Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Chưa có chính sách thoả đáng với nhân tài
14/10/2011

"Thời đại nào hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia. Nhưng chưa thời đại nào cần có nhiều nhân tài như hiện nay khi mà nền kinh tế thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức; thế nhưng chúng ta vẫn chưa có chính sách thoả đáng với người tài, điều này gây lãng phí rất lớn đối nguồn trí tuệ đóng góp cho phát triển đất nước”. GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.


- Thưa GS, là một người rất quan tâm đến công tác nhân tài, đã rất nhiều lần ông từng than rằng, nhân tài của Việt Nam hiện nay vừa ít về số lượng vừa thấp về chất lượng, nói như vậy liệu có thoả đáng không trong khi chúng ta có một số lượng rất lớn những GS, TS?

- Theo tôi, nhiều người có bằng cấp chưa hẳn đã thực tài. Thật ra, Việt Nam có tới 14.000 TS và TSKH, 1.131 GS, 5.253 PGS và khoảng 16.000 người có trình độ trên đại học, tuy thế, "nhân thì có nhưng tài thì rất ít”. Nhân tài ở đâu lại để tham nhũng lãng phí gây bức xúc trong nhân dân đến vậy. Nếu có nhân tài tại sao chúng ta cứ hô hào cải cách giáo dục nhưng hầu như chẳng có bước tiến đáng kể. Còn đối với lĩnh vực giao thông ai cũng biết tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn "giữ ổn định ở mức cao” đó là thực tế rất đau xót.

- Ai cũng biết lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất, vậy theo GS chúng ta đang yếu ở khâu nào mà chưa tận dụng được nguồn "nguyên khí quốc gia” này?

- Có một thực tế là chúng ta yếu cả trong 4 khâu: phát hiện, tuyển chọn, thu hút người tài; huấn luyện đào tạo, bồi dưõng và phát huy nhân tài; sử dụng, trọng dụng nhân tài và đãi ngộ tôn vinh nhân tài. Trong công tác phát hiện, tuyển chọn người tài chúng ta chưa có thước đo đánh giá thống nhất về nhân tài. Có lúc chúng ta quá nặng về lý lịch, nặng về bằng cấp có lúc lại nặng về cơ cấu, độ tuổi... như vậy làm sao có thể phát hiện đúng người tài. Về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng người tài dù đã được Đảng, Nhà nước khá lưu tâm nhưng vẫn chưa xứng tầm, vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, mạnh địa phương nào địa phương đó làm. Thậm chí, chúng ta chưa hành động một cách thống nhất; vì vậy, hiệu quả bồi dưõng là rất thấp. Đối với công tác sử dụng, trọng dụng người tài có rất nhiều vấn đề chẳng hạn, đào tạo quá thiên về lý thuyết và chỉ chú trọng bằng cấp. Có thần đồng được quảng cáo rầm rộ một thời nhưng rốt cuộc cũng bị thui chột vì không được trọng dụng; có học sinh giỏi trong các cuộc thi quốc tế nhưng về sau phải chấp nhận một nghề không đúng với sở trường của mình. Đối với khâu tôn vinh, đãi ngộ nhân tài cũng chưa tương xứng. Chúng ta cứ nói rằng có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài, nhưng hiện tượng "chảy máu chất xám” trên thực tế đã xảy ra dù các cơ quan, ban ngành đang ra sức "trải thảm đỏ” để "hút” người tài. Tại sao vậy? Mấu chốt là chế độ đãi ngộ về vật chất lẫn tinh thần của chúng ta còn quá kém, không những không hút được người tài nào mà ngay cả những người thạo việc cũng sẵn sàng "đậu ở mảnh đất lành” khác.

- Nói như GS chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn nhân tài, vậy mấu chốt của việc lãng phí này nằm ở đâu?

- Mấu chốt việc lãng phí nhân tài của đất nước không nằm ở trong nhân dân mà nằm ở cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao. Theo tôi, từng ấy năm đổi mới đã là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta phải có một chiến lược quốc gia về nhân tài. Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh rằng đất nước còn nghèo và giữa những bộn bề công việc nên phát hiện thu hút người tài chưa được quan tâm đúng mức mà phải quan tâm một cách thật sự đến công tác nhân tài trong thời điểm này. Bởi, đây phải là chiến lược gốc trên cơ sở chiến lược này sẽ làm đồng bộ các vấn đề khác.


- Để thu hút cũng như phát huy nguồn trí tuệ của những người tài cho đất nước, theo GS cần làm gì?

- Theo tôi, chỉ cần đến 4 chữ T. Thứ nhất, đó là phải có "Tiền” để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng để đãi ngộ, tôn vinh người tài. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã khá quan tâm đến vấn đề này. Khoản tiền dùng để thu hút, đào tạo bồi dưỡng nhân tài cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, tiền của chúng ta có nhưng lại sử dụng không hợp lý. Trước hết là lương không hợp lý. Nếu cứ trả lương theo kiểu thang bảng cào bằng thế này thì chẳng những không hút được người tài mà ngay cả người làm được việc cũng sẽ rời bỏ khu vực công.

Thứ hai là "Tư tưởng”. Theo tôi phải giải phóng tư tưởng, phải thực sự cầu thị, nhân tài mới có cơ hội nẩy nở. Tôi phải nói rõ hơn về vấn đề này bởi nhiều người cho rằng chúng ta đang rất tự do về tư tưởng, cần gì phải giải phóng. Nhưng thực tế chúng ta chưa làm một cách triệt để vấn đề này. Có một thực tế đó là ngân sách đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học rất lớn nhưng phần nhiều là để thuyết minh nghị quyết này hay, đúng mà không có ý kiến phản biện để tìm ra chân lý. Theo tôi, cần để trí thức, nhà khoa học dám nói cái mới, vấn đề khác, trái nhưng không sai với nghị quyết để giải quyết vấn đề mới, chứ cứ để tình trạng thuyết minh nghị quyết thì không có đóng góp mới gì cho đất nước, nguồn tiền đầu tư cho vấn đề này thật lãng phí.

Thứ ba, đó là phải có cơ chế để giao tiền của Nhà nước cho người "Thực tài”. Tại sao tôi phải nói giao cho người thực tài vì đã có chuyện nguồn tiền của Nhà nước không được giao đúng người tài mà được chuyển sang cho người có "tài chạy”. Muốn giao tiền đúng người, theo tôi phải có cạnh tranh, phải có cơ chế tuyển chọn, cơ chế chống các chuyện hối lộ trong quá trình xét duyệt thì mới chọn đúng người để giao việc.

Cuối cùng theo tôi, phải có lòng "Tin” với người tài. Phải có lòng tin với các trí thức, người tài họ mới cố gắng sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ lớn cho đất nước. Ai cũng có lúc có sai lầm, tất nhiên, người tài cũng vậy, cũng có những sai lầm và sẽ không đúng cả đời. Người ta thường nói có tài có tật. Tuy nhiên, phải xem xét: nếu tật đó không gây hại, sai lầm không thuộc về bản chất thì có thể châm chước. Có nghĩa, phải có lòng tin tuyệt đối với họ mới phát huy hết nguồn nguyên khí người tài. Tuyệt đối không dùng "bàn tay sắt” để trừng trị người nói trái; bởi như thế, chắc chắn sẽ không có sản phẩm đáng giá được tạo ra từ bàn tay, khối óc của người tài. Tóm lại, có rất nhiều giải pháp để phát huy tốt trí tuệ của người tài trong đó 4 chữ T này rất cần được áp dụng để có nguồn nhân tài cho xây dựng phát triển đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Khánh Ly (Thực hiện)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5650

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn