Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần II
05/10/2006

II. Mô hình Chương trình đào tạo Đại học và Cao đẳng

Trong phần này sẽ mô tả tổng quát mô hình Đào tạo bậc Đại học & Cao đẳng theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Mô hình này sẽ được khảo sát kỹ lưỡng và áp dụng một cách linh hoạt cho từng nhà trường cụ thể.

Toàn bộ mô hình đào tạo của mọi nhà trường bậc Đại học - Cao đẳng đều dựa trên mô hình Chương trình đào tạo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bằng Quyết định 04/1999/QĐ-BGD&ĐTQui chế Tổ chức Đào tạo, Kiểm tra, Thi và Công nhận tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng hệ Chính qui được ban hành ngày 11/02/1999. Cho tới thời điểm hiện tại, văn bản trên vẫn là khung pháp lý duy nhất của việc đào tạo Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam.

2.1. Các khái niệm, định nghĩa cơ bản

2.2. Mô hình Chương trình đào tạo


2.1. Các khái niệm, định nghĩa cơ bản

Theo lý thuyết, đào tạo bậc Đại học và Cao đẳng là mô hình ĐÀO TẠO NGÀNH và CHUYÊN NGÀNH. Mỗi sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp một văn bằng chứng chỉ theo một NGÀNH (hoặc CHUYÊN NGÀNH) nhất định. Chuyên ngành là cấp sâu hơn của Ngành.

Để đào tạo được kiến thức của một NGÀNH, mỗi Ngành sẽ được qui định bởi một CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KHUNG tương ứng.

Như vậy chúng ta có sơ đồ sau mô tả qua hệ giữa Chương trình đào tạo với Ngành và Chuyên ngành.

Hai yếu tố sau nằm trong mô tả chính của khái niệm Chương trình Đào tạo KHUNG:

1. Phân loại nội dung kiến thức: Chương trình đào tạo Khung qui định nội dung học tập phải bao gồm hai khối kiến thức, kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Kiến thức giáo dục đại cương được hiểu như những kiến thức chung, tổng quát, tối thiểu cần thiết cho một nhóm ngành. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được hiểu như những kiến thức chuyên sâu, đặc thù riêng cho một ngành hoặc một chuyên ngành nào đó. Với mỗi loại nội dung trên, người ta lại qui định có 2 nhóm khối kiến thức, kiến thức bắt buộckiến thức lựa chọn.

2. Cấu thành nội dung: Chương trình đào tạo Khung được qui định khá chặt chẽ bởi một danh sách các MÔN HỌC, các môn học này được mô tả chịn xác về nội dung, đối tượng, mục đích, thời lượng giảng dạy và phân bổ vào thời gian đào tạo của sinh viên. Đơn vị thời gian chuẩn cho việc học của sinh viên được tính là 1 đơn vị học trình (dvht) hay qui đổi là 15 tiết lý thuyết hoặc 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận hoặc 45-60 tiết làm tiểu luận hay đồ án. Việc giảng dạy thực tế trên lớp học sẽ được phân bổ theo các nhóm đơn vị học trình được gọi là HỌC PHẦN. Mỗi học phần bao gồm từ 2 đến 5 đơn vị học trình được giảng dạy khép kín trong một học kỳ. Như vậy mỗi MÔN HỌC KHUNG sẽ được phân rã thành nhiều HỌC PHẦN theo mô hình dưới đây.

Về đầu trang

2.2. Mô hình Chương trình đào tạo

Mô hình NỘI DUNG của một Chương trình Đào tạo sẽ được mô tả bởi hai yếu tố: Chương trình đào tạo KHUNGChương trình đào tạo CHI TIẾT.

Chương trình đào tạo KHUNG chính là danh sách các môn học KHUNG được thiết kế bao quát cho một Ngành đào tạo cụ thể trong một nhà trường. Do đặc thù một nhà trường có thể được phép đào tạo nhiều ngành, nhiều hệ do đó các môn học Khung sẽ được phân loại theo dạng: Cơ bản - chung cho nhiều Hệ đào tạo, Đại cương - chung cho nhiều ngành, Cơ sở ngành - chung cho nhiều chuyên ngành và Chuyên ngành.

Chương trình đào tạo CHI TIẾT chính là chương trình đào tạo Khung đã được phân rã theo các Học phần chi tiết và phân bổ cho từng học kỳ của sinh viên theo Khoa và Ngành. Do Học phần kế thừa từ Môn học Khung nên các Học phần cũng sẽ được phân loại theo Cơ bản - Đại cương - Cơ sở Ngành và Chuyên ngành như các môn học Khung qui định.

Hình 5. Hình ảnh các học phần của Chương trình đào tạo chi tiết

Một chú ý quan trọng là Chương trình Đào tạo Khung thường đã được duyệt cố định bởi các cấp có thẩm quyền cao, còn Chương trình Chi tiết thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế, tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành, từng trường có thể thiết kế với độ linh hoạt cao. Thông thường căn cứ vào Chương trình Khung đã có, các Phòng Đào tạo của các trường đại học sẽ thiết kế riêng cho trường mình các Chương trình Chi tiết. Chương trình Chi tiết này có thể thay đổi, tuỳ biến (ví dụ còn phụ thuộc vào số lượng các môn học lựa chọn) và được quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng tiến độ và kiến thức của Chương trình Khung.

Khi nói về bài toán Quản lý Chương trình Đào tạo chính là nói đến công việc Quản lý, Sắp xếp, Tuỳ biến thông tin của Chương trình Đào tạo Chi tiết này. Đây là một công việc khá nặng nhọc và là công việc trung tâm của Phòng Đào tạo.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=TKBU&file=article&sid=478

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn