Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

“Đường lưỡi bò” trong các diễn đàn quốc tế
21/02/2012

Bằng các tuyên bố và hành động thực tiễn mang tính gây hấn, nhiều năm qua Trung Quốc đang ra sức áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò”, mặc nhiên cho rằng cộng đồng quốc tế đã thừa nhận "chủ quyền lịch sử lâu đời” của họ trên Biển Đông. Sự thật là, yêu sách "đường lưỡi bò” bao chiếm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc trong các diễn đàn quốc tế luôn bị phản đối vì xuyên tạc lịch sử, không có cơ sở pháp lý, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia ven Biển Đông.




Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữutại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) 1951 tuyên bố chủ quyền lâu đời của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa


Để làm sáng tỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có "chủ quyền lâu đời” trên 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ lâu các học giả quốc tế và Việt Nam đã chỉ ra rằng: Một là, chính sử Trung Quốc từ Tiền Hán cho đến cuối đời nhà Thanh đều cho thấy điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam; Hai là, không có ghi chép nào trong các bộ chính sử Trung Quốc về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà người Trung Quốc gọi là "Tây Sa” và "Nam Sa”, càng không có bất kỳ ghi chép nào nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này ở Biển Đông. Thế nhưng mới đây, một quan chức ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục cho rằng nước này đã "thu hồi” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay quân đội Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai để chứng tỏ "chủ quyền liên tục” của Trung Quốc trên vùng biển này. Sự thật lịch sử ghi nhận trong các diễn đàn quốc tế quan trọng trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai không hề có chuyện thế giới thừa nhận "chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Cụ thể là, từ ngày 23 đến ngày 27-11-1943, người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống Franklin D. Roosevelt, nước Anh là Thủ tướng Winston L. Spencer Churchill và Trung Hoa Dân quốc là Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã họp tại Cairo (Ai Cập) để thảo luận về việc kết thúc chiến tranh với Nhật Bản và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước bị Nhật Bản cướp đoạt và chiếm đóng. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cairo ngày 26-11-1943. Khi đề cập đến những lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp đoạt và chiếm của các nước khác, Tuyên bố viết: "Mục đích của ba nước (tức là Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp của người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Nhật Bản cũng phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác mà nước này chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”.

Như vậy, Tuyên bố Cairo khẳng định Nhật Bản chỉ chiếm của Trung Quốc Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và buộc Nhật Bản phải trả cho Trung Quốc những vùng lãnh thổ này. Tuyên bố không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, và vì vậy, không nói gì đến việc trao trả lại cho Trung Quốc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đúng là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời và bị Pháp, Nhật Bản xâm chiếm một cách phi pháp thì không có lý gì tại Hội nghị này Trung Hoa Dân quốc không đòi lại chủ quyền đối với hai quần đảo này khi họ là một trong các nước Đồng minh soạn thảo ra văn kiện trên. Sự im lặng của Trung Hoa Dân quốc, là một bên có thẩm quyền quyết định các vấn đề lãnh thổ tại Hội nghị Cairo, không thể giải thích bằng cách nào khác hơn là chính họ cũng đã biết rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý quan trọng, nhưng sau đó đã bị Trung Quốc cố ý lờ đi để thay đổi lập trường, coi hai quần đảo này là của Trung Quốc.

Từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, những người đứng đầu ba nước Trung Hoa Dân quốc, Mỹ và Anh lại nhóm họp tại Potsdam (Đức). Ngày 26-7-1945, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Potsdam. Về việc giải quyết những vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của các nước, Tuyên bố Potsdam chỉ quy định đơn giản là: "Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thi hành” (tức là Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc: Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm đoạt trước kia). Như vậy, không có một nội dung nào trong Tuyên bố Potsdam coi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm và phải trả lại cho Trung Quốc.

Hội nghị San Francisco từ ngày 4 đến ngày 8-9-1951 tại San Francisco (Hoa Kỳ) thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và bàn việc ký Hoà ước với Nhật Bản. Trong phiên họp ngày 5-9-1951, trên cơ sở cho rằng các đảo ở Biển Đông thuộc "lãnh thổ không thể nhân nhượng được” của Trung Quốc, đại biểu của Liên Xô, ông Andrei Gromưko, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đề nghị bổ sung dự thảo Hiệp ước hoà bình với Nhật Bản, theo đó: công nhận chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên "các đảo Paracels và các đảo khác vượt quá về phía Nam”, coi đó là lãnh thổ không thể nhân nhượng được của Trung Quốc. Đại diện của Liên Xô không đưa ra được một bằng chứng pháp lý nào khẳng định quần đảo Paracel và Spratly (Hoàng Sa và Trường Sa) là của Trung Quốc. Hội nghị đã bỏ phiếu về việc có đưa đề nghị bổ sung này ra bàn bạc hay không. Kết quả bỏ phiếu là: chỉ có 3 nước đồng ý đưa đề nghị bổ sung trên ra bàn bạc; một nước bỏ phiếu trắng, 47 nước bỏ phiếu chống. Điều đó cho thấy tuyệt đại đa số các nước tham gia Hội nghị không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, không coi đó là lãnh thổ Trung Quốc, không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại Hội nghị San Francisco, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu, đã long trọng tuyên bố trước đại biểu của 51 nước tham gia Hội nghị rằng: "Cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những quần đảo này luôn luôn thuộc về Việt Nam”. Tuyên bố này không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự Hội nghị. Đây là một biểu hiện chứng tỏ sự thừa nhận của các nước Đồng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội ngày 23-7-2010


Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội ngày 23-7-2010 trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, các Ngoại trưởng thành viên ARF một lần nữa đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, trên cơ sở thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Tại Hội nghị, đã có hơn một nửa trong tổng số 27 nước thành viên ARF, bao gồm cả các nước ASEAN lẫn các nước bên ngoài ASEAN, đề cập đến vấn đề hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong phát biểu của mình, cho thấy sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế đến vấn đề an ninh thiết thực này của khu vực. Trên thực tế, vấn đề Biển Đông luôn luôn là vấn đề ưu tiên, nổi trội trong chương trình nghị sự của ARF từ khi thành lập Diễn đàn cho đến nay. Hầu hết các quốc gia tham dự Diễn đàn đều cho rằng, trong thời gian gần đây có một số diễn biến phức tạp có thể làm tổn hại đến an ninh khu vực, điển hình là sự kiện Trung Quốc công khai hóa yêu sách "đường lưỡi bò” trên Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là "vùng nước lịch sử” xếp vào hạng "lợi ích cốt lõi” của quốc gia này, cùng một loạt các hoạt động thiếu kiềm chế khác như bắt giữ ngư dân một số nước ASEAN và gây sức ép với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên Biển Đông.

Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông” tại Jakarta (Indonesia) kết thúc chiều 31-5-2011 đã ra Tuyên bố Jakarta. Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với bản đồ "đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tại Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) diễn ra từ ngày 13 - 17-6, tại New York (Hoa Kỳ), đề cập đến việc Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước. Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển. Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Philippines, ông Henry Bensurto nói: "Các quy tắc của pháp luật là nền tảng của hòa bình, trật tự, và công bằng trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế là cách bảo vệ hòa bình và giải quyết xung đột”. Ông cũng lên án việc gia tăng các xung đột gần đây trên Biển Đông, thậm chí là xung đột tại vùng biển và thềm lục địa trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc mở rộng khái niệm về khu vực tranh chấp trên Biển Đông bằng "đường lưỡi bò”.

Tại Diễn đàn an ninh ASEAN ở Bali, Indonesia vào sáng ngày 23-7-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố một số nước đã đưa ra những đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ pháp lý và kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông phải đưa ra các bằng chứng hợp pháp và cụ thể. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông theo các điều khoản phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có những điều khoản được nêu trong Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố chủ quyền về vùng biển tại Biển Đông phải dựa trên những tuyên bố hợp pháp đối với lãnh thổ”. Theo các nhà bình luận quốc tế thì tuyên bố này của Mỹ được xem như một thông điệp phản bác yêu sách "đường lưỡi bò” vô lý và hoang đường của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Philippines Albert F.Del Rosaria khẳng định: "Philippines chắc chắn rằng "đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có giá trị gì theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc”. Ngoại trưởng Indonesia Marty cũng khẳng định Indonesia từ trước tới nay vẫn phản đối "đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra và Indonesia đã đệ trình quan điểm phản đối của mình lên Liên Hợp Quốc.

Cao điểm của các sự kiện liên quan đến Biển Đông gần đây là việc vấn đề Biển Đông được nêu ra trước diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào ngày 19-11-2011 tại Bali (Indonesia). Mặc dầu có sự phản đối của Trung Quốc, 15 nước không những đồng ý đem vấn đề Biển Đông ra thảo luận, mà còn đi đến kết luận là tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình, tôn trọng luật quốc tế, nguyên tắc tự do hàng hải phải được bảo vệ. Lý do chính dẫn đến việc đồng tình này là vì có thể nói là trong vài năm qua, và đặc biệt là trong năm 2011, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, không những đối với những nước có quyền lợi trực tiếp lớn nhất trong khu vực Biển Đông như Việt Nam hay Philippines, mà còn đe dọa an ninh của các nước khác trong và ngoài khu vực... Hầu hết các quốc gia đều gián tiếp hay trực tiếp phản bác yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc và khẳng định rằng đó là yêu sách vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải được dẹp bỏ.

Nhóm PV Biển Đông



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6096

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn