Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bàn về đề án giáo dục nghìn tỷ
12/07/2011

Tác giả: Nguyễn Thị Bình (Nguyên Phó Chủ tịch nước)

Việc đầu tiên phải làm là xây dựng cho được Đề án đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục dựa trên tầm nhìn vài ba thập kỷ, khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể.


Nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011 - 2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó mũi đột phá thứ 2 là: "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ."*

Để chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân triển khai hiệu quả, tôi thấy có 2 vấn đề cần bàn là nhận thức và cách làm.

Xác định được những vấn đề cơ bản có liên quan,

Trước hết cần phải hiểu "đổi mới căn bản và toàn diện" cho đúng cả lời văn và tinh thần. Theo tôi, đó là yêu cầu thay đổi tận gốc tất cả các mặt của nền giáo dục quốc dân, về thực chất là cải cách giáo dục.Với cách hiểu như vậy, thì đây là sự thay đổi về mục tiêu giáo dục và nguyên lý hoạt động giáo dục, cơ cấu hệ thống và mô hình nhà trường, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục...

Yêu cầu này được đặt ra nhằm chuyển đổi nền giáo dục nước ta sang mô hình phát triển mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là: "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau."

Như thế, đối với giáo dục phổ thông, vấn đề trước tiên cần giải quyết không thể là xây dựng chương trình (CT) mới và viết sách giáo khoa (SGK) mới. 2 việc này là cần, song chỉ là một phần trong tổng thể "đổi mới căn bản và toàn diện". Hơn nữa, không thể tiến hành nếu chưa xác định những vấn đề cơ bản có liên quan.

Chẳng hạn như phương hướng phát triển của GDPT (trong đó có hay không sự thay đổi về cơ cấu cấp/ lớp). Sẽ thay đổi thế nào về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH), về cơ chế phân luồng và liên thông. Về việc gắn đào tạo với sử dụng v.v...

Sự lúng túng và không thành công của hơn 1 thập kỷ chuyên ban rồi phân ban trung học phổ thông do không đồng bộ trong đổi mới giữa 3 bộ phận GDPT, GDNN và GDĐH là một bài học đắt giá. Nhân đây, tôi thấy cũng cần phải nhắc lại ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà khoa học: Nếu không cải cách sư phạm để đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thì khó có thể đạt được kết quả trong việc triển khai CT và SGK mới.

Bên cạnh đó có một vấn đề rất quan trọng là đổi mới mục tiêu giáo dục. Theo tôi, mục tiêu giáo dục là tiền đề, là cốt lõi của một nền giáo dục và vì vậy, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, nhất thiết phải bắt đầu từ đổi mới mục tiêu giáo dục.

Đã đến lúc cần khẳng định, đối với tất cả các cấp học, không chỉ ở GDPT, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại để mỗi thanh, thiếu niên đều nên người (với tư cách là người học, người lao động, người công dân), phải là mục tiêu ưu tiên số 1 của mọi nhà trường, mọi cấp học.

Cho dù nhiệm vụ chính của GDNN và GDĐH là đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thì cũng không thể bỏ lơi mục tiêu bồi dưỡng tư cách làm người. Bởi vì những phẩm chất cần thiết ở con người như lòng nhân ái, tính trung thực, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác trong lao động, khát vọng học hỏi để tự hoàn thiện...chính là những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng nguồn lực con người - sức mạnh căn bản không chỉ của một nền kinh tế mà của cả 1 quốc gia, 1 dân tộc.

Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người và văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng giáo dục nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng.

Nhìn vào kết quả giáo dục của nhà trường nhiều năm qua, chúng ta rất khó đánh giá các em học sinh học xong trung học cơ sở (THCS) hoặc trung học phổ thông (THPT) đã đạt được tới mức độ nào của mục tiêu giáo dục mặc dù các em đều "tốt nghiệp".

Sở dĩ như vậy là vì lâu nay ta xác định mục tiêu giáo dục chưa cụ thể, khi thực hiện lại có sự lệch lạc, tập trung quá vào chuyện thi cử, xem nhẹ việc phát triển nhân cách và khả năng thực hành ở học sinh, sinh viên. Nhất là, chưa coi trọng đúng mức việc bồi dưỡng cho thanh thiếu niên ý thức tự tin/ tự chủ/ tự lập trong suy nghĩ và hành động. Trong khi đó, phương thức giáo dục lại chủ yếu là áp đặt, buộc học sinh/ sinh viên phải thuộc lòng quá nhiều điều, trong đó có những điều xa lạ với cuộc sống, chẳng giúp gì cho sự phát triển nhân cách và năng lực của các em.

Đề án giáo dục phải có tầm nhìn vài ba thập kỷ

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân là một công trình lớn của quốc gia, cần được chuẩn bị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chính phủ. Dù cần khẩn trương nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu chu đáo, nghiêm túc.

Việc đầu tiên phải làm là xây dựng cho được Đề án đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục dựa trên tầm nhìn vài ba thập kỷ, khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, mà Đại hội Đảng X đã phê phán. Đề án cần được Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét, trình Quốc hội để thông qua theo quy định của pháp luật.

Để xây dựng được một đề án phản ánh những tiến bộ về giáo dục, đáp ứng mong đợi của xã hội, Ban soạn thảo hoặc Ủy ban Quốc gia (như cách làm ở các nước khác trong trường hợp tương tự) cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và có thể mời các chuyên gia người Việt định cư ở nước ngoài.

Bên cạnh Ban soạn thảo đề án Ủy ban Quốc gia, cần có cơ chế tập hợp ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học bằng các hội đồng tư vấn. Đồng thời, cần thông qua các cuộc hội thảo và tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các mạng internet để thông báo rộng rãi trong công chúng, tập hợp và tham khảo các ý kiến của tất cả những ai quan tâm và mong muốn đóng góp nhằm chấn hưng và phát triển nền giáo dục quốc dân Việt Nam.

Bộ GD và ĐT cần khẩn trương chỉnh sửa chương trình hiện có theo hướng giảm tải, động viên giáo viên cải tiến phương pháp giảng dạy, thực hiện bình thường hóa thi cử, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục, làm cho hoạt động giáo dục trung thực hơn, lành mạnh hơn.

Rõ ràng một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện như thế là cần thiết để giáo dục làm được vai trò nền tảng và động lực CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đưa đất nước hội nhập sâu và đầy đủ vào đời sống quốc tế, sẵn sàng hợp tác và cạnh tranh với các nước trong nửa đầu của thế kỷ 21.

Vấn đề đặt ra là, một cuộc đổi mới như thế có khả thi hay không. Tuy rằng tính khả thi của công cuộc đó phụ thuộc nhiều nhân tố song nhân tố quan trọng bậc nhất, theo như nhận thức của nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, chính là quyết tâm chính trị.

Một khi Đảng và Nhà nước thật sự xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành cho công cuộc phát triển giáo dục sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thỏa đáng; bố trí những cán bộ quản lý giáo dục có tâm huyết và đủ tầm thì công cuộc này chẳng những khả thi mà còn chắc chắn thành công.

-----

* Đoạn in nghiêng do tác giả bài viết nhấn mạnh.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5438

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn