Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Một số ghi nhận về Malaysia
18/11/2010

Vừa qua, một đoàn của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia (HĐCSKHCNQG) đã sang Malaysia tìm hiểu về những thành tựu trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, về các cơ chế chính sách và về đào tạo nguồn nhân lực của nước này. Dưới đây là một số ghi nhận của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân trong hai lĩnh vực hệ thống giáo dục và quản lý Khoa học và Công nghệ.






PHẦN I. VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC

Malaysia là một Liên bang quân chủ lập hiến ở Đông Nam Á, gồm có 13 bang và ba lãnh thổ thuộc Liên bang. Diện tích đất liền của Malaysia là 329847 km2, tương đương với Việt Nam. Dân số năm 2009 là 28,25 triệu người, với cơ cấu 50,1% gốc Malay, 23,7% gốc Hoa, 7,1% gốc Ấn và còn lại là các bộ tộc địa phương.

Nền độc lập của Malaysia đối với Vương Quốc Anh đạt được qua hai giai đoạn: phần bán đảo Malay, ngày 31.08.1957, và Liên bang Malaysia (với các bang Sabah, Sarawak và Singapore) ngày 16.09.1963. Singapore tách ra khỏi Liên bang năm 1965 trở thành một quốc gia độc lập.

Thủ đô của Malaysia là Kuala Lumpur rộng 244 km2, với dân số 1,6 triệu người (2006).

Từ năm 1999, thủ đô hành chính của Malaysia được di dời đến thành phố mới Putrajaya, cách Kuala Lumpur độ 50 km về phía Nam. Việc di dời được hoàn tất năm 2005. Hiện Putrajaya có khoảng 30.000 dân, chủ yếu là cán bộ viên chức của các Bộ và Chính phủ.

Theo ý tưởng từ ban đầu, Putrajaya phải là một thành phố xanh và trí tuệ nên nó được đặt trong đề án Multimedia Super Corridor (MSC, tạm dịch Siêu hành lang đa truyền thông) bên cạnh thành phố Cyberjaya.

Theo số liệu của WB, GDP năm 2009 đạt 136,6 tỷ USD giá cố định năm 2000; 213,1 tỷ USD giá hiện hành. GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 4974 USD giá cố định năm 2000; 7547 USD giá hiện hành.

Malaysia có sản phẩm chủ lực là cây cọ dầu và dầu cọ, cây cao su và mủ cao su sơ chế, và quặng thiếc.

Trong kế họach 5 năm lần thứ 9 (2011-2015), Malaysia sẽ đẩy mạnh khu vực chế biến, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản và tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, và phát triển mạnh du lịch.

Theo số liệu của WB, chỉ số người biết chử toàn Liên bang là 92% năm 2009, 97% ở Kuala Lumpur.

Nền giáo dục của Malaysia, ngoài mẫu giáo, có ba cấp: primary education (cấp I), secondary education (cấp II) và tertiary education (cấp III). Mẫu giáo là không bắt buộc. Giáo dục cấp I, sáu năm, và giáo dục cấp II, năm năm, là bắt buộc. Học sinh không phải trả học phí ở các cấp này.

Có hai loại trường cấp I: các trường quốc gia (national primary school) giảng dạy bằng tiếng Bahasa Malaysia, và các trường của các cộng đồng gốc Hoa, gốc Ấn Độ (vernacular primary school) dùng tiếng Hoa hoặc tiếng Tamil, trừ các môn tiếng Anh, khoa học và toán học. Cuối cấp I, tất cả học sinh đều phải qua kỳ thi sát hạch tốt nghiệp cấp I.

Các trường cấp II quốc gia sử dụng tiếng Bahasa Malaysia, trừ các môn toán và khoa học, và các ngôn ngữ khác.

Sau khóa học thứ ba (năm thứ ba) đầu cấp II, học sinh thi bằng PMR (kỳ thi này và bằng PMR sẽ không còn kể từ năm 2016). Cuối khóa thứ năm (năm thứ năm) học sinh qua kỳ thi để được cấp bằng tốt nghiệp giáo dục SPM.

Chính phủ cũng đã quyết định kể từ năm 2012, các môn toán và khoa học sẽ thôi không giảng dạy bằng tiếng Anh nữa mà bằng tiếng Bahasa Malaysia.

Cho đến năm 2004, Bộ Giáo dục (MoE) quản lý cả giáo dục cấp III (tertiary education hay higher education). Ngày 27.03.2004, Bộ Giáo dục cấp III (MoHE, Ministry of Higher Education) được thành lập và quản lý lĩnh vực giáo dục này [1].

Giáo dục Malaysia được điều chỉnh bằng 6 luật: Luật Giáo dục 1996; Luật về các loại trường cấp III (Higher Education Institutions, HEI), 1996; Luật về Hội đồng Giáo dục cấp III, 1996; Luật về Ủy ban Quốc gia công nhận chức vụ, 1996 (được thay thế bằng Luật về Cơ quan Malaysia về các tiêu chuẩn chức vụ, 2007); Luật về trường đại học và cao đẳng trong trường đại học (sửa đổi), 1996; Luật về các Quỹ quốc gia cho giáo dục cấp III,, 1997 (sửa đổi 2000).

Theo số liệu của MoHE, năm 2007 Malaysia có 20 trường đại học công lập, 32 trường đại học tư thục, và 4 chi nhánh trường đại học nước ngoài; có 485 cao đẳng tư thục (private colleges), 22 trường polytechnics [2] và 37 trường cao đẳng cộng đồng công lập (public community colleges).

Trong số 20 đại học công lập, năm 2010, có 5 đại học đạt quy chế "đại học nghiên cứu" và nhận được ngân sách bổ sung cho hoạt động R&D&C (xem Phần 2).

Năm 2009, Trường Đại học Malaya (University of Malaya), một trong 5 trường này, nhận được 86 triệu RM (khoảng 29 triệu USD) bằng gần 90% ngân sách hàng năm cho hoạt động, từ Bộ MOHE (62 triệu RM) và 24 triệu RM từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới.

Khái niệm "đại học nghiên cứu" gián tiếp thừa nhận có những trường đại học không / ít nghiên cứu. Điều này về lâu dài sẽ không tốt cho chất lượng đào tạo đại học.

Quá trình gia tăng số trường đại học Malaysia đến năm 2010 như sau:



Theo số liệu của MoHE, năm 2005, Malaysia có tổng cộng khoảng 942000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên theo học các HEI, công lập và tư thục, trên dân số ở độ tuổi (19 - 25) diễn biến trong các thập kỷ qua như sau:



Sự tăng trưởng khá nhanh về số HEI cũng như về số sinh viên theo học tại các trường này là kết quả của Luật về các HEI tư thục ban hành năm 1996.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực này, một nghiên cứu [3] chỉ ra một số khác biệt giữa các trường công và trường tư trong hai bảng sau đây:



Bốn vấn đề được nhấn mạnh và cho rằng cần đặc biệt quan tâm là (1) chất lượng đào tạo; (2) khả năng tiếp cận với giáo dục cấp ba của con em các tầng lớp trung lưu trở xuống ngày càng khó nếu Nhà nước không mở thêm các trường công lập; (3) vấn đề sắc tộc có khả năng sâu sắc thêm; (4) Kiến thức cơ bản, hành trang để Malaysia phát triển bền vững, có thể sẽ bị thui chột.


PHẦN II. VỀ QUẢN LÝ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Nền kinh tế Malaysia cho tới những thập niên gần đây dựa chủ yếu vào nông nghiệp và khai thác tài nguyên khoáng sản, nay dần mở rộng sang các lĩnh vực khoa học và công nghệ, thương mại, du lịch (trong đó có du lịch sức khỏe).

Theo số liệu của WB, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao khá quan trọng và chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến.



Trong các năm 1987-1997, nghiên cứu và triển khai sử dụng 0.24% GNP (tổng giá trị sản xuất thuần quốc gia).

Từ những năm 1970, Chính phủ Malaysia đã thúc đẩy nền công ghiệp quốc phòng và năm 1999 đã thành lập Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Malaysia mà một nhiệm vụ là đẩy mạnh lĩnh vực này, tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Năm 2002, Cơ quan Quốc gia về Không gian được thành lập.

Để chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (MP9), năm 2004, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (MoSTE) được đổi thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MoSTI). Một số Bộ khác, như Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục đại học, ... có Vụ Khoa học. Bộ MoSTI không có "chân rết" ở các bang.

Hội đồng Quốc gia về Đổi mới (NIC), Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu khoa học và Triển khai, (NCSRD) và Ủy ban đặc trách thực hiện Đổi mới (JTPIN) được thành lập. JTPIN gồm các lĩnh vực Công nghệ (Bộ MoSTI), Tiếp thị (MITI), Tài lực (MoF), Nhân lực (MoHE), Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMIDEC), và các thiết chế (EPU).

Ngân sách dành cho RD trong MP9 tăng gấp đôi so với MP8, vào khoảng 1,1 tỷ USD.

Nghiên cứu và triển khai được gắn liền với thương mại hóa (R&D&C). Việc tài trợ cho hoạt động R&D&C nhằm đạt ba mục tiêu: tạo ra tri thức (25%) tạo ra sự giàu có cho đất nước (50%) và sự sung túc xã hội (25%).

Có thể có những đánh giá khác nhau về sự thành công của đề án Siêu hành lang đa truyền thông MSC, nhưng hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và CNTT mà Malaysia hiện có là điều không thể phủ nhận.

Cyberjaya gần như là một Khu CNC chuyên về CNTT. Cyberjaya [4] có mặt mạnh (như tập trung cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, triển khai chẳng hạn) nhưng có phần nặng về "xuất phát từ CNTT" và thiếu sự thâm nhập của CNTT vào các ngành khoa học, công nghệ và kinh tế từ yêu cầu của các lĩnh vực này, kể cả đào tạo về nguồn nhân lực CNTT có mục tiêu, như tại các KCNC khác (Trung Quan Thôn, Phố Đông, Thượng Hải, Thẩm Quyến, hay ở Hàn Quốc) [5].

Hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn ngân sách của MoSTI ra sao? và đạt được bao lâu sau đầu tư? Câu trả lời của Bộ với đoàn là từ hoàn vốn đến có thặng dư và trong vòng hai, ba năm, bởi lẽ R&D&C là một chuỗi liên tục đi từ giai đoạn tiền R&D (Pre-R&D), đến R&D, tiền thương mại hóa (Pre-Com) và cuối cùng Thương mại hóa (C). Việc tài trợ từ các quỹ được xem xét và chuẩn bị trong chuỗi này.



MoSTI có một số công ty thuộc Bộ, có tư cách pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn, hoạt động phi lợi nhuận với vốn được cấp từ Bộ MoSTI và các Bộ khác có liên quan trong các đề án, dự án và với vốn tự có ngày càng tăng thêm. Các công ty này nộp thuế cho Nhà nước như mọi công ty khác, và lợi nhuận sau khi hạch toán được đầu tư trở lại cho cơ sở vật chất và cho hoạt động của công ty.

MTDC (Malaysian Technology Development Corporation), trước thuộc Bộ MITI (Thương mại quốc tế và Công nghiệp), nay thuộc Bộ MOSTI, là một công ty thuộc loại hình này. MTDC hiện hoạt động với vốn là 285 triệu MR (khoảng 95 triệu USD), đã ký kết hợp đồng với 194 doanh nghiêp và 53 trường đại học sử dụng các Quỹ Trang bị công nghệ (TAF) mà đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ việc đổi mới công nghệ; Quỹ Thương mại hóa kết quả RD (CRDF) giúp thương mại hóa các kết quả RD; Quỹ tạo vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao mới, Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) ... . MTDC bằng hoạt động của mình là một gạch nối thực sự, không bao cấp khá tích cực giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Trường đại học. Khó khăn của MTDC là nguồn vốn hoạt động ít so với yêu cầu.

MDeC (Multimedia Development Corporation) cũng thuộc MOSTI là một công ty khác, cùng tính chất với MTDC, hoạt động trong lĩnh vực CNTT và đa truyền thông. Một trong những kết quả hoạt động mà MDeC nhắm đạt được là hình thành 20 Cybercities và 5 Cybercentres trong cả Liên bang Malaysia. MDeC còn có hoạt động nghiên cứu các sản phẩm mới và làm dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn về các dự án CNTT và đa truyền thông. Hạn chế của MDeC là hoạt động trong một KCNC thuần CNTT và đa truyền thông, thiếu một môi trường KHCNC đa lĩnh vực.

Chúng ta còn nhiều lúng túng trong việc sử dụng hết và có hiệu quả ngân sách dành cho R&D hàng năm, bằng 2% của tổng chi ngân sách, cũng như trong việc đưa KHCN vào sản xuất và đời sống. Malaysia gắn R&D với C và đặt R&D&C trong một chuỗi liên tục là một gợi ý bổ ích cần xem xét.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều quỹ để hỗ trợ khoa học và công nghệ như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở nhiều cấp, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao cũng ở nhiều cấp. Hoạt động của các quỹ này ra sao, theo cơ chế gì, nguồn từ đâu, và hiệu quả thế nào?

Chúng ta cũng nói nhiều về sự liên kết Chính phủ - Doanh nghiệp - trường viện. Việc triển khai ra sao, thuận lợi, khó khăn gì?

Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta có quan hệ hợp tác với MoSTE trước đây và MoSTI hiện nay. Thiết nghĩ kinh nghiệm của Malaysia về các vấn đề trên rất đáng được nghiên cứu./.



* Bài viết sau chuyến khảo sát của Hội đồng Chính sách KHvCN Quốc gia, từ 25/10 đến 31/10/2010.

[1] Higher Education, hay Tertiary Education, giáo dục cấp III, là lĩnh vực giáo dục sau cấp II. Có ba loại hình trường trong lĩnh vực này là Universities (đại học), Colleges (cao đẳng) và Polytechnics. Higher Education Institutions (HEI) được dùng để chỉ gộp cả ba loại hình trường.

[2] Loại hình trường Polytechnics được thành lập năm 1969, đào tạo các ngành kỹ thuật và thương mại. Đầu vào là học sinh tốt nghiệp SPM hoặc tương đương. Thời gian đào tạo là ba năm để có bằng Diploma, và hai năm để có chứng chỉ (Certificates). Trường Tun Hussain Onn, ở Batu Pahat, đào tạo giảng viên cho các trường Polytechnics.

[3] http://educationmalaysia.blogspot.com/2010/07/state-of-higher-education-in-malaysia.html

[4] Điều này có lẽ cũng đúng cho các cybercities và cybercentres (xem sau đây).

[5] Xem các bài viết của tác giả từ các chuyến khảo sát của HĐCSKHCNQG năm 2008 và 2009.


Tác giả: Gs. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4855

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn