Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

“Đạo học ngày nay đã hỏng rồi…”
21/06/2012

SGTT.VN - Mấy ngày qua, dư luận sôi lên vì những đoạn phim được tải lên mạng, cho thấy một phòng thi bát nháo như cái chợ khi cả giám thị lẫn thí sinh đều công khai gian lận trong hầu hết các môn thi tốt nghiệp trung học ở trường Đồi Ngô thuộc tỉnh Bắc Giang. Những hình ảnh ngắn ngủi này làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp về tính trung thực trong xã hội chứ không phải chỉ trong lãnh vực giáo dục.




Khi phương tiện là mục đích

Có lẽ cậu thí sinh tên S. và nhóm “đạo diễn” quay phim không lường hết được kết quả của việc quay phim và tung lên mạng̣. Dư luận lập tức chia làm hai phe, phe ủng hộ và phe lên án hành động của S. Chàng “thám tử Conan” đang sống trong sự lo âu, sợ hãi, sợ sẽ bị đánh trượt tốt nghiệp phổ thông trung học, sợ tương lai sẽ u ám và phải đi làm lơ xe…

Trong tổng cộng 12 đoạn phim được quay tại hội đồng thi Đồi Ngô, chắc chắn có cảnh nhiều thí sinh lúi húi dùng “phao thi” để làm bài nghị luận với đề tài được cho là “thông minh” của bộ Giáo dục: “Thói dối trá là biểu hiện suy thoái về đạo đức trong xã hội”. Những hình ảnh quay được quả là bằng chứng thuyết phục cho đề thi này!

Nhiều người cho rằng cậu S. nên được tuyên dương vì dám đấu tranh với cái xấu. Cũng không ít người cho rằng cậu thí sinh đã vi phạm quy chế thi, đã “dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”. Công an đã vào cuộc. Và ngay cả bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận cũng cho đó là “chuyện nghiêm trọng”, rằng cậu thí sinh quay phim “vừa có công vừa có tội” vì đã “gây khó khăn cho công tác quản lý và gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là học sinh nhỏ tuổi”.

Ngay trên mạng, có cả những nhóm học sinh lên án gay gắt “con chiên ghẻ” là S. Họ còn đòi lập hội đồng “xét xử” và “truy lùng” cậu học sinh này để không còn tái diễn chuyện tố cáo tiêu cực!

Kỳ cùng, bỏ qua phương tiện thực hiện, mục đích hành động của S. và nhóm “đạo diễn” quay phim thì những đoạn phim trên chính là cây kim chích vào cái ung nhọt của thói dối trá trong giáo dục bao năm bị che đậy bởi bệnh thành tích.

Và mục đích là phương tiện

Sáu năm trước, năm 2006, xã hội từng bàng hoàng vì chuyện nhiều phụ huynh bắt thang trèo tường vào phòng thi tốt nghiệp phổ thông trung học để cướp đề thi và tuồn đáp án cho con em họ. Bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra giới luật “hai không” nhằm lập lại trật tự cho các phòng thi. Kết quả là “nhãn tiền” khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp một năm sau đó của các tỉnh từ gần 100% xuống gần chạm đáy, như tỉnh Tuyên Quang từ 95% xuống còn… 14%, Bắc Kạn từ 90% xuống còn 20%, nhiều trường không có học sinh nào tốt nghiệp! Thế là để các con số có thể ngóc lên trở lại, giới luật trên phải mặc nhiên phá sản. Việc sử dụng tài liệu trong phòng thi nhiều năm trở lại đây được gán cho một cái tên mới là “phao thi”, chuyên dùng để “cấp cứu” cho những thí sinh yếu kém trong những kỳ thi được cho là cánh cửa tối thiểu để bước vào đời. Từ “phao thi” dần dần mất cả dấu ngoặc kép vì đã thành từ phổ biến. Ngay trước các cuộc thi, có cả một thị trường mua bán phao nhộn nhịp mà các báo vẫn phản ánh nhưng không thấy ai “dọn dẹp”.

Tất cả những thực trạng, những con số thống kê trên cho thấy không chỉ có “một bộ phận” không ít các thí sinh là gian lận, mà có cả “một bộ phận” không ít các vị phụ huynh và cả nhà trường, xã hội, cũng đồng tình hoặc ủng hộ các em gian lận. Tất cả đều chạy đua theo những con số, phớt lờ hậu quả của việc giao tương lai đất nước vào tay một thế hệ thiếu trung thực lẫn thực tài.

Suy cho cùng, những cuộc thi chỉ là phương tiện đo lường khả năng của một thí sinh, thế nhưng chúng đã biến thành những mục tiêu thành tích hoặc là mục tiêu tối hậu để giành lấy những tấm bằng, điều này đi ngược với tất cả những giá trị về giáo dục: đi học – nói theo các nhà mô phạm – là để có tri thức và kỹ năng chứ không phải chỉ để tìm kiếm mảnh bằng bước vào đời, trong đó ghi dấu sự dối trá, giả mạo về thực lực và che đậy sự bất tài, ngu dốt. Và điều này, với những nhà sư phạm trung thực là quá chua xót.

Sự học ngày nay đã hỏng?

Mấy năm qua, cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học đã được đổi tên trở lại một cách văn chương là cuộc thi “tú tài”. Những người có bằng tốt nghiệp được gọi là “tú tài”, có nghĩa là những người ưu tú của đất nước. Những cô tú, cậu tú phải là những người có tài năng và đạo đức để trở thành lớp trí thức có ích cho xã hội.

Thế nhưng với việc quay cóp, gian lận trong phòng thi thì liệu danh xưng trên có xứng? Cả xã hội hàng năm đổ công đổ của cho ngân sách giáo dục và cả những chắt chiu của gia đình có phải đã quá phí hoài khi mục tiêu là đào tạo những con người tài đức, nhưng kết quả chỉ là những con người giỏi gian lận, thiếu trung thực ngay trong những bước chập chững vào đời? Và một khi cánh cửa tú tài được lách qua bằng phương thức gian lận, ai dám bảo đảm những cánh cửa sau đó như đại học, cao học… được bước qua một cách trung thực?

Tai hoạ cho xã hội là nhan nhản những tấm bằng được mua, được làm giả, được gian lận để chính thống hoá sự bất tài và vô đạo ở nhiều vị trí điều hành xã hội. Tấm bằng tú tài không thực chất chỉ là mắt xích đầu tiên của chuỗi mắt xích thư lại yếu kém trong tương lai, và “xưởng đúc” những bằng cấp giả ấy chính là những cuộc thi không thực chất hoặc đầy gian dối mà S. và nhóm “đạo diễn” của cậu đã phanh phui…

Và nói như một “cụ tú” ngày xưa, nhà thơ Trần Tế Xương, có phải “Đạo học ngày nay đã hỏng rồi”?

Đoàn Đạt

Trích thư bạn đọc

Giả dối đã thành mẫu số chung

Thời gian qua báo chí đề cập nhiều đến mẫu số chung trong cung cách làm ăn của một vài đơn vị. Tại trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang, phao thi ném đầy các phòng thi. Tại làng Đông Ngàn, Hà Nội diễn ra tình trạng dùng công nghệ axít biến trứng gà Trung Quốc thành gà ta. Tại TP.HCM, người ta dùng oxy già để làm ảo thuật trên các chân gà đã bị mốc xanh rồi bỏ mối cho các nhà hàng, chợ. Tên gọi cho mẫu số chung trên là sự giả dối.

Có một câu chuyện lúc nhỏ chúng ta thường được nghe. Một đứa bé nghịch ngợm, một hôm nảy ra ý định gạt người khác để mua vui, bèn giả hô lên: “Nhà cháy, nhà cháy!” Khi mọi người chạy đến để chữa lửa, đứa bé cười hả hê vì nghĩ mình đã gạt được nhiều người lớn. Đứa bé lặp lại trò chơi lần hai, lần ba, và cũng thành công. Đến khi nhà nó bị cháy thật, tiếng kêu cứu không được ai đáp lại, vì thế ngôi nhà cháy sạch.

Vậy cái mất lớn nhất của một thực thể chọn lối sống giả là khi bản thân họ nói thật, thì mọi người cũng chẳng hề tin.

Trong một xã hội nếu sự giả dối thắng thế, các cá nhân, đơn vị trung thực sẽ càng thiệt thòi lớn về con đường danh vọng, tiền tài và theo quy luật họ sẽ bị liệt vào “sách đỏ” (sắp tuyệt chủng). Ngược lại, một xã hội ủng hộ cho tính trung thực, thì giả dối không có cơ may để tồn tại chứ đừng nói đến phát triển.

Cao Nguyễn



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6460

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn