Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Những trận chiến nổi tiếng thế giới: Trận Jutland (Năm 1916)
16/04/2012

Đây là trận thuỷ chiến lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở châu Âu 1914-1918. Đầu năm 1916, chỉ huy hạm đội Đức là Đô đốc Von Scheer (Phônxkiơ) có ý định nắm quyền bá chủ trên Bắc Hải vừa chống quân Anh vừa kiểm soát hành lang Skaggerak (Skagiêrắk) nối Bắc Hải và biển Baltique (Ban tích) chặn sự thông thương giữa Anh, Pháp và các nước Bắc Âu cùng nước Nga. Bước đầu Von Scheer cho một số tàu tuần dương hạm đến bắn phá những căn cứ của hải quân Anh ở dọc biển phía Đông của nước Anh. Từ Scapa Flow (Scapa Flâu) tới Humber (Hăm bơ).


Đến cuối Tháng 5-1916 Von Scheer lại cử Đô đốc Hipper (Hippơ) đưa một đoàn tuần dương hạm tiến vào eo biển Jutland nguyên là tên gọi của bán đảo gồm phần Bắc của nước Đan Mạch cho nên vùng biển bao quanh bán đảo này cũng mang tên vùng biển Jutland.

Bộ hải quân Anh không chịu bó tay, lệnh cho Đô đốc Jellicoe (Gienlicô) từ cảng Scapa Flow (phía Bắc Anh) và phó Đô đốc Béatty (Bêatti) từ cảng Frorth (Frothơ) (phía Nam nước Anh) đưa hạm đội dưới quyền họ tiến vào biển Jutland.

Diễn biến trận Skagerrak

Ngày 31-5-1916, hai bên dàn trận ở hành lang Skaggerak phía thủy quân Anh có cả thảy 150 chiếc tàu tham chiến: 28 tàu thiết giáp hạm, 17 tàu tuần dương hạm chiến đấu, 22 tàu tuần dương hạm hạng nhẹ, 81 tàu khu trục hạm, một tàu phóng lôi, một tàu sân bay. Tổng chỉ huy là Đô đốc Jellicoe, 2 phó Đô đốc Béatty và Thomas (Tô mát), Phía thuỷ quân Đức có cả thảy 111 chiếc tàu tham chiến: 22 tàu thiết giáp hạm, 5 tàu tuần dương hạm chiến đấu, 11 tuần dương hạm hạng nhẹ, 73 tàu khu trục hạm, 16 tàu ngầm (có thêm 10 máy bay yểm trợ nhưng hôm đó vì trời xấu nên các máy bay này không xuất trận).

Tổng chỉ huy quân Đức là Đô đốc Von Scheer. Phó Đô đốc là Hipper.

Từ ngày 30-5-1916, biển lặng sóng. Đô đốc Anh Jellicoe đưa đại quân từ căn cứ Scapa Flow tiến về phía Jutland. Ông cũng lệnh cho Đô đốc Jéram (Giêram) đưa đoàn thiết giáp ra khỏi cảng Friralr đi theo đường vòng để tới nơi hẹn. Phó Đô đốc Béatty và Thomas cũng được lệnh đem các chiến hạm đến đón ở phía Bắc.

Suốt đêm 30-5-1916, không xảy ra việc gì quan trọng. Sáng 31-5, một buổi sáng đầy mây và mặt biển có nhiều chỗ bị sương mù che phủ. Chín giờ sáng hạm đội Đức xuất trận, đại quân tiến về phía Héligoland (Hêligôlan). Riêng đoàn tuần dương hạm chiến đấu của Hipper khởi hành từ 2 giờ đi trinh sát trước đó 50 hải lý.

Thuỷ quân Anh án binh, chỉ chăm chú nhận những tin tức vô tuyến điện của Đức nhưng không có gì quan trọng. Đến giữa trưa, Đô đốc Jellicoe nhận được tin của quân Anh đã vào đầy cả hành lang Skaggerak. Cùng lúc này, cánh quân của Jéram đã tới gặp đại quân Jellicoe. Ba giờ chiều, tất cả tiến vào Skaggerak còn hạm đội Béatty ở phía Bắc đã bắt gặp hạm đội trinh sát Đức do Hipper chỉ huy. Để nghi binh, Béatty lui về phía Đông rồi tiến về phía đại quân Jellicoe. Lúc ấy có tin báo một tàu phóng lôi Đức đang đuổi một chiếc tàu buôn nhưng thấy hạm đội Anh thì bỏ chạy. Béatty hạ lệnh tác chiến bằng một hồi kèn vang động mặt biển và phái mấy chiếc máy bay ở tàu sân bay Engadine (Engâyđai) đi trinh sát đem về một số tin tức. Tàu tuần dương hạm hai bên bắt đầu nã súng vào nhau, nhưng không trúng gì cả. Hai giờ rưỡi chiều, Hipper thấy tàu Anh chuyển về hướng Đông Nam, bèn kéo hạm đội đi theo ý muốn phối hợp với đại quân do Von Scheer chỉ huy.

Thực ra thì cả hai phía không nắm rõ được tình hình của nhau. Béatty định bao vây Hipper để cho Jellicoe kéo đến đánh đại quân Đức của Von Scheer còn Hipper cũng định chặn đánh Béatty để tạo điều khiện thuận lợi cho Scheer. Thế là hạm đội hai bên đều theo đường vòng cung tiến về phía Nam. Đến ba giờ chiều, hai bên chỉ còn cách nhau độ chừng sáu bảy hải lý. Cả hai bên dàn quân theo cách cổ điển: tuần dương hạm hạng nhẹ và phóng lôi về phía trước, còn hai bên là tàu thiết giáp hạm Béatty ở trên kỳ hạm Lion (Laion) điểu khiển tác chiến. ở phía Tây Bắc cách đấy 5 hải lý là đoàn tàu thiết giáp hạm của Thomas. Ba giờ 48 phút, hai bên tiến lại gần nhau, tới khoảng cách 7 hải lý Béatty cho tàu Lion nổ súng. Cuộc giao chiến bắt đầu. Thoạt tiên, tàu Anh thắng lợi, nhưng sau tàu Đức chiếm ưu thế. Chiếc kỳ hạm Lútdô của Hipper bắn ba quả đại bác trúng chiếc kỳ hạm Lion của Béatty gây thiệt hại lớn.

Kì hạm Lion của đô đốc David Beatty bị trúng đại bác của Đức

Bốn giờ hơn, đại bác Đức bắn trúng tàu tuần dương hạm chiến đấu Infatigable (Inphatigâybơn) của Anh, hàng nghìn thủy thủ bị chết chỉ còn sót 5 người được tàu Đức vớt lên. Hai chục phút sau, tàu tuần dương chiến đấu thứ hai của Anh là Queen Mary (Quyn Me ri) lại bị trúng đạn, chìm xuống biển đem theo đoàn thuỷ thủ 1200 người. Như vậy là Béatty chỉ còn 4 tuần dương hạm đối phó với 5 tàu của Hipper. Trước tình thế nguy kịch, Thomas đã kịp tới giải nguy cho Bétty. Hipper liền cho rút quân về phía Bắc để nhập vào đại quân của Von Scheer. Và Bétty cùng Thomas cũng tiến về phía Bắc để nhập vào đại quân của Jillicoe.

HMS Queen Mary đang bốc cháy

5 giờ 30, cuộc đấu pháo bắt đầu. Sau 10 giờ liên tiếp, hai bên quần đảo nhau trên biển, lừa nhau từng miếng, bắn vào tàu đối phương rồi bắn nhầm cả vào tàu nhà! Mỗi bên đều có lúc thắng, lúc bại, cuối cùng cả hai bên đều bị thiệt hại lớn:

- Quân Anh bị đắm 3 tuần dương hạm, 3 tuần dương thiết giáp, 8 khu trục, bị mất theo 300 sĩ quan, năm nghìn lính.

- Quân Đức bị đắm một tuần dương hạm, một thiết giáp hạm, 4 tuần dương hạm hạng nhẹ, 5 khu trục. Số binh sĩ chết không quá 500 người.

Trận đánh kết thúc, thắng lợi nghiêng về phía hải quân Đức nhưng chỉ hai năm sau thì Đức đã bị thất bại thảm hại.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6276

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn