Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Đám cưới đình đám: Nhiều người nhận thức lệch lạc về giá trị văn hóa
23/03/2012

(GDVN) - "Có một bộ phận không nhỏ những người giàu có về mặt kinh tế nhưng lại có sự nhận thức lệch lạc trong quan niệm về giá trị văn hóa..."

Bàn về văn hóa cưới xin xưa và nay cùng nhận định về những "đám cưới bạc tỷ" gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, Tiến sỹ văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, Phó Trưởng khoa Văn Hóa - Phát triển Học viện Báo chí và Tuyên Truyền đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với Báo GDVN.


Có một bộ phận không nhỏ nhận thức lệch lạc trong quan niệm về giá trị văn hóa.

Khi được hỏi về đánh giá cũng như suy nghĩ của mình về chuyện những vị “đại gia” tổ chức những đám cưới đình đám khiến dư luận cả nước rất xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng, Phó Trưởng khoa Văn Hóa - Phát triển Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho rằng trên thực tế không phải là gần đây mà đã từ rất lâu rồi khi trong xã hội xuất hiện sự phân hóa giàu nghèo và trong đó có một số bộ phận đã giàu lên rất nhanh chóng về mặt kinh tế.



Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là không phải cứ giàu lên về mặt kinh tế là cũng giàu lên về giá trị văn hóa, nên có một bộ phận không nhỏ những người giàu có về mặt kinh tế như vậy có sự nhận thức lệch lạc trong quan niệm về giá trị văn hóa.

Điều này thể hiện rất rõ ở việc một số người được coi là "đại gia" có suy nghĩ rằng mình có thể dùng đồng tiền để mua cái danh lợi, hoặc mua tầm ảnh hưởng, các mối quan hệ xã hội cho mình bằng việc khuếch trương một đám cưới cho con cái. Ở đây, điều đáng phải suy nghĩ là không chỉ đám cưới mà cả đám tang, đám giỗ nhiều người cũng xem đây là cơ hội để “thể hiện” mình bằng cách tổ chức ăn uống rất linh đình, hoành tráng, thậm chí là "phát giấy mời" hệt như đám cưới.

Còn theo quan điểm, đánh giá của một người làm trong lĩnh vực văn hóa, Tiến sỹ Hồng cho rằng những đám cưới mà quá lạm dụng về phương diện vật chất như dư luận cũng như báo chí thường hay gọi với cái tên như "đám cưới triệu đô" hoàn toàn không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đời sống kinh tế, chính trị của nước ta hiện nay và nhất là nó không phù hợp với giá trị thực tức là giá trị hạnh phúc, giá trị về mặt tinh thần.

Việc liên tục xuất hiện những “đám cưới triệu đô” trong thời gian gần đây, có thể xem là một hiện tượng xã hội nên mỗi người có một quan điểm, một đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, bà Hồng khẳng định mình hoàn toàn đồng quan điểm với sự lên án của dư luận khi phê phán cách làm, cách thể hiện của một số đại gia trong cách “thể hiện” mình như vậy.

Bên cạnh đó, xét về mặt đạo đức thì trong khi dân tộc Việt Nam ta sống với quan niệm "Lá lành đùm lá rách" nghĩa là chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Rất nhiều gia đình còn rất nghèo, rất khổ khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc với mức thu nhập bình quân rất thấp và phải bán sức lao động, mồ hôi nước mắt để lấy những đồng tiền còm cõi nhằm duy trì sự sống còn của cả gia đình. Trong khi đó, có một số bộ phận do gặp thời cơ đã giàu lên một cách nhanh chóng thông qua một điều kiện, một sự thừa kế nào đó cùng rất nhiều yếu tố khác.

Tiến sỹ Hồng khẳng định mình không cho rằng tất cả những người giàu lên nhanh chóng đều có nguồn gốc bất chính, không minh bạch. Có những người họ giàu có một cách minh bạch và cũng có những người giầu lên một cách đáng lên án khi kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người khác.

Và điều đáng phê phán ở đây là một bộ phận đã giàu lên bằng mồ hôi công sức của người khác, khi đã ngồi lên một đống tiền như vậy lại tự cho mình ở một vị trí, một đẳng cấp trên và đẳng cấp này họ dùng chính những đồng tiền mà mình kiếm được một cách dễ dàng để làm thước đo và điều này đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm đạo đức, quan niệm về chuẩn mực giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Thông qua báo chí tôi cũng biết thông tin một người được coi là "đại gia" còn nợ nần rất nhiều và trong khi hàng trăm, hàng nghìn người cùng gia đình đang sống trong cảnh vật vờ, bấp bênh khi trông ngóng vào số tiền mà đang bị nợ như vậy thì vị "đại gia" kia lại có thể bỏ ra số tiền rất lớn đến hàng chục tỷ để lo một đám cưới rất đình đám dưới hình thức khoa trương, và theo như đánh giá của tôi thì đó chỉ là sự khoa trương lố bịch và một cái danh hão” – Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng nhận định.

“Hạnh phúc không phải được quyết định bằng một đám cưới sang trọng hay giản dị”


Về sự giống và khác nhau giữa đám cưới truyền thống và hiện đại, Tiến sỹ Hồng cho biết có thể dễ dàng nhận thấy sự khác nhau về hình thức và các nghi lễ đã đơn giản hóa đi rất nhiều còn bản chất và ý nghĩa thật sự thì không hề thay đổi đó là cả đám cưới xưa và nay đó đều là một cái ngưỡng để đem con người ta đến bến bờ của hạnh phúc. Ngày xưa người ta lấy nhau cũng là để dựng xây một mái ấm gia đình hạnh phúc, bây giờ người ta lấy nhau cũng vì yêu, cũng vì khát vọng được hạnh phúc.


“Tôi nghĩ rằng với một đám cưới thì hạnh phúc không phải được đo, được quyết định bằng một đám cưới sang trọng hay là giản dị mà hạnh phúc thật sự theo tôi nó cũng giống như mọi chuẩn mực cúa các giá trị văn hóa Việt Nam là thường bắt đầu bằng những nghi lễ tôn kính rất linh thiêng, sau đó là các giá trị tinh thần, những khát vọng hạnh phúc từ con tim của đôi lứa”.

Tiến sỹ Hồng chia sẻ: “Với tư cách là một người làm văn hóa, tôi chỉ mong làm sao những bậc làm cha, làm mẹ khi tổ chức những đám cưới, đám hỏi cho con cái bên cạnh việc chăm lo về giá trị vật chất thì cũng cần hướng tới các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì chắc chắn đám cưới đó sẽ trở nên đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Về vụ “đại gia trả dâu”: “Nếu muốn người khác tôn trọng mình thì phải biết tôn trọng người khác”

Khi được hỏi ý kiến cũng như nhận xét của mình về hành động "trả dâu" của một vị "đại gia" ở Cần Thơ vì cho rằng cô dâu không còn trong trắng, Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng cho biết: Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" nên tôi nghĩ rằng trường hợp của vị "đại gia" trả dâu kia nhìn bề ngoài thì có vẻ như ông ta đang muốn bảo vệ danh dự và uy tín của mình cũng như của gia đình nhưng lại không hề biết rằng cách bảo vệ như vậy lạ hoàn toàn phản tác dụng khi làm rùm beng mọi chuyện lên và đó là một hành động không hề phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. “Bởi anh phải biết tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình. Nếu là một người có văn hóa thì trước khi có một hành động như vậy (trả dâu - pv) thì cần phải đặt ra câu hỏi nếu mình làm như vậy thì hậu quả sẽ như thế nào?” – Tiến sỹ Hồng nhấn mạnh.

Để chứng minh, tiến sỹ Hồng đưa ra dẫn chứng rằng trong đám cưới truyền thống trước kia nếu sau ngày cưới, nếu phát hiện cô con dâu không còn trong trắng thì khi trong lễ "lại mặt" người ta sẽ có một hành động "trả dâu" rất kín đáo. Trong đó, trên chiếc thủ lợn đem đến trong lễ lại mặt nhà gái, gia đình nhà trai sẽ cắt đôi tai trên chiếc thủ lợn đó rồi bọc trong một tấm vải điều thì hàm nghĩa trong đó nói rằng cô côn dâu sẽ bị đem trả lại nhà bố mẹ đẻ vì không còn giữ được sự trong trắng.

Và theo nhận định của mình, Tiến sỹ Hồng cho rằng hành động "trả dâu" như vị “đại gia” kia đã làm đồng nghĩa với việc ông ta không tôn trọng con trai của mình, không tôn trọng chính bản thân mình và nề nếp gia phong của chính gia đình mình cũng bị ảnh hưởng, hoen ố chứ không chỉ riêng gia phong, danh dự của gia đình cô con dâu bị trả lại kia.

“Khi nghe thông tin này, rất nhiều người đã đặt câu hỏi rằng trước khi dựng vợ gả chồng cho con cái, tại sao không tìm hiểu cho kỹ rồi mới quyết định. Trong khi đó vị "đại gia trả dâu" kia đã phạm sai lầm rất lớn là ông chỉ "tìm" mà chưa kịp "hiểu" người con dâu kia. Và sau này, khi ông ấy cho rằng người con dâu kia không còn trong trắng thì ông ấy phải chính là người phải có trách nhiệm để giải quyết vụ việc sao cho trong ấm ngoài êm chứ không phải làm rùm beng lên như vậy. Dù sao chăng nữa thì sau khi cưới, cô gái kia xét trên một khía cạnh nào đó đã chính thức trở thành con cái trong gia đình, là vợ của con trai của mình rồi cùng rất nhiều mối quan hệ ràng buộc như anh em, họ hàng, cùng các mối quan hệ xã hội khác”.

Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng, không phải cứ có tiền, giàu có hơn người khác là có thể tự cho mình có những hành vi và quyền phán xử người khác (trả dâu - PV) và nếu tự cho mình cái quyền phán xử như vậy thì chắc chắn chính bản thân họ cũng sẽ phải đối diện với một phiên "phán xử" khác đó chính là sự tự phán xét hành vi của mình đã đúng hay sai trước tòa án lương tâm.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6189

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn