nói nào đó thường biến thành nguồn gốc giai điệu của chủ đề âm nhạc, chẳng hạn dàn dây thay giọng người tụng kinh “Nam mô a di a di đà phật” (chương IV giao hưởng Không chỉ là huyền thoại - Vĩnh Cát).

Hà Nội đã trưng dụng chất liệu dân ca của mọi vùng miền, vì trái tim Tổ quốc là nơi quy tụ tinh hoa của đất nước, là nơi xứng đáng đón nhận tấm lòng người dân cả nước hướng về Thủ đô. Viết về Thủ đô không phải độc quyền của người Hà Nội, ngay trong số tác giả cư dân Thủ đô có nhiều người không phải “Hà Nội gốc” cũng góp phần đưa vốn cổ các miền quê gần xa hòa chung vào dòng chảy âm nhạc Hà Nội. Về đây hội tụ có các điệu dân ca dân vũ miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, có hò trên cạn và hò sông nước, có các điệu ru và lí, có hát lao động cũng như hát hội hè, có hát tự sự hoặc giao duyên... Có “duyên” với khí nhạc nhất, thường gắn với không gian tưng bừng chiến thắng hoặc lễ hội là giai điệu tứ quí của chèo Mừng hội cướp bông.

Nổi bật nhất giữa bàn tiệc đủ món dân ca ba miền là ca trù. Dù không thuộc quyền sở hữu của riêng Hà Nội, nhưng ca trù vẫn được coi như “đặc sản” địa phương của Hà thành, có lẽ vì loại hình ca nhạc cổ truyền này dễ gợi lại bóng dáng kẻ sĩ với phong thái sĩ phu Bắc Hà nói chung và tính cách Hà Nội nói riêng: nho nhã, tinh tế, suy tư, sâu sắc, thâm thúy, không khoa trương... Những canh hát ả đào được tái hiện liên tục trong các tác phẩm giao hưởng với giọng ngâm nga của violon thay tiếng hát đào nương trên nền phách giòn tan, với những nhấn nhá của violoncelle thay đàn đáy, những “tom tom tom chat” của bộ gõ thay trống chầu.

Tương tự với dân ca, một câu hát hoặc toàn bộ giai điệu ca khúc cũng trở thành chất liệu phát triển trong khí nhạc chuyên nghiệp, góp thêm chứng cứ cho một đặc điểm chung: khí nhạc chuyên nghiệp Việt Nam lớn lên từ ca khúc. Đây là cách phổ cập hóa nhạc không lời, đồng thời lại tạo nên hiệu quả cho tính thời sự. Được “trích dẫn” nhiều là những bài hát quen thuộc với người Hà Nội trong thời điểm nào đó hoặc gắn với những sự kiện lịch sử ở Thủ đô, chẳng hạn gợi lại bối cảnh Cách mạng Tháng Tám có giai điệu Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, Hội nghị Diên Hồng và Lên đàng của Lưu Hữu Phước, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi...; kháng chiến chống Pháp có Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Hành quân xa và Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận...; kháng chiến chống Mĩ có Giải phóng miền Nam và Hồn tử sĩ - Lưu Hữu Phước, Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh...

Khí nhạc chuyên nghiệp là loại hình âm nhạc đậm chất hàn lâm tất phải hợp với Hà Nội hơn bất kì nơi nào trong cả nước. Tính học thuật được biểu hiện qua nhiều khía cạnh: cấu trúc và hình thức tác phẩm linh hoạt từ khuôn mẫu kinh viện đến những phá cách tự do, ngôn ngữ âm nhạc đa dạng từ hòa thanh và phức điệu giản đơn đến cách hòa trộn các chồng âm màu sắc hoặc đan cài các tuyến giai điệu độc lập phát triển theo chiều ngang. Sự tìm tòi cũng ngày càng rộng mở trong lĩnh vực phối khí qua sự kết hợp âm sắc nhạc cụ cổ truyền với dàn nhạc giao hưởng, qua những thử nghiệm tiếp cận xu hướng hiện đại, thậm chí cả những yếu tố hậu hiện đại.

Nơi có thể nói nhiều hơn cả về tính cách Hà Nội đương nhiên là lĩnh vực sáng tác, nhưng không chỉ sáng tác mới để lại dấu ấn Hà Nội.

Biểu diễn

Như đã nói trên, Hà Nội là trung tâm nhạc giao hưởng thính phòng với nhiều nhạc công giỏi và số dàn nhạc cũng nhiều nhất nước, đó là nhờ điều kiện phát triển thuận lợi trong đào tạo, cộng với những ưu tiên đầu tư không lợi nhuận đối với Thủ đô. Song cũng phải tính thêm cả điều kiện con người, như tính ưa chuẩn mực, đề cao trí tuệ và truyền thống đèn sách khoa bảng.

Tính cách con người là một trong những yếu tố lí giải vì sao Hà Nội hợp với nhạc hàn lâm hơn Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Thành phố trẻ ba trăm năm lại là đất phát triển ca nhạc thị trường thích hợp hơn Thành phố nghìn tuổi. Những ca sĩ muốn hành nghề thuận lợi, muốn sớm nổi danh trong môi trường showbiz thường bay về phương Nam lập nghiệp. Có điều là thời gian đã cho thấy sự lâu bền trong nghề không thể nhờ vào những thứ không lâu bền, vào cái lợi thế bên ngoài, mà phải biết hài hòa giữa bề nổi với chiều sâu tính cách và kĩ thuật biểu hiển. Có thể vì thế tuy Hà Nội không phải trung tâm giải trí sôi động và nhạy bén như Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những “diva” hàng đầu và trụ được lâu dài trên sân khấu ca nhạc lại là người Hà Nội.

Lí luận

Ở ngành này cũng thấy rõ những nét đặc trưng Hà Nội trong hoạt động cũng như phong cách viết. Đó là sự chú trọng tính chuyên nghiệp, tính truyền thống và học thuật uyên bác, là sự thận trọng, nghiền ngẫm, nặng về chất nghiên cứu hơn là thương mại. Rõ ràng, Hà Nội hợp với những công trình khoa học chuyên ngành dài hơi và có giá trị lâu bền, nhưng không mạnh về diễn đàn báo chí mang tính thời sự như Thành phố Hồ Chí Minh. Đây vừa là thế mạnh vừa là điểm yếu, bởi nó kéo theo những thiếu hụt về tính kịp thời, tính phổ cập và hiệu quả xã hội.

Mật độ dân lí luận chuyên ngành tập trung cao nhất ở Thủ đô, cho nên đây cũng là nơi thấy rõ hơn khoảng cách bất cập giữa giới lí luận với đời sống xã hội. Hoạt động lí luận nhằm vào đào tạo chuyên nghiệp hơn là giáo dục đại chúng, thiên về nghiên cứu hơn là phê bình, mà giáo dục đại chúng cũng như phê bình luôn đòi hỏi sự gắn bó với nhu cầu thưởng thức và sinh hoạt âm nhạc quần chúng.

Hà Nội là nơi xuất bản sách lí luận âm nhạc nhiều hơn cả, nhưng ấn phẩm luôn gặp trục trặc trong khâu phát hành. Đất Hà Nội vốn không giỏi quảng cáo sản phẩm, tác giả Hà Nội thường tự an ủi hữu xạ tự nhiên hương nên cứ an phận áo gấm đi đêm. Có những bộ sách âm nhạc được coi là công trình thế kỉ mà ngay đến giới nhạc còn chẳng hay biết, nói gì công chúng, nhất là giới trẻ thích lướt mạng hơn đọc sách.

***
Dù quá khứ chất chứa bao sóng gió, dù hiện tại bộn bề giữa những giá trị thật - giả, song người Hà Nội vẫn có thể tự hào rằng đã có một tượng đài vô hình mang tên Hà Nội được làm bằng chất liệu phi vật thể, bằng cảm xúc con tim và khát vọng sáng tạo của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Ở đó đã lưu lại ít nhiều những biểu hiện tính cách, vừa tô đậm thêm đặc điểm chung của ngôn ngữ nhạc mới Việt Nam, vừa tạo nên nét riêng cho mảnh đất ngàn năm tuổi.

Còn tương lai, điều gì sẽ đến với một Hà Nội mới được mở rộng gấp nhiều lần, phải chăng tính cách ngày càng pha loãng, tiếng nói chuẩn mực dần dần nhạt nhòa, cách phát âm lộn dấu, mất dấu của một số địa phương khác cũng thành “giọng Thủ đô”?

Thật tiếc nếu như sự khuyếch trương hình thức hoành tráng theo một không gian to lớn lại làm mất dần nét tinh tế đặc thù trong văn hóa nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng.

Thật tiếc cái cần rộng mở hoàn toàn chẳng phải theo nghĩa đen với không gian địa lí, mà là môi trường khuyến khích tự do sáng tạo thực sự và sự đảm bảo cuộc sống cho những người chuyên tâm vào sự nghiệp sáng tạo đó.

Nguyễn Thị Minh Châu

Tham luận tại Hội thảo: Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ XX

Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 42 Yết Kiêu, Hà Nội, ngày 23.9.2010



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4520

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn