Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Môn Tự chọn trong các trường THCS và THPT phân ban
16/08/2006

Bùi Việt Hà, Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường

Bắt đầu từ năm học 2006-2007, toàn bộ các trường THPT và THCS trên địa bàn cả nước sẽ triển khai đồng loạt các chương trình mới: đối với THPT đó là triển khai đại trà chương trình phân ban cho khối 10 và tiếp tục thí điểm THPT phân ban khối 11, 12 cho các trường thí điểm; đối với THCS thì thực hiện chương trình mới hoàn toàn cho tất cả các lớp học. Một trong những vấn đề phức tạp của các mô hình giáo dục mới (THCS và THPT phân ban) liên quan đến các môn học tự chọn (TC). Việc sắp xếp, đăng ký và tổ chức các lớp và môn học tự chọn này lại liên quan chặt chẽ đến thời khóa biểu. Bài viết này nhằm định hướng cho các trường có thể áp dụng mô hình môn học Tự chọn cùng với mô hình thời khóa biểu một cách tối ưu nhất vừa đảm bảo được tính mục đích của các môn học tự chọn, vừa sử dụng được sức mạnh của phần mềm TKB trong việc sắp xếp các môn học Tự chọn này.

Chúng tôi sẽ đưa ra đây 4 vấn đề lớn tương ứng với 4 câu hỏi chính mà các nhà trường cần hiểu và có câu trả lời chính xác đồng thời với các phương án áp dụng cho mô hình phần mềm thời khóa biểu TKB 6.0.


1. Môn Tự chọn (chủ đề tự chọn) có phải là một môn học mà phần mềm TKB đã hỗ trợ hay không?

Trong công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo việc thiết lập và đăng ký các môn học tự chọn, chủ đề tự chọn tại nhà trường là khá phức tạp, rắc rối. Nếu các trường không chủ động và định hướng chính xác ngay từ đầu thì công việc học môn Tự chọn sẽ trở nên hết sức mất thời gian và tốn công sức trong việc tổ chức các lớp học này. Mục đích cuối cùng của việc học tự chọn là tạo ra các không gian "tự do" cho học sinh để định hướng cho học sinh sau cấp học (nghề, đại học, cao đẳng, ...). Tuy nhiên trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, rất khó tạo được sự bình đẳng tuyệt đối trong việc cho học sinh tự do lựa chọn các môn học tự chọn. Các câu hỏi đặt ra ở đây là:

- Các môn học Tự chọn sẽ được qui định như thế nào?

- Việc học các môn học Tự chọn này sẽ được tiến hành trong nhà trường như thế nào? Có cần thiết phải xáo trộn lại và thiết lập các lớp học mới hay không?

Theo chúng tôi, phương án tốt nhất cho các nhà trường là (áp dụng chung cho cả hai cấp THCS và THPT):

- Không cần và không nên xáo trộn các lớp học đang có trong nhà trường.

- Dựa trên thực tế các lớp học hiện có (cũng có thể tham khảo thêm GVCN), các nhà trường hãy quyết định một phương án "phân chia" các "môn tự chọn" cho các lớp hiện thời. Với cách làm này các môn học tự chọn giờ đây sẽ chính là các môn học bình thường theo nghĩa mà phần mềm TKB hỗ trợ.

Ví dụ nhà trường hãy lên một phương án môn tự chọn như trong bảng sau:

Với cách làm trên, chúng ta thấy:

- Các môn học và chủ đề tự chọn đã được phân công trong chương trình cho mỗi học sinh theo đúng tinh thần hướng dẫn học môn Tự chọn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Chúng ta đã thực hiện hoàn toàn đúng theo tinh thần công văn của Bộ.

- Các lớp không cần thiết xáo trộn và thiết lập lập lại, dễ dàng cho việc phân công, xếp tiết hay mời giáo viên thỉnh giảng.

- Theo cách làm này các môn học tự chọn giờ đây đã trở thành các môn học bình thường đối với các lớp do đó hoàn toàn đáp ứng mô hình phần mềm TKB đã hỗ trợ.

2. Môn Tự chọn có quan hệ gì với Chương trình đào tạo? (dành riêng cho THPT)

Trên nguyên tắc việc phân bổ các môn và tiết học tự chọn trong bảng trên không liên quan hay phụ thuộc gì vào các chương trình đào tạo, các ban học. Tuy nhiên nếu biết cách chúng ta vẫn có thể liên kết hai khái niệm này với nhau để làm cho quá trình phân bổ các môn học tự chọn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ví dụ: trong các lớp học thuộc ban Cơ bản, chúng ta thấy có thể chia thành 3 nhóm sau đây tương ứng với 3 cách phân học môn Tự chọn (lớp 10):

Nhóm 1: Học Toán nâng cao (2 tiết), Văn nâng cao (2 tiết)

Nhóm 2: Học Toán nâng cao (2 tiết), Lý (1 tiết) và Hóa (1 tiết)

Nhóm 3: Học Toán nâng cao (2 tiết), Ngoại ngữ (2 tiết).

Trong trường hợp trên chúng ta hãy tạo ra trong dữ liệu 3 ban mới với các tên, ví dụ như sau:

1. Cơ bản: Toán - Văn

2. Cơ bản: Toán - Lý - Hóa

3. Cơ bản: Toán - Ngoại ngữ

Với 3 "ban" mới trên, chúng ta sẽ gán phân phối tiết chuẩn theo 2 cách như sau (xem mục 3 dưới đây):

Cách 1: Tạo thêm các môn học sau đây trong danh sách:

- Môn Toán - TC

- Môn Lý - TC

- Môn Hóa - TC

- Môn Ngoại ngữ - TC

Sau đó trong các tiết chuẩn của các "ban" này lớp 10 ta gán thêm số tiết của môn Toán - TC, Lý - TC, Hóa - TC, Văn - TC, Ngoại ngữ - TC với số tiết như trong hình trên.

Các lớp được gán với các "ban" này khi nhập PCGD sẽ có số tiết chuẩn tự động như trong bảng trên.

Cách 2: Không cần tạo thêm các môn mới. Cách này chỉ thực hiện khi trong toàn trường toàn bộ các môn học tự chọn vẫn do giáo viên môn học tương ứng đảm nhiệm (xem mục 3 dưới đây).

Trong trường hợp này, khi gán số tiết chuẩn chúng ta sẽ gán thêm môn Toán 2 tiết nữa, môn Lý, Hóa mỗi môn 1 tiết cho ban: Cơ bản: Toán - Lý - Hóa. Tương tự đối với các nhóm khác.

Như vậy khi xếp TKB cho các lớp thuộc các nhóm này, ví dụ, lớp 10A sẽ có 5 tiết Toán, trong đó 3 tiết trong chương trình chính và 2 tiết Toán tự chọn. Giáo viên dạy Toán lớp 10A sẽ tự qui định với học sinh lớp mình khi nào dạy Toán trong chương trình, khi nào dạy phần tự chọn.

3. Có cần thiết khởi tạo thêm các môn học Tự chọn hay không?

Bây giờ chúng ta quay trở lại với các môn học và chủ đề tự chọn.

Theo cách xây dựng trên thì mỗi môn tự chọn sẽ tương ứng 1 - 1 với một môn học chính khóa theo chuẩn chung. Vấn đề đặt ra là có cần tạo ra các môn học Tự chọn mới trong danh sách môn học của dữ liệu thời khóa biểu hay không? Nghĩa là có cần phải tạo ra một môn học mới Toán - TC bên cạnh môn Toán, Lý - TC bên cạnh môn Lý, ....?

Câu trả lời (YES/NO) phụ thuộc vào đặc điểm, tình hình dạy môn tự chọn của từng trường.

- Nếu nhà trường cần ghi rõ trên thời khóa biểu các môn học Tự chọn để phân biệt với các môn học bình thường thì nhất thiết phải tạo ra một danh sách các môn học Tự chọn bên cạnh các môn học bình thường. Khi gán giáo viên dạy cho các môn học này có thể vẫn là giáo viên môn học tương ứng. Khi xếp máy tính sẽ phân biệt và ghi rõ môn học Tự chọn.

- Nếu việc dạy các môn học tự chọn không phải do các giáo viên bộ môn đảm nhiệm mà nhà trường mời các giáo viên thỉnh giảng thì cũng bắt buộc phải tạo ra danh sách các môn học Tự chọn. Máy tính sẽ hiểu và phân biệt môn học bình thường và môn học Tự chọn là các môn học khác nhau và cho phép gán các giáo viên khác nhau giảng dạy.

- Trong trường hợp tất cả các môn học Tự chọn giáo viên dạy chính là giáo viên bộ môn của lớp đó (ví dụ giáo viên Toán dạy Toán Tự chọn) thì không cần tạo thêm danh sách các môn học tự chọn nữa. Trong trường hợp thời khóa biểu của giáo viên số tiết môn học sẽ tăng lên (ví dụ môn Toán không phải là 3 mà là 5 tiết) thì chính giáo viên sẽ qui định trên lớp học tiết nào là chính khóa, tiết nào là tự chọn.

4. Phải làm gì nếu các phân phối tiết chuẩn không là số nguyên?

Hiện tại trong tất cả các khối lớp thuộc THCS và THPT phân ban, phân phối tiết chuẩn cho nhiều môn học có số tiết chuẩn không là nguyên (ví dụ 2.5). Chúng ta sẽ phải xử lý các môn học này như thế nào?

Có một số cách làm sau đây:

Cách 1: phân bổ lại số tiết này vào 2 học kỳ thành các số nguyên chẵn. Ví dụ khối lớp 10, môn Lịch sử ban Cơ bản theo phân phối chuẩn là 1.5 tiết / tuần. Nhà trường sẽ chủ động phân phối lại như sau: học kỳ I: 2 tiết / tuần, học kỳ II: 1 tiết / tuần. Công việc xác định lại phân phối tiết chuẩn này theo học kỳ hoặc do Bộ qui định, hoặc do các Sở giáo dục Đào tạo tự qui định, hoặc các trường tự chủ động phân công lại. Tuy nhiên tốt nhất là thống nhất tối thiểu ở qui mô một Tỉnh/Thành phố hoặc Quận/Huyện.

Cách 2: Phân bổ lại tiết chuẩn này theo 1/2 học kỳ. Trung bình thời lượng của mỗi học kỳ của chúng ta là 16 tuần, như vậy 1/2 học kỳ sẽ là 8 tuần. Ví dụ môn Lịch sử như nói ở trên sẽ được phân bổ theo 1/2 học kỳ như sau:

1/2 đầu học kỳ: 2 tiết / tuần; 1/2 cuối học kỳ: 1 tiết / tuần.

Với cách làm này các nhà trường sẽ phải xếp TKB 2 lần trong 1 học kỳ, cả năm sẽ phải xếp 4 lần.

Với sự trợ giúp của phần mềm TKB 6.0, công việc xếp thời khóa biểu giờ đây đã không còn là một việc quá nặng nhọc đối với các nhà trường. Do vậy phương án thứ 2 là hoàn toàn khả thi trong các trường phổ thông của Việt Nam.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=Sanpham&file=article&sid=389

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn