Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Hòa hiếu - bản chất của dân tộc Việt Nam
19/09/2011

Nhà sử học Lê Văn Lan

Trong đêm 19-12-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết câu mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thì cùng với câu văn đầy khí phách tất cả những lời nói và hành động của Người, từ trước đây, và sau đấy, đều chứng tỏ Bác là người hiểu rõ và tiêu biểu nhất, về/cho/và của tinh thần hòa hiếu Việt Nam.






Lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Pháp

tại Dinh Thủ tướng Pháp 2-7-1946

I."Hòa hiếu” là từ kép, ghép lại từ hai chữ "Hòa” và "Hiếu”. Ở thời gian nửa cuối thế kỷ thứ 19, giữa triều đình nhà Nguyễn rối ren và bạc nhược, thấy nhiều lần vọng lên chữ "Hòa”. Phe "chủ hòa” tranh cãi cùng phe "chủ chiến” trong đối sách với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp. Thế rồi một loạt "hòa ước” được ký kết. Lịch sử coi đấy là những "hàng ước” chứ không phải "hòa ước”. Và như thế, cái thứ "hòa” này, không phải là nghĩa và lý của chữ "Hòa” ở từ kép "Hòa hiếu”.

Nhưng ở thế kỷ 15, có câu của Nguyễn Trãi nói với vua Lê Thái Tông (khi được giao việc soạn lễ nhạc) rằng: "Hòa bình là gốc của Nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán giận sầu than, như thế mới không mất cái gốc của Nhạc”. Lại ở về thời "Hào khí Đông A” nhà Trần, thế kỷ 13, giữa cuộc chuẩn bị cho sự ra đời của Thiền Phái Trúc Lâm, thấy có câu "Hòa quang đồng trần” (Hòa ánh sáng cùng (vào cho) trần (tục)). Chắc chắn, đây mới là những trường hợp đúng của chữ "Hòa”. Như trong ngôn ngữ dân gian, có chữ "chan hòa” thật là dễ chịu vậy.

Còn về chữ "Hiếu”, thì xem trong sách "An Nam chí lược”, thấy có câu chiếu chỉ của Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt, năm 1267 gửi cho vua Trần Thánh Tông, trách cứ (việc nhà Trần kháng mệnh nhà Nguyên) rằng: "Nghĩa vua tôi, thực như nghĩa cha con, có lẽ nào tôi con mà lại trái với vua cha sao? Trẫm nếu không nói cho ngươi biết thì đó là đối đãi với người không thành thực. Ngươi nên nghĩ cho chín để toàn được sự thủy chung”. Đấy là quan niệm về chữ "Hiếu” của kẻ ỷ thế đế quốc mà áp đặt cho chư hầu. Còn đọc trong áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô Đại Cáo”, thấy có câu: "Tướng giặc bị tù, nó đã vẫy đuôi xin tha mạng sống/ Oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh”, thì rõ ràng sự thiết tha với cuộc sống, ở đây, mới chính là cái nghĩa và cái lý về chữ "Hiếu”, trong từ kép "Hòa Hiếu” của ngôn ngữ dân tộc ta.

II. "Hòa hiếu”, vậy là gắn bó cùng và là thuộc tính của một dân tộc nghìn đời nay trông lên thấy "Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng”, với những "Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng”, trông xuống thì khắp nơi là cảnh: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa”, hồn nhiên chỉ việc "thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, để dựa vào sự thuận hòa đó mà mới gọi mọi người ngày xưa: Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ tốt lá xanh cây hãy về, còn nay thì: "Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời” (Đỗ Nhuận)...

Cái tinh thần hòa hiếu trong dân gian của dân tộc như thế, một khi chuyển vào lĩnh vực bang giao, trao cho việc triều chính thực hiện, thì thành những cuộc giao hiếu, giao hảo.

Trong kho tàng di sản trước tác của nhà văn hóa – chính khách lớn ở thế kỷ 18, Ngô Thì Nhậm có một cuốn sách quí, nhan đề là "Bang giao hảo thoại”, ghi lại những "hảo thoại” trong các cuộc giao hảo với triều đình Mãn Thanh như thế. Bởi vì họ Ngô chính là người đã được Vua Quang Trung – giữa lúc sức nóng của mùa Xuân lửa Đống Đa đang còn hừng hực – ủy thác việc giao hảo với nhà Thanh, qua và bằng câu nói trực tiếp (được sách "Đại Nam chính biên liệt truyện” ghi lại (nguyên văn) cực hay, như sau: "Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân. Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ, mới có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi chủ trương lấy”!

Thế là, cùng một lúc, Quang Trung đã vừa có câu "lập ngôn” thể hiện tư tưởng hòa hiếu của dân tộc và của triều đại mình: "Hai nước đánh nhau cũng không phải là phúc cho dân”, vừa chỉ ra một quyết sách "Ngoại giao hòa bình” mà Người gọi là "Khéo về giấy tờ”.

"Khéo về giấy tờ” là cách nói hình tượng về việc giỏi thương lượng, đàm phán. Chính Vua Lê Thánh Tông – ở và từ thế kỷ 15 trước đấy – cũng đã có / và kiên trì/ sự nghiệp này. Ở trang biên niên sử về năm 1473 của sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, có ghi lại được câu nói của nhà vua trong khi quyết liệt chỉ thị cho Thái bảo là Lê Cảnh Huy: "Một thước núi, một tấc sông của ta, cũng không được đem bỏ đi. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của tổ tiên làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” – đã dặn dò kỹ lưỡng: "Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, ta còn có thể sai sứ sang phương Bắc, nói rõ điều ngay lẽ gian”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đi thăm nước Pháp năm 1946

Ảnh: TL

Việc kiên quyết và trùng điệp "nói rõ điều ngay lẽ gian” như thế này, không phải là dễ. Nó còn phải kèm với hàng loạt động thái khác, để thể hiện có kết quả tư tưởng hòa hiếu trong lịch sử bang giao của dân tộc, nhất là khi luôn gặp phải những yêu sách ngang ngược của nước lớn.

Vẫn trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, thấy chép đoạn chiếu thư sau đây của Hoàng đế nhà Tống gửi cho Vua Lê Đại Hành, năm 971: "Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà, khiến ta buồn phiền, phải chặt cờ chém hiệu, làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp... Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho. Nếu trái mệnh, ta sẽ sai quân đánh”.

Không chỉ đe dọa, mà còn có cả những đòi hỏi riết ráo, cụ thể, như của Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt đối với Vua Trần Thánh Tông – năm 1279, được chép vào bộ Nguyên sử: "Nếu quả thật ngươi không tự đến ra mắt (ta) được thì hãy lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó, lấy hiền sĩ, phương kỹ, con trai, con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người, để thay cho sĩ nhân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”.

Chỉ có tinh thần hòa hiếu cố hữu đậm đà, mới giúp được dân tộc ta xưa trổ ra những thế ứng xử đối với những thách thức và sức ép tệ tồi như thế. Vua Lê Đại Hành vẫn tổ chức thết tiệc đãi sứ mang chiếu thư đến Hoa Lư lại còn thân lội ruộng bắt cá cho sứ giả xem và thấy sự chan hòa của nhà vua nước Việt. Nhưng đến khi được yêu cầu phải quỳ lạy mà tiếp chiếu, thì nhất quyết không vì lý do: vừa đi dẹp loạn, bị ngã ngựa, đau chân, không quỳ được! Vua Trần Thái Tông cũng không lạy chiếu thư, với câu giải thích được "Nguyên sử” ghi lại: "Phàm nhận chiếu, cứ để yên nơi chính điện, còn Vua thì lui tránh về điện riêng. Đó là điển lệ cũ của nước chúng tôi”! Còn Vua Trần Thánh Tông thì mềm mỏng vô cùng, nhưng vẫn không bao giờ theo lời dụ sang chầu vua Nguyên, với câu nói cũng lại được chép vào bộ Nguyên sử, là "Tôi sinh trưởng ở thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường”! Còn người thay mặt vua mà tiếp sứ – là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải – thì , trước sự ngông nghênh ngang ngược của sứ giả Sài Thung, vẫn ân cần làm thơ tống tiễn về nước: "Vị thẩm hà thời trùng đổ diện/ Ân cần ác thủ tự huyên lương” (Không biết đến bao giờ mới lại được gặp mặt/ Để cần nắm tay nhau mà kể chuyện hàn huyên)!

Những câu chuyện nước lớn đòi/ và ta thì phải cống nạp/ voi, qua các triều Lý, Trần, đến Tây Sơn... cho thấy sự linh hoạt uyển chuyển của đối sách nhân nhượng với tinh thần hòa hiếu trong việc bang giao của dân tộc ta ngày xưa. Vua Lý Nhân Tông sẵn sàng đem voi đi cống cho nhà Tống, nhưng là để đổi lại, thu hồi được cả vùng đất châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) khiến chính người nước Tống phải lục đục chê trách nhau: "Nhân tham Giao Chỉ tượng/ Khước thất Quảng Nguyên kim” (Chỉ vì tham voi Giao Chỉ mà để mất cả vùng mỏ vàng Quảng Nguyên)! Nhưng Vua Trần Nhân Tông thì lại không chịu nộp voi cho nhà Nguyên, với lý do: voi là vật to lớn dềnh dàng, khó đi đường, và quản tượng thì ngại xa nhà, không muốn đi!

Đến như việc vua Quang Trung phê vào tờ tâu trình chuyện Hoàng đế Càn Long nhà Thanh đòi cống nạp voi, thì cái khí phách Việt Nam của tinh thần bang giao hòa hiếu khiến ai cũng phải nức lòng, là câu sau đây: "Thằng Càn Long nó xin con voi/ Xem con nào cụt vòi, cho nó một con!”.

III. Trong đêm 19-12-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết câu mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thì cùng với câu văn đầy khí phách tất cả những lời nói và hành động của Người, từ trước đây, và sau đấy, đều chứng tỏ Bác là người hiểu rõ và tiêu biểu nhất, về/cho/và của tinh thần hòa hiếu Việt Nam.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5587

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn