Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 9
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 9
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93341587 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    10 Sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2005

    Ngày gửi bài: 18/04/2006
    Số lượt đọc: 3736

    Đã thành thông lệ những ngày cuối năm, các báo và tạp chí chuyên ngành đều dành nhiều không gian cho việc đánh giá, tổng hợp các sự kiện nổi bật trong năm vừa qua trong các lĩnh vực xã hội mà mình quan tâm. Năm nay, Tin học & Nhà trường cũng ngồi lại và xem thử trong năm vừa qua các sự kiện giáo dục nào nổi bật và được xã hội quan tâm hơn cả.

    I. Các tạp chí đã nói gì?

    Trước khi đưa ra các nhận xét của chính minh, chúng tôi đã dạo một lượt trên Web xem các báo, tạp chí, đài bạn đã bình chọn các sự kiện này như thế nào. Thật thú vị khi phát hiện ra rằng phần lớn các báo, tạp chí đều đăng lại tin của nhau. Sau khi phân tích kỹ, chúng tôi nhận thấy chỉ có 3 tạp chí, website là có số liệu của riêng mình, đó là các Website VietnamNet, Báo Thanh niên và NetNam. Sau đây là mô tả ngắn gọn các bình chọn sự kiện giáo dục mà các Website này đã đưa ra.

    - Báo điện tử VietNamNet

    1. Thông qua Luật Giáo dục 2005

    Luật GD được Quốc hội thông qua vào tháng 6 mang tên Luật Giáo dục 2005 thay vì Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD năm 1998.

    2.Phê duyệt đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam

    Đề án được Chính phủ thông qua ngày 2/11 với mục tiêu chung: đến năm 2020, GĐDH Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới.

    3. Khánh Hòa đề nghị thi tốt nghiệp THCS vòng 2

    Với tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh đạt 64,15%, thấp hơn nhiều so với những năm trước, dưới sức ép "đảm bảo kết quả phổ cập THCS", tỉnh đã đề nghị thi vòng 2 nhưng đã bị Bộ GD-ĐT bác bỏ.

    4. Hiện tượng học sinh bày tỏ chính kiến tại các cuộc thi

    Tại kỳ thi HS giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005, thay vì phân tích cái hay, cái đẹp của tác phẩm như đề bài yêu cầu, Nguyễn Phi Thanh (trường THPT Việt Đức) đã viết rằng mình không thích tác phẩm đó, đồng thời nêu lên nhiều nhận xét rất thẳng thắn về cách dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay. Lá thư của Nguyễn Thị Hiền (trường Lê Viết Thuật, Nghệ An) gửi tới Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị bỏ điểm thưởng vì những tiêu cực trong việc chạy điểm phản ánh mặt trái của chính sách cộng điểm thưởng cho HS giỏi trong kỳ thi vào ĐH.

    5.Những "kỷ lục" từ kỳ thi tuyển sinh ĐH 2005

    Chỉ một hay đổi trong cách ra đề thi ĐH môn Lịch sử với yêu cầu HS suy luận, phân tích và đánh giá các sự kiện đã cho kết quả bàng hoàng: Có tới 13.820/23.588 bài thi được 1 điểm, số TS đạt từ 5 trở lên vẻn vẹn 9,73%. "Kỷ lục" về thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi 3 môn 30/30 cũng được xác định là cao nhất từ năm 1975 tới nay với con số 97 em, trong đó, có 1 thí sinh đạt điểm 30/30 của cả 2 khối thi.

    6. Đề án tăng học phí vấp phải sự phản ứng của xã hội

    Được thực hiện theo tinh thần "bí mật", đồng thời thiếu những giải pháp đồng bộ, đề án tăng học phí, trong đó có mức trần của hệ ĐH dự kiến 900.000 đồng đã gây "sốc" và kết quả là phải rút lại đề án.

    7. Phương án phân ban trung học phổ thông bị chỉnh sửa nhiều lần nhưng chưa ngã ngũ

    Tại hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án phân ban, sau đó chọn phương án 3 để trình Chính phủ. Đến tháng 12, lại lựa chọn 2 phương án khác để thay thế phương án 3 để tiếp tục...xin ý kiến.

    8. Bắt đầu "sàng lọc" giáo viên

    Ngành giáo dục đã có kế hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010 với một đề án dự trù kinh phí lên tới 18.000 tỷ đồng với tinh thần cơ bản: nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và giải quyết chế độ chính sách cho bộ phận không "đạt chuẩn".

    9. Ra đời quy chế ĐH tư thục

    Quy chế trường ĐH tư thục ra đời, xác định rõ ràng tư nhân cũng có quyền tham gia mở trường ĐH, CĐ.

    10. Giảm tải tiểu học

    Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn giảm tải chương trình tiểu học theo tinh thần giáo viên và tổ trưởng tổ chuyên môn được đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường về thời lượng dạy học của từng bài, từng môn học trong tuần cho phù hợp với đặc điểm đối tượng HS và hoàn cảnh địa phương.

    - Báo điện tử Thanh niên

    1. Luật Giáo dục được thông qua
    Tháng 6.2005, Luật Giáo dục gồm 9 chương, 120 điều, được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Giáo dục năm 1998, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2006.

    2. Lần đầu bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, lần cuối thi tốt nghiệp THCS.
    Năm 2005 cũng là năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng và bắt đầu bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học.

    3. Đấu trường quốc tế: Thành công và thất bại
    27 học sinh thuộc 6 đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Vật lý châu Ă, Toán học, Tin học, Hóa học, Sinh học đoạt giải quốc tế, trong đó đoàn học sinh dự thi môn hóa học đạt thành tích cao nhất với 3 huy chương (HC) vàng và 1 HC bạc. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc thi lập trình thế giới 2005 khu vực châu Ă - Thái Bình Dương tổ chức tại Iran, đội tuyển Olympic Tin học của ĐH Bách khoa TP.HCM đã đoạt giải ba. Tại cuộc thi Olympic Toán và khoa học quốc tế cấp tiểu học năm 2005 (IMSO-2005), đoàn Việt Nam gồm 6 học sinh của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giành được 1 HC bạc và 3 HC đồng. Bên cạnh những thành công trên, có thể xem việc lần đầu tiên trong ba năm gần đây đội tuyển Toán không giành được HC vàng và “văng” ra khỏi khỏi top 5 là một thất bại.

    4. Nhiều sự cố về đề thi
    Không khó khăn lắm trong việc đi tìm một trong những nguyên nhân thất bại của đội tuyển Toán khi trước đó đã có quá nhiều sự cố về đề thi chọn vào đội tuyển Toán thi quốc tế. Ban đầu là việc có 3 trong 6 câu đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cơ sở ban đầu để chọn đội dự tuyển quốc gia) đã xuất hiện trong các kỳ thi trước đó, gây ra nhiều tranh cãi. Các sai sót ở đề thi môn Địa lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, các đề kiểm tra học kỳ của chương trình thí điểm phân ban, tuy không còn sai sót nhiều như các năm trước nhưng đề thi môn Văn lớp 11 (học kỳ 2 - tháng 5) vẫn có 3/12 câu trắc nghiệm nằm trong chương trình học kỳ 1.

    5. Sự kiện "học sinh lên tiếng"
    Đầu tiên là lá thư của học sinh Nguyễn Phi Thanh (lớp 11A18, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) về tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã viết rằng mình không thích tác phẩm đó và tập trung vào việc nhận xét về cách dạy và học văn trong nhà trường. Đến cuối tháng 8, một học sinh ở Nghệ An lên tiếng về việc không công bằng trong việc xét chọn danh hiệu học sinh giỏi lớp 12, dư luận lại tập trung bàn về việc "nên hay không nên cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi trong kỳ tuyển sinh ĐH?".

    6. Chương trình thí điểm phân ban vẫn chưa ổn
    Sau gần 3 năm thí điểm, khi lứa học sinh đầu tiên của lần thí điểm này sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương án để triển khai đại trà cho học sinh toàn quốc vào năm học 2006-2007 vẫn chưa được quyết định: từ 2 ban ban đầu, có thể chuyển qua 4 ban (tháng 6.2005), bây giờ có thêm phương án 3 ban.

    7. Tuyển sinh đại học bội thu điểm cao
    Đề thi của khối A khá dễ, không tạo ra sự phân hóa rõ rệt giữa học sinh giỏi và khá, tạo ra một bất ngờ mới: 97 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 (cao nhất từ năm 1975 đến nay), 1 thí sinh đạt 30/30 điểm của cả 2 khối thi.

    8. Giáo dục đại học tìm đường đổi mới
    "Đến năm 2020, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới" là mục tiêu của Đề án đổi mới giáo dục ĐH đến năm 2020 được Chính phủ thông qua trong tháng 11. Từ quyết định này, nhiều chương trình đã "khởi động" mà khởi đầu là việc cho phép 9 trường đại học trọng điểm cả nước thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến bậc đại học vào năm 2006.

    9. Đề án gây "sốc": Tăng học phí
    Cuối năm, Bộ GD-ĐT bất ngờ tung ra đề án tăng học phí, trong đó có mức trần của hệ ĐH dự kiến 900.000 đồng. Đề án bị dư luận phản đối và cuối cùng phải "xin rút lại". 10. Chương trình Tư vấn mùa thi của báo Thanh Niên phát triển mạnh cả về lượng và chất

    - Báo điện tử NetNam

    1. Sửa đổi Luật Giáo dục
    Luật Giáo dục 2005 gồm chín chương, 120 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Giáo dục năm 1998. So với Luật Giáo dục năm 1998, Luật Giáo dục 2005 bỏ bớt ba điều, bổ sung 13 điều mới và sửa đổi 83 điều. Bắt đầu từ ngày 1/1/2006, luật có hiệu lực và thay thế Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2005 cũng là năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng và bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học.

    2. Điểm thưởng chưa ngã ngũ
    Vấn đề điểm thưởng được dư luận quan tâm sau sự kiện một nữ sinh gửi thư cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long. Việc cộng điểm thưởng đã duy trì được 12 năm. Cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi toàn diện có kết quả thi tốt nghiệp loại giỏi là mục đích đúng, khuyến khích học sinh học toàn diện. Nhưng vì sức ép tuyển sinh quá lớn nên xảy ra khá nhiều hiện tượng tiêu cực, mất công bằng. Qua khảo sát của Bộ GD-ĐT, sinh viên từng được cộng điểm thưởng vào đại học và sinh viên không được cộng điểm đều có trình độ tương đương nhau. Thậm chí, nhiều sinh viên diện này có sức học trung bình và có cả những sinh viên lưu ban.

    3. Rắc rối phân ban
    Cuối cùng Bộ Giáo dục cũng chọn phương án thứ hai là phân thành ba ban từ lớp 10 (ngoài hai ban nâng cao như phương án một, có dạng ban cơ sở dành cho học sinh không thiên về thế mạnh nào). Sau năm năm có Nghị quyết 40 của Quốc hội và sau ba năm thí điểm, không biết đây đã là lần cuối cùng Bộ GD-ĐT điều chỉnh phân ban hay chưa.

    4. Thi trắc nghiệm ngoại ngữ
    Bắt đầu từ năm nay, học sinh cuối cấp THPT được làm quen với kiểu thi trắc nghiệm ngoại ngữ. Theo đó, đề thi ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung) được ra hoàn toàn dưới hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 6/2006) và kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (tháng 7/2006).

    5. Hoang mang học phí .
    Mặc dù chưa có quyết định chính thức tăng học phí nhưng "đề án điều chỉnh học phí" của Bộ GD-ĐT trình lên Chính phủ nóng như quả bom gây bức xúc trong dư luận. "Học phí có thể lên tới 900.000 đồng/tháng" là tiêu điểm để mọi người bàn tán. Mở màn phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc Hội Khoá XI, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển đăng đàn và phải đối chất với những bức xúc về đề án điều chỉnh học phí. May thay, đề án dang dở được huy bỏ sau khi Bộ trưởng trình bày về lộ trình tăng học phí. 6. Sự cố đội tuyển toán
    Vòng thi thứ hai chọn đội tuyển toán dự thi olympic toán quốc tế năm 2005 gặp sự cố. Theo các thí sinh, ba trong sáu câu của đề thi từng xuất hiện trong các kỳ thi trước đó. Đặc biệt có một câu giống với đề thi của kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Sở GD-ĐT Hà Nội. Kết quả kỳ thi Olympic toán Quốc tế 2005 tại Mexico, Việt Nam rớt hạng thảm hại với ba huy chương bạc và ba huy chương đồng, xếp thứ 15 toàn đoàn. Lần đầu tiên trong ba năm gần đây, Việt Nam không giành được huy chương vàng và bật khỏi top năm.

    7. Hiện tượng Ngô Bảo Châu
    Sự kiện một tiến sỹ khoa học 33 tuổi, Ngô Bảo Châu, được đề nghị đặc cách công nhận giáo sư đang trở thành đề tài gây tranh cãi.

    8. “Sự kiện” Phi Thanh
    Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005, thay vì phân tích cái hay, cái đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Phi Thanh (Học sinh lớp 11A18, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) viết rằng mình không thích tác phẩm đó. Đồng thời em thẳng thắn nhận xét về cách dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay. Sự kiện Phi Thanh khiến nhiều người đòi hỏi phải nhìn nhận lại cách giảng dạy môn văn khô cứng, một chiều, đơn điệu trong trường học hiện nay.

    9. Loay hoay giảm tải tiểu học
    Giảm tải chương trình tiểu học năm 2005 - 2006 được Bộ GD-ĐT thông báo từ tháng 8/2005. Bộ yêu cầu các sở trực thuộc chỉ đạo các trường tiểu học có kế hoạch giảng dạy phù hợp để học sinh hoàn thành bài tập tại lớp. Tuyệt đối không giao bài làm thêm ở nhà đối với học sinh học hai buổi/ngày.

    10. Nâng cao chất lượng giáo dục
    Bộ GD- ĐT chính thức có quyết định cho phép chín trường đại học trọng điểm cả nước thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến bậc đại học vào năm 2006. Thí điểm đào tạo một số chương trình, giáo trình tiên tiến được coi là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện Đề án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam 2006 - 2020. Tiếp theo Bộ GD- ĐT xây dựng phương án chuyển đổi thí điểm một số trường đại học, cao đẳng công lập sang tư thục.

    II. Đánh giá:

    Sau đây là 10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2005 do ban biên tập Tin học & Nhà trường đánh giá. Các sự kiện được đưa theo thứ tự thời gian tính từ khi xuất hiện sự kiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    1. Hiện tượng bài văn lạ của học sinh Nguyễn Phi Khanh
    Tháng 3. Bài văn lạ của Nguyễn Phi Khanh thực chất chỉ là giọt nước tràn ly của những bức xúc xung quanh cách dạy và đánh giá học sinh nhà trường, trong đó đặc biệt nổi bật là các môn học xã hội. Trên thực tế ai cũng thấy việc này: con em chúng ta đang được học một cách “nhồi vịt”, phương pháp học chủ yếu là “thuộc lòng”, học sinh hoàn toàn không được nói khác so với sách. Việc đánh giá kết quả học tập cũng hoàn toàn dập khuôn theo “đáp án” đã cho trước. Kiểu dạy và học này không phải bây giờ mới có, mà thực tế nó đã được thực hiện từ rất lâu rồi (có lẽ từ thời các thầy đồ, từ thời thực dân?). Kết quả là những cái “xơ cứng” đó lại đương nhiên trở thành chuẩn, trở thành luật áp dụng cho toàn bộ ngành giáo dục rộng lớn của chúng ta. Đến khi chúng ta giật mình sau quả “bom” Nguyễn Phi Khanh thì có lẽ đã quá muộn?

    2. Sở Giáo dục & Đào tạo Khánh Hòa đề nghị thi lại kỳ thi tốt nghiệp THCS vòng 2
    Tháng 5, tỉnh Khánh Hòa thi tốt nghiệp THCS chỉ đỗ 64,15%, một con số thấp kỷ lục chưa từng thấy ở Việt Nam, trong khi đó tất cả các tỉnh thành còn lại con số này đều trên 90%. Vấn đề mà ai cũng thấy là Khánh Hòa đã tiến hành cuộc thi khá trung thực. Thực trạng bức xúc khi một loạt báo chí đăng tải hiện tượng quay cóp, sử dụng phao tràn lan trong các phòng thi của học sinh chúng ta. Hiện tượng này đã thực sự gây sốc lớn cho toàn xã hội, nó đặt ra vô vàn các câu hỏi “vì sao” cho các nhà giáo dục, cho các nhà trường, các thầy cô giáo và cha mẹ phụ huynh học sinh.

    3. Bệnh thành tích trong các nhà trường phổ thông
    Tháng 6. Về bệnh thành tích trong nhà trường phổ thông đã được nhắc đến từ lâu. Người ta đã quen với các báo cáo thành tích dày nhiều trang giấy của ngành giáo dục, đã quá quen với các con số tỷ lệ học sinh khá giỏi, tỷ lệ đỗ cao,... của các nhà trường. Nếu như ngày xưa, cuối mỗi năm học, hiệu trưởng chỉ phải ký một vài giấy khen tặng học sinh giỏi toàn diện thì giờ đây người ta phải in giấy khen bằng máy tính vì đa số học sinh được phong tặng. Vấn đề chỉ trở nên bùng nổ khi báo chí đưa tin về một số học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo và về chuyện các em bắt buộc phải lên lớp không được lưu ban. Hậu quả của bệnh thành tích đã vượt quá sức chịu đựng của xã hội. Đã đến lúc cuộc chiến đấu với bệnh thành tích của ngành giáo dục trở nên vô cùng quan trọng và được toàn xã hội quan tâm.

    4. Luật Giáo dục mới với việc hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS
    Luật Giáo dục mới đã được quốc hội thông qua tháng 6, trong đó có một vấn đề rất mới: sẽ hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS từ năm 2006. Với suy luận hoàn toàn có lý là kỳ thi này tốn kém nhiều tiền bạc của nhà nước mà mục đích chỉ đánh trượt rất ít học sinh, trong khi đó ngành giáo dục đang tiến đến phổ cập THCS. Tuy nhiên các đại biểu quốc hội lại chưa tính đến một chuyện cũng rất quan trọng là sau khi bỏ cuộc thi này thì thầy cô sẽ dạy như thế nào và trò sẽ học như thế nào. Theo qui luật học sinh sẽ chỉ chú ý học các môn để chuẩn bị vào lớp 10 THPT, còn các môn học còn lại thì.... Trong khi đó các thầy cô vẫn phải giảng dạy bình thường và vẫn phải có điểm cao để đạt “chỉ tiêu thành tích”! Thực tế này thực sự là một cực hình đối với cả giáo viên và học sinh mà hiện tại các Sở Giáo dục & Đào tạo đang rất lúng túng giải quyết vấn đề này.

    5. Tranh cãi xung quanh lá thư của em Nguyễn Thị Hiền về việc bỏ điểm thưởng kỳ thi Đại học
    Tháng 9, tưởng chừng cuộc thi đại học với “3 chung” lần thứ 3 đã suôn sẻ trôi qua thì lá thư của em Nguyến Thị Hiền gửi Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã một lần nữa làm bùng nổ các bức xúc xung quanh kỳ thi Đại học này. Sự rắc rối của các nguyện vọng thi, cách cho điểm thưởng, cách ra đề và đánh giá đã tạo ra quá nhiều sự bất công và kẽ hở của cuộc thi này. Nhiều học sinh với 27 điểm cũng trượt trong khi đó có bạn 8 điểm đã đỗ. Các nghịch lý như vậy càng làm tăng thêm sức ép của xã hội đè nặng lên từng gia đình, từng học sinh khi tham gia kỳ thi này. Có thể nói cuộc thi Đại học hàng năm được tổ chức là cuộc thi tốn kém nhất, căng thẳng nhất, có số người tham gia lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn xã hội. Giáo sư Hoàng Tụy đã gọi sự căng thẳng của cuộc thi Đại học là một trong 3 cái ung nhọt lớn nhất của ngành giáo dục nước ta. Nhà văn Nguyên Ngọc thì đề nghị phải cắt bỏ ngay kỳ thi này. Tuy nhiên xã hội và các ngành quản lý có lỉên quan chưa đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này. Và có lẽ vấn đề thi Đại học sẽ còn đeo đuổi, còn gây tranh cãi và căng thẳng cho đất nước ta nhiều năm nữa.

    6. Thi Đại học bằng trắc nghiệm .
    Cục Khảo thí đã chính thức công bố, sau nhiều lần trì hoãn, từ năm 2006, môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT sẽ là thi trắc nghiệm. Thi hay câu hỏi trắc nghiệm không là vấn đề mới, tuy nhiên còn quá nhiều điều chưa ổn về vấn đề nhạy cảm này. Chưa ai có thể chứng minh một cách khoa học sự hơn hẳn của kiểu thi trắc nghiệm so với thi tự luận như chúng ta đang làm bấy lâu nay. Trên thế giới tại các nước đã rất phát triển, học sinh chỉ tiến hành thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ và Toán học. Các môn học còn lại vẫn được tiến hành kiểm tra bằng các phương pháp cổ điển, bằng tự luận hoặc làm bài viết theo các đề tài riêng biệt. Các bức xúc không chỉ dừng lại ở câu hỏi là thi trắc nghiệm hay tự luận, mà thực chất vấn đề nằm ở cách đánh giá học lực của học sinh trong ngành giáo dục của chúng ta còn có quá nhiều bất cập. Phương pháp giảng dạy lỗi thời, sơ cứng, giáo viên chưa đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng chuyển đổi sang tư duy mới, kiểu học “thuộc lòng” đã tạo sự quá tải vượt quá sức chịu đựng của nhà trường và xã hội. Riêng một biện pháp chuyển đổi câu hỏi trắc nghiệm trong các kỳ thi chưa đủ thuyết phục cha mẹ học sinh và các giáo viên trong nhà trường.

    7. Đề án đổi mới giáo dục Đại học
    Đề án đổi mới giáo dục đại học được Bô Giáo dục và đào tạo phê duyệt tháng 11, tuy nhiên các vấn đề bức xúc liên quan đến chất lượng đào tạo đại học đã được xới lên từ lâu. Ai cũng nhìn thấy giáo dục đại học của chúng ta đang tụt hậu một cách thê thảm so với thế giới và các nước xung quanh. Các công ty tư vấn du học mọc lên như nấm. Trên đường phố của các thành phố lớn ta có thể nhìn thấy đủ các loại băng rôn kiểu “du học Anh quốc”, “du học Mỹ”. Gần đây xuất hiện thêm “du học Thái lan, du học Malaisia, du học Indonesia”. Hình như chỉ còn thiếu Lào và Căm pu chia! Không biết đến khi nào trên đường phố của thủ đô Băng cốc xuất hiện băng rôn “du học Việt Nam”? Không một trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng trên thế giới cũng như khu vực mặc dù số lượng và tỷ lệ các GS, PGS, TS của chúng ta là khá cao trên thế giới. Bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng bức xúc không kém các vấn đề tương tự ở bậc phổ thông.

    8. Dự án tăng học phí của Bộ Giáo dục & Đào tạo
    Tháng 11 dự án tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ của dư luận và của tất cả các tầng lớp nhân dân. Sự phải đối mạnh đến nỗi trong kỳ họp Quốc hội, chính bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tuyên bố “rút bỏ” đề án này. Dư luận thở phào và người ta có cảm giác về đề án này giống như chuyện “đội mũ bảo hiểm xe máy bắt buộc trong thành phố” hoặc chuyện “cấm xe có biển số chẵn đi trong ngày lẻ” của các cơ quan chức năng GTCC cách đây một vài năm. Vấn đề cốt lõi của các bức xúc này rất rõ ràng: Dân ta còn quá nghèo, gánh nặng kinh phí học tập cho con cháu hiện tại đã quá lớn chưa nói đến chuyện tăng học phí. Mặt khác, nhân dân không tin tưởng vào các nhà quản lý rằng tăng học phí đồng nghĩa với việc tăng chất lượng đào tạo.

    9. Phân ban THPT: rắc rối và lúng túng
    Những ngày cuối cùng của năm 2005, vấn đề phân ban THPT lại một lần nữa gây xôn xao dư luận. Phương án 2 ban (A, C) đã được giảng dạy thí điểm 3 năm nay, phương án 4 ban (A, B, C, D) được Viện Chiến lược các vấn đề giáo dục đưa ra, rồi phương án 3 ban (A, C , Cơ sở), phương án 2 ban kiểu mới (chuẩn và nâng cao) đã được Bộ đưa ra trình lên Chính phủ. Thời gian để thực hiện chính thức đã quá cận kề mà các phương án còn “rắc rối, phức tạp” thế này thì không còn ai có thể tin rằng đề án đổi mới phân ban cho THPT sẽ tiến hành trôi chảy. Cách đây 10 năm, chính đề án phân ban tương tự của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng bị phá sản. Nếu nhìn sâu hơn một chút vào các phân ban hiện thời, tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh chọn ban A/C là 70/30, tỷ lện này tại HCMC là 90/10. Nếu như Thủ tướng chính phủ chấp nhận phương án A, C và Cơ sở thì bất kỳ ai có tư duy một chút sẽ thấy rằng trong một tương lai gần sẽ không có học sinh nào theo các ban “nâng cao” A và C nữa, mà sẽ chọn ban Cơ sở. Trong bức tranh tương lai như vậy thì việc “phân ban” quả thực sẽ trở nên vô nghĩa và đồng nghĩa với phá sản.

    10. Các sân chơi, giải thưởng CNTT phát triển rầm rộ
    Năm 2005 cũng là năm phát triển rầm rộ các giải thưởng CNTT dành cho thế hệ trẻ. Ngoài các cuộc thi chính thức đã quen thuộc với nhà trường như Thi HSG quốc gia Tin học, Olympic Sinh viên Tin học, Tin học trẻ không chuyên, các cuộc thi và trao giải khác về CNTT cũng nở rộ khắp nơi. Hội Tin học Việt Nam có giải IT CUP vàng CNTT hàng năm, tại thành phố HCM có giải BIT CUP của PCWORLD bình chọn sản phẩm phần mềm hay nhất trong năm. Hiệp hội phần mềm Việt Nam có giải Sao Khuê. Tạp chí Echip có giải “Hiệp sĩ CNTT”, VDC đưa ra giải “Nhân tài đất Việt” được tuyên truyền ầm ĩ trong suốt năm qua. Cuối cùng là giải “Trí tuệ Việt Nam” cũng rầm rộ không kém. Kết luận: những người làm CNTT Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia vào các sân chơi và nhận giải. Giải nào cũng to và rất có ý nghĩa. Tuy nhiên nếu toàn ngành giáo dục đang chiến đấu với bệnh thành tích thì những người làm việc thực sự trong ngành CNTT, đặc biệt là CNTT cho nhà trường sẽ phải suy tính lại xem có nên tham gia vào các giải thưởng này hay không.

    Bùi Việt Hà (Theo thnt.com.vn)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.