Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

NGƯỜI THẦY TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
07/06/2007

Hoàng Tụy

Xã hội ta từ xưa đã có truyền thống tôn sư trọng đạo. Những bậc thầy như Chu Văn An thời nào cũng đựợc nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng. Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt mấy chục năm trước đây, khó khăn trăm bề, mà ngành giáo dục vẫn hoạt động có hiệu quả, xứng đáng là bông hoa đẹp của đất nước, cũng là nhờ cái tinh thần trọng thầy, ham học, chuộng tri thức của người dân.

Thế nhưng, từ vài chục năm lại đây, cùng với những khó khăn kinh niên của giáo dục, vị thế người thầy trong xã hội ta xuống thấp đáng lo ngại. Tất nhiên ngày nay, hoàn cảnh xã hội, điều kiện giảng dạy, học tập, đã khác trước nhiều thì những quan niệm về người thầy cũng phải thay đổi, không thể cứ giữ mãi những khuôn mẫu cứng nhắc của mấy chục năm về trước. Nhiều vấn đề mới xuất hiện cần phải được nghiên cứu, xem xét, nhìn nhận lại, để kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách cho thích hợp. Trong đó đặc biệt quan trọng là nhận thức về người thầy trong nhà trường hiện đại. Tôi nói nhà trường hiện đại vì muốn hiện đại hóa đất nước thì phải bắt đầu bằng việc hiện đại hóa giáo dục, không thể tiếp tục để cho nhà trường tụt hậu thêm nữa.

Có người cho rằng, do sự bùng nổ cách mạng công nghệ thông tin, hàng lọat phương tiện kỹ thuật ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học, thì vị trí ông thầy lui dần xuống hàng thứ yếu, hay ít ra người thầy không còn giữ vai trò quyết định then chốt trong nhà trường như trước đây nữa. Ý kiến này mới nghe xem ra có lý, nhưng đã không được khoa học và kinh nghiệm thưc tiễn xác nhận. Trong số các nghiên cứu khoa học đáng chú ý về vấn đề này có công trình của J. Hattie (1) trong đó, dựa trên những dữ liệu về hơn 50 triệu học sinh mọi lứa tuổi và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, và dùng phương pháp phân tích nhân tố để khảo sát ảnh hưởng tương đối của các yếu tố khác nhau đến chất lượng giáo dục, như: trình độ, khả năng tiếp thu, tinh thần ham học của người học, năng lực, phương pháp giảng dạy của thầy, chất lượng và sự phong phú các phương tiện hỗ trợ học tập, đặc biệt là về công nghệ thông tin, v.v… tác giả đã đi đến kết luận là ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy. Thầy giỏi vẫn là nhân tố quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại.

Cũng có người nghĩ rằng theo phương pháp sư phạm tiên tiến phải lấy học sinh làm trung tâm, đề cao việc tự học, phát huy tối đa tính tích cực tự giác của học sinh, cho nên học sinh chứ không phải thầy giáo là nhân vật trung tâm trong nhà trường. Thật ra các yêu cầu vừa nói về phương pháp giáo dục tiên tiến đã được nêu ra từ nhiều thế kỷ trước, sở dĩ gần đây được nhấn mạnh đặc biệt là do bước vào kinh tế tri thức việc rèn luyện tính năng động sáng tạo cho học sinh được nhìn nhận là cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đó chỉ là nói nhiệm vụ của thầy, những việc thầy cần làm, các phương pháp thầy cần áp dụng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, chứ không phải vì những việc ấy mà giảm nhẹ vai trò của thầy. Chính vì thế trong một tài liệu giới thiệu khá đầy đủ về phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm (2), tác giả R. Batliner đã khẳng định ngay ở trang đầu: “giáo viên là yếu tố chủ chốt quyết định việc dạy và học có chất lượng”. Mà cũng dễ hiểu thôi: lọai trừ những trường hợp xuất chúng đặc biệt, còn đối với số đông học sinh, từ tiểu học cho đến đại học, muốn phát huy và phát triển nội lực mà không có thầy giỏi thì làm sao được. Đành rằng khi đã có thầy tốt thì đối với mỗi học sinh, kết quả học tập phụ thuộc chủ yếu vào cố gắng của bản thân, song khi bàn đến chất lượng giáo dục thì phải xem xét cái phần gia tăng của nội lực nhờ tác động của giáo dục mà phát huy và phát triển thêm được, cái đó mới là thước đo chất lượng, hiệu quả của giáo dục, chứ không phải bản thân cái nội lực sẵn có của học sinh. Cho nên, dù có nhiều cách học không cần có thầy trực tiếp, song theo kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như của nhiều người đã từng tự học là chính, thì cách học hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, công sức nhất, vẫn là học với thầy giỏi. It ra có thầy giỏi thì tránh được những đường vòng không cần thíết và đỡ mất công mò mẫm tìm hướng đi giữa các rừng kiến thức. Đương nhiên thầy không phải là nhân tố quyết định duy nhất, nhưng xét cho kỹ có thể nói không có nhân tố đơn lẻ nào quan trọng hơn.

Sứ mạng của nhà trường, của thầy là phải thông qua giáo dục mà đánh thức cái tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực đó của họ. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. Thầy không chỉ dạy cho học sinh học, mà còn phải từng bước dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu, phát hiện ra điều mới, và ở bậc đại học hay nghiên cứu thì tập dượt sáng tạo ra tri thức mới, nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.

Gần đây cũng có ý kiến cho rằng không phải thầy, mà chương trình đào tạo mới là yếu tố quyết định nhất đối với chất lượng đại học. Nếu quả vậy thì vấn đề chất lượng đại học quá đơn giản, vì chỉ cần cải tiến chương trình đào tạo, thậm chí bê nguyên xi chương trình đào tạo của một trường nổi tiếng ở nước ngoài vào là giải quyết được. Tiếc thay không có thầy giỏi thì làm sao xây dựng được và thực hiện được chương trình đào tạo tốt. Có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất các đại học của ta mới không xem trọng trình độ, năng lực thực tế của đội ngũ thầy giáo và do đó trong hàng chục năm không hề đặt nặng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn thầy giáo, mặc dù sự hụt hẫng của đội ngũ này đã được báo động từ lâu. Trong khi đó thì tuyển chọn và công nhận GS, PGS làm rất tắc trách, gây thêm nhiều lo lắng cho chất lượng đại học. Còn ở các nước tiên tiến thì trái lại họ đặt tất cả uy tín, danh tiếng (chứ không phải “thương hiệu”, như một số người bắt đầu nói đến) của một đại học trước hết vào việc xây dựng một đội ngũ giảng dạy có chất lượng, trình độ cao. Chỉ cần biết có bao nhiêu giáo sư nổi tiếng dạy ở một trường là đủ cho người ta tin tưởng trường đó, không phải vì người ta ít quan tâm chương trình đào tạo mà vì người ta cho rằng có nhiều thầy giỏi thì mới có chương trình đào tạo tốt. Còn không có thầy giỏi thì dẫu chương trình đào tạo hay bao nhiêu họ cũng tin rằng chất lượng đào tạo chẳng ra gì (tất nhiên không loại trừ cá biệt có sinh viên học trường đó mà vẫn rất giỏi). Cái điều đơn giản này mà chúng ta còn mơ hồ thì e rằng sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là nhiều đại học tụt dần xuống “phổ thông cấp 4” như nhiều người đang lo ngại.
Tóm lại, câu nói : “không thầy đố mầy làm nên”, cũng như “học thầy không tầy học bạn” đều có phần chân lý của nó và đều không nên hiểu một cách cực đoan, máy móc. Bất kể thế nào, không có thầy giỏi, về cả hai mặt năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, thì khó có thể có một nền giáo dục thật sự có chất lượng, dù cho người học thông minh, có đầy đủ nội lực, và dù cho chương trình đào tạo tiên tiến.

Như vậy muốn có thầy giỏi, thầy ra thầy, trong nhà trường hiện đại thật không dễ chút nào. Càng không dễ trong một xã hội và một thế giới đang chuyển biến chóng mặt, ở đó nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, nhiều quan niệm mới hôm qua còn được chấp nhận, hôm nay đã có thể không còn thích hợp nữa. Trong lúc đó mục tiêu giáo dục không phải chỉ nhằm đào tạo con người làm ngay được một nghề nghiệp, một công việc cụ thể trước mắt mà còn phải nhìn xa hơn, đào tạo những con người có khả năng thích ứng linh họat với những hoàn cảnh, những nghề nghiệp, những công việc luôn luôn thay đổi sau này, những con người thạo việc, năng động, sáng tạo, biêt lo cho bản thân, cho cộng đồng, đồng thời cũng là những công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

Kỳ vọng của xã hội đối với người thầy như thế cao quá chăng ? Đúng là vậy, song tôi nghĩ chỉ khi nào một xã hội có can đảm đặt lên vai người thầy một sứ mạng rất trọng đại, và làm hết trách nhiệm của mình để tạo điều kiện đầy đủ cho người thầy thực hiện sứ mạng đó thì khi ấy xã hội mới không còn phải lo lắng nhiều đến tương lai. Còn trái lại, kỳ vọng quá thấp ở người thầy, hoặc chỉ biết đòi hỏi mà không chăm lo một cách có trách nhiệm để cho thầy có đủ điều kiện vật chất và tinh thần làm trọn sứ mạng cao cả của mình, thì chưa biết các thế hệ đời sau sẽ nghĩ gì về thế hệ hôm nay.

Nhân ngày Nhà Giáo tôi xin gửi gắm mấy suy nghĩ và vài lời tâm sự với các bạn đồng nghiệp gần xa. Mặc dù kỳ vọng rất cao ở đội ngũ thầy giáo của chúng ta và rât tin tưởng ở tiềm lực cũng như tâm huyết của đội ngũ ấy, trong lòng tôi vẫn day dứt một câu hỏi: khi nào thì các khó khăn của các thầy, các cô mới được thông cảm và tháo gỡ hết, có cách gì để tâm huyết và tài năng của các thầy, các cô, không bị lãng phí vào những chuyện phi lý mà tôi tin chắc phần lớn các thầy, các cô đều không mong muốn, để tất cả chúng ta cùng chung sức chấn hưng giáo dục, vì tương lai con em, vì đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta ?

________________________________________
(1) J. Hattie, Measuring the Effects of Schooling, Australian Journal of Education, Vol. 36 (1992), trang 5-13.
(2) R. Batliner, Sổ tay phương pháp luận dạy học của Chương trình hỗ trợ LNXH, Swisscontact, 2002, trang A3.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=959

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn