Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Anh hùng Lê Mã Lương: Lơ mơ về lịch sử là mất nước
06/09/2011

(GDVN) - Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã từng là cựu sinh viên khoa lịch sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội). Trong buổi trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã có những chia sẻ và kiến giải lý thú về tình hình điểm thi đại học môn sử vừa qua và phát biểu của vị Bộ trưởng Bộ GD – ĐT.


Lơ mơ về lịch sử là mất nước

PV: Ông có cảm giác như thế nào khi nhận được thông tin về hàng nghìn bài thi đại học và cao đẳng môn lịch sử bị điểm 0?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi thường xuyên theo dõi và nhận thấy, chưa năm nào lại có nhiều điểm 0 môn lịch sử như năm nay. Đây là một điều đáng buồn.

Tôi đã gọi điện cho một số người bạn trong ngành giáo dục hỏi: “Có phải nguyên nhân là do đề thi có vấn đề, chưa chỉn chu hay không?”. Bạn bè tôi đã nói: “Ý anh đề cập rất đúng”. Một số nhà giáo cũng đồng ý với tôi một điều: học sinh rất yếu về môn lịch sử và có tâm lý ngại học.

Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân có tính chủ quan và nguyên nhân có tính khách quan. Kinh tế phát triển thì học sinh khi chọn ngành nghề học cũng phải tính toán thiệt hơn, chọn cái mà khi ra trường có thể đảm bảo cho cuộc sống của họ. Điều này khiến lượng thí sinh thi khối C giảm, tác động không nhỏ đến việc học tập môn lịch sử.

Dưới góc độ dạy và học, ngay từ khi tôi còn là sinh viên khoa lịch sử của Trường ĐH Tổng hợp thì khoa này đã được xác định là “máy cái” của trường. Lịch sử là cái gốc của mọi vấn đề. Khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp, kiến thức lịch sử là hành trang cho họ bước vào đời.

PV: Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào tới việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ của đất nước?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Điều này ảnh hưởng nhiều chứ.

Khi người dân không biết hoặc lơ mơ về lịch sử của dân tộc thì sẽ không biết hoặc lơ mơ mình là ai, đang đứng ở chỗ nào. Và khi cần có sự quyết định hành động, hy sinh liên quan tới sự tồn vong của đất nước, họ sẽ do dự. Và hiển nhiên điều này thể hiện nguy cơ mất nước rất lớn.

Điều này đặc biệt hệ trọng khi đặt trong bối cảnh tình hình biển Đông đang căng thẳng như vừa qua. Khi ngay bản thân người dân không hiểu chủ quyền của mình đối với biển đảo như thế nào thì rất dễ bị người ta qua mặt. Nếu mình mất tỉnh táo thì sẽ mất biển đảo ngay.

Trong khi đó, Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc này không chỉ mấy năm nay mà là hàng chục năm nay rồi.

"Nhiều học sinh thiếu ý thức khi thăm quan bảo tàng"

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ. Bất kỳ một thế hệ nào của một dân tộc mà kém hiểu biết về dân tộc mình thì sẽ không biết mình là ai và đang ở đâu. Điều đó tác động đến lòng tự hào dân tộc, truyền thống dân tộc dẫn đến nguy cơ không giữ được truyền thống dân tộc và làm nguy hiểm tới vận mệnh của dân tộc.

Nếu chúng ta chỉ chăm chú phát triển kinh tế đất nước bằng mọi cách mà quên đi việc giáo dục truyền thống của dân tộc thì những công dân tương lai kém hiểu biết về dân tộc mình có đủ trình độ để kế thừa những thành quả kinh tế mà bây giờ chúng ta đã cố gắng đạt được bằng mọi cách hay không?

PV: Hơn 10 năm làm giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, thiếu tướng thấy tinh thần học sử của những người đến tham quan và học tập thế nào?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Hơn 10 năm tôi làm Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều đoàn tham quan. Tỷ lệ thanh thiếu niên đến bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là khoảng 33%, đông nhất trong các bảo tàng.

Cái tôi hy vọng là dù tham quan 30 phút, 1giờ hay lâu hơn thì các đoàn nên yêu cầu có người hướng dẫn rồi sau đó tọa đàm, trao đổi các vấn đề còn chưa rõ về các tư liệu hay muốn hiểu sâu hơn. Tuy nhiên rất ít đoàn có yêu cầu này.

Và thậm chí, hầu như không có đoàn nào yêu cầu học sinh, sinh viên sau khi tham quan về phải báo cáo hoặc có thu hoạch. Không những thế, khi tham quan thì rất nhiều đoàn mất trật tự, vừa đi vừa nói chuyện, xả rác trong khuôn viên bảo tàng. Đó là điều rất đáng e ngại và là lỗi của các thầy cô tổ chức.

Như vậy cả hai điều chúng tôi mong đợi đều không được thực hiện. Liệu rằng với mục đích học tập, sau khi tham quan như thế có bao nhiêu thông tin lịch sử đọng lại trong tâm trí các em?

Ngoài ra tôi còn thấy một điều như thế này, đó là lĩnh vực tôi làm rất gần gũi với sinh viên khoa lịch sử trường Đại học KHXH&NV. Tôi rất muốn tuyển sinh viên mới ra trường có bằng khá trở lên nhưng việc tuyển rất khó khăn. Vấn đề không hẳn đã là sinh viên ra trường không xin được việc làm mà do điểm học tập thấp hoặc bản thân họ không muốn.

Phần nhiều sinh viên khoa sử sau khi ra trường không muốn làm đúng chuyên ngành mình học. Còn những sinh viên không có thái độ đúng đắn trong học tập thì điểm thấp không đạt yêu cầu.

“Thật đáng buồn với phát biểu như vậy”

PV: Ông có suy nghĩ gì khi bộ trưởng bộ GD – ĐT cho rằng việc có nhiều điểm 0 môn lịch sử là bình thường?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Lời phát biểu của ông bộ trưởng đã có rất nhiều người phê phán. Ngay cả GS. Phan Huy Lê cũng phải nói: “Thật đáng buồn với phát biểu như vậy của ông bộ trưởng”.

Tuy nhiên tôi lại có suy nghĩ hơi khác một chút. Phát biểu của ông bộ trưởng đã nói lên sự yếu kém trong chiến lược phát triển con người. Đó còn là sự yếu kém trong tư duy, trong giải pháp của những người giữ cương vị đặc biệt quan trọng như vị trí Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo… Lỗi này trước hết là của nhà nước ta.

Nhà nước ta vẫn nói rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục chưa thực sự được quan tâm một cách thích đáng. Hiện nay, thu nhập từ đồng lương của giáo viên trong ngành giáo dục vẫn còn thấp, đặc biệt là giáo viên dạy môn lịch sử. Vì vậy mà học sinh, sinh viên khi lựa chọn ngành nghề đều ít chọn khối C.

Nhà nước tập trung các giải pháp phát triển kinh tế mà dường như chưa chủ trọng đúng mức đến việc giáo dục cho con người có lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa. Một trong những điều mà nhà nước phải quan tâm hiện nay là giáo dục cho con người hoàn thiện nhân cách. Mà để thực hiện việc này thì một trong những việc cần là phải bồi dưỡng kiến thức về lịch sử.

PV: Theo thiếu tướng, chúng ta có thể khắc phục vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Thứ nhất là phải coi trọng lịch sử là môn chính, chủ yếu bắt đầu từ bậc tiểu học, lên đến THCS và THPT. Đồng thời cũng phải coi đây là một môn thi bắt buộc. Còn học như thế nào để nhận thức được thì có nhiều phương pháp.

Thứ hai là: “dân ta phải biết sử ta” chứ không phải là dân ta thuộc sử Tàu, sử Hàn Quốc. Tôi thấy hiện nay truyền hình của mình, thậm chí cả kênh truyền hình quốc gia cũng chiếu quá nhiều phim Trung Quốc và Hàn Quốc. Có nhiều người nói với tối, dường như chúng ta đang phục vụ tuyên truyền của họ. Thế nên đã đến lúc phải sử dụng triệt để các kênh thông tin để giáo dục về lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước của dân tộc…

Thứ ba là chọn và đào tạo đội ngũ giáo viên về chuyên ngành lịch sử, có chính sách thu hút thí sinh thi vào ĐH chuyên ngành lịch sử ở các trường ĐH. Phải để cho người học lịch sử cảm thấy đó là vừa trách nhiệm với đất nước vừa là niềm tự hào.

Thứ tư là đề thi tuyển sinh vào đại học phải “chuẩn”. Đề thi năm nay có nhiều điểm chưa hợp lý, mang tính chất như đánh đố thí sinh dẫn đến cách hiểu của thí sinh theo như được thầy cô giảng dạy sẽ khác so với đáp án và không được điểm. Điều này cũng lý giải tại sao năm nay lại nhiều điểm 0 và điểm 1 môn lịch sử đến thế.

Thứ năm, ở cấp vĩ mô chúng ta phải có thay đổi lớn. Đây là một vấn đề báo động của quốc gia rồi. Vấn đề này đã đến lúc phải đưa ra trước Quốc hội để bàn cho kỹ. Chính phủ phải có giải pháp kịp thời bởi quên lịch sử là biểu hiện của quên dân tộc và mất nước.

Tôi thấy chưa bao giờ như lúc này, đất nước ta cần một bộ trưởng bộ GD – ĐT là một nhà sử học hơn là một nhà kinh tế hay văn hóa chung chung nào đó. Đất nước ta không thiếu gì những nhà sử học trẻ tuổi, đức độ và tài năng.

Mấy chục năm vẫn thế!

PV: Được biết ông là cựu sinh viên khoa sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Theo ông, việc học sử thời của ông với việc học sử hiện nay khác nhau như thế nào?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi cũng không biết sinh viên hiện nay học sử như thế nào. Nhưng chắc chắn là khác bây giờ rồi. Thời tôi học thì say mê, xác định rõ thái độ học: học cho chính mình, học để làm, để mà cống hiến cho tổ quốc. Thời tôi học gắn với đất nước, gắn với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Khi ngồi trên ghế nhà trường có một cái cảm giác hết sức thiêng liêng. Xuất phát từ cái đó, sinh viên có trách nhiệm đối với học tập, say mê học tập.

Tuy nhiên, khi tôi học, thầy cũng đã giảng chay. Khi lên lớp, thầy cứ thao thao bất tuyệt còn sinh viên ngồi dưới cắm cúi viết đến khi nào thầy ngừng không giảng thì thôi. Điều này bó hẹp tính sáng tạo của sinh viên xuất phát từ bài giảng của thầy nên tôi rất sợ kiểu học này. Ấy vậy mà mấy chục năm nay vẫn chưa sửa được.

PV: Ông thấy SGK lịch sử hiện nay so với SGK lịch sử thời ông học thế nào?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi thấy SGK lịch sử hiện nay không hấp dẫn bằng thời tôi học. Ví dụ: ngày xưa nói về anh La Văn Cầu, người ta chỉ có 4 câu thơ thôi nhưng đã lột tả hết ý cần nói về sự dũng cảm của anh. Nhưng bây giờ thì hầu hết các gương sáng bỏ hết đi.

PV: Nếu ông có cháu thi đại học thì ông có tư vấn cho cháu mình thi vào các khoa lịch sử không?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Nếu quả thật các cháu có triển vọng, năng khiếu về mặt xã hội thì phải định hướng về mặt xã hội. Lúc đó tôi sẽ khuyến khích thi vào chuyên ngành sử.

Cảm ơn thiếu tướng đã chia sẻ quan điểm!



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5546

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn