Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Đề án giáo dục 70.000 tỷ đồng chỉ là bản nháp vội
11/06/2011

"Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa chỉ là bản nháp vội vàng dày 30 trang. Bộ Giáo dục đang vừa đá bóng vừa thổi còi và soạn thảo đề án theo quy trình ngược", PGS.TS Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Tiểu học) bình luận.


- Từng từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học để phản đối việc áp dụng chương trình tiểu học mới từ năm 2002, ông đánh giá thế nào về chương trình và sách giáo khoa hiện nay?

- Chương trình và sách giáo khoa hiện quá tải và có những điểm bất hợp lý... Ngay như PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng đã kêu môn Toán có một số nội dung không để làm gì, cả đời không phải dùng đến nhưng vẫn phải khốn khổ vì nó.

Nhiều sách làm theo kiểu trắc nghiệm, học sinh viết trực tiếp vào và dùng một năm là bỏ. Các nước không làm vậy, họ in sách rất đẹp và phát không cho học sinh, năm sau lớp dưới lại học tiếp.

Khi đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành, nhóm soạn thảo đề án đã mạnh dạn hơn khi vạch ra các khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm. Nhưng chính ưu điểm lại là khuyết điểm cơ bản. Ví dụ, việc thành lập các ban chỉ đạo triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở mỗi cấp học là ưu điểm nhưng thực chất đó lại là khuyết điểm vì như vậy là không có tổng chỉ huy, tự chia cắt giáo dục phổ thông ra từng khúc một, một khúc lại chia làm nhiều đoạn, nhiều dự án với nhiều tốp thực hiện...

Thiếu tổng chỉ huy sẽ không giữ được tổng thể của nền giáo dục. Đồng thời, người trực tiếp làm quản lý nhà nước lại vừa làm chủ dự án, tức là vừa có quyết định bắt cả nước thực hiện, vừa lại là người tiêu tiền, vừa đá bóng vừa thổi còi. Có lần tôi đã nói với một người biên soạn sách rằng nhiều kiến thức chẳng dùng làm gì, sao không cắt bỏ đi thì người đó nói là "không có tiền". Anh bán một sản phẩm, sản phẩm đó chất lượng kém mà lại không chịu bảo hành là sao?

- Mới đây, ông đã được mời tham dự buổi lấy ý kiến của Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam về dự thảo "Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015". Quan điểm của ông về đề án 70.000 tỷ đồng này?

- Sau khi đọc bản dự thảo này, tôi coi đây như một bản sơ thảo về một công đoạn chơi vơi ở khoảng giữa của một hệ thống công việc trong một chỉnh thể, chứ chưa thể coi là đề án của bộ trình Chính phủ để rồi Chính phủ trình Quốc hội. Một đề án 70.000 tỷ đồng mà chỉ nằm vỏn vẹn trong 30 trang giấy thì tôi thấy đây chỉ là bản nháp vội vàng.

Bản thảo này chơi vơi vì chưa có những điểm tựa cơ bản như "Đổi mới căn bản và toàn diện" (theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng), Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 cũng chưa có. Rồi hệ thống giáo dục của giai đoạn mới sẽ như thế nào... Nghĩa là cần có một số đề án, công việc cơ bản làm tiền đề để sau đó mới xây dựng đề án về chương trình và sách giáo khoa. Nhóm soạn thảo đang làm ngược quy trình.

Bộ trưởng Giáo dục phải tập hợp các chuyên gia của cả nước. Ngành giáo dục có gần một triệu nhà khoa học và giáo viên, sao lại giao công việc này cho một nhúm người ở Viện Khoa học Giáo dục làm, trong khi Viện chưa đủ sức.

Trong quy định của Luật Giáo dục và nghị định Chính phủ có nêu, chỉ được xây dựng chương trình và sách giáo khoa khi đã có chuẩn kiến thức, kỹ năng. Chuẩn hiện nay của ta chưa chuẩn bởi thực tế vừa qua không thể chấp nhận được việc học sinh của một trường miền núi đi học 12 năm mà lại thi trượt tốt nghiệp hết. Thế gọi là giáo dục gì?

- Vậy theo ông, chương trình và sách giáo khoa cần xây dựng thế nào?

- Để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, theo tôi trước hết phải xác định triết lý giáo dục, tức là quan điểm cơ bản về giáo dục. Rồi xem việc xây dựng hệ thống giáo dục mới ra sao, phổ thông 11 hay 12 năm hoặc 11+1, tiểu học vẫn 5 hay 6 năm, THPT theo phương án phân ban hay phân hóa...

Kế đến là xây dựng mục tiêu giáo dục phổ thông và từng cấp học, lớp học, kế hoạch dạy học như học 1 hay 2 buổi một ngày, có những môn học gì, hoạt động nào. Và xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, yêu cầu tối thiểu về các hoạt động giáo dục. Những công việc trên do Bộ trưởng Giáo dục làm Tổng chỉ huy và huy động lực lượng, trí tuệ toàn ngành.

Cuối cùng mới là việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy và học, các mẫu thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy và học. Công việc này có thể do một vài nhóm tác giả thực hiện với sự lựa chọn theo tiêu chuẩn và đầu tư ban đầu của bộ. Bộ sách nào đạt chuẩn, được bộ kiểm duyệt cho phép thì có thể sử dụng theo lựa chọn của từng trường.

- Như ông nói, công cuộc đổi mới này cần phải chuẩn bị nhiều công đoạn, trong một thời gian dài. Vậy trước mắt, ngành giáo dục cần làm gì?

- Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về công cuộc đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta cần tiến hành giảm tải ở các lớp học, cấp học phổ thông.

Từ xa xưa, nhiều người vẫn nói "Sư phạm đi trước một bước". Vì vậy, tôi thấy cần đổi mới cơ bản hệ thống sư phạm đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đáp ứng được những đòi hỏi của nghề nghiệp nhà giáo trong giai đoạn mới như dạy chắc chắn, dạy tốt một hoặc một số môn học mà mình phụ trách; có phẩm chất tốt, là người thầy có văn hóa (theo nghĩa rộng) để giáo dục học sinh và phát huy ảnh hưởng trong cộng đồng; có khả năng tự học và nghiên cứu khoa học ở trình độ nhất định.

Thêm vào đó, cần đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, có cơ chế thông thoáng hơn.

- Sau 40 năm đứng trên bục giảng, điều gì của ngành giáo dục hiện nay vẫn làm ông trăn trở?

- Hiện nay, khi đi dạy cao học tôi vẫn nói với các học trò làm quản lý giáo dục rằng tôi có một nỗi đau là lúc tôi mới đi dạy học đẹp lắm. Năm 1961-1962, Bác Hồ phát động phong trào thi đua "Hai tốt", thế mà hơn 40 năm sau, ngành giáo dục lại phát động phong trào "Hai không". Lẽ ra phải lấy cái tốt, đẩy lùi cái xấu nhưng mình lại định hướng là làm "Hai không", khiến cái "Hai tốt" lu mờ, lùi về phía sau, các trường chỉ nói không mà quên mất phải dạy tốt học tốt. Nói là chống "bệnh" thành tích như thế thì làm sao chống nổi.

PGS TSKH Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc. Năm 1961, ông là giáo viên cấp II và 6 năm sau, ông học tại ĐH Lômônôxốp (Nga). Năm 1979, ông làm nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô. Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ, năm 1984 ông trở lại Nga làm luận án tiến sĩ khoa học với đề tài: “Hình thành hoạt động học cho học sinh tiểu học”.
Năm 1994, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) và năm 2001, làm đơn xin từ chức để phản đối chương trình tiểu học mới sẽ được triển khai đại trà từ năm 2002. Hiện, ông dạy thạc sĩ tại ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tiến Dũng thực hiện



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5383

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn