Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Những phong tục ngày tết
26/01/2011

Vào dịp tết, mọi người trong nhà thường quây quần bên bếp luộc bánh chưng và kể cho nhau nghe những truyền thuyết về Tết Nguyên đán. Hương vị dân gian của các câu chuyện dường như đậm đà hơn trong không gian thơm tỏa ra từ nồi bánh chưng đang sôi lục bục trên bếp lửa đỏ hồng... Thói quen cắm hoa trong nhà.


Giáp Tết, mỗi gia đình ở Việt Nam đều mua cánh đào để cắm trong nhà, thậm chí ngoài Bắc còn gửi theo đường máy bay cành đào cho người thân ở trong Nam. Hoa đào có loại cánh đơn hay cánh kép, còn màu sắc từ đỏ thắm như hồng đào, bích đào đến phơn phớt hồng như đào phai hoặc trắng tinh như đào bạch.

Nếu tính đúng thời gian, cành đào được đốt gốc và cắm trong nước sẽ nở đúng vào ngày mùng một Tết. Đào được ưa chuộng vì nhiều lý do, tùy theo tuổi tác và thẩm mỹ của mỗi người, tuy nhiên ai cũng thích hoa đào vì vẻ đẹp mảnh mai của cánh hoa, của những thế đào uốn lượn trên cành...

Một số người cho rằng sắc đỏ rực rỡ của hoa đào mang lại sự giàu sang và may mắn, có nhiều người cho rằng nó tượng trưng cho hạnh phúc như truyền thuyết về hai chàng Lưu, Nguyễn vào năm 62 sau công nguyên đời vua Hán Minh Đế vào rừng hái thuốc và lạc trong cói tiên. Có người thấy ở hoa đào biểu tượng của tình bạn trung thành như chuyện Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa anh em ở vườn đào và giữ trọn lời thề...

Cành đào cắm trong nhà ngày Tết quả là đẹp. Có truyền thuyết kể rằng: Cành đào được dùng làm bùa đuổi yêu ma chuyên rình mò vào ban đêm. Ngày xưa ở Trung Quốc có một cây đào rất lớn mọc trên một sườn núi. Cây cao to khổng lồ, tán lá tỏa rộng mấy trăm dặm. Có hai vị thần cây đầy quyền uy là Thần Đồ và Uất Lũy ngự ở đó, chuyên chấn trị các loài quỷ và yêu quái. Nhờ vậy, người dân ở đây có thể sống yên bình, ngủ ngon lành, không sợ bị quấy nhiều trong giấc mơ.

Nhưng cứ đến cuối năm, hai vị thần phải lên thiên đình để tâu trình việc dân gian với thượng đế. Lo sợ lũ ma quỷ sẽ đến làm hại, người dân ở đấy cắt một cành đào thần để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Một số nhà cẩn thận còn viết tên hai vị thần hoặc vẽ phác hình hai vị thần lên tấm giấy đỏ để treo lên cành đào, vì vậy không có ma quỷ nào dám lẩn quất vào nhà. Cách dùng đào để trừ ma quỷ dần lan rộng ra rồi sang cả Việt Nam.

Từ bao đời này, người dân Việt Nam đã ăn tết trong sự che chở của những cành đào xuân đầy sức mạnh này.

Hoa cúc luôn là loài hoa thanh cao trong tâm thức mọi người

Người Việt Nam cũng như người Trung Quốc luôn coi hoa cúc là loài hoa thanh cao vì nó có thể chịu đựng được giá rét và lá của nó không rời khỏi cành sau khi cây đã chết.

Hoa cúc có nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau như vàng, trắng, đỏ tía, có loại cánh dài và trắng như cúc Bạch trung châm, có loài cánh ong và vàng như cúc Hoàng long trảo, nhưng cúc đại đóa cánh trắng hoặc màu vàng yến với bông to như cái bát được nhiều người yêu thích hơn cả. Vào dịp Tết nhiều gia đình cắm hoa cúc hoặc trồng trong những chậu lớn để đón năm mới.

Phong tục đi hái lộc đêm giao thừa

Ngày xưa, các nàng tiên ở trái đất hay đến một vùng đất lành để vui chơi mỗi khi cảm thấy nhớ nhà. Các nàng vui đùa nhảy múa, mỗi bước chân hay nhịp tay của họ chạm đến đâu thì cây cối hoa lá mọc lên xanh tốt ở đó. Những cây này đều rụng lá vào đêm giao thừa nhưng đến sáng mồng một Tết lại mọc chồi lá mới, xanh non nẩy lộc...

Để có năm mới nhiều hạnh phúc, may mắn, người dân ở vùg đất này đã hái những cây lá xanh tươi để trước cửa nhà mình vào lúc giao thừa cho đến sáng ngày mùng một Tết nhưng tốt nhất là hái đúng vào lúc nửa đêm khi năm cũ qua đi, năm mới đến và chồi lá non bắt đầu mọc. Hái được một cành lộc đang đâm chồi nảy lộc vào lúc giao thừa, mọi người hy vọng sẽ có một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Kiêng quét nhà trong mấy ngày Tết

Bắt đầu từ giao thừa, không nhà nào dùng chổi quét nhà cửa, bởi mọi người tin rằng quét nhà trong mấy ngày Tết là sẽ quét hết tài lộc trong năm mới. Tục kiêng cữ này bắt nguồn từ một truyền thuyết bên Trung Quốc.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một ông lái buôn khi đi ngang qua hồ Động Đình gặp một bé gái ăn mặc rách rưới, gầy gò xanh xao. Động lòng trắc ẩn, ông lái buôn đưa cô bé về nhà làm con nuôi. Từ ngày ấy ông làm ăn vô cùng phát đạt và trở nên rất giàu có nhưng cũng trở nên ác độc, keo kiệt.

Có một dịp vào Tết, chẳng may làm vỡ một chiếc bình quý, sợ hãi cô bé trốn vào đống rác sau nhà. Tay lái buôn dùng một chiếc chổi to chọc vào đống rác tìm, lão hất tung cả đống rác ra sát mép hồ nhưng vẫn không tìm thấy cô bé. Từ đó tay lái buôn chẳng mấy chốc làm ăn thua lỗ, nghèo khó bởi hắn đã quét thần Tài ra khỏi.

Vì vậy, nhiều nhà đã kiêng không quét rác trong ba ngày Tết và trở thành một phong tục dân gian vào dịp Tết Nguyên đán.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5066

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn