Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Các cách hủy hoại nền đại học
19/11/2010

Các đại học là các “vườn ươm tri thức” của nhân loại. Nó vừa là nơi đào tạo ra đội ngũ trí thức và chuyên gia cao cấp cho xã hội, vừa là nơi hình thành và phát triển các tri thức cơ bản mới của xã hội loài người trong mọi lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên và công nghệ cho đến nhân văn nghệ thuật cho đến chính trị và kinh tế, giúp cho toàn xã hội phát triển. Nếu như thời trung cổ trên thế giới chỉ rải rác có vài trường đại học, thì ngày nay đã có hàng nghìn trường đại học lớn xuất hiện, góp phần đưa thế giới vào kỷ nguyên đại đồng với nền kinh tế dựa trên hiểu biết.


Để có thể đảm nhiệm đúng nghĩa hai sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu đem lại lợi ích cho toàn xã hội của mình, hệ thống đại học cần có được sự tụ hợp của nhiều điều kiện thuận lợi trong một quá trình phát triển lâu dài. Tuy nhiên, trong lịch sử, hệ thống đại học không phải lúc nào cũng có được những điều kiện thuận lợi để phát triển, mà trái lại, luôn có các thế lực hay chính sách vì cố tình hay vô ý đã và đang hủy hoại nền đại học.

Trong bài viết này, tôi muốn điểm qua một số cách hủy hoại đại học tiêu biểu nhất đã từng được áp dụng. Tôi sẽ chủ yếu bàn về thế giới ngoài Việt Nam, và qua đó ta có thể chiêm nghiệm so với Việt Nam.


Nô lệ hóa

Tuy rằng hệ thống đại học phải vục vụ chung cho toàn xã hội, nhưng các thế lực chính trị và tôn giáo có xu hướng độc quyền luôn tìm cách “nô lệ hóa” đại học về tư tưởng, “rửa não” sinh viên, biến trí thức thành tay sai cho chế độ của mình.Khi mà đại học đã bị “nô lệ hóa”, thì không còn sự tự do tư tưởng, là thứ “sinh khí” cần thiết cho trí thức và khoa học phát triển. Mất đi sự “độc lập tự do” đó, thì đại học cũng mất đi một vài trò quan trọng, là làm phản biện cho xã hội.

Thời Phát xít Đức những năm 1930, các đại học ở Đức đã bị biến thành công cụ để sản sinh ra các “nazi ưu tú”, phục vụ cho các giáo điều điên rồ của nazi, gây chiến tranh hủy diệt thế giới. Ở Liên Xô cũ, các sinh viên cũng phải học thi quốc gia các môn chính trị giáo điều, với nhiều “kiến thức” trái ngược thực tế.

Để “nô lệ hóa” hệ thống đại học, thế lực cầm quyền cần có tai sai trung thành do họ dựng lên nắm quyền quản lý đại học. Những tay sai đó không cần hiểu biết về khoa học hay văn hóa, không cần biết là đại học để phát triển thì cần làm thế nào, mà quan trọng là phải biết nghe lời phía trên, o ép phía dưới theo đúng “khuôn mẫu”.

Một biểu hiện của sự nô lệ hóa là khi khoa học rởm và một số nhà khoa học rởm nhưng “trung thành với chế độ”, được dựng lên và ưu ái, đè ép khoa học thật và cưỡi lên đầu lên cổ các nhà khoa học thật. Ở Nga Xô Viết, nhà khoa học rởm Trofim Lysenko, với các lý thuyết giả khoa học về sinh vật nhưng hợp với giáo điều và lọt tai Stalin, đã được dựng lên nắm “quyền sinh sát”, phá hoại nền khoa học Xô Viết trong mấy thập kỷ cho đến khi bị lật đổ vào những năm 1960. Ở Rumani, bà Elena Ceaucescu đã trở thành “đỉnh cao của khoa học rởm” cho đến khi chế độ mà bà ta góp phần dựng lên bị lật đổ và bà ta bị tử hình vào năm 1989. Bà này “trình độ lớp 4″, nhưng trở thành “nhà khoa học vĩ đại” bằng cách dùng quyền lực chính trị ép các nhà khoa học thật viết mướn cho mình và ép các nơi trao tặng các văn bằng danh dự. Trong một chế độ dân chủ hơn, không bị độc tài làm nô lệ hóa đại học, thì những kẻ giả tạo như Lysenko hay Ceaucescu vẫn tồn tại, nhưng không gây tác oai tác quái hủy hoại nền đại học và khoa học được lâu dài đến vậy.


Đàn áp khủng bố

Đại học là cái nôi của tri thức. Trí thức trước hết phải là những người có suy nghĩ độc lập tự do và biết tôn trọng sự thật (và tôn trọng các giả thuyết khoa học khi chưa rõ sự thật). Nhưng sự thật nhiều khi trái nghịch lại với các giáo điều. Khi trí thức không chịu làm nô lệ về tư tưưởng, dám nói lên sự thật hay giả thuyết khoa học trái ngược lại với các giáo điều, thì điều này làm cho các thế lực mà quyền hành đang dựa trên các giáo điều đó khó chịu, tìm cách tiêu diệt đàn áp trí thức.

Cách đàn áp thẳng tay nhất là bỏ tùgiết. Nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã lôi nhà khoa học Giordano Bruno lên giàn thiêu vì lý thuyết của ông ta (vũ trụ có nhiều mặt trời, và trái đất quay quanh mặt trời) được coi là tà đạo, trái ngược với kinh thánh. Ngày nay, các thế lực tôn giáo không còn quyền xử tội về pháp lý những nhà khoa học chống lại họ nữa, nhưng họ vẫn có thể làm trò ám sát thủ tiêu. Ở Irak, một số học giả đã bị ám sát trong thập kỷ vừa qua vì lý do tôn giáo.

Ở Liên Xô thời Stalin, hàng trăm nhà khoa học bị bắt đi đày hay bị giết vì nghiên cứu các học thuyết khoa học bị coi là “phản động, phản Mac-Lê”, như di truyền học hay kinh tế thị trường. Tiêu biểu là nhà kinh tế học Nicolai Kondriatiev (của chu kỳ Kondriatief), bị xử tử hình năm 1938, hay nhà di truyền học Nikolai Valvilov, bị tống vào tù rồi chết vì đói vào năm 1943. Nhà kinh tế Wassily Leontief (giải Nobel kinh tế 1973 về “general equilibrium theory”) cũng bị đi tù rồi bỏ chạy sang Đức rồi sang Mỹ, Leonid Kantorovich (cha đẻ quy hoạch tuyến tính, giải Nobel kinh tế 1974) cũng suýt bị đi tù 2 lần do dám nghiên cứu về biến động giá cả trái ngược với học thuyết Marxist. Các nhà vật lý như Vladimir Fock và Lev Landau cũng từng bị bắt, nhưng thoát được tù vì “Stalin còn cần có người làm bom”.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, các nhà khoa học Xô Viết dám nói sự thật “mất lòng” vẫn tiếp tục bị tù đày hoặc là bị đàn áp kiểu khác: tiêm thuốc và tống vào nhà thương điên. Điển hình như nhà vật lý Andrei Sakharov (cha đẻ bom H) bị đi đày, và nhà vật lý Pyotr Kapitsa bị giam tại gia, nhà sinh vật học Zhores Medvedev bị tống vào nhà thương điên. Nhà toán học Vladimir Arnold thì “tội” nhẹ hơn, dám ký vào một bản kiến nghị phản đối chính quyền tống một nhà khoa học “dissident” hoàn toàn khỏe mạnh vào nhà thương điên, nên không bị đi tù nhưng cũng bị trù dập: không được giải Fields (phái đoàn Xô Viết dọa tẩy chay đại hội toán học thế giới nếu Arnold được giải Fields), và mãi đến năm 1990 khi Liên Xô gần sụp đổ mới được bầu vào Viện Hàn Lâm tuy tên tuổi khoa học trên thế giới đã lẫy lừng từ lâu trước đó.

Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông từng nói “trí thức không bằng cục cứt”. Kiểu đàn áp của Mao đối với trí thức khó bảo là tống đi lao động cải tạo (cũng là một hình thức bỏ tù) trong thời kỳ “Cách Mạng Văn Hóa” (thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20). Hệ quả hiển nhiên là hệ thống đại học của Trung Quốc suy sụp trong giai đoạn đó. (Nhà toán học nổi tiếng Wu Wen-Tsun thời đó cũng được cho đi làm công nhân nhà máy chế tạo máy tính). Nhưng “không may” cho Mao, Cách mạng Văn hóa thất bại, Mao chết, và nhân dân Trung Quốc lại quay trở lại xây dựng hệ thống đại học của họ trong mấy thập kỷ qua, để đến ngày nay đã có một số trường đại học ở Trung Quốc đạt đẳng cấp quốc tế.



Một kiểu phổ biến để đàn áp các “tư tưởng đối lập” là đốt sách. Chế độ Nazi ở Đức những năm 1930 đã biến các đại học thành bộ máy phụ vụ chế độ. Các sách vở mà Nazi coi là “phản động”, hay được viết bởi các tác giả “thoái hóa” hay chống Nazi, bị đem đốt. Riêng thư viện trường đại học Humboldt ở Berlin đã có khoảng 20 nghìn quyển sách bị đốt như vậy. Không chỉ đốt sách, Nazi còn đàn áp trực tiếp những giảng viên đại học bị coi là “phản động” hay gốc do thái. Những người đó đầu tiên là bị đuổi khỏi trường, rồi đến những năm tiếp theo là bị bắt hay bị giết.

Chuyện đốt sách tất nhiên không phải là sáng tạo riêng của Nazi. Nhà thờ trước đó cũng đã từng đốt nhiều sách “tà đạo”. Người do thái cực đoan cũng sách trái với đạo của họ. Thế kỷ 21 này, vẫn xảy ra các cuộc đốt sách “tà đạo” ở một số nơi trên thế giới.

Ở Mỹ, vào quãng giữa thế kỷ 20 (“McCarthy era”), các giảng viên đại học mà từng là đảng viên cộng sản hay bị coi là “thân cộng” cũng bị đàn áp bằng cách đuổi khỏi các trường đại học, nhưng không đến nỗi bị tù đày hay tử hình như là các “phần tử phản động” ở Liên Xô, Trung Quốc, hay Đức phát xít.

Sự đàn áp viết phía trên là “đàn áp có chọn lọc”: ngay trong một trường đại học hay viện nghiên cứu, không phải nhà khoa học nào hay sinh viên nào cũng bị đàn áp. Những người chấp nhận mất tự do tư tưởng sống cúi đầu giả vờ tuân theo giáo điều, hoặc là cơ hội chủ nghĩa “chia máu ăn phần” với chế độ độc tài, thì ít bị đàn áp.



Sự khủng bố nói đến trong mục này, là sự khủng bố với toàn bộ một hay một loạt trường đại học và tất cả các thành viên của nó. Sự khủng bổ đó thường đến từ các thế lực thù địch bên ngoài (chứ không phải từ bên trong hay từ thế lực cai trị phía trên).

Đặc biệt là trong chiến tranh, các đại học cũng trở thành mục tiêu của bom đạn. Thời chiến tranh với Việt Nam, Mỹ đã ném bom phá hoại cả các trường đại học ở miền Bắc. Israel trong những năm gần đây cũng đã ném bom phá hoại các cơ sở đại học của Palestine.

Các nhóm khủng bố như kiểu Al Qaeda cũng coi các đại học là mục tiêu khủng bố. Ở Pakistan, các đại học phải có lính quân đội canh cổng, cầm máy dò mìn dò các xe ô tô trước khi cho đi qua cổng, nhưng vẫn có đại học bị đánh bom trong những năm gần đây.


Bỏ đói

Không cần đàn áp các học giả hay phá hủy cơ sở vật chất, mà chỉ cần bỏ đói họ, không cung cấp đủ kinh phí cho các đại học hoạt động, thì các đại học cũng sẽ tự khắc xuống cấp, thoái hóa.

Sự bỏ đói dễ nhận thấy nhất, là khi các giáo sư đại học được trả lương cực thấp so với các nghề khác, có khi thấp hơn cả nhân viên quèn ở các hãng tư.

Thời Xô Viết, các nhà khoa học tuy không giàu, nhưng đủ sống và được chăm lo bao cấp nhiều khoản, không phải lo về vật chất, có thể yên tâm giảng dạy nghiên cứu khoa học, trừ những ai có vấn đề với chế độ. Bởi vậy thời kỳ Xô Viết, tuy có nhiều nhà khoa học bị bắt bớ tù đày trong những giai đoạn nào đó, vẫn là thời kỳ hoàng kim của khoa học Nga nói chung. Khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, chế độ mới lên thay đã bỏ rơi giáo dục và đại học trong hai thập kỷ 1990-2010, khiến cho nền giáo giục và nền đại học của Nga xuống cấp trầm trọng về chất lượng, đặc biệt là đại học. (Thực ra sự xuống dốc này đã bắt đầu thể hiện từ cuối thập kỷ 1980s trước khi Liên Xô tan rã). Trong khi kinh tế tư nhân ở Nga “bùng nổ”, giá cả ở Matxcơva trở nên đắt đỏ loại nhất thế giới, và thu nhập trung bình của người dân Matxcơva cũng trở nên thuộc loại khá cao trên thế giới (chủ yếu nhờ vào xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có), thì thu nhập của giảng viên đại học ở Nga bị kìm kẹp bởi chế độ từ thời bao cấp chậm thay đổi không theo kịp sự trượt giá. Vào thời điểm 2010, lương giáo sư của MGU (đại học danh giá nhất nước Nga) chỉ có khoảng 1000 USD một tháng, trong khi một kỹ sư máy tính xoàng cũng có thể được 2-3 nghìn USD / tháng.

Hệ quả tất yếu của việc bỏ đói là sự chảy máu chất xám. Nếu như trước 1991 số lượng các nhà khoa học Nga “vượt biên” sang phương Tây còn tương đối hiếm (trừ những người gốc Do Thái đi khỏi Nga về Israel), thì trong suốt giai đoạn 1991-2010 có sự ra đi ồ ạt của các nhà khoa học Nga sang phương Tây và sang cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Những người còn ở lại Nga thì cũng thỉnh thoảng ra nước ngoài kiếm sống, bỏ rơi sinh viên trong nước, hoặc “chân trong chân ngoài”, hoặc tệ hơn là tham nhũng thoái hóa, bán điểm, làm luận án thuê, v.v. Nhiều giáo sư hay tiến sĩ của Nga sẵn sàng viết thuê luận án, bán danh dự để nuôi thân. Cũng vì vậy mà nhiều con buôn Việt Nam sang Nga “du học” bảo vệ được “tiến sĩ” hay “tiến sĩ khoa học” với luận án do người khác viết.

Các nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary, sau khi không còn XHCN và sát nhập vào với Cộng Đồng Châu Âu, đã có chính sách tốt hơn trong quá trình chuyển đối, không bỏ đói đại học một cách tồi tệ như Nga, nên các nhà khoa học ở các nước đó (cũng giỏi không kém gì ai) phần lớn yên tâm làm việc ở nước mình, không phải “chạy loạn” như các nhà khoa học Nga.

Việt Nam hiện là một trong các nước hiếm hoi, mà các giảng viên đại học cũng bị “bỏ đói” tương tự như ở Nga. Ở Việt Nam, số ít những ai có đủ trình độ để có thể đi thỉnh giảng ở nước ngoài thì cũng ra nước ngoài đều đặn mỗi năm vài tháng kiếm tiền. Phần đông còn lại “bán cháo phổi” dạy thêm suốt ngày hoặc làm nghề tay trái khác, không có thời giờ đâu cho nghiên cứu khoa học hay cập nhật kiến thức và bài giảng.

Tình hình ở Pháp tất nhiên không đến nỗi tồi như ở Nga hay Việt Nam. Nhưng cán bộ đại học hay nghiên cứu khoa học nhà nước của Pháp cũng được trả lương khá thấp so với nhiều nước tiên tiến khác. Một tiến sĩ trẻ được nhận vào làm nghiên cứu viên CNRS ở Paris (là một công việc khá “danh giá”) nhưng đi thuê nhà không thuê được, vì với mức lương CNRS như vậy không ai cho thuê nhà. Một người châu Âu được nhận làm giáo sư ở Paris, nhưng sau khi biết được là lương giáo sư là bao nhiêu, bèn từ chối thôi không nhận việc nữa. Một giáo viên dạy “classes prépa” (các lớp chuẩn bị để thi vào các trường lớn ở Pháp) cũng có thể có thu nhập cao hơn là giáo sư đại học ở Pháp. Theo một thống kê (xem: http://nicolas.tentillier.free.fr/Salaires/index.html), lương khởi điểm của phó giáo sư (maitre de conference 1ère classe) ở Pháp bị giảm liên tục trong hơn 20 năm 1986-2008 sau khi đã trừ đi lạm phát (tức là lương tăng chậm hơn so với lạm phát), lương năm 2008 chỉ có sức mua bằng quãng 85% lương năm 1986, trong khi nền khi tế đi lên nhiều trong hơn 20 năm đó.

Chính phủ Pháp vào năm 2010 đang “làm bộ” quan tâm hơn đến khoa học với những cải cách này nọ, nhưng về cơ bản thì cán bộ đại học vẫn bị đối xử tệ. Ngay chính sách tài trợ nghiên cứu của Pháp hiện tại cũng không khuyến khích được mọi người tích cực nghiên cứu hơn. Nói một cách nôm na, đó là chính sách “20% tốt, 80% dốt” (tiếng Pháp: “20% de bons, 80% de cons”). Có nghĩa là người ta đặt ra một qui định khá máy móc tùy tiện là, chỉ có 20% số giảng viên đại học xin tiền phụ cấp nghiên cứu được xếp hạng “tốt” (và nói chung cũng chỉ những người đó được phụ cấp nghiên cứu, thường trong quãng 4 nghìn đến 6 nghìn eurro / năm). Kể cả với 6 nghìn euro phụ cấp nghiên cứu khoa học thì lương đại học của Pháp vẫn thấp hơn ở các nước giàu ngang Pháp. Và chỉ có một lượng khoảng 20% người được phụ cấp, những giáo sư / phó giáo sư còn lại, dù có tích cực nghiên cứu cũng không được phụ cấp, và điều này khiến cho nhiều người chán nản bỏ nghiên cứu. (Để công bằng và khuyến khích nghiên cứu tốt hơn, thì đáng nhẽ phụ cấp phải tỷ lệ thuận theo kết quả, tức là những ai không lọt vào 20% đầu mà có kết quả nghiên cứu tốt thì vẫn phải được hưởng phụ cấp nghiên cứu nào đó).

Thế hệ trẻ khi thấy tấm gương bị bỏ đói của các thầy cô giảng viên đại học của mình, thì sẽ không còn ham muốn đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy khoa học. Hệ quả là, đất nước sẽ ỳ ạch mãi hoặc lụi bại dần về khoa học và công nghệ, dẫn đến kém phát triển về lâu dài. Điều này không chỉ thấy ở Nga hay ở Việt Nam, mà ngay ở Pháp và một số nước tiên tiến khác cũng đang diễn ra: xã hội không coi trọng khoa học, sinh viên không thích đi theo khoa học, lượng sinh viên đăng ký học các ngành khoa học ngày càng giảm. (Thậm chí thể giảm đến trên 50% trong 1 thập kỷ).

Có nhiều người, kể cả những người có chức trách, ảo vọng về xã hội “hậu công nghệ”, không còn cần chú ý đến phát triển khoa học công nghệ nữa (mà chỉ cần phát triển các mánh khóe ?!), và một phần bởi vậy sự phát triển khoa học bị bỏ rơi. Tư tưởng “hậu công nghệ” không có gì mới, vì từ cách đây 1 thế kỷ đã có những người tuyên bố rằng “thế giới này không còn gì mới để phát minh nữa”. Nhưng những nước nào bỏ rơi sự phát triển đại học và khoa học công nghệ sẽ phải trả giá đắt cho nó bằng sự tụt hậu của mình. Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, thành cường quốc kể cả về khoa học công nghệ, sẽ có cơ thống lĩnh thế giới, nếu các nước khác bỏ rơi khoa học.

Một xu hướng ở nhiều nước hiện nay là, mỗi khi chính phủ có khó khăn về tài chính (chẳng hạn do phải vung tiền cứu giới tài chính sau khi giới này đầu cơ làm loạn tài chính và kinh tế thế giới), thì hệ thống đại học là một trong những nơi bị dễ bị họ cắt giảm ngân sách nhất. Cắt giảm ngân sách cũng là một cách bỏ đói đại học. Dù rằng đại học có là động lực để phát triển kinh tế về lâu dài, và kinh tế trước nay được hưởng dương rất nhiều từ đại học, và hệ thống đại học không phải là nơi gây ra các khó khăn khủng hoảng về kinh tế, nhưng trước mắt chỗ nào cắt được thì họ cứ cắt. Nhiều nhà chính trị nhìn “không xa quá mũi”, đối với họ các nghiên cứu cơ bản và các nghiên cứu có ảnh hưởng tốt chung đến xã hội trong những lĩnh vực không đếm ra được ngay thành tiền (như văn hóa, nghệ thuật, tinh thần) chẳng có ý nghĩa gì mấy, và ngân sách cho những chỗ đó càng dễ bị cắt giảm. Ở Anh, theo tin BBC ngày 15/10/2010 (xem: http://www.bbc.co.uk/news/education-11550619), hệ thống đại học sẽ bị cắt giảm ngân sách đến 4.2 tỷ bảng Anh. Điều này ắt hẳn sẽ làm cho Anh trở nên kém cạnh tranh trên thế giới về chất lượng đại học và khoa học, và làm cho nền kinh tế Anh trì trệ thêm về lâu dài.

Việc cắt giảm kinh phí đại học hiện không chỉ xảy ra ở Anh, mà còn ở các nước khác như Mỹ, Tây Ban Nha, v.v. với lý do “khó khăn kinh tế”. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, các giảng viên đại học đều bị giảm lương khoảng 6%. Một điều hơi khó hiểu là, chính phủ Mỹ một mặt in tiền và tung các gói “kích cầu” khổng lồ nhằm vực kinh tế khỏi suy thoái, nhưng một mặt lại cắt giảm khi phí cho đại học, mà đại học chính là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Nếu như trong những thập kỷ trước, nước Mỹ thu hút được nhiều nhân tài từ các nước khác trên thế giới do đổ nhiều tiền vào đại học, cho nhiều học bổng cho học sinh nước ngoài, v.v. thì ngày nay thế mạnh đó của Mỹ đang giảm đi (trong khi thế mạnh của Trung Quốc tăng lên).


Thương mại hóa

Hầu hết các đại học lớn quan trọng nhất trên thế giới, dù là đại học công như Cambridge hay là đại học tư như Princeton, hiện đều là các đại học phi lợi nhuận, còn các đại học vì lợi nhuận chỉ tạo thành một phần nhỏ của hệ thống đại học. Lý do là, các đại học là các tổ chức có ảnh hưởng dương rất lớn đến xã hội (nói theo thuật ngữ kinh tế, là có “positive externality”), làm lợi chung cho toàn xã hội. Chính vì toàn bộ xã hội được ảnh hưởng dương rất lớn từ hệ thống đại học, nên có thể coi đại học là của cải chung của xã hội, và xã hội có trách nhiệm “nuôi” nó. Các đại học tư phi lợi nhuận do các doanh nhân giàu có bỏ tiền tài trợ, cũng là một hình thức đóng góp và gây ảnh hưởng đến xã hội của họ.Các đại học vì lợi nhuận có vai trò nhất định trong xã hội, nhưng không đem lại được lợi công cho xã hội như là đại học phi lợi nhuận, mà mục đích chính của chúng là đem lại lợi tư cho chủ sở hữu. Các đại học vì lợi nhuận sẽ chỉ chú trọng đầu tư vào những gì sinh lời tư nhanh chóng, mà không đầu tư vào những hướng nghiên cứu hay đào tạo có ảnh hưởng tốt lâu dài đến toàn xã hội. Bởi vậy, xã hội muốn được hưởng nhiều thành quả từ hệ thống đại học, thì không thể dựa vào đại học vì lợi nhuận, mà cần dựa vào đại học phi lợi nhuận. (Cũng vì vậy, ở Việt Nam, khi một số “chuyên gia kinh tế” xui chính phủ nên cổ phần hóa các đại học công lớn, tôi đã có bình luận rằng đây là một ý tưởng điên rồ, sẽ chỉ làm lợi cho một số tư nhân mà làm hại chung cho toàn đất nước).

Tuy nhiên, ở một số nước tư bản hiện nay, song song với xu hướng cắt giảm ngân sách nhà nước cho đại học, đang có một xu hướng khá nguy hiểm là thương mại hóa đại học, dần dần biến chúng thành các “công ty thương mại”. Khi các đại học không còn được chính phủ hay tổ chức từ thiện cung cấp kinh phí, mà chủ yếu dựa vào hợp đồng với các hãng tư nhân vì lợi nhuận cho ngân sách khoa học của mình, thì việc nghiên cứu khoa học bị bóp méo đi, các nghiên cứu có lợi chung cho xã hội bị bỏ rơi, “cha chung không ai khóc”, chỉ có những nghiên cứu đem lại lợi tư được phát triển. Sự tự do tư tưởng trong nghiên cứu cũng sẽ mất dần đi. Từ “giáo sư” sẽ mất dần đi ý nghĩa “người thầy” cao quí của nó, mà dần dần biến thành nghĩa “người làm công ăn thuê cho các ông bà chủ nắm quyền ở đại học”.

Việc đại học hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, để điều chỉnh công việc đào tạo và nghiên cứu cho thích hợp với nhu cầu xã hội, là việc tốt và cần thiết. Việc doanh nghiệp tài trợ cho đại học, đổi lấy sự đảm bảo nguồn nhân lực trí thức và sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, là việc tốt. Nhưng nếu đại học trở nên quá phụ thuộc về kinh tế vào các doanh nghiệp tư, thì lại thành xu hướng nguy hiểm: đấy là xu hướng nô lệ về kinh tế, trở thành tay sai cho các quyền lợi tư, mất đi ảnh hưởng dương đến chung toàn xã hội. Một ví dụ gần đây về sự nguy hiểm của việc nô lệ hóa đại học về kinh tế là, khi xảy ra vụ nổ giàn dàu hỏa của công ty British Petroleum ở ngoài vịnh Mexico vào tháng 04/2010, dẫn đến một lượng dầu hỏa rất lớn chảy ra biển và tràn vào các bờ biển gây tác hại lớn cho môi trường và cho người dân, thì British Petroleum đã liên tục tìm cách “bịt mẳt” công chúng, đưa ra các con số thiệt hại nhỏ hơn nhiều lần thực tế. Họ thuê các chuyên gia đại học đi điều tra về vụ này, nhưng lại ra điều kiện là các kết quả điều tra được phải nộp lại cho British Petroleum mà không được cho công chúng biết. Khi ăn tiền như vậy, thì đại học không còn giá trị xã hội nữa, mà thành tay sai của công ty tư nhân.

Đại học Luxembourg (mới thành lập từ năm 2003 ở Luxembourg) là đại học công, nhưng là một ví dụ về việc quản lý đại học như là công ty thương mại. Trong cái “công ty thương mại” đó, giáo sư chỉ là một nhân viên dưới quyền quản lý của cấp trên trực tiếp, và ngược lại là sếp của mấy cấp dưới trực tiếp (phụ giảng, postdoc), chứ không có được sự tôn trọng như là người thầy và sự tự do như ở những nơi khác. (Ở Pháp hiện tại, các giáo sư được xếp vào hàng cán bộ cao cấp nhà nước, dù có không làm quản lý thì cũng vẫn có thể ngang hàng với hiệu trưởng trong thang bậc công chức chứ không phải là “cấp dưới” bảo gì nghe nấy; những người làm quản lý chỉ là những người phụ trách công việc hành chính chứ không phải là “có quyền sinh sát” với các giảng viên. Ở Mỹ các giáo sư trường tư không phải “công chức” nhưng cũng có được sự độc lập tự do). Giáo sư cho đến nghiên cứu sinh ở Luxembourg phải đến phòng làm việc ngồi hàng ngày “từ 9 giờ đến 5 giờ” và mỗi năm được cấp một số ngày phép y hệt như là các nhân viên bàn giấy. Khi nghỉ phép, thì họ “được phép” dừng hết mọi hoạt động khoa học. Nhưng kiểu quản lý như vậy hoàn toàn trái ngược với truyền thống của giới khoa học (làm việc không kể giờ giấc, cả khi đi nghỉ hay khi ở nhà vẫn nghĩ về khoa học, không cần “ngày phép” chính thức, nhưng cần tự do). Kiểu quản lý đó khiến cho sinh viên thì không có được thói quen làm việc của nhà khoa học mà chỉ thành những nhân viên làm công ăn lương, còn các nhà khoa học giỏi thì ít muốn đến trường Luxembourg làm việc tuy lương ở đó khá cao.

Một biểu hiện của xu hướng thương mại hóa, là khi sinh viên được coi thành “khách hàng”, quan hệ giữa trường đại học và sinh viên không còn là một quan hệ có trách nhiệm xã hội trong đó, mà xuống cấp thành quan hệ thương mại “kẻ mua – người bán”. Khách hàng là “thượng đế”, nên đại học sẽ ra sức “chiều” sinh viên, đổi “điểm tốt” lấy tiền. Giảng viên thì không dám kỷ luật sinh viên không nghiêm túc hay cho điểm xấu những sinh viên học kém, vì sợ làm “mếch lòng thượng đế”. Hậu quả là lạm phát văn bằng, chất lượng đào tạo không đảm bảo, học ấm ớ vẫn có đủ các thứ bằng miễn là nộp đủ tiền. Đặc biệt có những đại học vì lợi nhuận ở phương Tây mà nghề chính là “bán bằng”, đủ các thứ bằng từ thạc sĩ đến tiến sĩ rồi đến cả giáo sư, viện sĩ, dân Việt Nam có những người đi mua các thứ bằng đó về lòe thiên hạ. “Thượng đế” chỉ được chiều khi “thượng đế” có tiền. Xu hướng thương mại hóa cũng góp phần tạo rào cản cho những học sinh học giỏi nhưng ít tiền không vào được đại học (kể cả đại học công), trong khi con nhà giầu học dốt thì được nhận học. Hệ quả là vừa lãng phí đầu tư công và lãng phí tiềm năng xã hội, vừa làm tăng phân biệt giầu nghèo.

Một biểu hiện nữa của xu thế thương mại hóa, là việc bỏ quá nhiều tiền cho các trò có tính quảng cáo, ví dụ như trò thi đấu thể thao. Bản thân việc chơi thể thao, văn nghệ, v.v., biểu diễn và thi đấu giữa các trường, là việc tốt, làm cho cuộc sống của đại học thêm phong phú và thăng bằng. Tuy nhiên khi việc đó được thương mại hóa, trở thành nguồn hút tiền hay chỗ tiêu tiền chính của đại học, thì đây lại là một dấu hiệu đáng ngại. Theo ông trưởng khoa toán ở Đại học California Berkeley (một đại học công hàng đầu của Mỹ) cách đây không lâu, Berkeley hiện chi đến 25% ngân sách của trường cho các trò thể thao không liên quan gì đến khoa học, và người được trả lương cao nhất đại học Berkeley (trên 1 triệu USD/năm) không phải là một nhà khoa học danh tiếng lừng lẫy nào, mà là ông huấn luyện đội tuyến bóng bầu dục (American football) nghiệp dư của trường ! Tại sao trong khi tiền cho khoa học thì thiếu, mà trường công lại chi quá nhiều tiền cho thể thao ? Ban giám hiệu giải thích là, việc đó cần thiết để gây thanh thế cho đại học và nhận được tài trợ của các nhà hảo tâm. Không rõ là nếu không chi phí cho thể thao như vậy, thì thâm hụt của Berkeley do các nhà hảo tâm đóng góp tiền ít đi có vượt quá con số 25% tổng ngân sách đó không. Nhưng dùng sao đi nữa, khi xã hội và các nhà hảo tâm nhớ đến các đại học vì thành tích “tiêu khiển tốt”, thay vì các đóng góp về đào tạo và nghiên cứu, thì giá trị đích thực của đại học đã bị giảm đi.


Đồi bại hóa

Các trí thức theo đúng nghĩa phải là những con người có tư cách đàng hoàng. Hay như theo cách nói của nho giáo, đại học là phải tuân theo “tam cương lĩnh” minh đức – tân dân – chí thiện. Tiếc rằng, rất nhiều người ở đại học không có được tư cách như vậy, mà đã bị tham nhũng hóa, đồi bại hóa, hay lưu manh hóa, để trở thành những lực lượng phá hoại đại học. Không chỉ có các nhà khoa học rởm, mà kể cả nhiều nhà khoa học có trình độ khoa học cao cũng có thể bị tham nhũng hóa, đê tiện hóa. Họ sẽ gây bè kéo cánh, lập “băng đảng mafia” trong đại học, trù dập những nhà khoa học khác không chịu luồn cúi đối với mình, bán rẻ công lý lấy quyền lực và danh hão, v.v.

Có rất nhiều cách làm tham nhũng hóa, đồi bại hóa con người nói chung, và giảng viên đại học nói riêng. Chẳng hạn như:

- Kiểu bỏ đói đã trình bày phía trước.

- Kiểu “hồng hơn chuyên” (có thể coi là một cách nô lệ hóa): đề bạt lên chức không dựa trên trình độ chuyên môn, mà dựa trên cái gọi là “hồng”, có nghĩa là các quan hệ quyền lực và sự biết luồn cúi và nịnh hót những người “phía trên”.

- Kiểu “lương ít bổng nhiều“. Lương chính thức thì ít, nhưng bổng lộc (danh cho những ai ăn cánh, một cách tùy tiện và thiếu minh bạch) thì nhiều, là một cách hiệu quả làm thoái hóa trí thức: khi phải lựa chọn giữa việc “chịu làm nô lệ để được nhận bổng” và “không chịu nô lệ chấp nhận chết đói”, ít ai sẽ đủ dũng cảm nhận giải pháp thứ hai. Khi đã “nhận bổng” thì là như “há miệng mắc quai”, không còn dám lên tiếng phản đối những điều mà mình nhận thấy là sai trái, trở nên đồng lõa với những sự lộng quyền hay tham nhũng phía trên. Chế độ “lương ít bổng nhiều” này là một hình thức cai trị “ràng buộc mềm” thịnh hành từ thời phong kiến, nhưng ở thế kỷ 21 này vẫn còn tồn tại và được áp dụng ở một vài nơi trên thế giới.

- Kiểu “chạy theo thành tích”. Tất nhiên xã hội phát triển được là nhờ có thành tích của các thành viên của nó. Đối với hệ thống đại học cững vậy. Nhưng xu hướng “tô son vẽ phấn” để có được nhiều thành tích (rởm) thì lại nguy hiểm cho xã hội. Khi các thành tích được định nghĩa bằng các chỉ tiêu lệch lạc, thì người ta sẽ chạy theo các chỉ tiêu lệch lạc đó để đạt thành tích, cho dù làm việc đó có gây thiệt hại cho xã hội. Ví dụ, khi tỷ lệ tốt nghiệp cao được lấy làm thước đo thành tích chính (mà coi nhẹ các yếu tố khác), thì dẫn đến ngay xu hướng dạy dễ đi, thi dễ đi, khuyến khích gian lận thi cử, để đạt được tỷ lệ đỗ cao. Hậu quả là chất lượng đào tạo xuống cấp, cả giáo viên và học sinh trở thành những kẻ gian lận.

- Một kiểu chạy theo thành tích ảo đáng chú ý là kiểu “đếm bài ăn tiền” (hay có thể gọi là kiểu thô thiển hóa các thước đo thành tích khoa học). Ở bên Anh, từ thời Thatcher, các nhà chính trị không hiểu gì về khoa học muốn “đo lường thành tích khoa học” bằng các thước đo thô thiển mà họ hiểu được. Và thế là họ đưa vào các tiêu chuẩn “định lượng” thô thiển: công trình khoa học được đo bằng bài báo, bài báo được đo bằng tạp chí đăng nó, tạp chí được đo bằng “impact factor”, và thế là mọi thứ qui về mấy con số ngô nghê như “số bài báo” hay “chỉ số ảnh hưởng”, mà không tính đến chất lượng thật sự ra sao. Xu hướng này được nhân rộng ra trên thế giới, nhiều nước sử dụng, trở thành một trào lưu đáng ngại. Nó làm cho rất nhiều nhà khoa học trên thế giới, kể cả những người đã có tiếng tăm, thay vì làm những kết quả có ý nghĩa lớn đăng trong 1-2 bài báo chất lượng cao, thì sẽ viết thật nhiều, một kết quả cũng phải chia 5 xẻ 7 thành nhiều bài vụn vặt, và viết cả nhiều bài hoàn toàn nhảm nhỉ, cho được nhiều bài, rồi tạo các “băng nhóm” trích lẫn nhau, cho được nhiều lần trích dẫn, v.v., để có “bảng thành tích” đẹp, bỏ rơi cái gọi là “integrity” (sự trung thực) trong khoa học.

- Kiểu “không phải việc của tôi”. Như người ta nói, xã hội muốn tồi tệ đồi bại đi, thì chỉ cần người tử tế im lặng (do “sợ” hoặc “ngại”) để kẻ xấu hoành hành, hoặc bỏ rơi người bị nạn. Bởi vậy mà ở nhiều nước tiên tiến, theo luật pháp, thấy người bị nạn mà không cứu thì cũng là phạm pháp. Tương tự như vậy, nếu thấy kẻ gian mà không lên tiếng thì cũng phải bị coi là đồng lõa. Tiếc rằng, có những đại học mà có những kẻ gian (như “tiến sĩ khoa học” mua bằng) ngồi đó mà từ ban giám hiệu trở xuống không làm gì để đuổi việc hay kỷ luật kẻ gian cả (mà chỉ xì xào sau lưng), ai cũng nghĩ “đấy không phải việc của mình, đụng chạm vào thiệt thân”. Một hệ thống đại học mà chấp nhận những chuyện như vậy, với một cơ chế mà mọi người “thấy chuyện bất bình làm ngơ” muốn được “yên thân”, là một hệ thống đã bị đồi bại hóa, nô lệ hóa. Tệ hơn nữa, là khi mà có các quan chức hay nhân viên trong ngành đại học, việc rõ ràng thuộc trách nhiệm của họ phải làm nhưng họ không làm, đợi đến lúc nào có người đến cầu cạnh đút lút lúc đó mới làm. Ở những nước tiên tiến thì chuyện như vậy hiếm xảy ra. Một hiệu trưởng đại học mà chỉ cần mang tiếng từng gian lận, là có thể bị đuổi việc ngay lập tức, chứ hiếm ai “sợ” hay “ngại” vị hiệu trưởng đó đến mức không dám lên tiếng.


Công đoàn hóa

Vấn đề “công đoàn hóa” có thể hơi lạ tai đối với người Việt Nam, vì ở Việt Nam hầu như chỗ nào cũng có công đoàn, và hầu như mọi nhân viên đều nghiễm nhiên được công đoàn quan tâm, nhưng công đoàn không đóng vai trò chính trị quan trọng gì, mà chủ yếu chỉ lo mấy viếc “hiếu hỉ” hay “phân phối trợ cấp”. Trên thế giới thì vai trò của công đoàn lớn hơn hẳn, có thể làm tiêu tan các tổ chức (kể cả các chính phủ) và các doanh nghiệp.

Trong lịch sử thế giới, các công đoàn lao động từng đóng một vai trò nhất định, làm “cân bằng lực lượng” giữa bên thuê làm (employers) và bên làm thuê (employees). Quyền được tham gia công đoàn là một trong các quyền cơ bản của người lao động ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bản thân các công đoàn, khi lớn mạnh quá, cũng có xu hướng lũng đoạn, dẫn đến thiệt hại cho xã hội. Ở Pháp, hầu như cứ một vài tháng lại có bãi công tầu xe do công đoàn bày ra, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và công việc của toàn bộ mọi người khác. (Trong khi đó, ở Thụy Sĩ là nước có tổ chức tốt hơn, hầu như không bao giờ có gián đoạn phương tiện giao thông công cộng). Một ví dụ về công đoàn làm cho doanh nghiệp lụi bại là hãng General Motors (cũ) ở Mỹ. Hãng này từng là trùm thế giới về sản xuất ô tô trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20. Nhưng hãng bị công đoàn ép trả lương bổng cho nhân viên quá cao, trong khi nhân viên lại trở nên lười biếng, kém sáng tạo, dẫn đến kém sức cạnh tranh, làm ăn thua lỗ trong nhiều năm rồi phá sản gần đây.

Công đoàn khi quá mạnh ở đâu, thì tạo nên một thứ “xã hội chủ nghĩa” theo nghĩa bình quân chủ nghĩa, và xu hướng lười biếng làm việc ở đó. Lý do là, người ta vào công đoàn chủ yếu nhằm dựa trên thế của công đoàn để được “đảm bảo việc làm và phúc lợi”. Nhưng khi ai cũng được đảm bảo việc làm, thì có nghĩa là làm tồi tệ cũng không bị đuổi việc (người quản lý không dám đuổi vì sợ công đoàn). Khi làm tồi tệ cũng không bị đuổi việc, thì dẫn đến xu hướng là nhiều người sẽ “tiết kiệm năng lượng” khi đi làm, không cố gắng làm cho tốt. Khi không được phép cho nghỉ việc người tồi để tìm người tốt hơn, thì người tốt có thể chạy mất trong khi người tồi tích tụ lại. Khi làm tốt cũng không được hưởng hơn gì đáng kể so với làm tồi (đã có công đoàn lo chuyện phúc lợi cho), thì người làm việc không còn “incentive” (động lực kích thích) để làm tốt, dẫn đến hiệu quả công việc tồi đi. Khi công đoàn mạnh đến mức có thể làm tê liệt hoạt động của các doanh nghiệp hay tổ chức nếu muốn, thì các doanh nghiệp hay tổ chức phải nhượng bộ các đòi hỏi của công đoàn, kể cả các đòi hỏi quá đáng (bị “hold-up”), khiến cho doanh nghiệp hay tổ chức lụi bại đi.

Việc “công đoàn có lợi hay có hại” (trong xã hội nói chung, và trong ngành đại học nói riêng) là một việc gây nhiều tranh cãi. Có nhiều phản ánh về ảnh hưởng xấu của công đoàn đến với đại học, tiêu biểu như ở Canada. Chẳng hạn khi tuyển nhầm phải giảng viên năng lực yếu và không nghiêm túc, không cho nghỉ việc được vì lý do công đoàn, và cũng không còn chỗ để tuyển người khác tốt hơn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến bênh vực công đoàn (đặc biệt từ phía những người được lợi vì nó). Lợi cho ai hại cho ai ? Có thể là lợi cho các thành viên công đoàn, nhưng hại cho các tổ chức phải “hứng” công đoàn. Khi tổ chức đó là tổ chức phi lợi nhuận, như là các đại học phi lợi nhuận, thì đó là toàn xã hội bị thiệt.


“Dân chủ” không phải lối

Các xã hội dân chủ hiện tại, tuy không hoàn thiện, nhưng vẫn ưu việt hơn các xã hội phong kiến hay độc tài. Xã hội dân chủ đem lại sự bình đẳng và cơ hội cho mọi người, khiến cho mọi người dễ phát huy được khả năng của mình hơn, và xã hội nhờ đó đi lên. Sự dân chủ hóa đại học cũng góp phần làm cho hệ thống đại học phát triển nhanh trên thế giới trong mấy thế kỷ qua. Một trong các hệ quả tốt đẹp là, ngày càng có nhiều người được học đại học, có được văn hóa cao. Tuy nhiên, từ “dân chủ” có thể bị hiểu sai nghĩa, bị lạm dụng, tạo ra những kiểu “dân chủ không phải lối”, có hại cho hệ thống đại học nói riêng và cho xã hội nói chung.

Một trong các kiểu dân chủ không phải lối đó là coi sinh viên và giảng viên ngang bằng như nhau, cho sinh viên chấm điểm giảng viên tương tự như giảng viên chấm điểm sinh viên. Israel đã từng áp dụng chính sách này. Hệ quả là, điểm thi của sinh viên tăng vụt lên (vì thầy trò “mặc cả” với nhau, thầy cho trò điểm cao để trò cũng cho thầy điểm cao), trong khi chất lượng ra trường của sinh viên thì giảm sút.

Câu nói kiểu như “sinh viên là chủ của đại học” là câu nói “mị dân” nghe thì hay, nhưng không phản ánh đúng sự thật. Theo lẽ tự nhiên, trong một ngôi nhà có bố mẹ vè trẻ em, thì thường bố mẹ phải là chủ ngôi nhà và có trách nhiệm nuôi nấng trẻ em, chứ không phải ngược lại. Đại học tương tự như vậy: sinh viên là những người mà đại học có tránh nhiệm “nuôi nấng” về mặt tinh thần cho trưởng thành, nhưng không phải “ông bà chủ” ở đó. Trong quan hệ thầy-trò, thì người thầy phải có “oai” trò mới nghe, mới dậy được trò. Khi đặt thầy trò ngang bằng nhau, thầy không có “oai” trong con mắt trò, thì thầy nói trò không nghe, không dạy được trò. Tất nhiên, không phải người thầy nào cũng tốt, và sinh viên cần có quyền góp ý cho thầy hay khiếu nại về những người thầy dạy không nghiêm túc, nhưng điều đó không có nghĩa là “bình đẳng thầy trò”. Và thầy có oai không có nghĩa là thầy nói gì trò cũng phải chấp nhận thế là đúng, không giám hỏi lại. Đối ngược lại với thái cực “dân chủ quá trớn” là thái cực “thầy độc tài trò thụ động” cũng không tốt cho đại học.

Một kiểu “dân chủ không phải lối” khác, là coi những người thư ký hay phụ trách hành chính là ngang bằng với giáo sư, hay thậm chí coi phụ trách hành chính quan trọng hơn giáo sư. Bộ phận hành chính là để phục vụ các giảng viên chứ không phải ngược lại. Khi cơ chế khiến cho các bộ phận hành chính và các thư ký trở nên quan trọng hơn giáo sư, thì họ sẽ trở nên lũng đoạn đại học, biến cả giáo sư lẫn sinh viên thành các “nô lệ” của mình.

Ở Pháp, sự “dân chủ hóa quá mức” đại học dẫn đến mô hình “đại học sọt rác” (université poubelle). Có hai hệ thống đại học song song ở Pháp; hệ thống “grandes écoles” (trường lớn) và hệ thống “universités” (đại học tổng hợp).Về mặt chất lượng giảng viên, chất lượng nghiên cứu, và lương bổng, thì hai hệ thống này tương đương với nhau. Về ngành nghề thì có hơi khác nhau (bên “grandes écoles” thiên về kỹ thuật hơn, bên “universités” thiên về lý thuyết hơn) nhưng cũng có nhiều ngành chung và université cũng có thể mở các nghành kỹ thuật. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở sự tuyển sinh viên và chế độ cho sinh viên: sinh viên muốn vào grande école thì phải thi tuyển, còn vào université thì chỉ cần bằng tốt nghiệp phổ thông, không phải thi (và cũng không mất học phí). Hệ quả là, grande école chọn được các sinh viên giỏi (và các sinh viên giỏi cũng muốn vào đó, vì dù chương trình có tương đương thì học trong lớp giỏi nói chung vẫn tốt hơn học trong lớp dốt), còn université thành cái “sọt rác” hứng toàn bộ các sinh viên còn lại, trong đó một phần khá lớn là quá kém và lười biếng (nhưng vẫn tốt nghiệp phổ thông — cũng vì bệnh thành tích ở bậc phổ thông người ta cho tốt nghiệp cả các học sinh học kém). Đi kèm với sự kém kiến thức sự và lười biếng, là văn hóa chung thấp, thiếu ý thức công dân, bỏ học nhiều và khi đi học thì phá hoại bôi bẩn trường lớp, v.v., không có một sự tự hào nào về ngôi trường của mình. Tất nhiên một đại học khó mà trở thành chất lượng cao, gây dựng được “tên tuổi”, nếu như bất kể ai cũng vào được đó, không có chọn lọc, không cần cố gắng, cũng không mất học phí. (Tiền xã hội bỏ vào đầu tư giáo dục cho những kẻ lười biếng không chịu học hoặc học không vào là tiền đầu tư kém hiệu quả, bởi vậy đối với những ai lười biếng và học dốt thì nên bắt đóng học phí, để có tiền cho học bổng những ai hoc tốt có khả năng đem lại nhiều đóng góp về sau cho xã hội hơn, thì công bằng và hiệu quả hơn, kích thích sinh viên học tốt hơn. Cần có hệ thống “cao đẳng” hay “trung cấp dạy nghề” rộng hơn để đón nhận các học sinh tốt nghiệp phổ thông trình độ kém, thay vì cho hết vào đại học nhưng không theo được và phá hoại bôi bẩn trường lớp như ở Pháp hiện nay. Đại học tổng hợp cần được tuyển chọn và loại bớt sinh viên tương tự như grande école, thì mới có cơ thoát khỏi mô hình đại học sọt rác).


Phung phí tài nguyên

Ném tiền bừa bãi vào ngân sách dành cho đại học cũng là một cách phá hoại nền đại học. Vì tiền khi ném vào những chỗ không đem lại hiệu quả (mà có thể rơi vào túi một số cá nhân nào đó), thì không còn tiền cho những chỗ khác đang rất cần tiền để phát triển, có thể đem lại hiệu quả cao hơn nhiều. Ví dụ như mua những máy móc thí nghiệm rất đắt rồi bỏ đấy không dùng (vì người cần dùng máy và người có quyền quyết định mua là hai người khác nhau, người mua không phải là mua vì người dùng, mà là vì được hưởng lợi tư từ việc mua đó). Hay đầu tư những khoản tiền khổng lồ của nhà nước vào một “đại học đẳng cấp quốc tế” nhưng lại để một ông trình độ ấm ớ không biết nghiên cứu là gì làm hiệu trường, và tuyển các học sinh kém nhưng có nhiều tiền nộp học phí vào học.

Phung phí thời gian của sinh viên và của giảng viên, làm ra những chương trình đào tạo bắt sinh viên bỏ quá nhiều thời gian vào học những môn “vô bổ” không nơi nào cần đến, những kiến thức đã lỗi thời, cũng là một hình thức phá hoại đại học, làm giảm giá trị của nó.


Bỏ rơi sinh viên

Không có sinh viên, thì cũng không còn đại học.

Một sai lầm mà các đại học nghiên cứu hay mắc phải, đó là quá coi nặng phần nghiên cứu mà coi nhẹ phần đào tạo. Bởi vậy có nhiều giáo sư giỏi về nghiên cứu, nhưng dạy học kém, hay thậm chí dạy không nghiêm túc, do sự đánh giá quá thiên lệch về nghiên cứu tạo ra. Điều này làm ảnh hưởng xấu tới sinh viên, và làm mất uy tín đại học.

Khi mà đại học tuyển sinh theo lý lịch, hay theo khả năng trả học phí, thì đó cũng là một cách bỏ rơi các sinh viên giỏi nhưng con nhà nghèo hoặc “lý lịch tồi”.

Tất nhiên, khi giảng viên bị bỏ đói, thì hệ quả là sinh viên bị giảng viên bỏ rơi (hay tồi tệ hơn, là giảng viên coi sinh viên là nguồn thu nhập của mình bằng cách bán điểm, bán bằng), như đã viết phía trên. Khi giảng viên bị hút tâm trí vào những việc kiếm tiền khác, thì họ sẽ không thể dạy hay được, vì họ không còn thời giờ để quan tâm tới sinh viên, để cải thiện cách dạy học sao cho hay hơn, và kiến thức của họ cũ kỹ không được cập nhật, không theo kịp thời đại.

----

Ngoài các cách kể trên, ắt hẳn còn nhiều cách khác. Chẳng hạn như quan liêu hóa: tạo dựng bộ máy quan liêu quản lý đại học thật nặng nề cồng kềnh, để làm bất cứ cái gì cũng đòi hỏi thật nhiều giấy tờ, giải quyết bất cứ công việc gì cũng chậm chạp, làm mất thật nhiều thời gian của mọi người và tiền của của đại học, v.v. Ắt hẳn trong bài viết có những ý chưa phân tích rõ ràng, và có những ý gây tranh cãi. Vì thời gian và khuôn khổ của bài viết có hạn, nên tôi xin dừng ở đây, và mong nhận được các ý kiến phản hồi.

Bài viết này là theo lời mời của ban biên tập quyển sách “Kỷ yếu Humboldt 200″. Xin chân thành cảm ơn tất cả các những người đã góp ý cho tôi trong quá trình viết bài này, và cảm ơn Ban Biên Tập quyển sách Kỷ Yếu Humbodlt 200 đã mời tham gia viết bài.

Toulouse, 14/Nov/2010.


Tác giả: GS. Nguyễn Tiến Dũng



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4861

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn