Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giặc dữ Mông - Nguyên ba lần đại bại
21/09/2011

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Năm 1236, Mông Cổ chính thức xâm lược nhà Nam Tống. Năm 1256, toàn bộ nước Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam) đã chia thành phủ, huyện đặt dưới quyền cai trị của người Mông Cổ, đứng đầu là viên tướng Uriyangqadai. Nước Đại Việt từ nay bị Mông Cổ trực tiếp uy hiếp. Uriyangqadai cho sứ tới Thăng Long đòi Nhà nước Đại Việt phải chấp nhận ba việc: Một là triều cống; hai là cho quân Mông Cổ mượn đường đánh vào Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc); Ba là đặt chức Daguratri (viên toàn quyền) tại Thăng Long. Nhà Trần chỉ chấp nhận có một việc là cống nạp mà thôi.


Tướng giặc Nguyên là Thoát Hoan bị quân dân Đại Việt

đánh cho đại bại, phải chui vào ống đồng chạy trốn

Tranh của họa sĩ Nguyễn Bích

Lường trước được tình thế nên từ năm 1230 trở đi, nhà Trần đã lo củng cố và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho dân. Về việc binh, ngoài số quân thường trực ít ỏi của triều đình, nhà vua cho phép các vương hầu được lập phủ binh, gia binh lấy từ số nông phu trong điền trang thái ấp của mình. Quân ấy khi thường thì giữ gìn an ninh ở địa phương, khi nước có giặc thì Nhà nước sai khiến vào việc đánh giặc, giữ nước. Ngoài ra, với chính sách "ngụ binh ư nông” đã có từ thời nhà Lý, nay vẫn duy trì, nên số quân dự bị khá đông, sẵn sàng bổ sung cho quân thường trực khi cần. Năm 1257, chúa Mông Cổ mở đợt đại tiến công vào thành trì nhà Nam Tống theo bốn hướng qua các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Kinh Sơn và Nam Ninh (Quảng Tây). Nhưng quân Mông Cổ muốn đánh vào Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) phải qua nẻo đường Đại Việt. Vì vậy năm Đinh Tỵ (1257), tướng Mông Cổ ở Vân Nam (Đại Lý) đã ba lần cử sứ vào Đại Việt. Lần thứ nhất, vào tháng 8, lần thứ hai vào tháng 9 và lần thứ ba vào tháng 11. Các viên tuyên dụ sứ Mông Cổ vào Thăng Long đòi nhà Trần phải thực hiện đầy đủ cả ba yêu sách. Bị nhà Trần khước từ, chúng buông lời mạt sát hỗn hào xâm phạm đến quốc chủ và quốc thể, nên cả ba lần, các tên chánh sứ đều bị giam trong nhà công quán.

Cả ba đoàn tuyên dụ sứ vào Thăng Long không một đoàn nào trở về. Mặt khác, lại bị triều đình thúc giục tiến đánh Ung Châu để phối hợp với các cánh quân khác, Uriyangqadai liền huy động hơn 30 ngàn quân kỵ Mông Cổ và 20 ngàn quân bộ là người Thoán – Bặc của tên vua bù nhìn Đoàn Hưng Trí lên đường vào xâm lăng Đại Việt từ ngày 12 tháng chạp năm Đinh Tỵ (17-1-1258).

Vua Trần Thái Tôn lập trận địa cản giặc tại Đồng Bình Lệ (nay thuộc Vĩnh Phúc) rồi lui quân về Thăng Long. Sau lại bỏ Thăng Long về tập kết quân đội tại vùng Mạn Trù (Hưng Yên).

Quân giặc vào Thăng Long tìm tới nhà công quán thấy ba tên chánh sứ còn đang bị trói, một tên bị trói chặt quá đã chết. Một tuần sau quân ta phản công. Lúc này, quân của Trần Hưng Đạo phối hợp với quân của các tù trưởng Hà Bổng, Hà Khuất trên vùng Lào Cai, Yên Bái đã tiêu diệt gọn 2 vạn quân Thoán – Bặc của Đoàn Hưng Trí. Tướng giặc biết được tin này nên khi quân ta phản kích, giặc hoảng hốt tháo chạy, bỏ lại Thăng Long tất cả những gì chúng vơ vét được và trên đường rút chạy, giặc không dám dừng lại cướp bóc hoặc giết chóc, không gây thiệt hại gì cho dân, nên dân gọi nó là "giặc Phật”. Và đoàn quân xâm lược ấy lúc đi có hơn 3 vạn, lúc về chỉ còn lại hơn 5 ngàn. Bị thiệt hại nặng nề, từ đó người Mông Cổ không ép ta nữa mà chỉ mơn trớn, dụ dỗ. Dò biết được tình hình quân Mông Cổ đánh Trung Hoa dữ dội, nhà Trần đi sâu vào việc tăng cường binh bị, cố kết trăm họ để giữ nước. Năm 1279, quân Mông Cổ đã hoàn toàn tiêu diệt nhà Nam Tống, đặt nền thống trị trên toàn cõi Trung Hoa, lập ra Nhà nước Đại Nguyên do Hốt Tất Liệt - cháu nội Thành Cát Tư Hãn lên ngôi hoàng đế. Lúc này, Hốt Tất Liệt rảnh tay thôn tính Đại Việt. Trước hết, y dùng sức ép, đòi nhà Trần phải thực thi 6 điều: Quân trưởng (vua Đại Việt) phải vào chầu; Kê khai hộ khẩu; Phải chịu quân dịch; Phải nộp phú thuế; Cho mượn đường sang đánh Chiêm Thành; Đặt chức Daguratri (toàn quyền), đeo hổ phù, ra vào triều đình Đại Việt và đi bất cứ nơi chốn nào trong nước mà y muốn. Xét ra nhà Trần chỉ nhận một trong sáu điều trên thì coi như nước đã mất chủ quyền. Vả lại lúc này Hốt Tất Liệt chỉ cần Đại Việt sơ sẩy điều gì trong quan hệ bang giao là y có cớ cất quân xâm chiếm ngay.

Vua tôi nhà Trần phải bàn tính, làm thế nào từ chối cả 6 điều mà vẫn tránh được can qua. Không những thế từ triều đình đến các vương hầu khẩn trương luyện tập tinh binh đề phòng bất trắc. Ngoài ra còn phải lo cất giấu lương thực để tiếp tế cho quân, lo tổ chức và huấn luyện các đội dân binh, hương binh... trăm thứ phải lo khẩn cấp như giặc đã áp sát biên thùy, nhưng lại phải che tai bịt mắt sứ giặc khiến chúng có tai như điếc, có mắt như đui.

Chỉ cần đọc lại các sự kiện lịch sử diễn ra từ 1280 đến 1285 chứ chưa phải chứng kiến, ta thấy tổ tiên ta phải nín nhịn, kể cả nhịn nhục đến mức nào để tranh thủ hòa hoãn từng ngày, nhằm có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Và chỉ cần đọc qua "Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn cũng đủ làm ta sôi máu: "...ngó thấy sứ giặc nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham khôn cùng; giả hiệu Vân Nam vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn”. Sứ giặc thì nghênh ngang ngay giữa triều đình của ta mà như đi vào chỗ không người, nói năng thì hỗn xược như một kẻ phàm phu say máu. Chân tay, tai mắt chúng cài cắm khắp nơi, đến nỗi họp đại hội để bàn kế đánh giặc, triều đình phải đưa về tận bến Bình Than, họp trên những chiến thuyền neo đậu giữa sông để tránh tai mắt giặc.

Trong khi đó nhà Nguyên ép ta tưởng đến nghẹt thở. Hàng ngày, sứ giặc thúc triều đình ta phải thực hiện cả 6 điều mà Hốt Tất Liệt đòi hỏi. Nhà vua phải cử quốc thúc (chú vua) là Trần Di Ái và cả một phái bộ sang Yên Kinh triều cống và bàn hòa. Hốt Tất Liệt phong cho Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương và chức tước cho những người đi theo, tựa như đó mới là triều đình được nhà Nguyên công nhận, đương nhiên chúng coi triều đình ở Thăng Long dường như không tồn tại.

Tiếp đó, nhà Nguyên cho 5 ngàn quân hộ tống Trần Di Ái về nước chấp chính, cùng đi có chánh sứ nhà Nguyên là Sài Thung giám sát. Đây là một ngón đòn cực hiểm trong thế cuộc bang giao. Cuộc bang giao có vũ trang này, chỉ cần phía Đại Việt tiêu diệt cánh quân Nguyên và làm thương tổn đến sứ đoàn nơi biên thùy hoặc trên đất Đại Việt thì lập tức có hàng chục vạn quân Nguyên tràn ngay vào Đại Việt.

Triều đình Đại Việt vừa khôn khéo vừa quyết liệt. Nghĩa là cản không cho quân hộ vệ viên sứ giả Sài Thung và cái triều đình bù nhìn kia vào đất ta. Nhưng phải bảo vệ cho Sài Thung và sứ đoàn rồi đưa về Thăng Long thương thảo, mặt khác bắt cho bằng được Trần Di Ái và những kẻ cộng sự về trị tội.

Chúng ta đã làm tất cả, nhưng tham vọng thống trị thiên hạ của Hốt Tất Liệt là không có giới hạn. Y không cho phép một quốc gia nhỏ bé như Đại Việt được tồn tại, trong khi nước Tống rộng lớn, giàu có và đông đúc gấp cả trăm lần Đại Việt đã phải quỳ gối làm tôi người Mông Cổ. Và thế là cuối năm Giáp Thân, đầu năm Ất Dậu (cuối năm 1284, đầu năm 1285) Hốt Tất Liệt xua 50 vạn quân cùng với hàng trăm danh tướng do đích thân Thoát Hoan là con trai y chỉ huy.

Sau gần 30 năm dân chúng sống trong hòa bình, nay phải đương đầu với đội quân xâm lược cực lớn lại thiện chiến và vô cùng tàn bạo, chúng đánh nhau khắp bốn phương trời hầu như không có địch thủ. Thế nước vô cùng chao đảo, mệnh nước tưởng như sắp đứt thì Trần Kiện, cha con Trần Ích Tắc là những thân vương, nắm giữ trong tay nhiều quân tinh nhuệ lũ lượt kéo nhau ra hàng giặc.

Hai cây lim cổ thụ còn sót lại từ khu rừng được lấy gỗ làm bẫy cọc

trong trận Bạch Đằng năm 1288 tại Yên Giang

Ảnh: Từ Khôi

Ấy vậy mà các vua nhà Trần cùng toàn quân, toàn dân muôn người như một dưới sự chỉ đạo khôn khéo và ngoan cường của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, đã vực được thế quân lên. Cuối cùng, đã đuổi được giặc ra khỏi nước, giết và bắt sống hàng chục vạn binh lính giặc. Hàng chục viên danh tướng của giặc bị giết, bị bắt, Trấn Nam Vương Thoát Hoan run sợ trên đường tháo chạy phải chui trong rọ tre ngoài bọc đồng lá để tránh tên đạn và y chịu để cho quân lính kéo lê dọc đường. Cuối tháng chạp năm trước giặc hùng hổ kéo quân vào xâm lược nước ta, giữa tháng 6 năm sau trên đất ta đã sạch bóng quân thù.

Lũ tướng bại trận kéo nhau về Yên Kinh phủ phục trước thềm đại điện chịu tội trước Hốt Tất Liệt. Chúa nhà Nguyên thật sự đau lòng, nhưng không nuốt trôi thất bại. Y chỉ quở nhẹ tướng lĩnh rồi sai lập ngay bộ chỉ huy quân sự mới, huy động thuyền bè, lừa ngựa, quân lương để đến cuối năm lại xuất chinh làm cỏ Đại Việt. Nhưng giặc già Hốt Tất Liệt không thể làm theo ý mình, bởi trời không chiều kẻ ác. Vì rằng dân Trung quốc không chịu nổi ách thống trị ngoại bang, nhiều nơi dân chúng đã nổi dậy chống lại kẻ cai trị, và cũng nhiều tỉnh phía Nam dân đói tràn lan, bọn thống trị không thu được lương thực. Và mãi tới cuối năm 1287 đầu năm 1288 giặc mới khởi sự cuộc xâm lăng nước ta. Lần này cũng vẫn số quân lớn như lần trước, cũng do hoàng tử Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương tổng chỉ huy đội quân xâm lược. Tuy vậy, lần này có khác hơn lần trước, giặc chở theo hơn 70 vạn thạch lương và số thủy quân hơn 10 vạn, số thuyền chiến hơn 700 chiếc, mục đích của chúng là chinh phục bằng được Đại Việt.

Hai mặt thủy bộ giặc tiến ào ạt như gió lốc. Cuộc chiến năm Ất Dậu (1285) Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã hơi nao núng bèn hỏi Trần Quốc Tuấn: "Thế giặc đang cường, nếu ta không cản được, chúng sẽ tàn sát hết lương dân, hay ta tạm hòa để cứu trăm họ?”. Quốc Tuấn khảng khái đáp: "Nếu bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu thần”. Năm Mậu Tý (1288) giặc lại ầm ầm kéo vào, Trần Nhân Tông hỏi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: "Năm nay giặc lại đến, làm thế nào?”. Hưng Đạo Vương liền đáp: "Kim niên tặc nhàn” (năm nay đánh giặc dễ).

Thật vậy, đầu tháng giêng năm Mậu Tý (1288) giặc mới vào hết đất ta, nửa đầu tháng 3 ta đã đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Lần này, ta thắng tuyệt đối, đánh đắm và thu toàn bộ hơn 70 vạn thạch lương, khi giặc rút về nẻo sông Bạch Đằng có gần 10 vạn quân thủy với hơn 600 chiến thuyền bị hút vào thế trận cọc đã mai phục sẵn, nên hết thảy quân chúng đều bị bắt, bị giết. Không một tên quân, tên tướng, một chiến thuyền nào chạy thoát. Hốt Tất Liệt lại mưu toan đánh ta một lần nữa. Mưu chưa thành thì Hốt Tất Liệt lăn ra chết. Con lên nối ngôi xuống chiếu bãi việc Nam chinh. Đất nước ta từ đấy được yên hưởng hòa bình, nhưng cái họa phương Bắc thì không lúc nào nguôi vợi.

Qua ba lần chiến thắng giặc dữ Mông - Nguyên có thể rút ra những bài học quý báu:

Về mặt đối nội:

Triều đình sáng suốt, đoàn kết chặt chẽ nội bộ, cố kết toàn dân, dựa hẳn vào dân để tạo ra sức mạnh dời non lấp biển; Chăm lo đời sống cho dân về mọi mặt; Coi trọng phát triển sản xuất; xây dựng các chủng quân tinh nhuệ ngay trong thời bình; Xây dựng quân dự bị xưa gọi là "phiên binh” liên tục trên cơ sở của chính sách "ngụ binh ư nông”; Khi chiến tranh nổ ra thì thực hiện chính sách toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vườn không nhà trống (thanh dã), không một nơi nào trên đất nước ta để giặc được ở yên.

Về đối ngoại:

Luôn luôn tôn trọng đối phương; Lấy hòa hiếu ổn định làm trọng; Vì ta là nước nhỏ nên lấy sự mềm dẻo làm chính, lấy nhu hòa làm chính. Mềm và nhu là sách lược. Cho nên mềm mà không tỏ ra yếu, nhu mà không tỏ ra nhược. Ví như kẻ địch cậy mạnh mà lấn lướt vi phạm đến quốc thể và quốc uy thì như sứ Mông Cổ ba lần vào Thăng Long năm 1257 đều bị nhà Trần tống giam, mặc dù trước đó ta đã hết sức mềm dẻo và chịu sự cống nạp. Thật vậy, nếu ta nhún nhường chỉ lùi một bước thì giặc sẽ tiến cả trăm bước; Giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch trong đối sách bang giao.

Do đường lối chính sách đúng đắn về đối nội và đối ngoại nên nhà Trần đã tạo ra được sức mạnh siêu thần nhập hóa, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc trước một kẻ thù khổng lồ và chúng chưa từng biết đến chiến bại trước khi vào xâm lăng Đại Việt.

Thiết tưởng các bài học giữ nước của nhà Trần tới nay vẫn còn nguyên giá trị.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5594

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn