Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Thầy Việt trên những giảng đường thế giới
12/12/2011

TP - Sinh viên Âu- Mỹ thẳng thắn và tinh tế trong quan hệ thầy trò. Những người thầy Việt Nam ngày càng để lại dấu ấn đậm nét ở các trường đại học phương Tây. Họ chỉ mong gặp được nhiều học trò từ quê nhà trên những giảng đường ấy.



Khi sinh viên Tây cho thầy ta một “bài học”

Tiến sỹ Lê Văn Út - Đai học Oulu Phần Lan, kể: “Trong lớp tôi đang giảng có một sinh viên người Phần Lan, anh vừa tốt nghiệp thạc sĩ hạng tuyệt đối (5/5) và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đây. Anh này lúc nào cũng ngồi bàn nhất và lúc nào cũng muốn tranh luận với người dạy. Một lần anh gặp riêng tôi và lịch sự dò hỏi liệu việc anh tranh luận “tới bến” trong lớp có làm tôi bực bội không. Tôi trả lời rằng tôi rất thích và xin mời anh cứ tiếp tục.

Có lần anh “quây” tôi liên tục vì anh cho rằng tôi quá lạm dụng việc trích dẫn tên tuổi các nhà toán học lớn khi nhắc lại các kiến thức cũ. Tôi hỏi lại: “Bạn cho tôi biết có gì sai không?”.

Anh bảo: “Tôi nghĩ thầy không sai gì về kiến thức, nhưng việc thầy trích dẫn những công cụ đơn giản mà lại kèm theo tên tuổi những nhà toán học lớn như vậy là không phù hợp cho lắm và thầy có chắc là những người mà thầy đề cập có là tác giả của những công cụ đó không?”.

Tôi nói: “Như tôi đã nói, bài giảng của tôi phần lớn là dựa theo sách của Evans ở Berkeley mà! Tôi sử dụng phần lớn ký hiệu, công thức trong quyển sách này”.

Anh phán: “Thầy đừng nên mang bất kỳ tên tuổi lớn nào ra để dọa tôi nhé (Evans hiện là giáo sư ĐH California ở Berkeley - chú giải của tôi)! Cái tôi cần là gốc gác thật sự của các tên gọi cho những công cụ mà thầy sử dụng. Dù cho Evans là một tên tuổi lớn nhưng chắc gì những thứ ông ấy viết là hoàn toàn đúng”. Tôi rút ra bài học cho mình: đừng bị “hốt hồn” bởi những cái bóng to”.

TS Toán học Lan Nguyễn, từng đoạt giải giảng dạy xuất sắc bang Ohio - Hoa Kỳ năm 2011, nhưng lần đầu tiên bước lên bục giảng vẫn “sợ” vì lúc đó kỹ năng nghe tiếng Anh chưa tốt lắm. Buổi dạy đầu tiên, TS Lan Nguyễn phải hỏi lại sinh viên: “Could you please repeat your question?” (Bạn có thể nhắc lại câu hỏi?). Nhưng không phải thế mà thầy “mất điểm” với sinh viên. Và sinh viên dù có kém thì thầy cũng không được chê.

TS Lan Nguyên kể: “Hồi ở Việt Nam, khi đang dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tôi đã nhiều lần phàn nàn với sinh viên: “Các anh chị học dốt và lười quá”. Nhưng ở bên này, nói câu đó có thể bị đuổi việc”.


Đưa tục ngữ Việt Nam vào dạy Toán

Tôi đến Đại học Cambridge lừng danh, ngôi trường đã có 81 giải Nobel. Trở thành giảng viên của trường đại học số một thế giới dĩ nhiên cực kỳ khó và là niềm mơ ước của bất cứ người nào làm nghề dạy học.

Ở Cambridge có nột người Việt đang giảng dạy: TS Hoàng Việt Hà. Anh còn rất trẻ, dáng thư sinh, luôn mỉm cười. Anh Hà kể, bố mẹ anh đều là giảng viên đại học. 18 tuổi Hà đã được nhận học bổng AusAID du học Úc. Tốt nghiệp đại học năm 1996, anh nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại Cambridge. Khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ngành toán, anh được giữ lại trường làm giảng viên.

Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng của trường Emmanuel (Đại học Cambridge), Hoàng Việt Hà hơi run, khi ngồi dưới kia là những sinh viên xuất sắc nhất toàn nước Anh và thế giới. Rồi anh lấy lại tự tin. Sinh viên Việt Nam ở Cambridge “khét tiếng” giỏi toán: Lê Hoàng Việt Bảo, Lương Thế Vinh, Đinh Nho Tâm.

Phong cách học ở Cambridge, giảng viên đóng vai trò hướng dẫn, cố vấn, truyền cảm hứng và kỹ năng cho sinh viên. TS Hà bằng sự tận tâm của mình đã giúp nhiều sinh viên bản xứ vốn tự tin về tư duy độc lập của mình hiểu rằng “Không thầy đố mày làm nên”. Giờ toán, TS Hà minh hoạ bằng ca dao tục ngữ Việt Nam và cả truyện Kiều.

Khi tôi đến, TS Hoàng Việt Hà đang sống cảnh “cơm niêu nước lọ” một mình trong một căn hộ dành cho giảng viên ở Cambridge. Những ngày lễ tết của xứ ta, anh vẫn thường tụ họp với sinh viên Việt Nam, làm nem rán, phở, dưa hành. Anh luôn mong mỏi có nhiều sinh viên quê nhà đến học ở Cambrige hơn, bởi một đất nước có truyền thống hiếu học mà mới gần 40 người có mặt ở đại học lừng danh này thì vẫn ít so với Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Học trò Pháp viết báo ca ngợi thầy Việt

GS - TSKH Nguyễn Đăng Hưng, người châu Á duy nhất được Vua Albert II trao tặng Huân chương Đại thần của Vương triều Bỉ, được tạp chí hàng tuần của Bỉ Le Vif - l’Express bình chọn là một trong 10 người nước ngoài “đã làm thay đổi nước Bỉ”.

Chất giọng Quảng Nam, ông kể, ông bắt đầu đứng lớp ở Đại học Liège cách đây 40. Dù tiếng Pháp của thầy lúc ấy chưa chuẩn lắm, nhưng học trò đã bị cuốn hút bởi cách cách dạy truyền cảm và kiến thức sâu rộng. Tình thầy trò cứ thế nảy nở và GS Nguyễn Đăng Hưng cùng những sinh viên của mình đã xuống đường biểu tình phản đối Mỹ gây chiến ở Việt Nam. Có những học trò được GS Hưng hướng dẫn luận án tiến sỹ và sau này trở thành cộng sự và đồng nghiệp của ông.

Một trong những người học trò ấy mới đây đã viết một bài báo bằng tiếng Pháp rất cảm động về thầy Nguyễn Đăng Hưng. Người học trò đó là Géry de Saxcé - Giáo sư, Phòng thí nghiệm cơ học Lille, trường Đại học Lille, Pháp. Bài viết được TS Châu Đình Thành, một học trò khác của GS Hưng dịch lại bằng tiếng Việt.

“Thầy Hưng là một người có lòng đam mê đặc biệt và luôn luôn bận rộn trong nghiên cứu khoa học. Thầy còn là một nhà yêu nước đáng kính phục. Tôi có cảm tưởng thầy có khả năng chuyển hóa nhiệt huyết của tuổi trẻ để hướng họ đến việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”. Lời của GS Géry de Saxcé.

Bài báo viết: 17 năm qua (từ 1995 đến 2007), thầy dành gần phân nửa quĩ thời gian của mình đi đi về về giữa Bỉ và Việt Nam để góp phần đào tạo cho đất nước 400 thạc sĩ và 20 tiến sĩ có trình độ quốc tế. Thầy đã đưa rất nhiều học bổng của các trường đại học uy tín châu Âu về Việt Nam, ngặn chặn tình trạng chảy máu chất xám...

Người học trò Pháp còn biết được dự định thầm kín cuối đời của thầy mình, khi anh trích lời tâm sự của GS Nguyễn Đăng Hưng: “Tôi muốn dành phần còn lại của đời mình tiếp tục một số việc có ích để cuộc đời ý nghĩa hơn. Sau đó, tôi mong mỏi sống lại thuở ấu thơ bên dòng suối nhỏ, có nước chảy róc rách trong buổi trưa hè hay được thường xuyên nằm nghe trước khi chợp mắt, bản đàn bất tận phát ra từ thuở hoang sơ, tiếng rì rào của sóng biển ngày đêm vỗ về cát trắng...”

Phùng Nguyên



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5851

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn