Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 3
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 3
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93324667 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Vài nét chính về một nền Giáo dục Đào tạo « lành mạnh » cần thiết cho sự phát triển bền vững

    Ngày gửi bài: 20/07/2007
    Số lượt đọc: 2948

    Một vế trong vấn đề phát triển bền vững là phải có một nền Giáo dục đào tạo (GDĐT) « lành mạnh ». Điều này đã đem ra bàn cãi nhiều rồi, và hầu như đã được sự đồng thuận, bởi vì trong thời đại xã hội tri thức và thông tin này, trong khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, « trình độ biết việc » và « giá trị của tay nghề » càng ngày càng là những tiêu chuẩn phân định trong cuộc chạy đua kiếm khách mua hàng, và hơn thế nữa, bao trùm lên cả vấn đề kinh tế, sự cạnh tranh toàn cầu còn là sự tranh đua của bản thân chính các xã hội. Nhưng thế nào là « lành mạnh » ?

    Theo tôi, nói tóm tắt, một nền GDĐT « lành mạnh » là : một nền GDĐT có sứ mạng rõ rệt, mang mục tiêu khả thi, trung thực, mang tính khoa học, phân minh, bảo đảm được hiệu quả ích lợi cho đất nước, bảo đảm được sự công bằng cho mọi thành viên trong xã hội , vv. Vì giới hạn của câu chữ, trong bài này tôi chỉ xin nêu vài nét chính với thí dụ minh họa tập trung vào nền Giáo dục đại học:

    - 1/ Sứ mạng của đại học là gì, và tại sao ở mức độ đó, giảng dạy lại phải gắn liền với nghiên cứu khoa học ? (Tôi dùng từ « đại học » theo nghĩa tôi vẫn dùng từ trước đến nay, nghĩa là bao trùm cả cái gọi là « sau đại học » nữa, như Luật giáo dục 1/1/2006 rốt cục đã công nhận trong điều 4.d/ chương I).

    Nói vắn tắt bằng một câu : sứ mạng của đại học là mở rộng biên thùy của sự hiểu biết, mang sự hiểu biết (đã, đang và sẽ có được) vào cuộc sống ; do đó từ nghiên cứu cơ bản, tìm cách chuyển sang nghiên cứu áp dụng, rồi sau đó tìm cách đưa vào sử dụng đại trà (thí dụ như khâu công nghệ của một số ngành, có liên kết với các doanh nghiệp), song song với sự chuyển giao hiểu biết. Từ sứ mạng đó, mới định ra mục tiêu, qui chế, mới phân biệt phần kiến thức cơ bản và phần đào tạo nghề nghiệp, mới đưa những phương tiện tài chính và vật chất vào để thực hiện, mới tính toán sao cho cân đối ngành nghề hợp với nhu cầu, mới phân chia vai trò của công lập và tư lập, vv. Sức mạnh của các nước phát triển cao hiện nay chính nhờ ở quan niệm đại học như vậy, dựa trên cơ sở một niềm tin lành mạnh vào khoa học. Nó khác xa với một quan niệm về một nền đại học nào đó tồn tại trong một số người Việt Nam, kiểu : « đại học » là nơi nhắm đào tạo ra những « danh nhân », mà thời thịnh thì giúp vua trị dân, thời suy thì vinh thân phì gia ; thậm chí ngày nay còn có ý đòi hỏi nơi đó phải là nơi có những phương tiện đồ sộ, và tụ tập những nhân vật có chức danh cao quí (!), nhưng mục tiêu thì lu mờ. Nguy cơ vụng sử dụng sẽ là : để tồn tại, phải bày ra những công trình nghiên cứu để chứng minh sự cần thiết của mình, và để chuyển giao sự hiểu biết về những phát minh có thể là vô bổ của mình cho những sinh viên chen đua vào học để có bằng cấp nhắm kiếm được một địa vị xã hội, và rồi cứ quay vòng như vậy… Một quan niệm sai lạc như vậy không thể tạo ra những con người « biết việc » và những « tay nghề có giá trị » cần thiết cho sự phát triển.

    - 2/ Thế nào là một nền GDĐT mang tính khả thi ? Đó là một nền GDĐT mà mục tiêu phù hợp với khả năng thực hiện, chứ không phải là với một mục tiêu « hoành tráng » nêu ra – dù không chủ ý để tự dối mình và dối người – xa rời thực tế của nước mình. Một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học mang tính khả thi ở nước ta hiện nay, không mơ tưởng đến những lĩnh vực khoa học mà mình chưa cần với tới, đến những lĩnh vực « khoa học bự» (tôi dịch chữ « big science » : kiểu dự án ITER, trung tâm CERN, thám hiểm vũ trụ,...), mà tập trung vào những lĩnh vực không cần đầu tư tốn kém lắm và chỉ cần những công nghệ trong tầm tay của ta, với một đội ngũ chuyên gia có đủ hiểu biết : thí dụ như những lĩnh vực về năng lượng tái tạo, vv. để nâng mức sống, mà không gây ra tai họa. Không ai may áo cỡ 18 tuổi cho một trẻ em 10 tuổi, vừa tốn vải, vừa ngây ngô khó coi ; chiếc áo đẹp là chiếc áo may vừa cỡ tuổi, dần dần lớn lên thì mới may áo rộng.

    - 3/ Thế nào là một nền GDĐT mang tính trung thực? Đó là một nền GDĐT mà bằng cấp đánh giá đúng được trình độ hiểu biết, danh hiệu phù hợp với chức vụ, với nhiệm vụ. Nền GDĐT đó không chạy theo thành tích với bất cứ giá nào. Có những con số thống kê mà người ta đem ra để đánh giá trình độ của một đại học. Phải hiểu đó là một phần những tiêu chí để đo một thực trạng, chứ không phải là « điều kiện đủ » để đạt trình độ. Không thể dùng những con số đó như những mục tiêu, với sự khù khờ hay ẩn ý bên trong : Cần đạt tỉ số « bao nhiêu sinh viên/ 1 vạn dân » ? Cứ mở vung vãi nhiều « đại học », tuyển sinh cho nhiều dù có phải giảm điểm sàn, thì cũng đạt được. Cần đạt tỉ số « bao nhiêu sinh viên/1 nhà giáo » ? Cứ tuyển bừa nhà giáo có trình độ hay không, thì cũng đạt được. Cần « bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ » cho những năm tới ? Nếu coi bằng cấp chỉ là những mảnh giấy có đóng dấu, thì giấy tờ và con dấu rất dễ tạo. Nhưng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, không đơn giản như vậy.

    - 4/ Thế nào sự rạch ròi của một nền GDĐT lành mạnh? Đó là sự biết phân biệt vài trò hệ công lập và hệ tư lập. Tư nhân mở trường là một sự lựa chọn cá nhân, kể cả trong mục tiêu thiện chí. Nhà nước mở trường, là một bổn phận bảo đảm được cho GDĐT vai trò « lò nung đúc trí tuệ của dân tộc » trong sự liên tục và có thừa kế, bảo đảm công bằng xã hội cho mọi công dân trong việc học tập, bảo đảm được hướng đi lên, đại trà và/hoặc tinh hoa, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, có nghiệp vụ cao, vv . Ngay trong khung cảnh giả thuyết tư và công đều vô vị lợi, tư nhân mở trường phải tính toán để tồn tại, cho nên trường tư có thể chọn những ngành đầu tư ít mà chóng có hiệu quả ; còn Nhà nước, nơi « cầm trịch », có bổn phận phải (ít hay nhiều) đảm nhiệm mọi ngành, đặc biệt là các ngành cần đầu tư lớn, dài hạn, hoặc mang tính chất chiến lược – ở đây, đừng lẫn lộn với chuyện bao cấp vô tội vạ – liên quan đến cả vấn đề độc lập tự chủ và thống nhất của đất nước. Vì vậy, khẳng định rằng « công lập » và « tư lập » cũng như nhau, là một khẳng định khiên cưỡng. Lại có vấn đề tham gia của doanh nghiệp vào GDĐT. Có ý cho rằng doanh nhân sử dụng nhân công đã được đào tạo, vậy thì họ phải chịu hoàn toàn gánh mảng đào tạo nghề nghiệp kỹ thuật. Ý này có phần đúng mà cũng có phần không đúng, bởi vì doanh nghiệp phát triển thì doanh nhân, dù có lợi riêng, cũng góp phần làm giàu cho đất nước ; họ được hưởng, nhưng cũng có phần đóng góp. Nhưng cũng như đã nói trên, họ không có « vai trò chủ trì » như Nhà nước, cho nên sự tham gia của doanh nghiệp tuy là cần thiết (về mặt nội dung đào tạo cũng như về mặt tài chính – ở một số nước có thứ thuế mà doanh nghiệp phải đóng đặc biệt cho quĩ đào tạo nghề nghiệp), nhưng không thể hoàn toàn giao phó hẳn một mảng đào tạo cho doanh nhân.

    - 5/ Thế nào là một một nền GDĐT mang tính khoa học (theo nghĩa rộng) ? Xin lấy vài thí dụ tóm tắt thay cho câu trả lời:

    a) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, không có chỗ cho những tình trạng phi lý, dẫn tới sự tồn tại những công trình nghiên cứu mà kết quả được khẳng định mà không có chứng minh.Thí dụ như bón lúa bằng mắt nhìn.

    b) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, không có những qui định kỳ lạ để đánh giá công trình khoa học theo kiểu hành chính, dùng số lượng để đánh giá chất lượng, thí dụ như muốn thành giáo sư (GS) thì phải có bao nhiêu ấn phẩm, dài, ngắn thế nào vv. Ai đã từng thực sự hành nghề khoa học đều biết là giá trị phụ thuộc vào nội dung công trình. Có những giải thưởng lớn (như giải Nobel) được trao mà nội dung công trình chỉ chứa đựng trong một vài ấn phẩm. Thời gian phát minh cũng không cứ là phải dài (*), trong khi có những ấn phẩm được rặn ra cả mớ, mà không mang lại được ích lợi gì. Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, cũng không thể có chỗ cho một qui định loại : muốn là GS thì phải thạo tiếng Mỹ và chỉ tiếng Mỹ thôi – tại sao một chuyên gia về văn hóa Tây Ban Nha, hay văn hóa Pháp, hoặc văn hóa Chăm lại phải chịu tiêu chuẩn đó ? Không nên lẫn lộn « nên » và « phải ». Thiết tưởng những nhà quản lý chỉ nên có những qui định về cơ cấu – thí dụ như có hay không có « Hội đồng nhà nước công nhận tư cách ứng viên GS », « Hội đồng khoa học tuyển chọn GS của từng đại học » – còn về nội dung đánh giá thì cứ để cho các nhà khoa học thành viên các hội đồng đó quyết định với nhau, như ở các nước đã phát triển vẫn làm.

    c) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, tất nhiên cũng không có chỗ cho sự nhập nhằng, lẫn lộn về khái niệm về « chức vụ » và « hàm-chức danh » cho nhà giáo, giải thích, bàn cãi cả mấy năm vẫn chưa tỏ. Nay tôi đành lấy hiệu ăn – không nghề nào là ti tiện cả – làm ví dụ : ở hiệu ăn có một người đầu bếp, có phụ bếp, có nhân viên phục vụ dọn ăn, vv. Nếu người đầu bếp thôi việc, hay về hưu, thì tuyển một người đầu bếp mới, hoặc từ người ngoài, hoặc từ những người phụ bếp, miễn là họ biết nấu ăn. (Nếu là hiệu ăn lớn, có thể có hai, ba đầu bếp, nhưng con số được qui định sẵn tùy số thu nhập, nếu không thì hiệu ăn sạt nghiệp). Chứ không phải rằng có một hội đồng toàn quốc nào đó của các hiệu ăn, hàng năm họp « phong chức danh » đầu bếp cho một số nhân viên của các hiệu ăn vì họ biết nấu ăn, mà chẳng cần biết xem hiệu ăn A đang cần một người đầu bếp, hiệu ăn B đã có người đầu bếp rồi , để đến nỗi có hiệu ăn nhỏ có cả chục đầu bếp, có hiệu ăn lớn thì chẳng có đầu bếp nào.

    d) Cũng mang tính khoa học, khi không lẫn lộn người « giỏi », với người « có trình độ » : một cô ý tá « giỏi », thủ khoa khi tốt nghiệp y tá, cũng không thể thay thế một cô bác sỹ giải phẫu tốt nghiệp đội bảng.

    - 6/ Một nền GDĐT lành mạnh cũng là một nền GDĐT biết rút kinh nghiệm từ nơi khác mà không bắt chước một cách dập khuôn. Xin nêu vài thí dụ, dù rằng chúng thuộc khía cạnh thứ yếu:

    Thí dụ thứ nhất là vấn đề « khuôn viên » (campus) đại học « điển hình » nào đó: khang trang, hội tụ đầy đủ những phương tiện vật chất, tập trung được mọi ngành, nơi mà nhà giáo và sinh viên có những điều kiện học tập và sinh hoạt tối ưu. Nhưng hình như một số khuôn viên đại học điển hình như vậy được xây dựng đã lâu đời, ngay từ thuở thành phố được qui hoạch, cho nên nằm ngay trong nội thành ; đó là chưa kể đến những phương tiện di chuyển tương đối dễ dàng. Cách đây vài chục năm ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, người ta cũng xây cất một số « khuôn viên » đại học mới, nhưng lại ở ngoại thành, (vì lý do dễ hiểu : đất rẻ) ; đến chiều và đến cuối tuần thì « vắng như chùa bà Đanh » . Ngược lại, tôi đã từng hành nghề mấy chục năm ở đại học không có khuôn viên tập trung, nhưng giữa lòng thủ đô Paris ; tuy có những nhiêu khê, nhưng cũng có những thuận lợi, thí dụ có thể tổ chức những lớp giảng vào những giờ muộn chiều tối, mà cả những người đang đi làm kiếm sống cũng có thể tham dự. Đó là chưa kể đến vấn đề sinh viên cư trú trong gia đình, đỡ tốn kém, vì chỗ ở cho sinh viên ký túc xá không phải là vô hạn, vv. Cho nên cũng cần có sự cân nhắc, liệu cơm mà gắp mắm.

    Thí dụ thứ nhì là tình trạng biên chế và hợp đồng cho nhà giáo đại học. Thoạt đầu phải trải qua khâu làm nghiên cứu để có luận án tiến sĩ, để rồi sau đó lúc hành nghề, tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy. Có những ngành nhiều trắc trở hơn những ngành khác –mà lại mang tính chiến lược – trắc trở vì cần trang bị nặng, vì kết quả bấp bênh, giả thử như đeo đuổi nghiên cứu làm luận án, chắc gì đã có kết quả ; rồi khi đã có bằng cấp sau nhiều năm gian nan, nếu công việc làm ăn bấp bênh, thì rốt cục « có đáng đi vào những ngành đó hay không ? ». Đa số sinh viên sẽ bị ám ảnh bởi câu hỏi này trước khi vào ngành, và chính những người trong ngành cũng có thể bỏ ngành. Vì vậy, nếu không có chính sách khuyến khích và bảo hộ, thì sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng về ngành nghề, không những ảnh hưởng xấu đến phát triển, mà còn có thể gây xáo trộn trong xã hội. Cho nên không thể – vì những trì trệ thời bao cấp vô trách nhiệm – đơn giản nói rằng nên thay thế « biên chế » bằng « hợp đồng », để kích thích sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

    Phải chăng hiện nay, một số nước đang phát triển nâng được mức tăng trưởng của mình phần nào là nhờ ở nhân công rẻ và cạnh tranh ở những lĩnh vực không đòi hỏi tri thức cao, và chịu chấp nhận những điều kiện lao động ít bảo đảm ? Tới một lúc nào đó, nếu như đời sống khấm khá hơn, khung cảnh đó sẽ thay đổi. Lúc ấy, không thể lem nhem. Lấy đâu ra những người « thực sự biết việc » ở mọi mức : kỹ thuật, qui hoạch, dự báo, tham mưu hay ở mức quyết định đường lối vv., để bảo đảm tiếp tục được sự phát triển, nếu họ không được « ra lò » từ một nền GDĐT « lành mạnh » ?

    ______
    (*) Một giai thoại: Năm 1963, bà Maria Goeppert-Mayer được giải Nobel Vật lý (đồng thời với 2 nhà vật lý khác). Nghe kể là trong buổi nhận giải, bà ta phát biểu: « Tôi đạt được giải này trong vòng 20 phút [ngụ ý : chỉ nghiên cứu trong 20 phút], nhờ có ông Fermi ». Sự tích là trong một buổi xêmina của ông Fermi nhiều năm về trước, bà ta trình bày sự « không thành công » trong việc xây dựng một mô hình về cách cấu tạo hạt nhân và nhân của nguyên tử. Ông Fermi hỏi bà : « Bà đã thử sử dụng cách ghép Xpin-ocbitan chưa ? ». Bà ta trả lời là chưa. Sau xêmina, hai người về phòng làm việc để thảo luận thêm, nhưng vừa ngồi thì ông Fermi bị có người gọi điện thoại. Câu chuyện qua điện thoại kéo dài, dài tới 20 phút. Trong khi đó, không biết làm gì, bà này ngồi tính. Khi cú điện thoại của ông Fermi chấm dứt, bà bảo ông: « Tôi đã tính xong, và kết quả đúng ». Và bà đề nghị ông ký chung ấn phẩm về kết quả mà bà đã tìm thấy, nhưng ông trả lời: « Không, những người GS đại học như chúng tôi ăn lương, thì có bổn phận phải làm những nhận xét ở xemina như tôi đã làm ». Cái kết quả mà bà ta tìm thấy bữa đó mang lại cho bà ta giải thưởng nói trên.

    Thời Báo Kinh tế Sài gòn đăng 1 phần ngày 16/2/2006
    Bùi Trọng Liễu
    Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)

    Bùi Trọng Liễu



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.