Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Mới khá giả đã giở trò phi nhân văn, vô đạo lý
23/04/2012

"Ở xã hội ta, một khi khá giả lên người ta lại giở những trò phi nhân văn và vô đạo lý là bởi vì phông văn hóa quá thấp" - Nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch Việt Nam Nguyễn Quang Lập nhận định.


LTS: Ngay sau những lùm xùm quanh đám cưới siêu rước dâu bằng siêu xe, siêu sao ca nhạc của những đại gia đốt tiền chơi trội, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại xuất hiện liên tiếp những hành vi khiến chúng ta đau lòng như muốn trả nợ vợ nhẫn tâm giết người chồng đầu gối tay kề hòng chiếm đoạt tài sản; con gái, con rể vì mảnh đất mà bất chấp đạo làm con đã đẩy mẹ già ra ngoài đường ăn bờ ngủ bụi; rồi vì danh dự mà có kẻ không dám nhận người thân, máu mủ mang phận nghèo...



Theo nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, tất cả những hiện tượng đó là một sự suy đồi về đạo đức, thể hiện một phông văn hóa thấp đối với mọi người. Và khi văn hóa thấp, người ta dễ ứng xử với nhau không có tình, dễ sa vào sự tha hóa đạo đức. Phunutoday xin đăng tải ý kiến của ông xung quanh vấn đề này:

"Vấn đề gốc căn bản là phông văn hóa, và căn bản nữa là sự giáo dục, lỗi nặng nhất là vấn đề giáo dục nước nhà.

Thứ hai nữa là cái gốc là đã tạo ra một cơ chế hỏng, tạo ra một lô những người giàu lên một cách bất thường, một loạt những nhà trọc phú, và họ làm giàu bất chấp đạo lý, bất chấp cuộc sống, đẩy con người ta vào những bức bách thì con người ta ứng xử với nhau cũng như thú vật vậy thôi. Giống như con đuổi mẹ ra đường chiếm đất, vợ giết chồng để lấy tiền trả nợ...

Vậy cho nên sự tha hóa hiện nay là trầm trọng, nếu không có những biến đổi nhất định, không nghiêm khắc với nó thì đó là một đại họa chứ không phải là chuyện nhỏ, mà gốc của nó là cơ chế và nền giáo dục nước nhà.

Cái phông văn hóa của chúng ta quá thấp, kể cả những người có bằng cấp cao chứ đừng nói là các đại gia.

Chúng ta chê trách các đại gia và các trò trọc phú đó, thực ra đại gia phản ánh rất rõ phông văn hóa của toàn xã hội. Một khi phông văn hóa quá thấp thì bản thân người ta không ý thức được bản thân họ ứng xử với xã hội, ứng xử với đời, ứng xử với nhau.

Phông văn hóa đó quyết định cái ứng xử với cuộc sống, ứng xử với xã hội, ứng xử giữa con người với nhau, anh em, bạn bè, bố mẹ... Việc ứng xử của đại gia là khoe khoang, còn việc ứng xử của những người cùng khổ là đối với nhau như thú vật.

Khi cuộc sống càng khá giả, kinh tế càng phát triển thì đáng lý ra con người có đủ điều kiện để sống một cách nhân văn hơn, có văn hóa hơn vì khi đói đôi khi người ta cũng có thể làm liều.

Thế nhưng, ở xã hội ta một khi khá giả lên người ta lại giở những trò phi nhân văn và vô đạo lý là bởi vì phông văn hóa quá thấp, chứ ở những nước nền kinh tế phát triển cao gấp trăm, gấp 10 lần chúng ta thì họ lại ứng xử với nhau rất tốt đẹp.

Tôi đã xem một chương trình tivi của Mỹ truyền hình hơn 1 tiếng đồng hồ liền trong đó hướng dẫn dọn cứt mèo và chỉ cần một người nghe. Vì thế, tại sao người ta có tiền rồi người ta sẵn sàng làm những việc rất là nhỏ mà chúng ta tưởng rằng vớ vẩn nhưng nó đầy tính nhân văn.

Hoặc người ta hướng dẫn đuổi bồ câu như thế nào khi đi đường mà gặp bồ câu đứng giữa đường... Khi người ta có đủ tiềm lực kinh tế, giàu có thì người ta nghĩ đến những hành vi không những bảo tồn con người, bảo vệ con người mà còn bảo vệ con vật.

Ở Mỹ người ta còn có luật nếu anh nuôi cá cho chim ăn mà để cá chết là anh đi tù, cho nên đừng nói rằng giàu có thì người ta quên mất chuyện nhân văn.

Giàu có cộng với sự phi văn hóa, phông văn hóa quá thấp dẫn đến những trò lố lăng và phi nhân đạo chứ không phải vì do giàu có. Tiền bạc vào tay những người ứng xử có văn hóa thì họ sẽ ứng xử khác, còn tiền bạc với những kẻ thiếu văn hóa thì họ sẽ ứng xử khác.

Như vậy, vấn đề không phải do tiềm lực kinh tế, do kinh tế mà vấn đề là do phông văn hóa hiện nay quá thấp mặc dù có hàng vạn Tiến sĩ, hành nghìn Giáo sư nhưng phông văn hóa vẫn quá thấp, kể cả hàng ngũ Giáo sư, Tiến sĩ cũng có văn hóa thấp.

Câu "tiền là tiên là phật" trong dân hiện nay cũng là câu đã được đẻ ra từ một quan niệm ở một phông văn hóa thấp đó, hay khi con người ta ở vào cái thế tù túng thì mới đẻ ra câu đó. Còn những người bình thường, có phông văn hóa cao cho dù giàu hay nghèo; người ta vẫn không bao giờ trở thành nô lệ của đồng tiền cả. Cho nên những câu đó là câu của những kẻ làm nô lệ cho đồng tiền mà thôi".

  • Nguyễn Quang Lập


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6299

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn