Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Hành trình 2 thế kỷ của cầu Long Biên
31/12/2010

Nếu tính thời gian xây cầu thì Cầu Doumer đúng là vắt qua 2 thế kỷ. Ban đầu nó chủ yếu phục vụ tuyến đường sắt huyết mạch hàng đầu của công cuộc Khai thác Thuộc địa lần thứ nhất là nối cảng Hải Phòng tới vùng Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc để tham dự “bữa cỗ Trung Hoa” cùng với các nước tư bản phương Tây khác.







Những vụ lụt cao nhất cũng không ảnh hưởng đến lưu thông đường sắt là ưu thế của cây cầu thép được thiết kế với sự tính toán của một nền công nghiệp vào loại tiên tiến đương thời.

Phần đường cho các phương tiện giao thông bộ đủ sức chịu tải cả các loại chiến xa nặng. Đây là những chiến xa Pháp từ trong thành qua bên kia sông để ra sân bay Gia Lâm tăng viện cho chiến trường Điện Biên Phủ (đầu 1954) để rồi tháng 10 năm đó, nó cũng trở thành tuyến đường quân Pháp rút qua sông để ra Hải Phòng chấm dứt sự có mặt của họa quân thực dân ở miền Bắc nước ta.

Có một chi tiết gây tranh cãi là xe cộ không đi về phía tay phải như thông lệ luật giao thông của Pháp mà trên cây cầu này lại đi về phía bên trái đường như trong ảnh. Có người cho rằng nó được điều chỉnh vì có hiện tượng cầu bị nghiêng (!?). Có người lại cho rằng khi chưa có làn xe cơ giới thì người đi bộ đi dáng bên phải như luật định, những khi có xe cơ giới thì bố trí đi ngược với người đi bộ cho an toàn nên so với đường sắt thì lại ở phía bên trái.

Tuy nhiên hồ sơ lưu trữ lại cho biết năm 1924 thì quy định xe cơ giới đi đúng luật là bên phải, nhưng đến năm 1929 thì do đường lên xuống cầu ở bờ Bức thuộc tỉnh Bắc Ninh quá tải hay bị tắc đường nên Công sứ Bắc Ninh xin điều chỉnh ngược trở lại phải đến 2/1937 mới thực thi và duy trì cho đến nay.

Ngày 10/10/1954 những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp nhận đầu cầu Long Biên phía Hà Nội để tiếp quản toàn bộ thành phố sau khi những đơn vị quân Pháp cuối cùng rút qua cầu. Chấm dứt sứ mệnh của cây cầu thực dân và trở thành một công trình hạ tầng quan trọng duy nhất vượt sông Hồng ở Hà Nội trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước khi được chia sẻ bởi hai cây cầu Thăng Long ở thượng và Chương Dương ở hạ nguồn.

Từ 10 năm nay Cầu Long Biên đã vượt sang thế kỷ thứ 3, và sắp tới chỉ cách phía trên sông hơn một trăm thước, một cây cầu dành cho loại xe lửa chạy nội đô sẽ được xây dựng song song để đưa một phương tiện giao thông hiện đại nối hai bờ tạo thế cho Thủ đô Hà Nội thực sự phát triển cả hai bên bờ con sông Hồng.


Dương Trung Quốc



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5008

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn