Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Đọc ‘Chiếu dời đô’ bằng đôi mắt hiện tại
01/10/2010

Tác giả: Vương Trí Nhàn

Trong giai đoạn mới của sự phát triển đất nước, khi mà việc xây dựng nổi lên hàng đầu - "phát triển thật ra là một cách tốt nhất để bảo vệ một quốc gia" - thì việc trở lại với Chiếu dời đô lại có một ý nghĩa riêng, nhà văn hóa Vương Trí Nhàn đặt vấn đề.


So với Bình Ngô đại cáo> thì Chiếu dời đô thường chỉ được chúng ta quan tâm ở một mức khiêm tốn, sự phân tích văn bản cũng sơ sài. Điều này có thể giải thích là do cảm hứng chính chi phối xã hội Việt Nam từ sau 1945 đến nay là cảm hứng chiến thắng mà Bình Ngô đại cáo diễn tả rất hoàn hảo. Thói quen tìm thấy mình trong lịch sử và hơn thế thích diễn tả mình bằng ngôn ngữ lịch sử đã xui con người hiện đại đồng lòng làm việc đó.

Tuy nhiên trong giai đoạn mới của sự phát triển đất nước, khi mà việc xây dựng nổi lên hàng đầu - "phát triển thật ra là một cách tốt nhất để bảo vệ một quốc gia" - thì việc trở lại với Chiếu dời đô lại có một ý nghĩa riêng.



Dám thay đổi, lấy sự thịnh vượng của xứ sở làm trọng

Mặc dù không được triển khai kỹ lưỡng và viết bằng một thứ " thiên cổ hùng văn" như Bình Ngô đại cáo, song Chiếu dời đô vẫn là - xin phép được sử dụng ngôn ngữ của văn hóa chính trị hiện đại - một thứ cương lĩnh chính trị nghiêm túc, bao quát nhiều vấn đề lớn của thời đại.

Sau khi đã nắm chính quyền, Ban lãnh đạo đất nước thấy việc cần kíp nhất là có những quyết sách lớn cho việc xây dựng đất nước (việc đặt kinh đô ở đâu thuộc loại quyết sách lớn đó).

Chỗ dựa để đưa ra những quyết sách này không chỉ là những kinh nghiệm của bản thân. Trong hoàn cảnh một miền đất mới tuyên bố về sự tồn tại của mình như một quốc gia, việc tham khảo kinh nghiệm của các xứ sở khác trở thành bắt buộc.

Một điều quan trọng hơn, cần xác định nội dung chủ yếu trong kinh nghiệm nước ngoài là gì.

Theo thói quen bảo thủ đã thành nếp nghĩ phổ biến, chúng ta dự đoán khi noi gương người xưa, ban lãnh đạo thời Lý sẽ chỉ nhìn thấy sự trung thành với truyền thống. Nhưng chúng ta nhầm. Cùng với việc mạnh dạn phê phán tiền nhân - chê Đinh Lê là cạn nghĩ, không thức thời, không chịu học hỏi -Chiếu dời đô sớm đặt vấn đề về sự thay đổi mà các triều đại nổi tiếng ở phương Đông trước đó đã trải qua.

Ngay lúc ấy, kinh nghiệm quốc tế lớn nhất đã là không được đi theo những lối mòn, mà phải luôn luôn đổi mới. Dường như Chiếu dời đô muốn kêu lên như vậy. (Chỉ thiếu một sự quả quyết theo kiểu Trung Quốc hiện nay: "Thay đổi hay là chết!").

Thế đâu là chỗ dựa để đánh giá một sự thay đổi là đúng hay là sai?

Câu trả lời của Chiếu dời đô: phải mang lại cho xứ sở sự thịnh vượng.

Khi xem xét lý do đã được Chiếu dời đô nêu lên để làm rõ chỗ khác nhau giữa kinh đô cũ và kinh đô mới, các nhà nghiên cứu thời nay thường chỉ chú ý tới yếu tố phong thủy - Thăng Long là nơi trung tâm trời đất, có thế rồng lượn hổ chầu...

Nhưng điều mà trong bài này chúng tôi muốn bạn đọc chú ý là yếu tố địa lý ở đây không có tính thần bí mà mang ý nghĩa thiết thực. Một bên đất trũng tối tăm; một bên cao mà thoáng mát. Một bên trăm họ hao tổn, muôn vật tiêu điều; một bên không những không khổ vì ngập lụt, mà muôn vật lại rất phồn thịnh.(1)

Rõ là một thứ địa lý học được nhìn dưới góc độ kinh tế.

Thuật lại việc Lý Thái Tổ đưa Chiếu dời đô ra để hỏi ý kiến các quan - một cử chỉ có ý nghĩa rất hiện đại - Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng "Bầy tôi đều tâu: Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế ai dám không theo".

Hai tiếng giàu có gần như không có trong kho từ vựng của vua quan phong kiến ở ta suốt trường kỳ lịch sử, kỳ lạ thay lại xuất hiện ở một thời cách xa chúng ta đã có ngàn năm tuổi này!

Một mầm mống của ý niệm kinh tế như đã nằm trong tư duy con người lúc ấy, kinh tế được dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá sự thịnh trị (vốn là một khao khát lớn của mọi thời đại).



Thân dân thì có tất cả

Ta hãy chú ý: trong văn bản, khái niệm thịnh vượng nói ở trên - hay khái niệm phát triển như tư duy hiện đại - luôn gắn với khái niệm dân. Nỗi khổ được nói tới là khổ của dân. Mà sự giàu có cũng là của dân.

Như vậy là với Chiếu dời đô, lần đầu tiên ở Việt Nam một thuật ngữ quan trọng trong văn hóa quyền lực ở phương Đông đã xuất hiện.

Đọc các tài liệu in trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam - văn tuyển (2) người ta thấy thời Bắc thuộc, tư tưởng chủ yếu của xã hội vẫn là tư tưởng Phật giáo.

Mặc dù đến triều Lý, đạo Phật vẫn là quốc giáo, song với việc sử dụng dày đặc khái niệm dân, hoặc trăm họ (bách tính) trong văn bản, sự có mặt của Nho giáo trong tư duy nhà cầm quyền ở Việt Nam lúc đó, là điều không còn bàn cãi.

Thái độ với dân là một chính sách lớn mà khoa học cai trị của Nho giáo (Trị quốc chi đạo) khẳng định.

Câu mở đầu của sách Đại học đã nói rõ "Đại học chi đạo tại minh minh đức tại thân dân". Thân dân ở đây thường được giải thích là yêu mến vỗ về dân chúng.

Khổng Tử mới nói tới việc làm sao cho dân có được đời sống thuần hậu. Mạnh Tử đã nói tới việc làm cho dân giàu và xem đấy là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để tạo nên sự hùng hậu của quốc gia. Bằng cách nói về sự thịnh vượng của dân, Chiếu dời đô đã đạt đi được một đoạn đường khá xa trong việc chiếm lĩnh kinh điển Nho giáo.



Mối quan hệ giữa dân và nhà cầm quyền

Một bằng chứng khác làm nên vẻ độc đáo của tư tưởng thân dân của Chiếu dời đô là quan niệm về mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Điều này không được diễn tả bằng ngôn từ, nhưng tiềm ẩn ở dạng dưới văn bản.

Thông thường chúng ta hay nghĩ công lao đưa khái niệm dân vào các văn kiện chính trị ở Việt Nam là thuộc về Nguyễn Trãi.

Trong Bình Ngô đại cáo, dân được hiểu là những người dân đen, bị đầy ải dưới ách ngoại xâm; còn nhà cầm quyền hiện ra như những người giải phóng cho dân, ban ơn cho dân. Về sau, trong văn thơ Nguyễn Trãi viết khi Lê Lợi đã lên ngôi vua, dân được đặt trong các mối quan hệ với các biến cố chính trị kiểu "giữ thuyền là dân lật thuyền là dân" (ẩn đằng sau đó là lời khuyên vua chúa phải cảnh giác với dân).

Còn trong Chiếu dời đô, như chúng ta thấy, dân có bóng dáng một thứ chủ thể quốc gia, với nghĩa nhà cầm quyền nghĩ về dân như những đối tượng mà mình phải lo lắng, phải chịu trách nhiệm; đời sống của dân cũng là thước đo để nhà cầm quyền soi vào mà xem xét đánh giá mình. Mối quan hệ ở đây trong sáng và chưa bị tha hóa.

Cái trong sáng này chính là hợp với Nho giáo ở thời các bậc tôn sư mới dựng tạo những cơ sở lý thuyết đầu tiên. Theo Đại cương triết học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (3), đại để Khổng Mạnh đã quan niệm "trời sinh dân, nuôi dân, đặt ra vua để làm lợi cho dân, chăn nuôi dân, cai trị dân, do đó mới có (quan hệ) vua tôi". (sđd, t.II, tr. 553), "cái lợi của dân là cứu cánh quốc gia".( sđd, tr. 555). Trong Kinh Thi đã có những câu cho thấy người dân thời đó nghĩ rằng "vua quan phải theo ý dân".(tr. 633)

Về sau, trong quá trình phát triển của xã hội phong kiến, nhất là đến thời của những cuộc chinh chiến liên miên giữa các vương hầu, rồi những tư tưởng như Nguyễn Trãi dẫn ra mới nổi lên hàng đầu, và truyền đến những xứ sở xa xôi như Việt Nam.

Đến thời cận đại, các nhà tư tưởng Trung Quốc vẫn còn dựa vào một phần những mầm mống tư tưởng hồn nhiên trong sáng vừa dẫn ở trên để, kết hợp với các tư tưởng Âu Tây, hình dung ra thế nào là quốc gia và vai trò dân chúng với quốc gia. Lương Khải Siêu có lần đã diễn tả các quan hệ kinh điển đó dưới một hình thức rất mô - đéc: "Quốc gia chỉ là một công ty, các nhà cầm quyền chỉ là những người mà dân chúng - chứ không phải trời - ủy thác cho quyền quản lý ". (tr 557 - 559).



Trong một văn mạch thống nhất

Đại Việt sử ký toàn thư tập I có ghi năm Nhâm Tý 1012, Lý Công Uẩn đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện, gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng "Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương , đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách..." (4).

Có thể đọc thấy ở đây chứa đựng quan niệm của Lý Công Uẩn về một người đứng đầu nhà nước:

- Đó là người nghĩ rằng ở cương vị ấy, quan trọng nhất là chữ đức. Mà mình thì chưa đủ cái đức ấy, việc cai trị ( = "ở trên dân") chẳng qua may mà được đảm nhiệm; trước một việc quá sức, lúc nào cũng thấy chưa xứng đáng.

- Đó là người luôn thấy mình có thể có sai lầm, mà sai lầm lớn nhất là "giết oan kẻ trung hiếu" 'làm hại kẻ hiền lương", nhìn rộng ra làm khổ dân chúng.

- Đó là người tin rằng trên đời này còn có những điều thiêng liêng, mọi việc mình làm đều trong tầm phán xét của đấng thiêng liêng ấy.

Cơ sở để có được một hành động có tầm vóc lịch sử như việc dời đô như vậy là dựa trên một quá trình nhận thức tư tưởng có thể nói còn vĩ đại hơn ở Lý Công Uẩn. Và đó là một đúc kết về văn hóa chính trị mà người hôm nay phải đọc ra trên đường đi tìm những quyết sách lớn cho đất nước.

---

(1) Chúng tôi dựa vài bản dịch Chiếu dời đô trong Đại Việt sử ký tiền biên, câu chữ đôi chỗ hơi khác một chút so với bản trong Đại Việt sử ký tòan thư mà giới báo chí truyền thông vẫn dùng.

(2) NXB Chính trị quốc gia , 2002

(3) Bản của NXB Thanh niên , 2004

(4) Đại Việt sử ký toàn thư , NXB Khoa học xã hội 1983, tập I, tr 244. Chi tiết này được nhắc tới trong hầu hết các bộ sử khác.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4562

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn