Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

GS.Nguyễn Minh Thuyết luận bàn về thói dối trá từ gian lận tại Đồi Ngô
12/09/2012

(GDVN) - “Vụ việc ở Đồi Ngô là một sự gian dối thô bạo. Các giám thị và thí sinh vi phạm đã lừa dối Nhà nước, lừa dối nhân dân bằng những kết quả không có thật. Nó cũng là điển hình cho thói dối trá trong xã hội ngày nay”.


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những luận bàn thú vị về thói dối trá xung quanh câu chuyện gian lận thi cử có hệ thống tại Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPTDL Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang gây rúng động dư luận những ngày qua.

- Thưa Giáo sư, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2012 cho học sinh bàn về thói dối trá được dư luận đánh giá rất mới và thú vị. Ấy vậy mà cả giáo viên và học sinh đều gian dối qua 6 môn thi tại Hội đồng thi Trường THPTDL Đồi Ngô (Bắc Giang), đau lòng hơn khi chính những người làm thầy lại tiếp tay cho học trò dối trá, điều đó khiến dư luận “nổi sóng” nhiều ngày. Giáo sư suy nghĩ gì về điều này?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trước tiên phải khẳng định, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2012 là một đề thi hay. Có lẽ, xuất phát từ những bức xúc về hiện tượng dối trá trong xã hội nói chung, trong thanh thiếu niên nói riêng mà người ra đề đã đưa vấn đề dối trá vào đề thi tốt nghiệp THPT để học sinh lớp 12 cả nước cùng suy ngẫm, bình luận, nêu quan điểm của mình. Đề thi này là dịp để các em học sinh tự đánh giá lại bản thân mình, xác định lại những giá trị sống đúng đắn, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thế nhưng, nhiều thí sinh ở Hội đồng thi Trường THPTDL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), một mặt làm đề thi bình luận về thói dối trá, một mặt lại thực hiện sự dối trá. Đau lòng hơn là các giám thị, lãnh đạo của hội đồng thi này cũng thông đồng thực hiện dối trá, tạo điều kiện cho dối trá ngự trị, hoành hành. Vụ việc ở Đồi Ngô là một sự gian dối thô bạo. Các giám thị và thí sinh vi phạm đã lừa dối Nhà nước, lừa dối nhân dân bằng những kết quả không có thật. Nó cũng là điển hình cho thói dối trá trong xã hội ngày nay: Nói và viết toàn những điều tốt đẹp, nhưng hành động thì ngược lại. Đó là điều không thể chấp nhận được.

GS. Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh Thu Hòe)

- Những giáo viên có liên quan trực tiếp đến vụ gian lận, vi phạm quy chế thi nghiêm trọng tại Đồi Ngô “biện minh” cho việc làm của mình là vì “tình thương học trò”. Với tư cách một người thầy, GS đánh giá như thế nào về “tình thương” của những giáo viên này?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi có đọc một số phát biểu của những giáo viên vi phạm quy chế thi tại Trường THPT DL Đồi Ngô. Tối lấy làm ngạc nhiên khi thấy các thầy cô này không những không nhận ra lỗi lầm nghiêm trọng của mình mà còn có những lời biện minh rất … vô cảm. Có giáo viên thản nhiên “coi đó như tai nạn nghề nghiệp” (?!!). Giáo viên như vậy thì không còn sửa được nữa.

Còn lập luận “thương học trò” thì dường như đã quá phổ biến. Ngay cả ở trường ĐH, tôi thấy các thầy chấm đề tài tốt nghiệp (khoá luận, luận văn, luận án) cho sinh viên, nghiên cứu sinh đều cho điểm cao vống lên. Các sai sót cố tình bị bỏ qua, bị xem nhẹ. Một số thầy còn tâng bốc những đề tài yếu kém, phi khoa học. Khi bị phát hiện, những giảng viên này cũng thường biện minh là vì “thương học trò”.

Giáo viên nhận thức như vậy là rất kém! Thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đề tài tốt nghiệp là để đánh giá đúng trình độ của người học. Nó vừa là căn cứ giúp người học nhìn lại chỗ mạnh chỗ yếu của mình, vừa là căn cứ để tuyển chọn người học vào các bậc học cao hơn hoặc vào các vị trí công tác nhất định. Bao che cho học sinh bằng tình thương như vậy là làm hại học sinh, bởi điều đó khiến các em cứ suốt đời yên tâm với một trình độ giả hoặc bị tiêm nhiễm những thói gian dối. Hại cho việc chung, mà cũng hại cho chính bản thân các em.

- Giáo sư nghĩ gì về những lời nói dối? Theo Giáo sư, căn nguyên sâu xa của thói dối trá trong xã hội hiện nay là gì?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Ở đời, có những lời nói dối vô hại, có thể chấp nhận được. Ví dụ, đáp lời chào: “Đi đâu đấy?”, người ta không nhất thiết phải nói thật, nhất là trong những trường hợp tế nhị. Hay, bác sỹ có thể không nói hết sự thật với bệnh nhân và trong không ít trường hợp, điều đó có tác dụng động viên bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Đối với bí mật công tác, bí mật quốc gia, người ta cũng không thể thật thà như đếm được…

Thế nhưng, nói dối trong hầu hết các trường hợp là một điều tối kị. Từ nói dối nhỏ sẽ dẫn đến nói dối lớn và hình thành sự thiếu trung thực trong tính cách. Đó là điều rất nguy hiểm!

Thói nói dối trong xã hội ngày nay đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Mọi người đều tham gia nói dối và chấp nhận nói dối. Nói dối từ những bản báo cáo tô hồng thành tích, giấu giếm khuyết điểm; nói dối khi làm việc với dân, trả lời báo chí… Có vị hôm trước trả lời chất vấn tại Quốc hội thế này, mấy hôm sau, qua chất vấn rồi lại lập tức cải chính. Xã hội nhan nhản những sự nói dối nên nhà trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trẻ em ngày nay nói dối nhiều hơn, nói dối giỏi hơn. Bởi lẽ, ngay từ khi còn nhỏ các em đã chứng kiến những người lớn xung quanh mình nói dối nhau như thế nào, thậm chí các em còn được tham gia vào những việc tiêu cực như đi cùng bố mẹ đến quà cáp thầy cô, phong bì phong bao để nâng điểm số, nâng kết quả học tập lên cao… Từ những chuyện nhỏ như vậy, trẻ em dần dần “tập nhiễm”thói nói dối, để rồi nói dối trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” (không phải chỉ ở huyện Lục Nam).

- Xin hỏi Giáo sư, đã bao giờ ông nói dối chưa?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Nhìn lại từ bé đến lớn, những lời nói dối nho nhỏ, vô hại thực là khó tránh. Thế nhưng, từ khi có ý thức trở thành người lớn thì không bao giờ tôi nói dối và không chấp nhận được nói dối. Tôi nghĩ không ai có thể bắt buộc mình nói mọi điều mình biết, mình nghĩ; nhưng đã nói ra thì đó phải là sự thật. Tôi nhớ mãi năm 1977, trước khi đi học nước ngoài, tôi đến chào GS Nguyễn Tài Cẩn. Trong nhiều điều thầy chỉ bảo, tôi nhớ nhất lời thầy căn dặn, nhớ cho đến tận bây giờ: “Người Âu thường thẳng tính. Họ ghét nhất là nói dối. Mình nói dối một lần, người ta biết thì khó mà lấy lại niềm tin được nữa”.

- Theo Giáo sư, việc giáo dục suy nghĩ, tư tưởng, lối sống, nhân cách cho học sinh trong nhà trường hiện nay đã được quan tâm đến nơi đến chốn hay chưa?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Nếu nói về chương trình, sách giáo khoa và các hoạt động của nhà trường thì nội dung giáo dục tính trung thực là rất phong phú… Thế nhưng, hành động và cách ứng xử thực tế của giáo viên không phải bao giờ cũng đồng hướng với chương trình, sách giáo khoa và các cuộc vận động. Việc giáo viên ép học sinh đi học thêm, đòi hỏi hoặc chấp nhận quà cáp, phong bì với mục đích không lành mạnh từ phụ huynh, nâng điểm, hạ điểm vô lí, hay tiếp tay cho gian lận thi cử như ở Trường THPTDL Đồi Ngô rõ ràng là đi ngược với mục tiêu giáo dục. Thầy, cô chỉ một lần làm như vậy thì uy tín sẽ sụp đổ hết, mọi điều hay ho trong chương trình, sách giáo khoa sẽ trôi tuột như “nước đổ lá khoai”.

Cùng với nhà trường, giáo dục gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, vì ngoài 4, 5 tiếng ở trường, phần lớn thời gian học sinh sống ở nhà. Muốn con cái ngoan ngoãn, bố mẹ và người lớn trong gia đình phải là tấm gương. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ một cách đơn giản là những lời nói và hành vi không trung thực của mình, nếu có, cũng chỉ làm lợi cho gia đình, con cái và con cái không mấy khi để ý hoặc có để ý cũng khó nhận ra. Ít ai nhận thức được rằng những lời nói dối của bố mẹ sẽ khiến đứa trẻ thấy những lời nói thật là những điều vớ vẩn, coi chuyện nói dối là chuyện bình thường và sẽ áp dụng thói quen đó trong mọi trường hợp.

- Giáo sư nghĩ sao khi các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, các hoạt động ngoại khóa… lại bị xem là các môn học phụ, các hoạt động phụ bên lề chương trình học?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Người ta quan niệm như vậy vì đang “thực dụng” quá! Nhiều phụ huynh và giáo viên muốn con cái hoặc học trò mình giỏi những môn “chính” để thi vào được các trường chuyên, lớp chọn, các trường ĐH lớn, vào các chuyên ngành “hot” dễ kiếm tiền… Họ coi tất cả các môn học nhằm giáo dục đạo đức, tư tưởng, các hoạt động ngoại khóa là những môn học, những hoạt động “phụ”, không đáng để mất thời gian. Vào cuối năm, cuối cấp, nhiều trường còn cắt bỏ các môn học, các hoạt động “phụ” để tập trung dạy những môn “chính” phục vụ thi.

- Chúng ta cần làm gì để khắc phục thói dối trá trong môi trường học đường, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Vẫn là yếu tố con người. Thầy tốt sẽ có trò tốt…

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian chia sẻ cùng Báo Giáo dục Việt Nam!



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6635

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn