Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Nhà văn Nguyễn Đình Thi với Hà Nội thân yêu
09/10/2010

Tôi gọi thế, bởi ông là người con của làng Vũ Thạch, trông ra Hồ Gươm xanh ngăn ngắt bốn mùa, dù ông cất tiếng chào đời ở Luanpraban (Lào) ngày 22-12-1924 và tuổi học trò học ở Trường Bonal (Hải Phòng). Thời kỳ Hà Nội sôi nổi trong phong trào Mặt trận dân chủ cũng là lúc Nguyễn Đình Thi được trở về Hà Nội, thành phố mà ông chỉ nghe qua lời kể của mẹ, để có một cảm nhận đầy đủ hơn về những con phố, mái nhà cổ kính và cái Thành Hà Nội mà cụ ngoại đã tham gia cuộc đầu độc binh lính Pháp năm 1908.


Học Trường Bonal, ông đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh và tham gia hoạt động trong nhóm thanh niên Hướng đạo sinh yêu nước, truyền bá quốc ngữ cho đoàn "sói con" ở Hải Phòng. Những cuộc cắm trại, hát bài ca yêu nước do chính Nguyễn Đình Thi sáng tác đã nhen lên trong lòng các em ngọn lửa tự hào về dòng giống lạc Hồng, yêu đồng bào lầm than, đoàn kết chống giặc. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ghi rõ: "Ngày 7-5-1941: Hướng đạo và học sinh họp để nghe anh Thi ở đoàn Lý Thường Kiệt dạy bài hát quốc ca do anh làm, theo điệu Đăng đàn cung:

“Sông núi ta còn thắm nhường kia

Chúng ta còn yêu đồng bào

Gương người xưa, lòng ta há phút giây nào phai

Đồng bào! Mau chung sức nhau

Nắm tay ta thề

Yêu thương non nước

Dìu dắt nâng cao nòi giống nước non nhà”

Ông còn sớm thể hiện trí tuệ trác việt của mình bằng một loạt tiểu luận về triết học, sau đó, ông bổ sung thêm và in thành sách: Triết học nhập môn, Triết học Căng (1942), Triết học Nít-xơ (1942), Triết học Anh-xtanh (1942), Siêu hình học (1942), khiến các bạn bái phục. Trong khi học trung học ở Trường Bưởi, ông đã bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác.

Đó là những bước đi đầu tiên, cũng như Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Công Mỹ, từ truyền bá quốc ngữ đến với cách mạng. Ngày 2-2-1943, Nguyễn Đình Thi bị bắt tại Hải Phòng. “Phục cái can đảm của Thi, tra tấn thế nào sắc vẫn không đổi. Sau những giờ tra tấn, lại hát như thường”.. ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội, người đã cùng học với Nguyễn Đình Thi trường Bonal kể: “Tốt nghiệp Trường Bonal, lên Hà Nội, Thi vào trường Bưởi tôi vào trường Thăng Long, nhưng vẫn gắn bó với nhau. Chúng tôi hoạt động trong phong trào thanh niên dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Hà Nội và bị bắt ngay sau lần dán truyền đơn ở Trường Thăng Long, Gia Long nhân kỷ niệm thành lập Đảng. Vào tù, Thi có gia đình lo nên chúng thả về sớm, còn tôi bị giam trong Hỏa Lò cho mãi đến sau khi Nhật đảo chính Pháp thì cùng anh em vượt ngục”.

Ra tù, Nguyễn Đình Thi đã sớm được Đảng bắt liên lạc và hoạt động trong tổ chức Hội Văn hóa cứu quốc. Ông Vũ Quốc Uy, người cùng với ông Như Phong có nhiệm vụ xúc tiến tổ chức Hội Văn hóa cứu quốc đã gặp gỡ Nguyễn Đình Thi mùa thu năm 1943, nhớ lại: “Một đồng chí sinh viên giới thiệu Nguyễn Đình Thi với tôi. Thi lúc này đang học đại học, nhưng đã viết được mấy cuốn sách phổ cập về triết học. Sau một buổi nói chuyện với nhau, cây bút trẻ có cặp mắt đen to linh lợi đó sốt sắng nhận lời vào Hội Văn hóa cứu quốc… Đồng chí Thi đã biết Đảng và tham gia phong trào thanh niên rồi bị bắt và đứt liên lạc. Tôi đến đúng lúc, mang cho anh một điều mà anh đang mong đợi. Trong công việc Đảng giao cho, tôi đã đạt kết quả đầu tiên”.

Tháng 8-1944, ông bị bắt lần thứ hai tại Hà Nội và bọn Pháp đưa xuống Nhà lao Nam Định cùng với Nguyên Hồng, Như Phong, Tô Hoài, Vũ Quốc Uy. Không có chứng cớ rõ rệt, sau gần nửa tháng tra tấn, ngày 1-9-1944, chúng phải tha bổng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, không khí cách mạng Hà Nội ngày càng dâng cao. Nhiệt huyết tuổi trẻ và ánh sáng cách mạng giao hòa trong tim, thúc giục ông lao đi trong niềm say mê. Ông hoạt động cả trong Đảng Dân chủ, được giao nhiệm vụ gặp lại người bạn thân - ông Lê Trọng Nghĩa ngay sau khi trốn thoát khỏi Hỏa Lò:

“Thật may mắn và hạnh phúc là được gặp ngay người bạn thân. Tổ chức giao cho Thi gặp tôi đưa thẻ thuế thân và 20 đồng Đông Dương, bảo lánh về quê ít hôm rồi lên nhận công tác. Sau đó, anh Lê Đức Thọ phân công tôi vào Ban cán sự Đảng đoàn Dân chủ đảng” - ông Lê Trọng Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Tháng 7-1945, ông cùng anh em Hội Văn hóa cứu quốc làm báo Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội tại nhà Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Tin về những tên việt gian bị đền tội ngay trên đường phố Hà Nội khiến nhân dân náo nức; nhiều thanh niên tự động mua súng đứng vào hàng ngữ tự vệ. Nguyễn Đình Thi phấn khích. Và như một dòng thác lũ, “Diệt phát xít” với âm hưởng mạnh mẽ, thúc giục đồng bào đoàn kết đứng lên tiêu diệt quân thù, tiến lên thành lập nền dân chủ cộng hoà. Từ tài hoa và ngọn lửa rực cháy trong tim, ông đã cho ra đời bài hát trong những ngày lịch sử vĩ đại của dân tộc, nói đúng, nói trúng khát vọng của muôn người trong ca từ đầy hào sảng. Tháng 7-1945, ông cùng Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu của Hội Văn hóa cứu quốc đi dự quốc dân Đại hội Tân Trào. Lần đầu tiên được gặp lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, được hát giữa hội nghị bài "Diệt phát xít”, ông tự hào, vui sướng và ý thức sâu sắc hơn về sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc khi Bác thân mật chữa lời bái hát: "Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không còn hợp nữa. Chú nên hát gươm đây, gươm đây”. Tại Đại hội, một điều hết sức bất ngờ và vinh dự lớn đối với ông: Ông được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc.

Cách mạng thành công, Nguyễn Đình Thi là một trong những cán bộ cốt cán của Hội Văn hóa cứu quốc, đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên thường trực Quốc hội. Đại hội Văn hóa cứu quốc toàn quốc từ ngày 11 đến ngày 13-10-1946 tại Nhà hát lớn, ông được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành của Hội cùng Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Xuân Diệu…

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược suốt 60 ngày đêm đầy hào hùng mà cũng rất Hà Nội đã ghi một dấu ấn mạnh mẽ trong tâm khảm người ra đi, để lại thành phố sau lưng với nhà đổ, những mảng tường đen khói đạn bom, đường phố sừng sững những chiến lũy, và bao đồng đội chôn cất ngay trong lòng nhà, lòng chùa... bước chân đi mà lòng xót xa như xát muối, hẹn một ngày trở lại diệt quân thù giải phóng Hà Nội của ta. Cùng chung tâm trạng bời bời nhớ nhung, đau xót ấy của mọi người, trên đường lên Việt Bắc, trong đêm buồn, thấy ngay cây pianô trong ngôi nhà của một gia đình đã tản cư, Nguyễn Đình Thi ngồi vào đàn, và dòng suối tâm tư òa ra, tha thiết, tự hào, yêu thương - Một Hà Nội oai hùng với những trai thanh gái lịch của phố cổ Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, của Đồng Xuân nhộn nhịp mà "mỗi tấc đất Hà Nội đều thấm máu hồng tươi”. Sau này, còn nhiều bài hát của các nhạc sĩ cả nước viết về Hà Nội, nhưng không ai viết nên, vẽ nên, dựng lên một Hà Nội với chiều sâu văn hiến - "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" như Nguyễn Đình Thi. Cái chất hào hoa thanh lịch, cứ hiển hiện trong từng ca từ, tùng nét nhạc, khi dịu dàng, sâu lắng, khi bốc lửa hờn căm, khi lạc quan yêu đời. Tất cả tình yêu thương, ông gửi vào bài hát, và lên đến chiến khu ông đặt tên chính thức cho bài hát: “Người Hà Nội”. Năm 1951, bài “Người Hà Nội” đã vang lên trong Đại hội thanh niên sinh viên thế giới và từ đó bay đi khắp châu Âu. Thế giới biết đến một Việt Nam đang kiên cường chống Pháp. Với Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi xứng đáng là một nhạc sĩ toàn tài, đã cống hiến cho âm nhạc và văn hóa nước nhà nhạc phẩm sống mãi với thời gian, và đó cũng là bài hát của người Hà Nội suốt hai cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc.

Những năm ở Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi vừa tìm cho mình một lối đi riêng trong cuộc kháng chiến, trong sáng tác thơ, vừa viết văn xuôi, lý luận phê bình văn học, trong đó, xuất sắc nhất và trở thành một trong những tác phẩm chọn lọc tiêu biểu của văn học thời kỳ chống Pháp là bài “Đất nước”, “Nhớ". Riêng Hà Nội, lòng đau đáu nhơ nhung, ông đã thốt lên:

"Quê hương ta Hà Nội

Hướng về Việt Bắc xa

Ôi đêm nay những phố hè

Muốn loè lên chớp lửa"

(Hà Nội đêm nay - 1949)

Và cũng chỉ có ông mới có những câu thơ, đọc lên là thấy vị riêng biệt thấy hồn phố Hà Nội:

"Thu chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những Phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Xung quanh thềm nắng lá rơi đầy ".

Bao nhiêu lần từ con phố Gia Long (nay là Bà Triệu) của làng Vũ Thạch xưa, hay từ bất kỳ con phố nào ông đã đi trên những thềm nắng mùa thu để vẽ nên Hà Nội với cái hơi may rất dịu, thần tình như thế. Tình yêu máu thịt ấy chắt ra thành thơ, làm nên một Nguyễn Đình Thi của Hà Nội, của dân tộc.

Thủ đô giải phóng, Nguyễn Đình Thi trở về thành phố yêu thương từ trước 10-10, đưa đoàn làm phim Xô-viết vào Hà Nội để Các-men và đồng nghiệp đi quay phim ngay đêm 9-10-1954. Xúc cảm ngập tràn, ông viết lên nỗi lòng của người con sau chín năm xa phố phường Hà Nội:

"Ta lại về đây giữa phố xưa

Nước Hồ gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mơ...

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng keng chuông xe điện đổ hồi

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta đã về đây Hà Nội ơi ".

Là thơ, mà không phải là thơ, là tiếng lòng của bao người con Hà Nội được trở về. Và Tháp Rùa, Hồ Gươm, vẫn trở đi trở lại trong bài hát, trong thơ ông, ấy là phần hồn linh thiêng của người dân Hà Nội, của nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Hà Nội hoà bình, dựng xây và đánh Mỹ giỏi. Ở cương vị Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khoá I, II, III), ngòi bút của Nguyễn Đình Thi vẫn sung sức khi ông viết “Bài thơ Hắc hải” (1959), tiểu thuyết Mặt trận trên cao (1970), tiểu thuyết Vỡ bờ, tập 1 (1962), tập 2 (1970). Bộ tiểu thuyết lớn mang tính sử thi Vỡ bờ đã tái hiện bức tranh rộng lớn của xã hội Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, phản ánh khát vọng và ý chí đấu tranh giành độc lập và tự do, dân chủ của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1939 - 1945 khá thành công. Đặc biệt, tài năng đã chín của ông còn được thể hiện ở một loạt vở kịch mà ông đã mạnh dạn cách tân, tìm một lối đi mới cho kịch bản và sân khấu, tiêu biểu nhất là kịch bản Rừng trúc (1978) và Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979). Bao tâm huyết trăn trở cho sân khấu, bao tâm tư, suy tưởng, giàu chất thơ và triết lý sâu sa về quyền tự do, dân chủ và trách nhiệm của người cầm bút trong thời đại mình đang sống ở hai kịch bản đều không được chấp nhận trong bối cảnh kinh tế - xã hội lúc đó. Phải đến 20 năm sau, Rừng trúc mới được lên sân khấu với sự nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành, giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu năm 1999.

Đọc những dòng này, tôi lại như thấy Nguyễn Đình Thi hiển hiện; lịch lãm, tinh tế, đã từng là thần tượng của thế hệ thanh niên chống Pháp và chống Mỹ khi đọc thơ ông, trong đó, tình yêu lứa đôi tha thiết quyện với tình yêu quê hương đất nước: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh / Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây /Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh / Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây” (Nhớ).

Nguyễn Đình Thi đã về cõi vĩnh hằng (năm 2003), nhưng sự nghiệp sáng tác văn học và những cống hiến của Nguyễn Đình Thi cho cách mạng Việt Nam, cho văn học, nghệ thuật nước nhà như ngọn lửa sáng mãi. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, đợt 1 (1996). Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Với dân tộc, ông là một trong những đại diện tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Với Hà Nội thân yêu, cội rễ và thân thuộc, ông là nhà thơ, nhạc sĩ đa tài, một nhà văn hóa lớn, niềm tự hào của người Hà Nội.

Phạm Thị Kim Thanh





URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4627

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn