Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Thông qua Luật GDĐH thì khác gì
25/10/2011

(GDVN) -Phần lớn các ý kiến góp ý của các GS, nhà chuyên môn đều thống nhất chưa nên trình Quốc hội thông qua Dự thảo luật giáo dục đại học sắp tới.


Ngày 13/10, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục cho Dự thảo luật giáo dục đại học. Tham dự Hội thảo gồm nhiều GS đầu ngành, có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực giáo dục như GS Hoàng Tụy, GS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), nhà văn Nguyên Ngọc, GS Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ đại học – Bộ GD&ĐT), GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng …

GS Hoàng Tụy: Nền GDĐH của ta đang lạc đường so với Thế giới

So với tình hình thực tế, nếu chúng ta thông qua Luật giáo dục đại học lần này vô hình chung chúng ta đã quyết định phương hướng cải cách giáo dục đại học, quyết định nội dung đại học. Như vậy, tôi nghĩ là quá vội vàng. Tôi đề nghị Quốc hội hoãn thông qua luật giáo dục đại học kỳ này, đồng thời Bộ Giáo dục cũng hoãn lại.

GS Hoàng Tụy cho rằng: Nền giáo dục đại học chúng ta đã đi lạc đường so với thế giới.

Ảnh Xuân Trung

Vì hiện nay chúng ta bàn về Luật giáo dục đại học mà chưa bàn cải cách giáo dục, như thế nào thì khác nào đặt chiếc cày đi trước con trâu. Trước đây, giáo dục phổ thông cũng đã có cách làm ngược này, chưa bàn cải cách đã bàn sửa đổi chương trình sách giáo khoa với đề án 70 nghìn tỷ. Nhưng hàng loạt sự việc như vậy vẫn tiếp nối chính là thể hiện một tư duy tùy tiện, không hệ thống, chạy theo thành tích.

Nói thẳng, động lực làm giáo dục trong mấy năm qua chỉ chạy theo thành tích của nhóm lợi ích nên những vấn đề rất hệ trọng như chống tham nhũng vẫn tiếp diễn.

Tôi nhận thấy, nét yếu kém nhất của nền giáo dục đại học chúng ta đã đi lạc đường so với thế giới. Lạc hậu còn có thể khắc phục, nhưng lạc đường thì mãi mãi không theo kịp. Nhìn vào đại học Việt Nam không thấy đâu là đại học của thế giới ở thế kỷ này.

Việc gì chúng ta cũng làm khác thiên hạ, tất nhiên có tiến bộ nhưng tiến bộ như vậy không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Nhu cầu lớn nhất hiện nay là hội nhập quốc tế, nhưng đối với giáo dục thì càng cấp bách hơn lúc nào hết. Dù muốn hay không chúng ta phải theo thế giới.

Đọc bản Dự thảo này, tôi thấy vấn đề nghiên cứu khoa học ở các đại học, nói đi nói lại vẫn nặng về khuyến khích động viên, chứ không có quy định gì cụ thể để đảm bảo cho các đại học nghiên cứu kết hợp được chặt chẽ hơn.

Tôi lấy ví dụ: Một điều kiện tối cần thiết để đảm bảo nghiên cứu khoa học ở đại học là các Giáo sư phải được hưởng lương thực tế tối thiểu, đủ để đảm bảo cho họ có cuộc sống tử tế. Để họ không bị chi phối bởi các việc khác và giành thời gian cho việc nghiên cứu. Tại sao những suy nghĩ duy tâm như thế cứ kéo dài mấy chục năm nay?

Tôi thấy chúng ta cứ nói việc tôn sư trọng đạo, coi phát triển giáo dục là cốt sách hàng đầu, như vậy chỉ là những lời nói suông. Tạo thêm một “ấn tượng” nữa khi chúng ta nói chứ không làm và giữa lời nói với việc làm là khoảng cách rất xa.

GS Bùi Thiện Dụ: Đừng tặng các em "đôi guốc" quá cao

Trong Dự thảo Luật giáo dục đại học lần này tôi thấy, cần có quy định rõ về đối tượng được hưởng khu vực như thế nào. Báo chí nêu có em 8 điểm cũng đỗ đại học. Vậy để nâng tầm các em lên tại sao chúng ta không tăng cường chính sách mở các trường nội trú. Đối với khu thành thị có các khu dự bị đại học cho các con em dân tộc.

GS Bùi Thiện Dụ: Đừng tặng các em đôi guốc quá cao và dẫn đến khập khiễng gây ngã.

Ảnh Xuân Trung

Phát triển mô hình này là chúng ta nâng cao tầm các em lên, chứ không phải chúng ta cho các em một đôi guốc (điểm ưu tiên khu vực) cao lênh khênh bằng cách cộng thêm điểm. Đôi guốc đó về lâu dài là có hại cho các em, xét cho cùng là có hại cho nhóm dân tộc ít người.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tại sao lại để chỉ có 5% HS thi khối C?

Bản Dự thảo này có hai cái chúng ta đang làm ngược. Cái cần làm trước lại không làm là cải cách giáo dục. Khi thực hiện Luật giáo dục đại học có khác nào chúng ta không xác định được phương hướng.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: Đã vì khoa học là phải tự do tuyệt đối.

Ảnh Xuân Trung

Hơn nữa, trong Dự thảo có nói tới tính tự chủ của các trường. Nhưng tôi thấy thực tế tự chủ quá vụn vặt, không có tính hệ thống do không có tư duy. Luật này xuất phát từ chỗ chưa hiểu thế nào là quan niệm đại học. Chúng ta vẫn thường hình dung là đại học mở rộng hơn phổ thông. Nhưng thực tế đại học là tiếp nối phổ thông nhưng khác biệt, đại học là nơi sản xuất ra tri thức.

Ngoài ra, bệ hệ thống nền giáo dục chúng ta đang hư hỏng. Tôi thấy Bộ giáo dục vẫn dửng dưng trước một thực tế, khối C chỉ có 5% người đi thi.

Đây phải là một tai họa của xã hội, xã hội quay lưng lại với các ngành nhân văn. Rồi sau này chúng ta sẽ tạo ra những cái máy vô cảm. Biết là thế, trong Dự thảo luật lần nay không thấy nói đến, rất nguy hiểm.

GS Trần Hồng Quân: Luật vẫn chưa có công bằng xã hội

GS Trần Hồng Quân cho rằng:

Thứ nhất: Bản Dự thảo chưa hình dung, chưa phác thảo, chưa xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục đại học, chưa hù hợp với tinh thần của NQ lần thứ 11 của Đảng là : Đổi mới căn bản nền giáo dục đại học nước nhà.

Thứ hai: Chưa kế thừa được một số quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về luật giáo dục đại học.

GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập

Thứ ba: Dự thảo lần này mới chỉ mang tính chất Luật của các trường đại học chứ chưa mang tính chất Luật của hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Thứ tư: Một số vấn đề lớn của giáo dục đại học chưa được nghiên cứu thấu đáo. Điển hình nhất quan niệm thế nào là đại học đại chúng và đại học tinh hoa. Vấn đề công bằng xã hội cũng chưa thấu đáo. Đã là một công dân Việt Nam được học đại học, đương nhiên người nào cũng được phụ hưởng của nhà nước dành cho sinh viên. Không có lí gì sinh viên trường này được, sinh viên trường khác lại không?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tư duy bao cấp vẫn chưa thoát khỏi

Tôi tự hỏi Ban soạn thảo khi soạn thảo ra dự thảo luật này có tham khảo các nền giáo dục tiên tiến quanh chúng ta chưa. Tôi xem bản Dự thảo này và nhận ra rằng: Tư duy bao cấp vẫn chưa thoát khỏi nền giáo dục Việt Nam.

Với tư duy đó sẽ dìm nền giáo dục xuống và tác hại vô cùng lớn cho xã hội.

Xuân Trung



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5691

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn