Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Môn tin học trong nhà trường phổ thông (Tiếp theo)
01/03/2006

III. Phương pháp và cách tiến hành giảng dạy môn Tin học
Tin học là một môn học mới, không những đối với chúng ta mà còn mới với cả thế giới. Không có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy môn học này tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong phần này sẽ trình bày một vài suy nghĩ của tác giả về cách giảng dạy môn học này trong trường phổ thông, lý thuyết cũng như thực hành.

A. Phương pháp giảng dạy lý thuyết

Tin học là một môn học mang tính Khoa học và Ứng dụng điển hình. Bên cạnh các khái niệm mang nhiều ý nghĩa khoa học và khá trừu tượng như thông tin, cấu trúc file và thư mục, hệ điều hành, chúng ta thấy định hướng ứng dụng rộng khắp của máy tính bao gồm phần cứng và phần mềm. Các ứng dụng của máy tính bao phủ rộng lớn trong mọi ngành nghề và len lỏi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Bên cạnh việc phải hiểu các khái niệm, ý nghĩa của vấn đề mang thuần túy tính 'Tin học' thì để hiểu sâu các ứng dụng còn cần phải có hiểu biết các kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân các ứng dụng này. Phần lớn các ứng dụng của Tin học đòi hỏi các kỹ năng thao tác và thực hành chuẩn xác và hiểu biết chuyên ngành không thuộc Tin học.
Với những nhận xét trên, việc giảng dạy lý thuyết môn Tin học đòi hỏi sự linh hoạt rất cao của các giáo viên. Không thể áp đặt kiến thức của giáo viên hay sách giáo khoa làm chuẩn. Với Tin học một khái niệm có thể có nhiều định nghĩa và nhiều cách hiểu khác nhau. GV cần chú ý đến cái lõi của kiến thức, đến kỹ năng sử dụng phần mềm và kết quả cuối cùng của bài làm học sinh.

Phương pháp giảng dạy theo module
Môn tin học có một đặc thù khá rõ nét là chương trình được chia thành các module tương đối độc lập với nhau. Ví dụ có các module: Hệ điều hành, Soạn thảo văn bản, Bảng tính điện tử, Lập trình Pascal, Cơ sở dữ liệu,... Mỗi module như vậy sẽ có một đặc thù riêng trong cách giảng dạy lý thuyết và thực hành. Giáo viên cần hiểu và phân biệt rõ các đặc thù này. Không thể áp dụng chung một cách dạy cho tất cả các module chương trình. Tùy theo từng module kiến thức mà các phương pháp giảng dạy có thể rất khác nhau. Ví dụ với module Hệ điều hành, việc giảng chủ yếu thông qua lý thuyết trình bày các khái niệm và cho học sinh quan sát, thao các cụ thể bằng chuột và bàn phím. Với module Soạn thảo văn bản, các thao tác cụ thể là quan trọng nhất. Với module Lập trình Pascal, điều quan trọng cần truyền đạt là tư duy thuật toán, minh hoạ bằng lập trình cụ thể trên máy tính.

Không bao giờ bắt học sinh học thuộc lòng các định nghĩa, khái niệm của sách giáo khoa
Việc bắt học sinh học thuộc lòng các định nghĩa, khái niệm ghi trong sách giáo khoa, bản thân việc này đã là rất phản giáo dục rồi. Tuy nhiên đối với môn Tin học, công việc này lại càng không cần thiết. Tin học là một môn học với đặc tính công nghệ cao, các khái niệm đi liền với công nghệ và thay đổi rất nhanh. Những khái niệm rất cơ bản như thông tin, khái niệm tệp, thư mục, khái niệm bộ nhớ, mạng máy tính đều đã thay đổi rất nhiều. Có lẽ ngày nay không có một chuyên gia máy tính nào có thể khẳng định rằng mình có thể đưa ra một định nghĩa chính xác về, chẳng hạn, khái niệm mạng Internet.

Mô tả khái niệm lý thuyết bằng tình huống, hình ảnh và thao tác trên máy tính
Như vậy việc kiểm tra kiến thức lý thuyết của môn Tin học cần được tiến hành một cách thận trọng thông qua các câu hỏi tình huống, các thao tác cụ thể trên máy tính. Có thể lấy 1 ví dụ nhỏ: khi hỏi về khái niệm Tệp, Thư mục học sinh không cần học thuộc lòng định nghĩa trong sách. Giáo viên sẽ đưa ra các tình huống, câu hỏi và học sinh trả lời, ví dụ: Trên màn hình Data là tệp hay thư mục? Thư mục IMAGES có nằm trong thư mục DATA không? Những câu hỏi tình huống như vậy vừa là các gợi ý vừa là cách tốt nhất để học sinh hiểu rõ hơn các khái niệm.

Tổ chức thảo luận theo nhóm
Trên lớp GV cần tổ chức học sinh theo các nhóm, mỗi nhóm khoảng từ 2 đến 10 học sinh. Nhiệm vụ của các nhóm là:
- Cùng nhau bàn luận, trao đổi để tìm ra được lời giải của câu hỏi hoặc bài tập mà giáo viên đưa ra trên lớp.
- Cùng nhau thảo luận, tranh cãi về một chủ đề nào đó do GV đưa ra.
- Cùng tiến hành thực tập một bài thực hành theo chương trình hoặc do GV cung cấp.
- Cùng nhau thực hiện một đề tài, một nghiên cứu, lập trình, giải một bài toán khó hoặc một bài tập lớn.

B. Cách tổ chức thực hành

Có thể tổ chức công việc thực hành trên lớp theo các cách sau:
Mức 1: GV đề nghị HS thực hành tại chỗ dưới sự giám sát trực tiếp của GV để kiểm tra kỹ năng và sự hiểu bài của HS.
Mức 2: Học sinh làm các bài tập trong sách giáo khoa và GV kiểm tra kết quả ngay trên máy của học sinh.
Mức 3: Giáo viên ra các đề bài (có thể nhỏ hoặc lớn) để học sinh làm và thực thi ngay trên máy tính. Có thể tiến hành theo từng cá nhân học sinh hoặc theo nhóm. GV tiến hành kiểm tra tại chỗ trên máy tính.
Mức 4: GV ra một đề bài (hoặc một bài tập lớn), HS được làm và thực hành cá nhân hoặc theo nhóm. GV không quan tâm đến quá trình và cách tiến hành, chỉ quan tâm đến kết quả công việc của HS. Bài thực hành có thể làm tại lớp hoặc ở nhà, có thể kéo dài một vài ngày hoặc tuần lễ.

C. Đánh giá và kiểm tra kỹ năng

Đối với Chương trình môn Tin học, cả hai dạng kiến thức Lý thuyết và Kỹ năng thực hành đều quan trọng ngang nhau. Do đó việc đánh giá học sinh sẽ được tiến hành trên cả 2 mặt trên, mỗi mặt là 50% điểm số.
Công việc đánh giá và cho điểm học sinh cũng được tiến hành như đối với các môn học khác, có đánh giá thường xuyên bằng các điểm miệng, 15 phút hay tương đương là đánh giá thực hành ở mức 1 và 2. Đối với các bài kiểm tra lý thuyết 1 tiết thì tương đương sẽ là đánh giá các công việc thực hành ở mức 3 và 4. Các bài thực hành ở mức 4 có thể tương đương hoặc thay thế bài kiểm tra cuối học kỳ.
Bảng tổng kết và so sánh các phương pháp đánh giá, kiểm tra môn Tin học.



IV. Cài đặt phần mềm dùng để học và dạy tin học

Việc cài đặt phần mềm trong máy tính rất quan trọng vì nó quyết định các thao tác thực hành cụ thể để dẫn đến việc hiểu được kiến thức của môn học. Theo nội dung chương trình của môn Tin học (chuyên ban, kỹ thuật), máy tính của giáo viên và học sinh có thể cần:
- Hệ điều hành MS-DOS.
- Trình tiện ích NC.
- Hệ điều hành Microsoft Windows 98, 2000 hoặc cao hơn.
- Bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office 2000 (Word, Excel, PowerPoint, Access).
- Một số phần mềm hoc gõ 10 ngón.
- Phần mềm gõ tiếng Việt (8 bit hoặc Unicode).
- Phần mềm học lập trình Pascal (Turbo Pascal hoặc Free Pascal).
Tuy nhiên trong điều kiện thực tế rất khó có thể cài đặt đồng bộ các phần mềm trên trong một máy tính PC. Tại thời điểm hiện tại phần lớn các máy PC tại Việt Nam đều đang cài đặt hệ điều hành Windows 2000/XP/2003. Bộ phần mềm Microsoft Office 2000/XP/2003. MS-DOS đã hầu như không còn ai dùng nữa. Trình tiện ích NC (for DOS) cũng trở nên rất hiếm. Sau đây là một vài gợi ý cho các nhà trường, các giáo viên trong việc chuẩn bị cài đặt hệ điều hành và các phần mềm phục vụ giảng dạy Tin học theo sách giáo khoa hiện hành.

Phương án 1: Tương thích cao nhất với chương trình
Cấu hình:
Các máy tính của giáo viên và học sinh đều cài đặt Windows 98, MS Office 2000. Bộ chương trình NC được cài đặt tại một thư mục đã định trước của đĩa cứng. Phần học và thực hành DOS có thể tiến hành từ đĩa mềm khởi động được (thông qua ổ đĩa A:) hoặc thông qua giao diện dòng lệnh của Windows (MS-DOS 7.x).
Nhận xét:
Với cấu hình cài đặt trên, hầu hết các bài giảng của chương trình sẽ được thực hiện khá thuận lợi và phù hợp tốt với tài liệu tham khảo. Riêng phần MS-DOS sẽ không thể thực hiện hoàn hảo. Tuy nhiên phương án này có một nhược điểm lớn là toàn bộ cấu hình phần mềm trên máy tính đều lạc hậu so với thực tế và do vậy rất khó thực hiện được đồng bộ.

Phương án 2: Tương thích trung bình
Cấu hình:
Hệ điều hành máy tính cài đặt dual boot MS-DOS/Windows 2000/XP. Ví dụ MS-DOS (6.x) được cài đặt vào đĩa C:, Windows XP (hoặc 2000) cài đặt vào ổ đĩa D:. MS Office cài đặt như bình thường. NC cài đặt trên nền DOS. Một cấu hình như vậy là hợp lý.
Nhận xét:
Cấu hình trên là tương đối hợp lý cho việc triển khia giảng dạy theo chương trình mà không bị lạc hậu so với mặt bằng chung. Phần kiến thức của Windows được giảng dạy trên nền Windows 2000/XP không ảnh hưởng lắm đến việc truyền đạt cũng như tiếp thu kiến thức. Phần kiến thức MS-DOS được minh họa trực tiếp trên nền DOS. Do vậy phương án này là khá tối ưu trong trường hợp các nhà trường Việt Nam.

Phương án 3: Tương thích công nghệ
Cấu hình:
Máy tính cài đặt một hệ điều hành Windows bất kỳ, có thể là Windows 98/2000/XP/2003. Trên nền này cài đặt bộ MS-Office để giảng dạy phần Tin học văn phòng. Trên máy tính cài đặt một phần mềm mô phỏng máy ảo, ví dụ Virtual PC (của Microsoft) hay VMware Workstation (của VMware). Cả hai phần mềm này đều có chức năng mô phỏng một PC với hệ điều hành khác (ảo) bên trong máy tính hiện thời. Do đó toàn bộ phần kiến thức MS-DOS có thể được triển khai giảng dạy trên nền máy ảo này.
Nhận xét:
Đây là phương án khá tối ưu dùng để triển khai giảng dạy môn Tin học theo chương trình đã thiết kế. Điều khó khăn nhất của phương án này là việc cài đặt phần mềm máy ảo. Công việc này đòi hỏi kiến thức công nghệ thông tin tương đối cao và việc bảo trì cho hệ thống làm việc khá phức tạp.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=96

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn