Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Trao đổi về “giải pháp cứu ngành giáo dục” của giáo sư Hoàng Tụy
11/06/2007

Hoàng Gia Phong

Nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học Giáo dục

Trên Tạp chí Ngày Nay số 20 (20/10/2003), GS Hoàng Tụy đã có bài trả lời phỏng vấn. Trong đó, với tất cả tâm huyết của một nhà khoa học, một nhà giáo lão thành, ông nhận định tình hình giáo dục rất thẳng thẳn:


“Cách đây khoảng 4 – 5 năm, tôi đã từng cảnh báo về thực trạng giáo dục nước ta hiện nay là rất nguy kịch trên báo chí, nhưng mà không ai nghe hoặc nghe rồi để đấy. Nay tình hình càng nguy kịch, rất nguy kịch! Và chúng ta phải cứu, phải cứu con em chúng ta khỏi cái nguy kịch đó”. GS không chỉ lên tiếng báo động khẩn cấp mà còn đưa ra mấy” giải pháp cứu ngành giáo dục”.
Tôi mạo muội có ít lời bàn với GS, đồng thời cũng có ý kiến với ngành giáo dục.
Trước hết, tôi đồng ý với GD, cần cấm việc dạy thêm, học thêm. Việc này đã được ghi trong Nghị quyết Trung ương II (1996), đã có chỉ thị của bộ GD&ĐT (thực ra chỉ cấm dạy thêm học thêm tràn lan), nhưng hiện nay, việc dạy thêm, học thêm chẳng những không giảm bớt mà còn phổ biến, lan rộng hơn. Đó thực sự là một tai họa đang đè nặng lên đầu, lên cổ hàng triệu học sinh và cha mẹ học sinh. Việc dạy thêm, học thêm cũng góp phần rất lớn làm cho đức độ, uy tín của nhà giáo suy giảm, làm cho ngành giáo dục bị thương mại hóa.
Nhận định tình hình thẳng thẳn và chính xác, nhưng đến khi đưa ra giải pháp, GS Hoàng Tụy lại làm cho người đọc thấy ông là một người rất xa thực tế. Ông kiến nghị: “Chi bằng đặt tất cả các khoản thu này (thu tiền dạy thêm, học thêm – NGP) vào học phí, Nhà nước thu và thu theo một quy chế thống nhất Nhà nước lấy khoản đó cộng với khả năng hiện có, trả lương cho giáo viên, đảm bảo cho họ một mức sống trung bình có thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu họ phải dạy cho thật đảm bảo chất lượng và tuyên bố cấm tiệt không được dạy thêm học thêm nữa. Ai vi phạm kỷ luật thật nặng”.
Có thể thấy mấy ý kiến trên đây của GS không sát với thực tế:
Nạn dạy thêm, học thêm có liên quan đến số đông, nhưng không phải tất cả thầy giáo, học sinh đều mắc vào cái nạn này. Không phải nơi nào cũng có nhiều học sinh đi học thêm như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Còn không ít vùng nông thôn, miền núi xa xôi hẻo lánh, kinh tế khó khăn, (chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cả nước), học sinh đi học một buổi, còn một buổi phải lo làm lao động cùng gia đình mới có cái ăn để đi học. Kể cả ở những thành phố lớn, cũng còn một bộ phận học sinh không đi học thêm (chứ không phải 100% đều đi học thêm cả). Vậy mà, theo giải pháp GS Hoàng Tụy đề nghị, cứ thu “tất cả các khoản thu này vào học phí” thì sẽ oan cho các em không đi học thêm quá. Họ không đi học thêm mà vẫn phải trả tiền học thêm (nằm trong khoản thu học phí chung) thì rất vô lý!
Về phí các thầy, cũng không phải thầy nào cũng có dạy thêm. Học sinh chỉ học thêm những môn để đi thi (thi chuyển cấp, thi vào Đại học, Cao đẳng). Môn nào không có trong các kỳ thi thì chẳng ai học thêm làm gì, các thầy dạy những môn ấy cũng không có khoản thu nhập do dạy thêm. Lại nữa, kể cả những môn có trong các kỳ thi, không phải thầy nào cũng “đắt hàng”. Học sinh mất tiền đi học thêm, họ phải chọn thầy giỏi. Thầy không giỏi, có muốn dạy thêm cũng chẳng ai đi học. Trong lĩnh vực này, giáo dục thực hiện rất đúng quy luật của kinh tế thị trường: Thầy giỏi: đắt, dạy tối dạy ngày không hết học trò - thầy dở: ế, chuyên được “ngồi chơi xơi nước”. Bời vậy cũng không thể thực hiện giải pháp mang tính “bình quân chủ nghĩa” như ý kiến của GS Hoàng Tụy.
Khi đã “tuyên bố cấm tiệt không được dạy thêm, học thêm nữa. Ai vi phạm kỷ luật thật nặng”. Giải pháp này cũng khó thực hiện được. Việc cấm dạy thêm, học thêm rất khác với việc cấm đốt pháo hay cấm đua xe trái phép. Cấm đốt pháo, ai vi phạm, phát ra tiếng nổ là công an ập tới lập biên bản, xử phạt. Cấm đua xe trái phép, những con nhà giầu ngỗ ngược tụ tập đua xe, máy rú ầm ĩ trên đường là cảnh sát giao thông có thể chặn chúng lại, xử lý. Nhưng một ông thầy với 5 -10 học sinh tập hợp với nhau ở một ngôi nhà, họ dạy thêm và học thêm một cách lặng lẽ, nhiều lúc cũng khó phát hiện. Tâm lý chung của nhân dân vẫn xem nghề “bán chữ” là vô tội nên bà con còn bao che, bảo vệ cho thầy và trò. Vì vậy đã có chỉ thị cấm dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay, nhưng đến bây giờ, ngay sát nách trụ sở Bộ GD&ĐT trên đường Đại Cồ Việt – Hà Nội vẫn có vô khối bảng quảng cáo, chào mời học sinh học thêm đặt ngay trước mắt các quan chức Bộ vẫn qua lại hàng ngày. Rồi vây quanh các trường Đại học vẫn nhan nhản những “Trung tâm luyện thi” các kiểu cấp tốc, dài ngày. Trên các báo, vẫn không thiếu những quảng cáo về các lớp dạy thêm, học thêm. Cho nên, Trong tình hình hiện nay, việc cấm dạy thêm, là không thể thực hiện được. “Vì nếu người ta dạy tốt, đoàng hoàng thì người ta đâu có cần gì phải dạy thêm, học thêm ”. Mà giả định tất cả các giáo viên đều dạy tốt thì cũng như giả định “bao giờ trạch đẻ ngọn đa” vậy. Bởi lẽ ngành Giáo dục hiện nay đang có một tỷ lệ không nhỏ giáo viên yếu kém. Họ như những người bị “suy nhược toàn thân” đến mức có đem “thập toàn đại bổ” đổ cho họ cũng không có hiệu quả. Những người này có được “bồi dưỡng”, có được “đào tạo lại” thì vẫn “tiền mất, tật mang”. Chính họ gây nên tình hình “nguy kịch, rất nguy kịch” như GS Hoàng Tụy đã nhận thấy. Đó cũng là hệ quả của nhiều thập kỷ chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng của ngành Giáo dục nước ta. Không thể giải quyết hệ quả này trong 5 – 10 năm. Phải trả giá bằng sự đào tạo một thế hệ thầy cô giáo khác, nếu bắt đầu ngay từ bây giờ, kịp thời chuyển hướng đào tạo, đặt chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Với tất cả nhiệt tình lo cho thế hệ trẻ, GS còn đề nghị: “trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, cần tổ chức những buổi cho học sinh đến trường tự học, có sự theo dõi hướng dẫn của thầy cô giáo”.
“Cho học sinh tự học” là một ý kiến hay. Nhưng “đến trường” để “tự học” thì ngồi ở chỗ nào khi hiện nay hầu hết các trường còn phải học 2 ca, thậm chí còn 3 ca? Rồi lại “có sự theo dõi hướng dẫn của thầy cô giáo". Vậy thầy cô giáo môn nào phải đến trường để “theo dõi hướng dẫn học sinh” tự học? Có phải trả thù lao cho các thầy cô giáo ấy không? Lấy tiền ở đâu ra để trả, hay học sinh được phục vụ “miễn phí”? Toàn những vẫn đề hóc búa mà thực tế của Nhà trường hiện nay chưa thể giải quyết được.
GS Hoàng Tụy còn cho rằng khi một thầy cô giáo được trả lương khá hơn do Nhà nước “lấy khoản đó cộng với khả năng hiện có đồng thời yêu cầu họ phải dạy cho thật đảm bảo chất lượng” là chất lượng sẽ được nâng cao.
Hoàn toàn không phải như thế. Đúng là có nguyên nhân vì đồng lương kém. Nhưng không phải cứ thêm lương, rồi yêu cầu thầy cô giáo “phải dạy cho thật bảo đảm”. Trong toàn ngành Giáo dục hiện nay, tuy chưa có thống kê số liệu chính xác, nhưng như tôi đã nói ở trên, số giáo viên yếu, kém chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Thời gian qua, trên mặt báo, đã có khá nhiều chuyện “cười ra nước mắt”, nhiều chuyện “thật cứ như đùa” về sự yếu kém của trình độ học sinh. Còn chưa có ai nỡ - vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo - kể ra những chuyện thật đau lòng về những non yếu của giáo viên. Có một số giáo viên kém đến mức không thể bồi dưỡng được, chỉ còn có cách chuyển họ đi làm việc khác. Nhưng ngành Giáo dục vẫn phải sử dụng họ, nếu không thì không có người đứng lớp! Trong thực tế, có không ít giáo viên giỏi, nhưng số này chưa chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn thầy cô giáo chỉ ở trình độ trung bình theo cái nghĩa, trong giờ lên lớp không có nhiều sai sót nghiêm trọng về nội dung, phương pháp giảng dạy. Với một đội ngũ giáo viên, nhìn chung, còn non yếu, bất cập như vậy thì không thể cứ cho họ có thu nhập khá hơn, rồi “yêu cầu họ phải dạy cho thật đảm bảo chất lượng” là được.
Là kẻ hậu sinh, tôi mạn phép có ít lời bàn với GS Hoàng Tụy.
Nguồn: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/GiaoDuc/DeXuat-GiaiPhap-GD/Trao_doi_ve_giai_phap_cuu_nganh_giao_duc_cua_giao_su_Hoang_Tuy/



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=985

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn