Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Phải thay đổi toàn diện môn sử
07/02/2013

Học sinh (HS) chán sử, không mấy hứng thú khi nhắc đến bộ môn này là chuyện đã ngốn không ít giấy mực trong nhiều năm qua, nguyên nhân thì đã rõ, song hướng giải quyết vẫn chưa có.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã:Tôi đã từng dạy môn phương pháp dạy học lịch sử tại một lớp của Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn) trên dưới 100 SV. Có năm có tới 20 SV đầu vào với điểm môn sử từ 3 trở xuống. Điều đó cho thấy đầu vào của các trường ĐH-CĐ yếu như thế thì chúng tôi giỏi cách mấy cũng khó đào tạo thành người thầy có khả năng dạy tốt môn sử. Gần đây có thể khả quan hơn song vẫn tồn tại tình trạng HS phổ thông giỏi chưa mặn mà thi vào sư phạm, nhất là ngành sử. Hiện nay HS phổ thông chán học môn sử là một thực tế không ai chối cãi. Song làm cách nào để cải thiện tình trạng trên thì vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Phải nói thật, hiện nay thầy cũng dạy đối phó mà trò cũng học đối phó!

Nguyên nhân thì rất nhiều song phải nói cả hệ thống giáo dục của ta không dựa vào sở thích, sở trường… Từ dạy đến học cũng như chuẩn bị vào đời, xã hội cũng không mấy quan tâm lựa chọn những người có sở trường, sở thích!

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

- Vậy theo tiến sĩ, làm thế nào để HS hứng thú với môn học này ngay từ đầu?

Theo tôi, không chỉ môn sử mà bất kỳ một môn nào, buổi học đầu tiên là rất quan trọng. Người thầy phải làm sao lôi cuốn HS thích thú môn học và chuẩn bị để HS sẵn sàng tham gia vào bài giảng, tham gia hoạt động với kế hoạch HS tự học, tự nghiên cứu là chính. HS thích thú với môn học đó là nhờ vào kỹ năng tạo hứng thú của người thầy và kế hoạch cụ thể của giáo viên, lôi cuốn HS tham gia tích cực vào bài giảng cũng như tự học, tự nghiên cứu là chính với những hoạt động rất cụ thể.

Theo đó, về tích cực tham gia bài giảng không những phải thay đổi cách dạy học bằng những phương pháp hoạt động như đàm thoại, kịch đóng vai, phương tiện nghe nhìn… mà còn phải dành thời gian nhiều cho HS thuyết trình và chính các em là người tham gia phản biện. Các đề tài thuyết trình phải cho các em tự chọn, không áp đặt. Khi HS đã ham thích, thì đừng coi thường HS. Trước năm 1975, tôi đã từng dạy HS lớp 8, 9 có những nhóm soạn bài thuyết trình hơn 20 trang đánh máy. Về kế hoạch hoạt động, không thể thiếu tổ chức tham quan di tích lịch sử, văn hóa cũng như kế hoạch sưu tầm tư liệu theo chuyên đề hay kế hoạch làm phim, sưu tầm ảnh…

- Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng nội dung sử của ta quá khô là nguyên nhân chính dẫn đến chán sử, tiến sĩ nghĩ sao?

Theo tôi, trước hết phải thật sự thay đổi định hướng mục tiêu giáo dục nói chung và của môn lịch sử nói riêng, từ đó sẽ đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học… Thực tế chương trình sử của ta đặt nặng sử hiện đại, tuyên truyền chính trị nhiều làm cho chính trị và lịch sử gần nhau, chuyên môn ít đi. Cứ tưởng làm vậy sẽ có hiệu quả giáo dục nhưng ngược lại rất phản cảm.

Khi viết sử trong chương trình học phải trọn vẹn, hợp lý. Lịch sử có hiện tượng, có sự kiện nhưng cũng nên chọn lọc kỹ. Sử của ta thiếu con người cụ thể và cả sự kiện. Sự kiện lịch sử thì phải đầy đủ các yếu tố như ai, cái gì, ở đâu, khi nào, thế nào, tại sao? Lịch sử rất là sống động từ chiến tranh đến xây dựng, song chúng ta đang quá đơn giản hóa, khiến lịch sử thiếu hấp dẫn.

- Mềm hóa môn sử trong lúc này là cần thiết nhưng phải làm cách nào thưa tiến sĩ?

Trước hết, đào tạo người giáo viên phải là người yêu sử, say mê truyền đạt sử. Để không còn cách dạy đối phó, nên khuyến khích giáo viên tự tìm cách thu hút HS tham gia bài giảng như hướng dẫn các em đọc trước sách giáo khoa, tự tìm tài liệu bổ sung từ sự kiện lịch sử hoàn chỉnh đến những mẩu chuyện lịch sử hấp dẫn hay những hình ảnh, phim lịch sử vốn đã có. Như ở trên đã nói, không riêng môn sử mà ở từng môn học ngay từ bậc tiểu học, giáo viên phải tạo ra hứng thú để kích thích HS tự học, rèn luyện nhiều kỹ năng sống. Có nền tảng đó thì học hết tiểu học, các em có được sự tự tin, chủ động trong việc học. Mỗi giáo viên phải tự xây dựng cho mình phương pháp dạy học hoạt động, không phải là những hoạt động ngoại khóa mà phải đồng hành với chương trình hay nằm trong chương trình học chính khóa.

- Là nhà sử học, tiến sĩ nhìn nhận thế nào về nhân sự chuyên môn trong những năm gần đây?

Dạy về phương pháp dạy học lịch sử suốt gần 20 năm (1981-2000), tôi thấy SV ngành sử của mình khi ra trường làm việc đúng chuyên môn không bao nhiêu. Trong khi đó, người dạy sử hiện nay không phải ai cũng yêu sử, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy. Hiện nay chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng dạy và học theo kiểu đối phó như đã nói ở trên. Ở các nước tiên tiến, ngay từ lúc còn nhỏ, giáo viên đã trang bị cho HS những kỹ năng sống, giúp HS hứng thú với môn học và ngành học sẽ chọn sau này. Trong khi đó, giáo dục của ta chưa thật sự quan tâm tạo hứng thú cho HS ở môn học, chuẩn bị vào đời, nhất là về kỹ năng sống thì lại chưa có, thiệt thòi ấy thuộc về các em HS.

- Tham gia nhiều công trình nghiên cứu giảng dạy và tiếp cận với phương pháp dạy sử tiên tiến của nước ngoài, tiến sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp HS hứng thú hơn với bộ môn này?

Đi quan sát các nước, chẳng hạn như ở Mỹ, tôi thấy lịch sửlớp 11 học về lịch sử nước Mỹ trong đó có phần chiến tranh Việt Nam; sách giáo khoa khổ lớn in rất đẹp hơn 1.600 trang có phần chiến tranh Việt Nam. Tôi có cuốn phim do chính nhóm HS dàn dựng. Trong đó, diễn viên là bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Các em làm được như vậy coi như đã khái quát được tất cả thông tin, con người, sự kiện trong phần chiến tranh Việt Nam… Dĩ nhiên các HS ấy đã đọc rất kỹ nội dung sách giáo khoa và còn tham khảo sách báo khác nữa. Đó là điểm nhấn của môn học, lôi cuốn các em đến với sử một cách tự nhiên và sâu sắc bằng niềm say mê thích thú.

Ở Việt Nam, HS có thể làm được điều này nhưng giáo viên chưa được “mở” với nhiều sáng tạo khác nữa trong cách dạy sử. Để tạo bước đệm, ngay từ bậc tiểu học, các em phải có khả năng sưu tầm tài liệu, thuyết trình, ca hát, múa… trước tập thể lớp hoặc toàn trường. Muốn làm được điều này một cách hiệu quả, giáo viên phải có kỹ năng giúp các em thực hành. Sau khi có kết quả sẽ nhân rộng mô hình ấy.

- Theo tiến sĩ, cần có những định hướng nào để HS không “quay lưng” với sử?

Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi toàn diện, từ định hướng, mục tiêu giáo dục đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, có thể mời các chuyên gia giáo dục nước ngoài và cử các cán bộ, du HS học về giáo dục học chuyên môn các mặt trong đó có môn sử. Cần phải xem lại lâu nay ta nói nhiều đến cải cách nhưng có thật sự chúng ta đã cải cách, đổi mới chưa hay vẫn còn giáo dục từ chương… Bên cạnh việc thay đổi về nhân sự đào tạo môn sử, chúng ta cần làm ngay cuộc cách mạng giáo dục nói chung và môn sử nói riêng. Nếu chỉ làm theo kiểu như lâu nay, tôi vẫn cho là muối bỏ bể. Cuộc cách mạng giáo dục ấy phải gắn với yêu cầu thực tế của xã hội ngày nay.

- Để đẩy mạnh giáo dục HS về lịch sử biển đảo, chúng ta phải làm gì thưa tiến sĩ?

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và cũng đặt câu hỏi sao trong sách sử không có nội dung này? Theo tôi, đem lịch sử biển đảo, chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa vào chương trình học chính khóa của một số môn học từ tiểu học qua trung học từ lịch sử, địa lý, văn… là điều tối cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc về nội dung. Trước mắt là bắt đầu chương trình sinh hoạt ngoại khóa các khối lớp và môn lịch sử địa phương của 27 tỉnh thành có bờ biển…

Xin cám ơn tiến sĩ!



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6990

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn