Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Những trận chiến nổi tiếng thế giới: Trận Midway (Năm 1942)
26/04/2012

Trên tấm bản đồ về cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai của bộ chỉ huy quân đội Mỹ được lưu lại đến nay, người ta thường thấy những mũi tên được vẽ cùng với dấu "chấm hỏi" đậm nét. Đó là những dự đoán hướng tiến công của quân đội Nhật Bản ở mặt trận Thái Bình Dương.


Quả thật, ở mặt trận này vào những năm 1941-1942, quân đồng minh đã bị đầy lùi một cách nhanh chóng trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Nhật Bản. Mở đầu là cuộc tập kích bất ngờ của hạm đội Nhật vào căn cứ hải quận Mỹ ở Cảng Trân Châu (Pearl Harrbor) sáng chủ nhật ngày 7 Tháng 12 năm 1941 . Cuộc tập kích đã giáng cho hải quân Mỹ một đòn choáng váng với 19 tàu chiến (trong đó có 4 chiến hạm) bị đánh chìm, 311 máy bay bị bắn cháy, bị phá huỷ và 3600 quân thương vong. Thất bại của Mỹ ở Trân Châu Cảng đã làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho phía Nhật Bản, tạo điều kiện cho Nhật Bản phát triển thắng lợi trên các khu vực khác ở Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng 5 tháng, từ thắng lợi ở Trân Châu Cảng, Nhật đã chiếm được Philippines, Mianma (Miến Điện), Thái Lan, Malaisie, các đảo lớn ở Indonésie, phần lớn đảo New Guinea (Niu Ghinê)... Các căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ như Guam, Uâycơ, Mariar cũng bị Nhật chiếm đóng. Tuy nhiên trong cuộc hải chiến ngày 7 và 8 Tháng 5 năm 1942, hạm đội Nhật đã gặp phải thất bại đầu tiên trên vùng biển san hô khi định đánh chiếm cảng Moresby (Môrơsơbi) gần Australia. Nhưng không vì thế mà Nhật chịu lùi bước. ý đồ của Nhật vẫn là làm chủ toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, tạo vành đai an toàn từ Bắc xuồng Nam Thái Bình Dương nhằm bảo vệ cho những nơi đã chiếm được trên lục địa châu á và cho chính bản thân "Đất nước mặt trời mọc". Nhưng quân Nhật sẽ tiếp tục tiến công trên hướng nào? Tiếp tục truy kích lực lượng của tướng Mc.Acthur (Mác Actơ) xuống Australia? Đánh sang ấn Độ hay một hướng nào khác? Đó là điều mà Bộ chỉ huy Mỹ quan tâm theo dõi. Bởi vì, nếu phán đoán đúng được hướng tiến công tiếp theo của Nhật, quân đồng minh mới có khả năng tập trung lực lượng ngăn chặn và điều quan trọng là tránh bị bất ngờ như đã từng bị bất ngờ trước đó. Những tài liệu được lưu giữ hiện nay cho biết, sau khi phân tích tương quan lực lượng, động thái của hạm đội Nhật do tình bảo cung cấp, Bộ chỉ huy Mỹ phán đoán rằng, Nhật Bản có thể tiến công Hawai (Haoai) và trước hết đánh chiếm Midway (Mituây) - các vị trí trực tiếp uy hiếp miền Tây nước Mỹ. Quả nhiên sự phán đoán của bộ chỉ huy Mỹ khá chính xác. Ngay từ trung tuần Tháng 4 năm 1942, Nhật đã có kế hoạch do Đô đốc Yamamôtô soạn thảo và được Bộ chỉ huy tối cao Nhật Bản phê chuẩn.

Hình đảo san hô Midway, vài tháng trước trận đánh.

Thế là Midway trở thành nơi diễn ra trận hải chiến lớn với ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương.

Midway có vị trí hết sức trọng yếu đối với cả Mỹ và Nhật. Đó là hai trong số các đảo san hô nhỏ mà Mỹ xây dựng thành căn cứ hải lục không quân mạnh nhất ở Thái Bình Dương. Midway cách Hawai, nơi đóng Bộ chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương Mỹ 1.150 hải lý và nằm giữa tuyến đường từ San Francisco đến Singapore. Nếu chiếm được Midway, hành lang an toàn về phía Đông Nhật Bản được tăng cường vững chắc thêm, tạo điều kiện cho Nhật tiếp tục tiến về phía Nam đến New Guinea, quần đảo Salomons và cô lập Australia, nơi quân đồng minh do tướng Mc.Acthur chỉ huy.

Kế hoạch tiến công Midway của Nhật được chuẩn bị khá chu đáo với lực lượng tham gia tiến công lớn, gồm 11 thiết giáp hạm; 4 hàng không mẫu hạm nặng và 4 nhẹ; 13 tuần dương hạm nặng và 9 nhẹ; 66 khu trục hạm, 22 tàu ngầm; 620 máy bay. Ngoài ra, còn có tàu quét mìn, vận tải và nhiều tàu khác. Tất cả lực lượng hạm tàu này hình thành 6 binh đoàn, trong đó có 4 binh đoàn cơ bản được triển khai như sau:

Trên hướng chủ yếu (Midway) có:

* Binh đoàn không quân tiến công (xung kích) dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Nagumô có 4 hàng không mẫu hạm nặng, 2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 12 khu trục hạm.

* Binh đoàn đổ bộ dưới sự chỉ huy của Đô đốc Kondo có 1 hàng không mẫu hạm, 2 thiết giáp hạm, 4 tuần dương hạm, 10 tàu phóng lôi, 4 tàu quét mìn, 3 tàu săn ngầm, 24 tàu đổ bộ và 2 tàu vận tải.

* Lực lượng chính của liên hạm đội dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đô đốc Yamamôtô triển khai cách Midway 600 hải lý về phía Tây Bắc để yển hộ hướng chủ yếu và hướng nghi binh.

Tàu sân bay Nhật Bản Akagi, tháng 4 năm 1942, ảnh chụp từ một máy bay vừa cất cánh

Trên hướng nghi binh (hướng Bắc) có:

* Binh đoàn do Đô đốc Hôxôgaya chỉ huy có 2 hàm không mẫu hạm nhẹ, 6 tuần dương hạm, 12 khu trục hạm, 6 tàu ngầm, 4 tàu vận tải và nhiều tàu khác có nhiệm vụ đánh chiếm quần đảo Aliút nhằm thu hút lực lượng Mỹ về phía đó.

Tàu sân bay Nhật Bản Hiryū, năm 1939

Ngày 24 đến 27 Tháng 5 năm 1942 các binh đoàn nói trên lần lượt xuất phát đến vị trí tập kết được qui định.

Do nắm được mật mã thông tin nên kế hoạch và các hoạt động chuẩn bị tiến công của Nhật đều bị phía Mỹ theo dõi và tìm các đối phó. Ngay từ ngày 24 Tháng 5, khi các binh đoàn tiến công của Nhật xuất phát tiến về các mục tiêu, Mỹ đã kịp thời báo động cho các lực lượng của mình ở Midway, Hawai sẵn sàng chiến đấu. Cho đến cuối Tháng 5, Mỹ đã huy động 3 hàng không mẫu hạm nặng (có 233 máy bay), 8 tuần dương hạm và 14 khu trục hạm tổ chức thành hai binh đoàn 16 và 17 dưới sự chỉ huy của Đô đốc Flecher (Phletxơ). Để phòng ngự Aliút, ngoài các lực lượng trên bộ, Mỹ tăng cường thêm 5 tuần dương hạm, 14 khu trục hạm, 6 tàu ngầm và nhiều máy bay chiến đấu các loại. Toàn bộ lực lượng Mỹ do Đô đốc Nimit, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ huy.

Hàng không mẫu hạm USS Yorktownở Trân Châu Cảng trước trận đánh.

Trước khi mở màn trận đánh Midway, sáng ngày 3 Tháng 6, các máy bay Nhật tập trung oanh tạc vào căn cứ Datch Kharbor (Đatchơ Khabo) trong khu vực quần đảo Aliút nhằm thu hút sự chú ý của bộ chỉ huy Mỹ. Trên khu vực Midway, cùng ngày máy bay trinh sát Mỹ phát hiện binh đoàn đổ bộ Nhật ở các Midway 600 hải lý về phía Tây đảo nên đã cho máy bay trinh sát Mỹ phát hiện binh đoàn tàu đổ bộ Nhật ở cách Midway 600 hải lý về phía Tây đảo nên đã cho máy bay ném bom B17 xuất phát oanh tạc nhưng không đạt kết quả. Sáng ngày 4 Tháng 6, binh đoàn tiến công Nhật tiến đến cách Midway 240 hải lý. Nhật sử dụng 108 máy bay từ các hàng không mẫu hạm oanh tạc dữ dội vào khu vực đảo, gây thiệt hại lớn cho các công trình phòng ngự và bắn rơi 25 máy bay tiêm kích của Mỹ. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của binh đoàn tiến công Nhật là tiêu diệt lực lượng không quân Mỹ trên đảo không đạt được vì các máy bay Mỹ đều đã xuất kích. Về phía Mỹ, các máy bay ném bom từ tàu Interprice và Yorktown trong chưa đầy 5 phút đã bắn chìm các hàng không mẫu hạm nặng Kaga, Akagi và Horyu của Nhật cùng 137 máy bay chiến đấu trên tàu. Trong lúc đó, hàng không mẫu hạm Khiriu của Nhật ở phía Bắc đảo không bị máy bay Mỹ phát hiện nên các máy bay từ tàu này đã tiến công làm hỏng nặng hàng không mẫu hạm Yorktown của Mỹ. Và ngày 7 Tháng 6, Yortown hoàn toàn bị các tàu ngầm Nhật đánh chìm. Song, số phận hàng không mẫu hạm Khiriu của Nhật cũng đã được quyết định. Trong lúc máy bay từ tàu này tiến công Yortown thì bản thân nó bị máy bay Mỹ tiến công và ngày 5 Tháng 6 bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Nhật Bản tấn công Midway lúc 06:20 ngày 4 tháng 6.

Hiryu đang bị tấn công bằng máy bay ném bom B-17 Flying Fortress

Sau khi mất 4 hàng không mẫu hạm, Đô đốc Yamatômô tiếp tục tìm cách tiêu diệt lực lượng chủ yếu của Mỹ. Ông ta ra lệnh ngừng việc đổ bộ lên Midway để tập trung lực lượng tăng cường cho hướng chủ yếu Tây Bắc, thậm chí cả binh đoàn hàng không mẫu hạm từ khu vực Aliút về tăng cường nhưng đã quá muộn. Hạm đội Mỹ đã rời sang hướng Đông. Ngày 6 Tháng 6, lực lượng chính của hạm đội Nhật tiến xuống hướng Nam và ngày 7 Tháng 7. Đô đốc Yamatômô buộc phải lệnh cho hạm đội Nhật trở về căn cứ xuất phát.

Trận Midway Midway kết thúc với thiệt hại nặng nề của hạm đội Nhật Bản. Nhật bị mất 4 hàng không mẫu hạm, một tuần dương hạm nặng, 332 máy bay cùng nhiều tàu khác bị hỏng nặng. Thiệt hại của Mỹ là không đáng kể so với Nhật. Mỹ chỉ mất một hàng không mẫu hạm, một khu trục hạm và 150 máy bay chiến đấu các loại.

Vì sao hạm đội Nhật Bản bị thất bại nặng nề ở Midway - một thất bại mà trước đó bộ chỉ huy Nhật và cả bộ chỉ huy Mỹ đều không ngờ tới? Có thể lý giải điều đó trên nhiều khía cạnh. Người ta cho rằng những thắng lợi liền tiếp một cách dễ dàng trước đó đã làm cho bộ chỉ huy Nhật Bản hết sức chủ quan, coi thường và không đánh giá đúng lực lượng đồng minh, sẵn sàng tung hết hạm đội của mình đặng giành thắng lợi quyết định. Thứ hai, lực lượng hạm đội Nhật tuy được huy động ở mức cao nhất, trội hơn hẳn hạm đội Mỹ nhưng khi triển khai chiến đấu lại phân tán trên một khu vực kéo dài từ vùng trung tâm Thái Bình Dương đến Bắc Thái Bình Dương. Trong khi đó hạm đội Mỹ tập trung hầu hết ở Midway với các tàu sân bay, tàu tuần dương cùng các lực lượng phòng thủ tại chỗ. Việc huy động lực lượng phía Bắc về tập trung ở Midway sau đó đã không thể cứu vãn được tình thế thất bại của Nhật. Thứ ba, bộ chỉ huy Nhật không thực hiện được yếu tố bất ngờ, một trong những yếu tố dành thắng lợi quyết định trong chiến tranh nói chung và trận chiến nói riêng. Toàn bộ kế hoạch tiến công, động thái di chuyển của hạm đội Nhật đã bị phía Mỹ nắm được một cách chặt chẽ thông qua việc "giải khoá mật mã" hệ thống thông tin liên lạc của Cục tác chiến Bộ hải quân Nhật Bản. Chính vì thế, Mỹ đã hoàn toàn chủ động trong suốt quá trình trận đánh.

USS Yorktown bị đánh trúng bởi một ngư lôi phóng từ trên không

Tàu tuần dương Mikuma ngay trước khi chìm.

Trận Midway đã làm đảo lộn thế chiến lược trên chiến trường Thái Bình Dương. Tương quan lực lượng ở chiến trường hoàn toàn có lợi cho Mỹ và đồng minh. Ngày nay, trên đài kỷ niệm chiến thắng ở Hônôlulu và Manila, người ta thấy những dòng chữ được khắc trên đó đã nói lên ý nghĩa đầy đủ nhất của trận Midway. "Đây là trận tiến công lớn cuối cùng của họ (tức Nhật Bản) vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ khởi thế tấn công và bắt đầu một bước tiến dài về hướng nội địa Nhật và về chiến thắng cuối cùng".



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6313

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn