Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Hà Nội trong mắt ai
09/10/2010

Trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả, “Hà Nội trong mắt ai” là bộ phim “có vấn đề”. Hồi đó, nhờ người bạn có bố công tác ở Bộ Nội vụ mà chúng tôi được xem phim. Từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ, đó là cảm xúc của tôi sau khi xem phim. Sao mà không ngạc nhiên, sửng sốt khi được xem bộ phim lạ như vậy? Sao mà không bái phục, ngưỡng mộ khi những ngưòi làm phim đã nói lên những điều ngay thẳng lại hay đến vậy? Đi đâu cũng thấy mọi người xôn xao, bàn tán về bộ phim.





Phim tài liệu với những đặc trưng vốn có của nó như: lột tả tất cả mọi vấn đề ở tận ngóc ngách của đời sống xã hội. Là loại hình điện ảnh trực tiếp, nhân vật phim là những con người thực trong cuộc sống, tự bộc lộ bản thân và hoàn cảnh. Điều này mang đến cho phim tài liệu sức sống mới và tạo nên sự cuốn hút đối với khán giả. Tất cả những điều đó đều được các nhà làm phim tài liệu sử dụng thành công trong những bộ phim tài liệu thực hiện về đề tài Hà Nội.





Hà Nội gắn bó như một người bạn từ lúc sinh thời cho tới khi mái tóc xế bạc, ngả màu thời gian. Hà Nội in dấu những năm tháng từ bom đạn chiến tranh tới khi chứng kiến những niềm vui tuôn trào khi đoàn tụ. Đất Thăng Long như một nỗi niềm trầm mặc, vừa cổ kính, u hoài, lặng lẽ vừa trữ tình, kỳ diệu như một trang thơ đẹp… Hà Nội – đó là thiên thần của những tác phẩm tài liệu đẹp và có ý nghĩa. Bài ca của hình ảnh cứ như vậy tồn tại như một miền ký ức xanh tươi và không bao giờ cũ trong lòng khán giả - những người yêu Hà Nội.

Bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy là một “cú hích” của điện ảnh tài liệu lúc bấy giờ. Đạo diễn Trần Văn Thủy được coi là người “đi trước thời đại”, khi thông qua những hình ảnh trong phim, miêu tả lại những hình ảnh trong quá khứ để nói chuyện hôm nay, nói chuyện của thời hậu chiến. Có lẽ vì vậy mà suốt một thời gian dài, bộ phim bị kiểm duyệt khá nặng nề và bị nhiều cơ quan chức năng ban lệnh cấm công chiếu rộng rãi. Tuy nhiên, khi tác phẩm này được ra mắt công chúng, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự tinh tế, sâu sắc và mới mẻ, độc đáo của nó.

Bộ phim như kéo người xem trở lại quá khứ, quay về với những dấu mốc lịch sử huy hoàng, hiển hách của dân tộc Việt Nam. Những di tích lịch sử nổi tiếng nhất Hà thành được đạo diễn khai thác ở mọi góc độ, khía cạnh. Từng di tích, địa điểm lại gắn với một câu chuyện, một điển tích… khác nhau được kể lại. Cái đẹp của Hà Nội, nét cổ kính của “năm cửa ô” như có một ma lực hấp dẫn, cựa quậy và sinh động quá đỗi trong bộ phim. Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh người nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng Văn Vượng đang ngồi diễn tấu ghi ta một mình. Có điều đặc biệt là người nghệ sĩ yêu tha thiết Hà Nội ấy lại bị mù. Anh khát khao được một lần nhìn thấy Hà Nội. Anh không nhìn Hà thành bằng mắt mà cảm nhận Hà Nội bằng tiếng xôn xao, khẽ khàng của trái tim. Anh nhìn Hà Nội bằng sự tưởng tượng của mình.

Sự đặc biệt của câu chuyện ngay từ phần mở đầu cứ thế tăng lên, khiến khán giả như bị thu hút, như bị thôi miên vào đó. Bộ phim từ hình ảnh một người Hà Nội cứ như vậy đẩy dần và trôi về phía những nhân vật, câu chuyện và địa danh khác. Êm đềm như một dòng chảy bộ phim cứ đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, nó được móc nối với nhau một cách khéo léo và lôgic. Không thể phủ nhận màu sắc được đạo diễn thể hiện trong phim đã có một sức lôi cuốn rất đặc biệt. Gam màu xanh tươi sáng, việc giữ tông màu đó chủ đạo xuyên suốt từ đầu đến cuối phim như làm sáng lên cái sự tươi mới của đất Thăng Long xưa sau đạn bom khắc nghiệt. Không chỉ vậy mà mỗi một điển tích, một câu chuyện văn hóa được đạo diễn gửi gắm trong mỗi một di tích tại Hà Nội lại được ngân nga bởi những thể loại âm nhạc khác nhau. Có khi là tiếng đàn bầu, có khi là tiếng ghi ta giản dị, mộc mạc. Cũng có lúc là một giọng dân ca tha thiết, hay một câu hát trữ tình hoặc một chút nhạc ngoại cho thêm phần phong phú… Tất cả tạo thành một hành trình thống nhất về âm nhạc trong cả mạch phim.

Đạo diễn đã cất công đi tìm và đưa vào phim tất cả những địa danh nổi tiếng nhất của Hà Nội. Mỗi địa danh lại mang trong đó một câu chuyện riêng. Xem phim không chỉ thấy yêu một mảnh đất đẹp, nên thơ đến thế mà còn hiểu hơn về lịch sử lâu đời của mảnh đất này. Cái hay của bộ phim được đạo diễn làm tới “tận cùng” khi đưa và lồng ghép vào đó những hình ảnh những văn nghệ sĩ đã gắn bó máu thịt với Hà thành. Đó là hình ảnh của Bùi Xuân Phái đang say sưa bên giá vẽ trong những bức họa về Hà Nội. Tranh của người họa sĩ lãng tử, hào hoa này đã mang chứa trong nó những gì tinh túy nhất, đặc trưng nhất của Hà Nội cổ kính. Rồi từ Bùi Xuân Phái cho tới những Đào Trọng Khánh, Lưu Xuân Thư… đều lần lượt xuất hiện trong mỗi khuôn hình của bộ phim, họ nói say sưa về vùng đất văn vật này giống như một lời tri ân sâu sắc. Với họ đất Thăng Long xưa “Vẻ đẹp vẫn vĩnh viễn in trong mắt… và Hà Nội của chúng ta đẹp thế nhưng dường như cái đẹp trong mắt mỗi người lại không giống nhau”.

Khép lại bộ phim, ta thấy vẫn cứ vương vấn những niềm hoài cổ, sâu lắng bởi một tiếng gọi với Hà Nội xa xưa. Bộ phim nhẹ nhàng, man mác, bàng bạc như một hơi thở đi vào tâm trí. Ta hiểu vì sao mà sau khi bộ phim này được cho phép công chiếu rộng rãi, nó lại thu hút đông đảo người xem đến thế. Mỗi ngày có tới ba ca chiếu, mà lần nào khán giả cũng phải xếp hàng đợi chờ mua vé. Nếu tính vào thời điểm lúc bấy giờ thật hiếm có bộ phim tài liệu nội nào lại có thể có sức hút mạnh đến vậy. Ta xem bộ phim mà như thấy xao xuyến trước một cái hồn Hà Nội. Ta lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Siêu khi đến với tháp bút. Nó đã đi vào lòng, vào tiềm thức của muôn triệu thế hệ người dân đất Hà thành :

“Từ thuở mang gươm đi mở nước

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”





Câu thơ ấy phải chăng chính là điều mà đạo diễn muốn gửi gắm đến những thế hệ sau. Phải luôn biết trân trọng quá khứ, luôn biết trân trọng lịch sử. Bởi lịch sử ấy được xây dựng bằng dấu ấn tâm hồn, bằng sự hi sinh, đổ máu, bằng những năm tháng hào hùng đã qua.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4630

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn