Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Từ hiện tượng 'Đồi Ngô' nghĩ về tỉ lệ đỗ
03/07/2012

Nếu lấy tiêu chí đỗ cao để đánh giá tính bền vững và chất lượng của giáo dục phổ thông thì những con số tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của các tỉnh và Bộ GD- ĐT công bố năm nay làm cho toàn ngành giáo dục xứng đáng được... tự hào.






Hướng về những con số dối gian

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ đạo đức, nhà trường đang đánh mất dần niềm tin ở nhân dân. Thực tế cho thấy rằng, giáo dục đã có những lỗ hổng lớn không chỉ trong kiến thức mà cả trong đạo đức. Điều này, không chỉ những người tâm huyết trong ngành đang rất lo lắng và trăn trở suy nghĩ.

Năm 2006, khi Bộ GD - ĐT phát động phong trào "Hai không" từ sự kiện tố giác tiêu cực trong thi cử của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, chưa bao giờ chống tiêu cực trong thi cử mạnh mẽ như năm 2007.

Thế nhưng, khi hiện trạng chất lượng đỗ tốt nghiệp của cả nước thể hiện qua tỉ lệ năm 2007 chỉ đạt 66,72%, thì ngay sau đó, và tiếp theo đến tận năm này, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm cao ngất ngưỡng tới ... 98,97%.

Người ta phải đặt ra câu hỏi, điều gì đã diễn ra trong kỳ thi này?

Khi dư luận xã hội còn xôn xao về vụ Đồi Ngô, một câu hỏi lớn hơn nữa đặt ra cho mỗi nhà trường, thầy cô và những nhà quản lý, là giáo dục nước nhà đang hướng về điều gì? Tôi xin phép trả lời rằng, nền giáo dục của chúng ta đang hướng về những con số dối gian.

Có lẽ hơi nặng lời một chút nếu tôi nói rằng chỉ những người không còn biết xấu hổ mới vui sướng khi nhìn thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay. Đó là sự kỳ lạ trong giáo dục của nước ta hiện nay. Điều kỳ lạ này tạo nên nghịch lý của cảm xúc, khi thấy đỗ cao mà chẳng ai dám vui mừng (vì còn biết xấu hổ).

Lạ lùng về những con số trống rỗng nhưng đầy sức mạnh có thể giết chết sự trung thực, sự tự trọng của nhiều con người trẻ tuổi, thế hệ quyết định mọi sự tồn vong của đất nước sau này. Nghĩ về câu "hiền tài là nguyên khí của quốc gia" của cha ông xưa mà hổ thẹn.

Dạy người nhưng quên mất...con người

Nhìn vào những con số của các trường, các địa phương năm nào còn thấp lè tè, có trường không đỗ nổi ... 1 học sinh thì năm nay đơn vị nào cũng trên 90%. "Niềm tự hào" này cứ gieo rắc vào đầu chúng ta những hoài nghi, biết đâu vài năm tới sẽ nảy ra một vài hay vài chục "Đồi Ngô" nữa? Ăn nói sao với tổ tiên của chúng ta khi "đầu ra" của nhà trường toàn là "Đồi Ngô" chứ tìm không thấy hiền tài.

Điều đáng buồn nhất của ngành giáo dục, là ngành dạy người nhưng lại đã thả nổi, đã quên mất... con người trong quá trình tổ chức giáo dục. Đã quên những giá trị đạo đức làm nên phẩm cách người

Người ta đã bỏ qua câu hỏi các em có được những phẩm chất gì khi rời mái trường phổ thông? Các em sẽ đứng ở vị trí nào trong xã hội này khi kiến thức phổ thông thì hổng một cách "hệ thống", và lối sống thì nhanh chóng nhập vào lề thói gian dối, dối trá đang hủy hoại không thương tiếc những giá trị đạo lý văn hóa xã hội.

Trí không có, đức cũng không. Vậy, những "người chủ" này làm gì để xây dựng và bảo vệ đất nước?

Năng lực lãnh đạo của các vị quan chức Sở GD- ĐT Bắc Giang chẳng biết thế nào nhưng khả năng đơn giản hóa vấn đề thì cực kỳ... tài giỏi. Vụ Đồi Ngô to như con voi thì "vi mô hóa" thành con kiến, củ khoai. Cả một hội đồng coi thi gian lận có tổ chức rõ ràng, từ khâu giải đề, đưa phao thi, thu dọn chứng cứ sạch sẽ...

Vậy mà thanh tra Sở GD- ĐT Bắc Giang kết luận người thực hiện tiêu cực ... chỉ vì động cơ cá nhân (!?). Tội nghiệp cho học sinh tố giác tiêu cực vừa rồi. Khi tuổi đời của em còn quá nhỏ phải đối mặt với những thủ đoạn, những trò gian lận những người lớn "xấu xí".

Tội nghiệp cả những người thầy, cô "bị trảm" bởi họ thực chất phải làm theo sự chỉ đạo của ai đó, mà lại không có "ô" để che.

Là thầy cô giáo ai cũng buồn khi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi do thi không đỗ của học trò mình, không những vậy, chính họ mới là người đau đớn nhất và trách nhiệm nặng nề nhất khi đường đời của học trò quá chông chênh, không biết các em sẽ đi đâu, về đâu.
Điều đáng buồn nhất của ngành giáo dục, là ngành dạy người nhưng lại đã thả nổi, đã quên mất... con người trong quá trình tổ chức giáo dục. Đã quên những giá trị đạo đức làm nên phẩm cách người.

Thầy cô nào là người đủ bản lĩnh đối diện với ánh mắt của những học trò đó? Chắc hẳn họ cũng biết nhục khi nhìn thấy con số đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng nhưng ...dối trá.

Bi kịch thật sự đối những thầy, cô bị "buộc phải" cho học sinh lên lớp bởi "ý kiến chỉ đạo của cấp trên", liệu họ có trốn tránh được "nhiệm vụ sếp giao" trong một hội đồng coi thi tiêu cực có tổ chức hay không?

Trong số những người bị buộc thôi việc ở Đồi Ngô, liệu họ có dễ tìm được công việc ở một ngôi trường khác hay không khi cả thế giới internet đều biết về lỗi lầm của họ? Đúng là bi kịch cho cái nghề được mệnh danh là "cao quý nhất trong những nghề cao quý".

Lỗi thật sự của ai gây ra đây? Vụ "Đồi Ngô" là một hài kịch mà người xem không thể cười, dù "diễn xuất" của "diễn viên" được đánh giá là xuất sắc. Không thể cười, vì những vai diễn trong đó hẳn đã phải khóc khi nghe quyết định xử lý của ngành.

Theo đạo lý từ xa xưa, cái thiện sẽ thắng cái ác. "Khán giả cả nước" đang chờ xem ở Đồi Ngô (Bắc Giang) và những người có trách nhiệm với giáo dục nước nhà có "đạo lý" nào khác nữa chăng?

Trách nhiệm thuộc về ai, khi nền giáo dục nước nhà xảy ra những nông nỗi này? Trách nhiệm thuộc về tất cả đội ngũ nhà giáo, trong đó có cả người viết bài này- một nhà giáo, nhưng chịu trách nhiệm đứng đầu, phải là những người làm công tác quản lý giáo dục các cấp.

Nhưng chắc chắn rằng, khi nào còn những can thiệp của các lãnh đạo tỉnh tham vọng về tỷ lệ tốt nghiệp, về thành tích giáo dục một cách dối trá, thì người lãnh đạo giáo dục các tỉnh sẽ khó tìm thấy giải pháp.

Trần Thanh Nhựt



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6488

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn