Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

GS.TS Trần Hồng Quân: Nói chuyện vui, đừng nói chuyện GD!
21/09/2011

(GDVN) - Tôi đồng tình với ý kiến GS.TSKH Đào Trọng Thi, cách thi “ba chung “ đã hoàn thành sứ mạng của nó rồi. Cần phải thay đổi. Trước thềm năm học mới, với rất nhiều ngổn ngang chất chồng, bức xúc chưa có lời giải của ngành giáo dục, GS.TS Trần Hồng Quân, người có thâm niên 5 năm làm thứ trưởng Bộ Giáo dục,10 năm làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và hiện tại đang là Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập đã có buổi trò chuyện với báo chí.



Cần có giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu và giảng dạy ở cấp 1

Học trò bây giờ khổ hơn học trò ngày xưa nhiều, ông có nghĩ vậy không?

Đúng vậy. Tôi vẫn nói rằng bây giờ trẻ nhỏ không có tuổi thơ. Chúng sợ, ngán sự học. Giáo dục như thế là thất bại.

Có phải vì ta chưa chú trọng cho giáo dục mầm non?

Gần đây có chú trọng hơn, nhưng trước đây đúng là như vậy. Nó xuất phát từ việc quản lý, cách chúng ta đối xử với giáo dục. Trong xây dựng thang lương của Nhà nước nhiều khi sai lầm. Thấp nhất là mầm non, sau đó tiểu học, trung học cơ sở… Bậc học càng cao thì lương càng cao. Tôi phản đối mạnh mẽ. Cũng giống như không thể quy định bác sỹ nhi khoa lương phải thấp, còn lão khoa lương mới được cao vậy. Đứng về quan điểm giáo dục thì giáo dục mầm non là không được thất bại. Giáo viên trình độ sư phạm kém thì có khi làm cho đứa bé sợ đi học suốt đời.

Theo ông là nên đưa giáo sư tiến sỹ vào giáo viên cấp 1?

Đúng thế. Phải có những người thật giỏi trực tiếp nghiên cứu và giảng dạy trong các cấp học bậc thấp.Khoa học sư phạm đối với lớp trẻ nhỏ là rất khó và tinh vi vì tâm lý trẻ nhạy cảm vô cùng. Cách chúng ta đối xử với giáo viên tạo ra hiệu quả hoặc hậu quả đối với nền giáo dục.

GS.TS Trần Hồng Quân

Ta nói chuyện vui nhé, không nói chuyện giáo dục

Ông nghĩ gì về việc mỗi khi năm học mới đến, ngành giáo dục lại có thêm một khẩu hiệu mới. Để rồi khẩu hiệu cứ chất chồng, và những bức xúc với nền giáo dục cũng cứ chất chồng?

Tôi không phê phán việc đề ra khẩu hiệu nhưng phải lựa chọn cho đúng. Đúng vấn đề, xác đáng, khả thi, quyết tâm làm cho được. .

Theo ông thì nguyên nhân của những tiêu cực phổ biến trong giáo dục, trong xã hội là do đâu?

Thực ra nó là một chu kỳ mang tính xã hội. Một thời chúng ta sống bằng lý tưởng, bằng bản anh hùng ca đẹp, chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất để hy sinh cống hiến. Sau chiến thắng mùa xuân 1975, chiến tranh kết thúc, là băt đầu giai đoạn người ta suy nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình nhiều hơn. Và quá coi trọng các giá trị vật chất mà lâu nay đã dồn nén sự chịu đựng thiếu thốn. Sau giai đoạn này khi mà phải trả giá tương xứng với việc coi thường các giá trị tinh thần thì chắc sẽ lại đến giai đoạn người ta đặt giá trị tinh thần lên cao hơn .

Theo ông thì tham nhũng trong giáo dục có nhiều không?

Trước đây thì ít. Khi đó môi trường xã hội tốt hơn, trong sáng hơn. Mỗi thời một khác. Nhưng có lẽ tham nhũng giờ nhiều và phổ biến hơn. Tuy nhiên trong đội ngũ giáo viên hiện nay, tôi thấy đa số vẫn là tốt, nhiều thầy cô rất giỏi. Họ âm thầm lặng lẽ cống hiến.

Bạn bè ông hẳn là cũng thường xuyên họp bàn về các vấn đề giáo dục với ông?

Cả đời tôi dành cho giáo dục. Những vấn đề giáo dục bức xúc cũng được tôi và bạn bè bàn luận. Nhiều khi anh em đến nhà chơi cứ đùa: Thôi, hôm nay chúng ta nói chuyện vui, không nói chuyện giáo dục nữa nhé. Nhưng sau đó lòng vòng thế nào, lại vẫn ra chuyện giáo dục.

Theo ông thì vì sao ngành giáo dục luôn khiến người ta bức xúc nhất?

Giáo dục liên quan đến mọi nhà, ai cũng quan tâm đến giáo dục, yêu cầu của xã hội đối với GD ngày càng cao, sự đáp ứng lại hạn chế. Bản thân cách quản lý ngành GD cũng làm xã hội bức xúc thêm.

Những bức xúc này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Yêu cầu hiện nay cần có một cuộc cải cách GD thực sự. Nghị quyết Đại hội 11 đã yêu cầu phải “đổi mới căn bản và toàn diện nền GD “ - Đó là phải Cải cách GD.

Theo ông thì điều gì cần phải thay đổi căn bản trong giáo dục hiện nay?

Đó là vấn đề lớn, thậm chí người có trách nhiệm trực tiếp cũng chưa thể lý giải rõ ràng thế nào là đổi mới căn bản. Chắc chắn là phải hoàn thiện triết lý GD, làm rõ mô hình nhân cách, thiết kế lại cơ cấu hệ thống… từ đó mà đổi mới nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp, xây đựng đội ngũ. Đặc biệt phải đổi mới triệt để cơ chế quản lý GD. Trên cơ sở đó mà xây dựng và thực hiện một chương trình quốc gia phát triển GD, tạo ra một con “át chủ bài”, một sức mạnh “thôi sơn” để thúc đẩy kinh tế xã hội nước ta phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Hàng chót

Phải chăng là ngành giáo dục chưa dám nghĩ dám làm dám thay đổi?

Vấn đề là có muốn làm hay không.

Muốn làm chứ không phải là dám làm, thưa ông?

Đúng vậy. Hiện nay đâu có những ràng buộc từ cấp trên hoăc ngăn cản từ xã hội, mà ngược lại còn thúc đẩy và chờ đợi việc đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD. Vậy muốn làm hay không là do những yếu tố chủ quan từ bên trong hệ thống quản lý.

Ông mong chờ gì vào tương lai của giáo dục?

Tôi mong có một nền GD phát triển, vừa là mục tiêu cao đẹp, vừa là công cụ mạnh mẽ của Cách mạng. Nó tạo ra một tác động phức hợp làm thay đổi toàn diện bộ mặt va tiềm lực quốc gia.

Người ta nói Việt Nam đang thiếu những người giỏi ?

Đương nhiên, lúc nào cũng thấy thiếu, nước nào cũng thấy thiếu người giỏi, nhưng trước hết phải xem ta dùng người giỏi thế nào? Ta đào tạo ra không ít người giỏi. Chừng 5% người ưu tú trong xã hội có đủ khả năng dẫn dắt toàn xã hội, quan trọng là họ phải được sử dụng hợp lý.Tôi từng tiếp xúc một số bạn trẻ và thầm nghĩ: các cậu này làm bộ trưởng ngon lành xét cả về năng lực và phẩm chất, sử dụng được họ là sự may mắn cho sự nghiệp chung. Nhưng với cơ chế này thì họ không bao giờ được “vua biết mặt chúa biết tên”.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!


Cách thi của chúng ta hiện nay chia làm 4 khối, 3 môn/khối, 3 chung kéo dài. Tôi thử nêu khối A thi 3 môn toán lý hóa, ngành công nghệ thông tin và công nghệ thực phẩm thì thí sinh được 9 toán nhưng điểm hóa kém không đủ sàn rớt công nghệ thông tin, 1 TS khác toán 2 điểm nhưng hóa và lý cao nên trúng vào công nghệ thông tin.

Ai cũng biết muốn học tốt CNTT thì cần giỏi toán, không cần giỏi hóa. Thử hỏi đáng chọn ai? Cách thi này có chọn được TS thích hợp không ? Quy định 3 môn 4 khối khó mà thỏa mãn yêu cầu tuyển cho cả trăm ngành .




URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5595

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn