Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Quán cà phê mang hương vị Hà Nội.
02/11/2010

1.

Quán cà-phê này không có âm nhạc, không có hệ thống chiếu sáng cầu kỳ. Đến một cái biển hiệu cũng không được chủ nhân của quán để ý chứ đừng nói gì đến việc khuyếch trương treo biển hộp bóng lộn và quảng cáo rầm rĩ. Nếu không vì mưa nắng làm mục mất thì có lẽ cái bảng gỗ nhỏ thó, cũ kỹ vỏn vẹn ba chữ sơn đỏ "Càfé Lâm" từ những năm 80 giờ vẫn ngự trên tường mà người đi đường phải tinh mắt, phải chú ý mới nhìn thấy. Để tiếp tục định vị cho quán của mình, ông Lâm chỉ cho treo lên vào đúng vị trí đó, cũng vẫn nội dung như cũ một tấm biển nhỉnh hơn tí xíu, bằng nhựa cứng. Qua khuôn cửa phải cúi người không thì chạm đầu là những bàn gỗ ghế thô mộc, được phủ một lớp bụi thời gian thâm đen mà vẫn sạch.


Càfé Lâm mở cửa suốt ngày nhưng không bao giờ bán quá khuya. Có điều là ít ai vì cái "nội quy" đó mà bỏ quán. Những ai đã một lần ngồi nhâm nhi tách cà-phê đen nhánh nơi đây thì lại mong có lần thứ hai, thứ ba gặp lại. Vậy nên Càfé Lâm vẫn có lượng khách riêng của mình. Từ giới trí thức, văn nghệ sĩ đến những kẻ đi buôn, những người qua đường, học sinh, sinh viên... Bây giờ vì tuổi cao, ông chủ Lâm không còn trực tiếp ngồi pha bán cà-phê nữa. Nhưng so với các quán khác, Càfé Lâm vẫn ngon, giá vừa phải và điều đặc biệt, bỏ kệ ngoài kia là phố xá ồn ào, bước vào nơi cả bốn bức tường ken đặc tranh với đủ chất liệu, kích cỡ ai cũng cảm được cái không gian yên tĩnh, không gian của mình, không gian cho mình. Hình như, đó là một không gian vô nhiễm?


2.

Ông Lâm họ Nguyễn, tên đệm là Văn - Nguyễn Văn Lâm. Tên ấy không đẹp nhưng cũng chẳng xấu chút nào vậy mà bạn bè lại ít người gọi. Vì lẽ mắt ông kém, lại hay rèm rử nên họ gọi thân mật một cách bỗ bã là Lâm "toét". Ông nghe gọi, muốn phản bác nhưng lại tự hỏi "để làm gì một cái tên?" Thế là thôi im. Thế là thành quen. Ông Lâm bắt đầu bán cà-phê bằng xe đẩy ở vườn hoa Chí Linh, Hà Nội từ khoảng những năm 50 của thế kỷ 20 đang vội vã trôi đi này. Ở cái vườn hoa ấy khách của ông thường là công chức từ các nhiệm sở quanh đó. Mà thời điểm này công chức có nhiều thời gian rảnh nên thường ra nhấm nháp cà-phê. Nhưng đã là công chức thì hay ngại ngồi nơi lang chỗ chạ nên điều đó đã khiến ông cố tìm một chốn ngồi ổn định. Thế là vào khoảng giữa những năm 50, ông Lâm mở một quán cà-phê ở Hàng Vôi, vẫn ở trung tâm phố cổ. Có quán ngồi uống, lập tức nơi đây trở thành nơi tụ hội giao lưu của giới trí thức, học sinh, sinh viên quanh vùng. Và nhiều người ngay lập tức trở thành khách hàng trung thành của quán.

3.

Làm ăn ngày càng có uy tín, ông Lâm mua căn nhà ở phố Nguyễn Hữu Huân. Tại mảnh đất lành này, ông tiếp tục cái nghiệp bán cà-phê của mình để duy trì cuộc sống. Qua hương vị nồng đắng của cà-phê, ông Lâm đã quen biết được một số họa sĩ trẻ. Nhưng giai đoạn này cũng chính là những năm sôi động trước và sau chiến tranh, vì thế người dân Việt Nam nói chung và giới họa sĩ trẻ Việt Nam nói riêng cũng phải vật lộn để kiếm sống và vẽ tranh. Với giới họa sĩ trẻ bấy giờ khát vọng sáng tác thì nhiều nhưng những điều kiện vật chất lại không cho phép. Lúc đó không hẳn là người giàu nhưng tình người đã khiến ông Lâm cho những khách hàng quen vay tiền mà mua vật liệu, thuốc vẽ. Chính vì thế, trong những thập niên 60, 70 quán Càfé Lâm đã thực sự là một mái ấm, một chốn qua lại gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ lớn như cụ Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyên Hồng, Dương Bích Liên, ...



Có người nghĩ rằng "Lâm toét" lấy tranh của các họa sĩ để trừ vào tiền cà-phê. Thực tế là không phải, với các họa sĩ trẻ có nét tài hoa, ông Lâm là người khá rộng rãi. Trước sau ông vẫn trọng cái tình hơn. Điều này càng khiến cho số tranh trong bộ sưu tập của ông thêm hấp dẫn.

Ta hãy cùng xem lại hai trong số những thư tích của nhiều họa sĩ trong bộ sưu tập của ông Lâm:

- Họa sĩ Nguyễn Sáng:

"Thân gửi a. Lâm,

Tôi cần gặp anh và nói nhỏ với anh là tôi đang cần 10đ để chiều nay tiễn đưa một người bạn đi làm việc. Anh cứ giao cho a. Dậu mang về. Tôi đang sáng tác nên không gặp anh được - Anh rỗi đến tôi chơi. Bao giờ tôi vẫn cho anh là người đi vào lịch sử của CMVN vì nhân dân quên mình.

Thân,

29-9-73.

TB: Nếu có hơn số đã định càng tốt, không sao cả!!"

- Còn họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao ngày 25-6-1974 có viết:

"Nếu như người ta yêu nhau thì nhìn đôi mắt, anh Lâm lại là người kém mắt. Người kém mắt lại yêu hội họa. Tôi yêu người kém mắt ấy mà vẽ tặng".

Không chỉ với Nguyễn Sáng, không chỉ với Văn Cao. Mà là với cả Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Phùng Quán, Dương Bích Liên... Bất cứ ai khi túng thiếu mà đến gặp, ông Lâm đều mở tủ lấy tiền cho mượn. Và là những người nghệ sĩ chân chính, họ lại trả nợ bằng một thứ tiền mà họ có, đó chính là những tác phẩm.

Vì lẽ ấy mà giờ đây bộ sưu tập của ông Lâm rất lớn: Ngoài hơn 1000 bức tranh của các họa sỹ tên tuổi còn có gần một vạn cuốn sách và các vật kỷ niệm liên quan đến giới văn nghệ sĩ.

Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân nhận xét: "Ông Lâm đã góp phần bảo tồn một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, đã thu thập được một khối lượng tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật. Nhưng điều làm cho bộ sưu tập của ông độc đáo chính là mối quan hệ ấm áp tình người của ông đối với nghệ sĩ".

4.

Mấy tháng nay tôi đã thưa ra ngồi ở Càfé Lâm. Không phải vì bận. Cũng không phải là vì không còn thích uống cà-phê nữa. Ông Lâm đã mất. Quán Càfé Lâm đã được sửa sang, nới rộng ra. Rồi lại còn có thêm cả một phòng nữa. Các bức tranh được thay đổi và sắp đặt lại. Bàn ghế được kê thêm. Gỗ và nhựa; nâu sồng và xanh, đỏ; mới và cũ... Cung cách phục vụ cũng có phần chuyên nghiệp hơn. Khách vào Càfé Lâm giờ cũng đông hơn trước... Và, tôi đã thôi một thói quen rất cũ...

8-2003



Nguyễn Thanh Bình




URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4786

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn