Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 6
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 6
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93316973 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Người hiệu trưởng ấy đã ra đi

    Ngày gửi bài: 06/07/2007
    Số lượt đọc: 3299

    Ngày hôm nay, những người ruột thịt, bạn bè đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên, những người yêu quý, quý trọng anh Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt sẽ đưa anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Nơi ấy, có những hàng thông, có nắng, có gió cao nguyên che chở cho anh giấc ngủ vĩnh hằng.


    Thư gửi Anh Tuấn.
    Đà Lạt, đêm 10 tháng 6 năm 2007.
    Vậy là anh Nguyễn Hữu Đức, người bạn đồng nghiệp, nguời anh em thân thiết của tôi, người thầy kính yêu của Tuấn đã mãi mãi rời xa chúng ta. Một người thầy có nhân cách lớn mà Tuấn và gia đình luôn kính trọng và yêu quí.

    Hơn bốn năm trước, khi phát hiện anh Đức bị bệnh hiểm nghèo giữa tuổi đời đang đầy sức sống, tuổi cống hiến cho Trường Đại học Đà Lạt ở độ chín muồi nhất, đồng nghiệp và bạn bè đã lặng người đi vì thương xót và lo lắng. Dù vẫn đặt niềm hy vọng vào các thành tựu y học hiện đại nhất, nhưng gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của Đức vẫn nơm nớp phập phồng, ngay cả khi anh cười nói tếu táo cho mọi người đừng bao giờ lo buồn cho anh. Tôi và Tuấn đã từng nói với nhau, hãy tranh thủ cơ hội gần gũi với anh thật nhiều, mỗi khi anh ra công tác Hà Nội, để sau này khỏi nuối tiếc và ân hận.
    Đâu ngờ đêm thứ tư vừa qua; tôi ngồi bên anh Đức trong Bệnh viện Việt Pháp thành phố HCM, trở thành đêm cuối cùng bên nhau của hai Hiệu trưởng trong hai thời kỳ khác nhau của trường Đại học Đà lạt, đêm cuối cùng anh sống trên cõi đời này. Và cũng đâu ngờ ngày thứ hai tuần trước; khi Tuấn vội vã bay từ Hà Nội vào, nắm bàn tay anh Đức lại là buổi gặp gỡ cuối cùng của người học trò và người thầy dạy, thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.
    Tuấn thân mến,
    Lúc này đây, khi tôi ngồi ở một căn phòng yên tĩnh nhất của thư viện ĐHĐL viết thư gửi Tuấn, thì tại giảng đường Năng Tĩnh trang nghiêm, anh Đức đang nằm giữa một rừng hoa tươi. Những vòng hoa của người thân, của các đồng nghiệp, bè bạn, của các thế hệ sinh viên Đại học Đà Lạt trưởng thành dưới sự dìu dắt của anh, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức. Tôi đã chứng kiến tình yêu và sự kính trọng của bao người dành cho anh Đức lớn lao đến chừng nào qua những đoàn thăm viếng nối đuôi nhau, những thư từ và các cuộc điện đàm trong nhiều ngày qua.
    Không chỉ từ trong trường, trong tỉnh và thành phố cao nguyên này, mà cả ở nhiều tỉnh thành khác, không chỉ ở trong ngành giáo dục và đào tạo mà cả ở các viện và trường của nhiều nước như Hàn quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ v.v. Trong đời mình, anh đã trải lòng mình cho mọi người như thế nào, bây giờ anh được đền đáp như thế ấy. Có thể nói, ít có một vị Hiệu trưởng trường Đại học nào tạo được một một quan hệ sâu rộng và thân thiết với con người, với mọi cơ quan, đối tác trong và ngoài nước như anh.
    Nhờ đó, một trường ở khu vực như Đại học Đà Lạt vẫn được nhận về bao nhiêu dự án lớn, bao nhiêu mối hợp tác hữu hiệu với các nước phát triển trong khu vực. Một cựu sinh viên vừa viết mail gửi tất cả bạn bè mình: “Tiếc thương anh Nguyễn Hữu Đức, chúng ta không bao giờ quên được một nhà giáo rất yêu nghề, yêu trường lớp và học trò mình. Đại học Đà Lạt đã lớn mạnh mau lẹ với rất nhiều công trình xây dựng hoành tráng hiện đại như thư viện, nhà thi đấu, các giảng đường mới. Rất nhiều khoa, ngành được mở ra và thu hút đến 15 ngàn sinh viên. Anh huy động được rất nhiều nguồn tài trợ dồi dào trong và ngoài nước để giúp đỡ nhà trường mở mang, đem nhiều học bổng về cho sinh viên và thầy cô giáo…”.
    Đây là ấn tượng sâu sắc nhất còn lưu giữ trong ký ức người thân, bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ thầy trò Đại học Đà lạt về Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức.
    Nhưng việc biến những năng lực tiềm tàng trong phẩm cách một con người thành hiện thực, cống hiến có hiệu quả cho cộng đồng, cho nhà trường cần phải có một nghị lực lớn. Nghị lực lớn là một điểm nổi bật nữa ở con người anh, cuộc đời anh, đáng để cho nhiều thế hệ sinh viên học tập.
    Sinh ra trên mảnh đất khô cằn, trong một gia đình nghèo, khó khăn lắm anh Đức mới được đến trường. Có thời anh chỉ có một chiếc quần đùi duy nhất để đi học. Và nếu không có tư chất thông minh bẩm sinh, nếu không được tuyển chọn vào lớp chuyên toán tỉnh Nghệ An, anh khó theo học đến hết bậc phổ thông. Nghị lực và trí óc sáng láng giúp anh vượt qua mọi chông gai trên con đượng học hành và sự nghiệp.

    Được chọn gửi qua Ba Lan, anh tốt nghiệp cử nhân xuất sắc ngành Toán. Về nước anh được phân về Viện Toán của Giáo sư Lê Văn Thiêm, được chọn làm nghiên cứu sinh trong nước, lứa đầu tiên, ở một lĩnh vực toán rất hiện đại - “Hàm số kỳ dị”, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Việt kiều có tiếng Frederic Phạm. Anh được nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Toán khá sớm.
    Tình nguyện vào Đại học Đà Lạt, anh được giao phụ trách khoa Toán và rồi được cử trở lại Đại học Kracôp (Ba lan) làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa học dưới sự lãnh đạo của nhà toán học kiêm Hiệu trưởng trường này và với sự cố vấn của người thầy cũ Frederic Phạm. Năng lực và niềm hăng say khoa học của anh đã đưa anh đến bậc thang mới. Năm 1989 anh được nhận bằng Tiến sĩ khoa học. Cũng năm đó trên đường công tác, tôi ghé qua Ba Lan, với tư cách Hiệu trưởng, trao tận tay anh quyết định bộ trưởng bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà lạt.
    Anh không phụ lòng cấp trên và đồng nghiệp. Tôi rất hạnh phúc về điều đó, hạnh phúc khi nghĩ về những năm tháng cuộc đời có anh Đức sát cánh cùng chúng tôi trong ban lãnh đạo thực hiện, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn thực hiện những bước chuyển mình quan trọng của nhà trường: Chủ trương kịp thời phân đất cho cán bộ bước đầu hình thành "làng đại học" khang trang bây giờ. Chuyến hướng đào tạo từ hệ niên chế xơ cứng sang hệ học phần mềm dẽo cùng với sự liên thông đào tạo giữa các ngành học gần nhau. Phối hợp các truòng đại học kỹ thuật ở TP. HCM mở ra các ngành nghề đào tạo mà trường chưa có. Phối hợp các địa phương tổ chức các hệ phi chính quy. Trong những bước thử nghiệm "vượt rào" nhằm đổi mới phương hướng, chương trình và mở rộng quy mô đào tạo ấy hai anh em đã cùng nhau đồng cam cọng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cùng trải qua những tháng ngày gian khó, buồn vui vì sự nghiệp phát triển của trường Đại học Đà Lạt
    Ngót 20 năm qua, với cương vị Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng, anh đã cống hiến toàn bộ sức lực, khối óc và con tim cho ngôi trường có “Ngôi sao đỏ" trên thành phố cao nguyên.
    Ai cũng biết anh còn nhiều hoài bão, còn muốn sống để thực hiện. Anh tâm sự với tôi ý định phát triển nhà trường, đổi mới công việc đào tạo, muốn điều chỉnh để Trường Đại học Đà Lạt xác lập được vị trí xứng đáng trong quá trình cạnh tranh quyết liệt sắp tới trong nước và cuộc hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động.
    Khi lâm bạo bệnh, nhất là nhìn ngày tháng còn lại của mình quá ngắn, anh Nguyễn Hữu Đức như muốn chạy đua với tử thần. Anh tranh thủ và ham công việc một cách kỳ lạ. Anh mong muốn làm nhiều điều tốt cho người này người khác. Trong cơn đau những ngày cuối, anh vẫn nuôi thêm chút hy vọng được sống để tiếp tục hoàn thành những phần công việc chưa xong. Anh chống chọi với cơn đau cũng bằng một nghị lực phi thường và với một con tim đầy yêu thương - nén nỗi đau riêng mình để người thân và mọi người không buồn đau.
    Nhưng thật khắc nghiệt, anh đã không vượt qua được số phận!
    Nhưng Tuấn ơi, những gì người thầy của Tuấn để lại cho mái trường Đại học Đà Lạt cũng đã lớn và quý lắm rồi. Ngày mai, tôi cùng nhiều người ruột thịt, bạn hữu gần xa, đồng nghiệp, những người yêu quý, quý trọng anh sẽ đưa anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
    Anh Đức nằm trên một đồi cao lộng gió nhìn về thành phố, nơi hơn hai mươi năm trước anh đến lập nghiệp. Anh có thể thanh thản nằm lại đây vì đã sống xứng đáng, đã cống hiến tất cả những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời mình ở thành phố này cho một mái trường đại học và những con người ở đó mà anh vô cùng gắn bó và yêu thương.
    Những hàng thông, nắng, gió cao nguyên và tình người nồng ấm mãi che chở anh trong giấc ngủ vĩnh hằng.
    • Trần Thanh Minh
    ******************

    Vĩnh biệt GS. TS KH Nguyễn Hữu Đức


    Ho ten: KD
    Dia chi: Hà Nội
    Noi dung: Thương Đức quá, Đức ơi. Trong con mắt bạn bè, Đức không chỉ là một nhà khoa học chính trực, một nhà giáo tâm huyết với nghề, với trò, mà còn là người bạn cực kỳ tốt và nhân hậu với con người. Một con người có triết lý sống luôn lạc quan, ham sống, khao khát sống. Vì thế mà bạn bè càng thương. Cầu mong Đức hãy thanh thản trong cõi vĩnh hằng, vẫn cảm nhận được niềm yêu thương của bạn bè. Và đó, cũng là hạnh phúc với Đức ngay cả khi Đức không còn hiện hữu trên cõi đời . Xin chia sẻ nỗi đau sâu sắc này với Mùi và các cháu. Mong Mùi hãy đứng vững, hãy sống can đảm để vượt qua được những bất trắc của số phận.

    Ho ten: Lê Thế Vinh
    Dia chi: 04- Láng Hạ - HN
    Email: thelevinh@gmail.com
    Tieu de: Sống xứng đáng như thầy Đức khó lắm!
    Noi dung: Cháu chưa lên Đà Lạt lần nào, mặc dù cháu thích TP trên cao nguyên này. Nhưng cháu từng được nghe chú Trần Thanh Minh, Hiệu trưởng cũ của trường nói về trường ĐH Đà Lạt. Khi đọc Thư Hà Nội viết từ Đà Lạt của chú, cháu lại nhớ đến những người thầy năm xưa của mình. Những người thầy là người đưa đò, mà như ta thường nói, chỉ có khách nhớ ông lái đò, chứ ông lái đò làm sao nhớ nổi bao nhiêu khách đã qua sông? Xin chia buồn với ĐH Đà Lạt, với chú Trần Thanh Minh và với anh Nguyễn Anh Tuấn. Đọc xong lá thư từ Đà Lạt này, cháu lại nhớ đến câu nói của một người thầy dạy văn: "Ở trên đời, phải sống làm sao để khi ta sinh ra mọi người cười, khi ta mất đi mọi người khóc!". Có lẽ, ngoài sự thương tiếc một nhà giáo đáng kính, lá thư từ Đà Lạt truyền đến một thông điệp cho mọi người: ’’Hãy sống để xứng đáng nhận được những yêu thương khi thanh thản nằm xuống như thầy Đức!".

    Ho ten: DINH VAN DUC
    Email: serdinh@yahoo.com
    Tieu de: Xin thắp một nén nhang cho người thầy đáng kính.
    Noi dung: Tôi chưa từng là học trò của thầy, tôi cũng chưa từng được biết thầy. Nhưng những gì thầy Minh viết về người đồng nghiệp đáng kính là quá đủ để biết về một nhân cách lớn. Chúng ta cần có những người thầy, người cô như vậy trong sự nghiệp giáo dục của đất nước. Xin được thắp cho thầy nén nhang và mong thầy yên nghỉ thanh thản giữa đất, trời, và con người Đà Lạt.

    Ho ten: Vũ Xuân Quang
    Dia chi: Viện khoa học vật liệu (Viện khoa học công nghệ Việt Nam)
    Email: quangvx1941@yahoo.com
    Tieu de: Anh Đức đã ra đi đúng lúc đất nước đang cần những nhân cách như vậy
    Noi dung: Anh Đức đã ra đi đúng lúc đất nước đang cần những nhân cách như vậy! Anh Trần Thanh Minh thân mến! Cám ơn anh vì đã viết một lá thư thực sự đúng lúc và đúng lòng người. Tôi mới chỉ làm việc với anh Đức vài lần, nhưng lần cuối cùng đã cho tôi hiểu sâu sắc và xúc động mạnh mẽ về một nhân cách lớn và hiếm có. Đó là 30 phút làm việc trước khi anh Đức rời trường ĐH Đà Lạt lên máy bay đi chữa bệnh và đã không quay lại. Anh Đức và tôi phối hợp để tổ chức hội nghị về quang phổ ứng dụng tại trường ĐH Đà Lạt. Chúng tôi đang trên đường đến Đà Lạt (sáng 1/5/2007), thì nhận được điện thoại anh Đức hẹn làm việc ngay khi tới Đà Lạt, để sau đó anh phải đi chữa bệnh. Và chúng tôi đã cùng làm việc khoảng 30 phút. Nếu tôi không nhầm thì đó là 30 phút làm việc chính thức cuối cùng của anh Đức. Buổi làm việc đó có các nhà khoa học của Italy, Nhật và các đồng nghiệp trong nước đến từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang. Chính 30 phút làm việc trong tâm trạng vĩnh biệt đó, anh Đức đã thể hiện sự xả thân quên mình một cách khiêm nhường, chân thật, không phô trương, bình thản, chu đáo, tỉnh táo... Càng về sau tôi càng kính trọng một nhân cách lớn và hiếm có như vậy. Tôi không có điều kiện vào Đà Lạt để vĩnh biệt anh, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn nhiều lần nhắc tới anh từ buổi làm việc cuối cùng đó. Tôi xin chia buồn sâu sắc với gia đình anh Đức, với trường ĐH Đà Lạt, và hơn hết cả, tôi cảm thấy vô cùng thương tiếc vì anh Đức đã ra đi đúng lúc nền khoa học và giáo dục nước nhà đang cần những con người như vậy.

    Ho ten: Nguyễn Quang Hiển
    Dia chi: Paris
    Email: hien@voila.fr
    Tieu de: Vĩnh biệt Anh!
    Noi dung: Dù hay tin Anh đã vĩnh viễn ra đi từ mấy ngày nay, nhưng tôi vẫn không cầm được những giọt nước mắt cứ tự tràn ra khi đọc những dòng viết của Thầy Minh. Trong tôi vẫn luôn day dứt lần lỗi hẹn với Anh, với Đà Lạt năm xưa khi còn ở Krakov, Balan... Con tim tôi vẫn luôn hướng về Đại học Đà Lạt yêu dấu và thầm vui vơi những bước đi lớn mạnh của nó, mà Anh là mộtt trong những người đã toàn tâm toàn ý gây dựng. Vĩnh biệt Anh Đức...Em cầu xin cho gia đình Anh, Chị Mùi và cháu Cường cùng gia quyến luôn được an lành.

    Ho ten: Vũ Thị Chung Thuỷ
    Dia chi: Học viện Ngân hàng
    Email: thuy_vuchung@yahoo.com
    Tieu de: Gửi lời chia buồn đến gia đình Anh Đức
    Noi dung: Biết tin Anh ra đi, chúng tôi không cầm được nước mắt. Chúng tôi sẽ nhớ mãi về Anh, người Hiệu trưởng, người anh, người bạn. Xin được chia sẻ với gia đình Anh nỗi đau thương, mất mát này.

    Ho ten: Nguyen Thi Anh Chi
    Dia chi: Hà Tĩnh
    Email: anhchuong_ht81@yahoo.com
    Tieu de: Kính viếng hương hồn thầy Đức
    Noi dung: Tôi không phải là một học sinh của Thầy Đức, nhưng sáng nay tôi đọc được bài viết về người thầy đáng kính trên VietNamNet. Tôi thực sự kính phục trí tuệ và con người Thầy. Cầu chúc cho Thầy nơi suối vàng an lành!

    Ho ten: Do Dang Khang
    Dia chi: Quy Dau Tu Phat Trien Ha Tay
    Email: khangqdtpthata@yahoo.com
    Tieu de: Thương tiếc nhà khoa học, một người có nhân cách lớn.
    Noi dung: Thương tiếc anh Nguyễn Hữu Đức, nhà giáo của nhân dân - một người thầy có nhân cách đúng nghĩa đầy đủ của người thầy. Anh là tấm gương cho tôi và các bạn tiếp tục sống có ích cho Tổ quốc Việt Nam yêu quí. Xin chia buồn với gia đình và bạn hữu của anh!

    Ho ten: Bùi Ngọc Quang
    Dia chi: TP HCM
    Email: quangbn@daquy.com.vn
    Tieu de: Tập thể cựu sinh viên AVK21F vô cùng thương tiếc
    Noi dung: Thầy ơi, vậy là em không về được Đà Lạt tiễn thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nói về những cống hiến của thầy đối với Đại học Đà Lạt thì có lẽ chính tụi em, những sinh viên khóa 21 (1997) mới thật sự là những người cảm nhận được sâu sắc nhất. Đại học Đà Lạt từ khi thầy chính thức làm Hiệu trưởng đến nay đã thật sự thay da, đổi thịt. Nào Khu giảng đường A27, khu Nhà thi đấu, Khu giảng đường - Thư viện điện tử, Ký túc xá... đã là những dấu ấn, nâng tầm Đại Học Đà Lạt. Và cũng có lẽ, khá may mắn cho em khi được là hàng xóm của thầy. Hai nhà cách nhau chỉ một hàng rào thấp. Lúc còn đi học cũng như mỗi lần về Đà Lạt, thầy và cô đều hỏi thăm công việc, cuộc sống. Thầy đi rồi, mình cô trong căn nhà vắng, mong cô đừng buồn, mong cô vượt qua nỗi đau này, cô nhé. Em cũng thay mặt cho toàn thể lớp AVK21F, cũng như toàn thể cựu sinh viên Anh văn K21 mong thầy yên lòng an nghỉ nơi vĩnh hằng.

    Ho ten: Le Van Mung
    Dia chi: Ul.Plocka17m110, 01-231 Warszawa , Poland
    Email: levanmung@yahoo.com
    Tieu de: Vô cùng thương tiếc GS.TS Nguyễn Hữu Đức
    Noi dung: Nghe GS.TS Lê Văn Hồng, Viện KH và Vật liệu HN nhắn tin qua "offline", chúng tôi, những người bạn của GS Đức ở Ba Lan thật bàng hoàng. Chúng tôi đã nhờ gửi điện hoa viếng anh. Chúng tôi là những người bạn biết anh từ khi anh mới đặt chân đến đất Ba Lan học tiếng ở TP Krakoow và tốt nghiệp loại ưu của một trường ĐH danh tiếng và lâu đời bậc nhất của châu Âu. Anh về nước và đã cùng với anh Ninh xây dựng một trường ĐH có tầm vóc ở cao nguyên Đà Lạt. Anh ra đi giữa tuổi còn rất sung sức. Không những Việt Nam mà cả thế giới mất đi một nhà khoa học, một GS đang độ phát triển. Chúng tôi, những người bạn của anh đang công tác tại châu Âu mất đi một người bạn thân thương. Đức ơi, hãy ra đi thanh thản nhé. Các bạn ở Ba Lan xin kính viếng hương hồn.

    Ho ten: Phùng Văn Ổn
    Dia chi: Trung tâm Tin học Bộ GTVT
    Email: onpv@hn.nn.vn
    Tieu de: Tiếc thương anh vô hạn
    Noi dung: Thật đột ngột khi đọc tin anh từ giã cõi đời giữa lúc đang tràn đầy nhiệt huyết sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung và Đại học Đà Lạt nói riêng. Tôi mới chỉ biết anh đúng một năm nay trong buổi gặp gỡ với mấy anh em từng học ở Ba Lan, nhân Hội thảo Quốc gia về CNTT lần thứ 9 do Trường Đại học Đà Lạt đăng cai tổ chức vào tháng 6 năm 2006. Ấn tượng của tôi về anh là một người thầy giáo sôi nổi, tâm huyết, với nhiều câu chuyện vui cả về cuộc sống riêng lẫn những mong muốn phát triển Đại học Đà Lạt của anh. Vậy là không thể gặp được anh trong dịp Hội thảo quốc gia về CNTT lần thứ 10 tới nữa. Vĩnh biệt anh với niềm tiếc thương vô hạn. Xin chia sẻ nỗi buồn thương đến gia đình anh và Trường Đại học Đà Lạt.

    Ho ten: NQT
    Dia chi: Hà Nội
    Email: soi_thuy_tinh0701@yahoo.com.au
    Tieu de: Xin cho con một tiếng gọi thầy!
    Noi dung: Con cũng là 1 sinh viên, nhưng chỉ là sinh viên giữa lòng Hà Nội. Dù chưa bao giờ được học thầy, chưa từng đặt chân đến Đà Lạt, nhưng xin cho con 1 tiếng gọi thầy, thầy nhé! Mong thầy yên lòng nơi chín suối, thầy ơi...

    Ho ten: Bùi Thế Hưng
    Dia chi: Hà Nội
    Email: ronaldo_we@yahoo.com
    Tieu de: Em luôn cầu nguyện cho thầy bình an!!!

    Noi dung: Em là cựu sinh viên khoa Luật của trường mình!Em đã ra trường được gần một năm rồi!Hôm nay em nghe tin buồn mà không khỏi bàng hoàng!Thầy cứ bình an yên nghỉ!Chúng em - những người học trò nhỏ của thầy nguyện sẽ cố gắng hết sức mình, noi gương thầy, sống và cống hiến cho đất nước! Chúng em luôn nguyện cầu cho thầy nơi cực lạc!!!

    Ho ten: Dương Viết Nghĩa
    Dia chi: Lớp Luật học K30B Đại học Đà Lạt.
    Email: caonhuhoangyahoo@.com

    Noi dung: Cũng như bao thế hệ của sinh viên trường Đại học Đà Lạt, mặc dù chưa một lần được gặp thầy. Nhưng em biết thầy là một người hết mực yêu nghề, yêu trường, yêu sinh viên như yêu chính bản thân mình vậy. Không muốn tin nhưng đó là sự thật, thầy đã đi xa rồi.Thầy đi xa để muôn vàn nỗi nhớ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những thế hệ sinh viên. Hôm nay trong cái nắng của vùng đất cao nguyên, em tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Thầy đã đi xa nhưng hình ảnh của thầy mãi khắc ghi trong tâm trí của em. Em nguyện chúc cho thầy về thế giới bên kia mãi mãi được thanh thản và yên bình. Trước mộ thầy em xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, để có thể đóng góp một phân nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục của trường Đại học Đà Lạt và sự nghiệp giáo dục chung của nước nhà. Đó là tâm huyết của cả cuộc đời thầy. Thầy hãy tin tưởng vào các thế hệ sinh viên của mình. Chúng em sẽ sống và học tập theo gương của thầy. Một lần nữa em xin vĩnh biệt và nguyện chúc cho thầy được bình an.


    Ho ten: Lớp Cao học Toán K12, Đà Lạt
    Email: langbiang17@yahoo.com
    Tieu de: Thầy Đức - Một nhân cách lớn

    Noi dung: Sáng nay tiễn Thầy chúng con đã khóc vì chúng con đã mất đi một người thầy đáng kính, một người cha đã dẫn dắt, chỉ bảo chúng con. Chúng con sẽ ghi nhớ mãi công ơn dạy dỗ của Thầy và nguyện đem sức trẻ để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
    Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới độc giả, người thân, bạn hữu, học trò của Thầy Nguyễn Hữu Đức. Tất cả những dòng viết sẻ chia đã nhận được, chúng tôi đang tập hợp và sẽ gửi tới gia đình Thầy và trường Đại Học Đà Lạt như một lời vĩnh biệt và lời cầu chúc Thầy yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Thư Hà Nội.

    School@net (Theo VietnamNet)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.