Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Diễn đàn dành cho phụ huynh: Nhà trường là của ai?
11/06/2007

Nguồn: http://www.vietimes.com.vn/vn/giaoduc/563/index.viet
VTO - Một câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn nhưng lại vô cùng quan trọng đối với tất cả các trường học của mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam. Có bao nhiêu nhà quản lý giáo dục, bao nhiêu thầy cô giáo và bao nhiêu phụ huynh chúng ta đã đặt câu hỏi này?


Theo tôi, khi đặt câu hỏi này là chúng ta đặt câu hỏi về bản chất của một nền giáo dục. Trước khi đề cập những hiện thực của trường học ở Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng: trường học ở Việt Nam là của các thầy cô giáo. Nói vậy, không ít người sẽ “ồ” lên: Không của các thầy cô thì của ai. Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều sai lầm trong giáo dục ở các trường học chúng ta lại bắt nguồn từ câu trả lời đó.


Khoảng mười năm trở lại đây, tôi có dịp tiếp xúc và tìm hiểu trường học ở cấp phổ thông cơ sở của một số nước trên thế giới như Úc, Thuỵ Điển, Na-uy, Mỹ, Ai-len…và tôi nhận thấy một sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa các trường học của Việt Nam và các nước nói trên.

Trường học ở các nước nói trên và nhiều nước khác trên thế giới thuộc về học sinh. Còn trường học ở Việt Nam lại thuộc về các thầy cô giáo. Nói vậy vẫn có vẻ mơ hồ. Nói cụ thể hơn là các thầy cô giáo ở Việt Nam đã độc quyền trường học.

Từ sự độc quyền trường học trở thành sự “độc tài” trong giáo dục. Và lại nói cụ thể hơn nữa là học sinh trong các trường học ở Việt Nam bị tước mất thế giới (trường học) quan trọng nhất mà học sinh đã sống trong đó những năm tháng quan trọng nhất của chúng. Học sinh bị tước mất khả năng tư duy độc lập, khả năng sáng tạo, khả năng làm chủ thế giới của chúng. Khi một người luôn luôn sống thụ động sẽ không bao giờ phát triển được trí tuệ và nhân cách của mình.

Tôi đã tham dự một số sự kiện ở một số trường học của những nước tôi vừa lấy làm ví dụ ở trên. Tôi thực sự kinh ngạc bởi ý thức làm chủ và khả năng sáng tạo của học sinh từ lớp một đến các lớp cao hơn. Có bao giờ thầy cô giáo ở các trường học của chúng ta để cho học sinh tự tổ chức Ngày Quốc Khánh của đất nước không ? Không bao giờ. Nhưng ở các nước khác thì lại là chuyện thường tình. Các thầy cô và phụ huynh ở các nước đó được chứng kiến con em họ thể hiện tình yêu tổ quốc và ý thức của chúng về tổ quốc bằng những cách nhìn của lứa tuổi chúng.

Một giáo viên ở trường phổ thông cơ sở Dedham Country School ở Mỹ nói với tôi là ông đã nhìn thấy một hình ảnh nước Mỹ mới đầy xúc động và phong phú trong cách nhìn và tư duy của những đứa trẻ. Những đứa trẻ sẽ tự trang trí diễn đàn, tự viết diễn văn, tự quyết định những tiết mục văn nghệ và những hoạt động khác cho Ngày Quốc Khánh của đất nước chúng. Và từ đó, nhìn lại mái trường của con em chúng ta, tôi không sao tránh khỏi những cái giật mình. Tôi luôn luôn mang cảm giác học sinh chúng ta là những computer lưu động từ nhà đến trường để các thầy cô tùy ý nhét vào đó các chương trình của mình và mở ra coi.

Tôi chưa thấy một đất nước nào học sinh lại học thêm đến khủng khiếp như thế. Tất nhiên những học sinh yếu kém cần được phụ đạo. Nhưng các con, các cháu tôi là những học sinh giỏi. Một số cháu học trường chuyên nhưng phải học thêm một cách không thương tiếc. Buổi sáng học sinh học ở trường. Buổi chiều chúng phải học thêm bộ môn chúng vừa học buổi sáng với cùng người thầy vừa dạy chúng bộ môn ấy. Thật vô cùng phi lý.

Có gì sai lầm ở đây? Giáo trình giảng dạy không đúng hay không đủ cho một học sinh thi hết cấp? Thời gian không đủ cho giáo viên dạy bộ môn của mình ? Hay học ở trường là một nội dung còn thi cử lại là một nội dung khác? Hay giáo viên dạy GIẢ ở trường còn dạy THẬT ở nhà để kiếm tiền? Hay là một lý do gì khác nữa? Tôi sẵn sàng đối chất với bất cứ giáo viên hay nhà quản lý giáo dục nào ở Việt Nam về một trong nhiều vấn nạn mà tôi vừa đưa ra. Và dù với lý do nào thì đó cũng là một sai lầm trong giáo dục của chúng ta.

Con em chúng ta “rối loạn” vì học thêm. Các phụ huynh còn “rối loạn” hơn. Trước kia phụ huynh trọng thầy còn bây giờ thì sợ thầy. Chúng ta thử nghe một học sinh khóc và nói với cha mẹ nó như thế này: “ Nếu không cho con đi học thêm con sẽ chết với cô, mẹ ơi”. Chúng ta hãy nghe và chúng ta thấy gì trong tiếng kêu khóc đó.

Hầu hết các phụ huynh biết những điều phi lý ở trường học nhưng họ sợ thầy, sợ cô sẽ “ trù úm” con em họ và họ chọn cách im lặng. Chính tôi viết bài này cũng không phải là không có một chút sợ nào vì con cháu tôi vẫn đang học trong trường phổ thông. Có phụ huynh mắt ứa lệ nói: “ Nếu cứ học thế này cháu nó tâm thần mất chú ạ”. Đấy là hiện thực. Một hiện thực mà không nhiều người hình dung ra hậu quả của nó trong tương lai. Nhưng học như điên như dại thế mà kiến thức của học sinh vẫn là sự bất ngờ “kinh hãi” đối với chúng ta.

Vừa rồi, một số trường tổ chức thi tốt nghiệp Phổ thông trung học thử. Và một kết quả “bi thảm” hiện ra : không một trường nào, kể cả trường chuyên, vượt quá 30% học sinh đủ điểm tốt nghiệp. Như vậy thực tế dạy ở trường là cái gì vậy? Và những học bạ của học sinh lâu nay toàn những điểm tốt đến 90% hoặc gần 100% thực tế có rất nhiều học bạ “giả”.

Các phụ huynh muốn được biết học bạ thật của con em mình. Đấy là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của họ. Mặc dù đã có những phụ huynh căm giận hành động đúng đắn của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Chính vì thế, VTO mở diễn đàn này cho các phụ huynh bầy tỏ tình cảm và quan điểm của mình về trường học, nơi và trong suốt 12 năm học của con em mình là 12 năm các phụ huynh không lúc nào ngót lo lắng và đôi khi có cả sợ hãi.

Và bây giờ nỗi lo lắng và sợ hãi nào đó ngày càng hiện rõ. Tại sao trong trường học những đứa trẻ lại không được sống với đúng thế giới tuổi thơ của chúng? Tại sao chúng lại chỉ biết học như một cái máy? Tại sao chúng lại bị trừng phạt liếm ghế và bị tát hàng chục cái vào mặt? Tại sao chúng lại bị bỏ thuốc diệt côn trùng vào canh? Tại sao chúng lại phải mang trong tâm hồn trong trắng gánh nặng của chủ nghĩa thành tích của trường học? Tại sao các phụ huynh lại lo ngại hay nói đúng hơn là sựo các thấy cô giáo đến thế?

Chúng ta, những phụ huynh, hãy cùng nhau trả lời những câu hỏi này với lương tâm và trách nhiệm cao nhất của mình. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải nói lên sự thật, nói một cách không đắn đo và không mệt mỏi. Để từ đó giúp cho các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và những người có trách nhiệm và lương tâm tìm cách trả lại cái nghĩa đúng nhất của trường học. Bởi sự thất bại của nhà trường đồng nghĩa với sự thất bại của tương lai của mọi quốc gia.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=982

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn