Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Không sợ bằng giả, chỉ sợ không biết dùng người
22/12/2010

Bằng giả là một vấn nạn. Bằng thật trình độ giả là vấn nạn lớn hơn. Và, không biết dùng người là vấn nạn lớn nhất.



Bằng thật không thực

Thi thoảng báo chí lại rộ lên, ở đâu đó phát hiện một cơ sở làm bằng cấp giả. Thường thì, đó chỉ là các bằng tầm tầm, đại trà, phục vụ nhu cầu kiếm việc làm và khó truy tìm nguồn gốc như bằng lái xe, các chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, và cùng lắm là bằng cử nhân của mấy trường đại học thứ hạng thấp. Ít khi gặp bằng thạc sĩ giả. Bằng tiến sĩ giả lại càng hiếm hơn. Các bằng loại cao cấp này liên quan đến luận văn / luận án và hội đồng bảo vệ, nên làm giả dễ lộ lắm.

Thế mà gần đây lại xôn xao chuyện mấy quan chức ở Phú Thọ và Yên Bái sử dụng bằng tiến sĩ giả, mà là bằng ngoại cơ chứ. Nhiều người nói đó là bằng giả. Nhưng cũng có người khẳng định chúng là “thật 100%”. Cũng như tiền giả hay hàng hoá giả, bằng giả là bằng được cố tình làm giống như một bằng thật nào đó, để người ta nhầm tưởng là thật và cư xử với nó như một bằng thật. Nếu hiểu như vậy, thì rất có thể bằng của mấy vị quan chức kia là thật, nhưng là bằng thật vô giá trị, cũng giống như hàng thật mà chất lượng kém, thì thật hay giả nào có nghĩa gì! Điều đáng ngạc nhiên là vì sao lại có người ngộ nhận mà đánh ngang mấy tấm bằng trời ơi ấy với bằng tiến sĩ của Việt Nam, rồi trợ cấp phí đào tạo, rồi đưa vào hồ sơ cán bộ v.v..!

Khoảng mươi năm về trước cũng đã xảy ra chuyện tương tự. Tiêu chí để trở thành thành viên (member) của viện Hàn lâm khoa học New York (The New York Academy of Sciences) rất đơn giản: mở rộng cửa cho tất cả những ai quan tâm đến viện, nghĩa là ai cũng có thể trở thành “member” của viện này miễn là đóng phí thường niên. Ở đây tất cả đều rõ ràng, chẳng có gì là “giả” cả. Nhưng, từ “member” khi dịch sang tiếng Việt là “viện sĩ” đã gây hiểu nhầm và nhiều tranh cãi không cần thiết. Nhắc lại chuyện này để thêm một ví dụ về sự vênh nhau quá lớn giữa lối tư duy một chiều, máy móc và giản đơn của nhiều người chúng ta với thực tiễn Âu – Mỹ đa chiều, mềm dẻo và phong phú. Muốn thực sự hoà nhập với thế giới, trước hết phải hoà nhập về tư duy, về lối nghĩ và cách ứng xử.


Bằng thật trình độ giả

Thiển nghĩ, ở ta nạn bằng giả không đáng lo bằng nạn bằng thật mà người sở hữu thì lại có trình độ giả. Đáng lo trước tiên là ở chỗ, bằng giả, nếu muốn, ta có thể kiểm tra, truy tìm tận gốc, để vạch mặt kẻ gian. Nhưng, trình độ giả thì chịu! Chẳng lẽ lại bắt các đương kim thạc sĩ, tiến sĩ phải kiểm tra lại kiến thức? Mặc dù chưa có (và chắc là không thể có) số liệu thống kê, ai cũng biết là số lượng “bằng thật trình độ giả” là rất lớn và đang tăng lên từng ngày cùng với việc mở rộng đào tạo sau đại học ở các tỉnh.

Thực tế cho thấy, ở đâu thầy càng yếu, thì ở đó tuyển sinh càng rầm rộ, “kết quả học tập” của trò càng cao, và càng nhiều người muốn vào học. Thế là bằng thật thì cứ phát ra, còn trình độ và năng lực thì vô phương kiểm soát. Nguy hại hơn, một số người có tiền, có quyền muốn có thêm cái bằng để đánh bóng tên tuổi, đánh bóng lý lịch, đặng có nhiều tiền, nhiều quyền hơn, nhưng lại không muốn học hoặc không có khả năng học, thế là thuê người học thay. Ở nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở “liên kết”, học thuê, làm luận văn/luận án thuê đã trở thành một nghề. Về bản chất, thuê học chính là mua bằng. Nhờ mua bằng, một số người trong các ngạch quản lý bỗng trở thành “vừa hồng vừa chuyên” để rồi nhắm tới chuyện leo cao. Đó quả là một vấn nạn lớn.


Và cách sử dụng người

Cho đến nay, việc tuyển mộ và sử dụng người ở các cơ quan nhà nước vẫn mang nặng dấu ấn bao cấp. Tuy một số ít tổ chức nghề nghiệp đã bắt đầu công khai việc tuyển người, có phỏng vấn, có cạnh tranh, nhưng nói chung việc này chủ yếu vẫn dựa trên quan hệ. Tốt nghiệp trường nào không cần biết, giỏi hay kém như nhau, đến giả hay thật cũng vậy, cứ là cử nhân thì có cùng một lương khởi điểm. Với thạc sĩ và tiến sĩ cũng vậy. Mà cũng chẳng quan trọng, liệu cái nghề ghi trên bằng có ích gì cho công việc đang đảm nhiệm hay không, cứ đếm bằng mà tính tiền. Chính cách quản lý quan liêu, không cần tính đến trình độ, năng lực và hiệu quả này là miền đất tốt cho bằng giả và “bằng thật trình độ giả” sinh sôi và phát triển.

Ở phương Tây, thương hiệu là rất quan trọng, nên khi nói về một tiến sĩ bao giờ cũng kèm theo nơi học và thậm chí cả tên người hướng dẫn. Chính thương hiệu “Ecole Polytechnique, Paris” làm cho người tốt nghiệp trường này dù chỉ có bằng master luôn dễ dàng được chào mời mức lương cao hơn cả giáo sư nhiều trường khác. Nếu trong kinh tế, tiêu chí của sản phẩm là chất lượng và giá thành, thì trong giáo dục tiêu chí của bằng cấp phải là trình độ và năng lực. Nếu sử dụng và đãi ngộ người lao động theo trình độ, năng lực và mức độ cống hiến, thì sẽ không có chỗ cho bằng giả cũng như “bằng thật trình độ giả”.


Nguyễn Trần

Viện Vật lý, viện KH & CN Việt Nam



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4972

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn