Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 6
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 6
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93335623 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Ngẫm về một thời ấu trĩ

    Ngày gửi bài: 05/12/2011
    Số lượt đọc: 2641

    Xin hãy bớt đi những lời chúc tụng, và cũng vơi vơi đi những phẫn nộ về thực trạng xuống cấp này nọ của đạo lý xã hội đang tràn vào học đường tàn phá tâm hồn thế hệ đang lớn. Thay vào đó, hãy nói nhiều hơn, viết nhiều hơn những khát vọng. Khát vọng của dân tộc, khát vọng của thế hệ trẻ.

    Với những ai đã từng đứng trên bục giảng, dù ở nhà trường phổ thông hay giảng đường đại học, vào những ngày cận kề 20.11 này đều bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong quãng đời dạy học của mình, nhất là với những người đã không còn thường xuyên lên bục giảng vì đã rẽ sang một lối phụ khác [và người ta hay tự diễu là đã "mất dạy"] thì cái xốn xang "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" càng da diết hơn. Vì, trong bộn bề những công việc, những quan hệ, những giao tiếp thì, với tôi, những kỷ niệm ấm lòng trên đường đời vẫn là kỷ niệm với học sinh, sinh viên của mình.

    Xin chỉ kể hai câu chuyện diễn ra cách nay chỉ mấy tuần.

    Biết tôi vừa qua một ca phẫu thuật hiểm nghèo, bà giáo Th.. và bà chủ quán cơm chay ở chân núi Yên Tử, học trò cũ của tôi cách đây hơn 50 năm rủ nhau lấy vé bay vào thăm thầy. Bà giáo Th. dịu dàng kể lại : "Em động viên các cháu học sinh em đang dạy kèm là cô chỉ đi hai ngày và cô sẽ dạy bù. Các em nhao nhao hỏi, cô đi đâu. Nghe em nói là đi thăm thầy giáo đã dạy cô cách đây 50 năm, các em trợn tròn mắt ngạc nhiên. Một em cười phá lên: hay thật, còn chúng em bây giờ ở trường nếu thầy giáo ốm bỏ tiết dạy là chúng em tung hô ngay!

    Tôi cười ra nước mắt trước mặt hai cô học trò cũ nay đã lên chức bà để nghĩ về nghề và về sự nghiệp giáo dục.

    Tiễn hai cô học sinh hôm trước, thì hôm sau lại xúc động tiếp tiến sĩ Đ.Th, sinh viên khoa Triết, khóa I Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 80, nay đang giữ một trọng trách, trước khi ra sân bay về Hà Nội đã phóng xe đến ngồi với thầy 30 phút chỉ để "tận mắt thấy thầy, nắm chặt tay thầy để thực sự an tâm về sức khỏe của thầy".

    Chỉ ba mươi phút cũng đã đủ để chúng tôi chia sẻ với nhau những nhức nhối về thực trạng của chuyện "trồng người" và động viên nhau, từ chỗ đứng của mình, gắng hết sức cho dù là nhỏ nhoi, cho dù là vô vọng, vẫn không nản lòng trong tâm thế "con tằm đến thác cũng còn vương tơ"! Và, trong sự vương vấn đó, tôi kể lại hai câu chuyện sau đây.

    Câu chuyện tình cờ nhưng gợi nhiều suy tưởng. Tối vừa rồi, trong căn phòng hẹp tại tp HCM của cô giáo Thể Tần có cuộc hội ngộ thú vị giữa thầy và trò lớp 10C một trường ở Hà Nội do cô làm chủ nhiệm sau 45 năm xa cách, kể từ 1964. Cô giáo và thầy giáo đã quá cái tuổi "xưa nay hiếm" nhiều, tóc đã bạc trắng, còn học trò thì cũng đã lên chức ông nội, bà ngoại cả. Gặp nhau sau gần nửa thế kỷ, mừng mừng, tủi tủi. S..., đại tá quân đội đã về hưu, nhận được điện thoại của trưởng lớp gọi, đã đứng ngồi không yên chờ vợ về để trao ngay cháu ngoại cho bà giữ, để rồi phóng vội từ Biên Hòa về kịp dự cuộc hội ngộ. Phg.., Nh, BăngT.., Đc... vẫn phong cách đảm đang của những nữ sinh Hà Nội, khệ nệ mang những túi thức ăn chuẩn bị sẵn đến nhà cô giáo, ríu rít "quát" các bạn nam Hh..., T... khẩn trương bưng bê dọn bàn. Chuyện đang nở như ngô rang bỗng trầm hẳn xuống khi nhắc đến hai bạn Cg... và Ng..đã yên nghỉ trên nghĩa trang Trường Sơn .

    Tế nhị và kín đáo làm loãng bớt đi bầu không khí trầm lắng, cô Tần nhắc đến câu thơ mà cả lớp 10C từng ngồi im như tượng trong buổi thầy Tg.. lên lớp "...Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Những phố dài xao xác hơi may. Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...". Rồi bàn tiệc lại lặng đi khi S.. lên tiếng : "Dạo ấy thầy là thần tượng của chúng em. Buổi thầy trình bày về Paven Coocsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy" cả lớp nuốt từng lời. Và rồi sau đó, chính câu thơ thầy giảng trên lớp: "Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy. Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường. Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương..." đã giục giã em vào bộ đội. Hôm đi B, em chỉ đến có mỗi nhà bạn Tâm nhờ chuyển lời chào các bạn rồi từ đó em ra thẳng ga lên tàu vào Vinh".

    Cô Tần gợi lại chuyện một học sinh gặp cô sau 15 năm trụ bám trên Tây Bắc, đã phàn nàn về cái thời ấu trĩ "sống ở thủ đô mà dạ để mười phương" ấy khiến cho giờ đây mình bị thua chúng kém bạn về bằng cấp, về cuộc sống.

    Người thầy giáo trầm ngâm khẽ hỏi học trò: "Các em nghĩ thế nào về cái thời gọi là "ấu trĩ" ấy? Đôi lúc tôi tự hỏi mình: đúng hay sai khi tôi gieo vào tâm hồn các em để rồi thúc giục các em "khi hướng đời đã thấy" thì cần dấn mình nhập cuộc với lời thầm thì giục giã: "Mỗi người chỉ sống có một lần. Vậy hãy sống như thế nào để khi nằm xuống không phải ân hận". Cô giáo chủ nhiệm lại thủ thỉ: "Không hiểu có ai trong các em oán chúng tôi về một thời ấu trĩ ấy không?".

    H..., nhà doanh nghiệp thành đạt, trả lời không chút ngập ngừng: "Xin thưa thật với cô, với thầy, quả là dạo ấy, không phải là chúng em đã hoàn toàn tin những điều rất lý tưởng mà thầy truyền đạt như cậu đại tá này tin đâu. Cũng có những cái lướng vướng, nhưng điều phải khẳng định là chúng em biết đó là cái cần hướng tới, và đó chính là cái làm cho chúng em không bị gục ngã. Ấu trĩ thì quả là có, nhưng đẹp cô ạ".

    Nhẹ nhàng và khẽ khàng, Phg.., rồi BgT.., rồi Đ...lên tiếng : "Đúng là một thời ấu trĩ cô ạ. Nhưng chúng em sẵn sàng đánh đổi cái bon chen, thực dụng nghiệt ngã một cách hối hả hưởng thụ với bao nhiêu những hư hỏng từng chứng kiến, để đổi lấy thời ấu trĩ ấy".

    Nh...dịu dàng nhưng không kém phần quyết liệt : "nhưng chính nhờ cái ấu trĩ đẹp của một thời ấy đã khiến cho chúng em đôi lúc phẫn nộ và thất vọng trước sự "tỉnh táo và thực dụng" của những người đang nói một đằng làm một nẻo, họ càng nói đến lý tưởng bao nhiêu chúng em càng buồn bấy nhiêu trước những việc làm bẩn thỉu của họ. Hồi ấy, chúng em "ấu trĩ" nhưng chúng em tin thật và làm thật, mà do vậy mà học trò của thầy, của cô không gục ngã, chúng em có thể đàng hoàng ngẩng cao đầu và không hổ thẹn khi khuyên dạy con cháu của chúng em".

    Thế nhưng, "có lẽ không nên nghĩ đến chuyện "đánh đổi" ấy các em ạ. Người ta không thể cùng tắm hai lần trên một dòng sông, vì các con sông đều chảy", người thầy giáo trầm giọng nói với học trò mà như nói với chính mình. "Phải thấy cho ra cái ấu trĩ của một thời mới hiểu rõ được ý nghĩa của việc vượt qua cái ấu trĩ ấy, cho dù là nó có cái "đẹp" theo một ý nghĩa nào đấy, để vươn tới sự đổi mới.

    "Năm xưa ta nói rất nhiều "cực kỳ" và "hết sức"
    Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực.
    Chưa biết rằng "trời" còn xanh hơn "trời xanh"...
    Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
    Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao...
    Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin.
    Nay ta càng thêm tin mà không cần tô vẽ gì nữa cả...
    Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn".*

    Người thầy giáo đọc mấy câu thơ gan ruột trong nỗi xúc động cháy lòng trước các học sinh cũ của mình.

    Đúng vậy, cái giá phải trả càng đau thì cái nhìn càng trầm tĩnh và thấu đáo. Đúng là "một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới". Cũng trời đất ấy, thế giới ấy, con người thế ấy nhưng với đôi mắt mới sẽ nhìn ra những điều mà một tầm mắt hạn hẹp, thiển cận và nô lệ vào những định kiến và những tín điều, sẽ không thể nào nhìn ra được.

    Có đôi mắt mới sẽ nhìn ra được vẻ đẹp thật sự của lý tưởng mà chúng ta đang theo đuổi với nhận thức sâu sắc rằng một cuộc sống không có lý tưởng là một cuộc sống mù lòa. Lý tưởng đó là lý tưởng vĩ đại mà vì nó, bao thế hệ Việt Nam đã phải ngả xuống để đất nước đứng dậy. Lý tưởng được Bác Hồ ghi trọn vẹn và rõ ràng trong Di Chúc: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh.


    Chỉ thế là quá đủ. Càng thêm thắt, càng cao đàm khoát luận càng rời xa chân lý, rơi vào những ảo tưởng duy ý chí theo kiểu "vẽ rắn thêm chân".

    Câu chuyện tạm dừng lại với một câu hỏi đặt ra: Thầy ơi, em vẫn nhớ câu hỏi thầy gợi ra từ dạo ấy: Gớt nói phải hành động. Lênin thì đòi hỏi phải ước mơ. Vậy Gớt đúng hay Lênin đúng, hay cả hai đều đúng?

    "Vâng, phải biết ước mơ, song ước mơ chỉ có ý nghĩa khi nó giục giã con người hành động. Lý tưởng chỉ đẹp khi bằng hành động cụ thể và thiết thực để lý tưởng không chỉ là một lời xưng tụng". Chậm rãi trả lời, người thầy giáo già đưa tặng các học trò của mình tập bài báo đã đăng gần đây với đoạn thơ của Nadim Hikmet do Cao Xuân Hạo dịch làm lời đề tựa:

    Nếu tôi không cháy lên, Nếu anh không cháy lên, Thì làm sao, Bóng tối, trở thành, Ánh sáng?

    Và rồi, chính trong mạch suy tưởng ấy, sau lần họp mặt này, người thầy giáo viết bức thư gửi học sinh Chu Văn An niên khóa 1954-1955 như sau :

    Các bạn học sinh Chu Văn An niên khóa 1954-1955 thân mến,

    Được biết các bạn sẽ có cuộc họp mặt thú vị kỷ niệm 50 năm ngày ra trường, rất tiếc là không có điều kiện để có mặt trong ngày vui lớn biết bao xúc động về một chặng đường dài với vô vàn biến động, tôi xin có đôi dòng gửi đến các bạn.

    Một nửa thế kỷ đã lùi về quá khứ nhưng dòng sông cuộc sống thì vẫn miệt mài tuôn chảy. Cũng chính vì thế, hoài niệm về những gì đã qua bao giờ cũng gợi nên một cảm giác bâng khuâng khó tả. "Thế sự du du nại lão hà"* các bạn cũng như tôi đều đã bước vào, hoặc đang bước vào, cái tuổi "xưa nay hiếm". Ấy thế mà chắc rằng, đứng dưới những tán cây trong sân trường hôm nay, những tán cây đã chở che và làm dịu mát tâm hồn của một thời đáng nhớ, mỗi chúng ta đều như sống lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ một đi không trở lại, để càng thêm trân trọng những gì đã trải qua.

    Đó là sự trân trọng một thời tuổi trẻ hừng hực khí thế "trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về" giải phóng Thủ đô. Chúng tôi may mắn có mặt trong "đoàn quân tiến về" ấy để rồi có dịp chia sẻ với các bạn những xúc động của tuổi trẻ Hà Nội ngập tràn khát vọng về những cái gì rất mới lạ, rất thiêng liêng, tuy buổi ấy chúng ta chưa đủ trưởng thành về đường đời và về trí tuệ để hiểu đó là cái gì.

    Trong sự "chưa trưởng thành" vừa lưu giữ những giá trị thật lớn lao sẽ đi mãi với chúng ta suốt cuộc đời, vừa tàn phai những sốc nổi cuồng tín của một thời ấu trĩ "cố tô vẽ để mà tin" khi chúng ta tin mà "không cần tô vẽ nữa", thì những giá trị ảo sẽ tan ra như bong bóng xà phòng dưới ánh sáng thật của cuộc đời. Chỉ có điều, thật khó để tách bạch rạch ròi trong hoài niệm cái gì là bong bóng, cái gì không bao giờ tàn phai nếu thiếu sự trung thực với chính mình.

    Chả nhẽ vào lúc này đây, khi mà vận nước đang đặt ra những câu hỏi lớn cho những trái tim biết đập cùng nhịp với đất nước, những trái tim biết xót xa và trân trọng xương máu của lớp lớp người đã ngã xuống, trong đó có những bạn thân yêu của chúng ta hôm nay không có mặt, lại không cần nữa những trái tim Đancô của M.Gorky từng thanh lọc tâm hồn và xáo động nếp nghĩ của chúng ta hơn nửa thế kỷ trước đây mà tôi đã có dịp trình bày với các bạn mà tôi tin chắc rằng nhiều bạn vẫn còn nhớ. Liệu có phải ánh lửa từ "trái tim Đancô" ấy đã nâng chúng ta lên trên đôi cánh "Chim Ưng" chao lượn trên bầu trời vần vũ mây đen cùng với "Chim báo bão" như những tia chớp báo hiệu, đã cất lên tiếng hát dữ dội, giục giã khát vọng tự do, bung phá mọi thứ kìm kẹp để tự khẳng định mình chứ không cam chịu than phận cừu non trong bầy cừu ngoan ngoãn theo cái gậy của người chăn dắt!

    Gợi lại một vài hình bóng xưa cũ không nhằm ngoan cố ngụy biện cho những dại dột cả tin của một thời ấu trĩ, mà là để biết gìn giữ và khẳng định những nét đẹp không thể phôi pha trong vang bóng một thời thanh sạch và non tơ của một thế hệ đón chào bình minh của độc lập, tự do ra đời từ máu lửa kháng chiến. Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã "xui dại" một thế hệ "cả tin" để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra sự thật không như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói!

    May thay, lời tự vấn ấy tôi đã nhiều lần tâm sự với nhiều thế hệ các bạn học sinh, sinh viên cũ của tôi, từ những lớp của các bạn hôm nay, cho đến các sinh viên khóa I của khoa Triết học Đại học Tổng hợp những năm 80 thế kỷ trước, đều nhận được cùng một câu trả lời: Đó là một thời đáng nhớ sau khi đã thanh lọc, gạt bỏ những dại dột, sốc nổi rất dễ hiểu, và trong chừng mực nào đấy cũng rất đáng yêu, của sự vụng dại chân thành.

    Vì, nói cho cùng, có những giá trị nhất thời được đánh bóng mạ kền nhưng khi được phơi ra dưới ánh sáng thật của cuộc sống đã sớm nhạt nhòa, han rỉ để cho những giá trị thật không cần tô son vẽ phấn của tính nhân bản đích thực, nền tảng của sự định hình tính cách con người, sẽ tự khẳng định ý nghĩa bền vững của chúng. Đấy là điều tôi nghĩ về thời trai trẻ của chúng ta, của tôi và của các bạn, để chân thành chuyển đến các bạn những suy tư và có thể cũng là những lời nhắn gửi thô thiển thành thật này.

    Dù muốn dù không chúng ta đã cùng lên một chuyến tàu lịch sử, một chuyến tàu không có vé khứ hồi. Những sân ga rồi đây chúng ta còn có sức lướt qua, những nhà ga chúng ta sẽ đáp xuống, có thể có những bóng dáng quen thuộc, nhưng tuyệt đối không là những nơi chúng ta đã từng đi. Con đường phía trước chưa có bản đồ. Thế giới đã thay đổi. Những kinh nghiệm có sẵn không còn đủ cho hành trình đi về phía trước, những lời răn dạy cũ kỹ theo kiểu kinh nhật tụng lảm nhảm đang gây khó chịu cho chúng ta, không chỉ vì tuổi già khó tính, mà là vì sức trẻ trong tư duy của mỗi chúng ta. Cho nên, hoài niệm về những giá trị, những kỷ niệm đã qua là để chúng ta còn tiếp tục đi về phía trước khi mà tất cả đã "bảy mươi xuân"!

    Xin hãy cầu chúc cho mỗi chúng ta vẫn giữ được sức trẻ trong tư duy để không chịu còng lưng do gánh nặng của tuổi tác hoặc sự níu kéo của tập quán cũ đang tiếp sức cho sự áp đặt của những khuôn mẫu cũ kỹ mà mối mọt đã đục ruỗng từ bên trong nhưng vẫn còn cái mẻ ngoài phốp pháp. Mong các bạn nhận ở tôi, một người thầy giáo chỉ muốn được là người bạn cũ của các bạn, rất trân trọng những kỷ niệm mà chúng ta đã có, lời chúc tốt đẹp gửi đến buổi gặp mặt "lịch sử" kỷ niệm nửa thế kỷ của tình bạn thân quý. Chúc chúng ta mọi sự tốt lành.

    Lý do giục giã tôi đưa lại bức thư được viết vào ngày 5.11 năm ngoái [đã có dịp đăng một phần trên trang điện tử Vietnamnet năm ngoái] vì tình cờ tôi xúc động đọc được bài "Người thầy giáo góp phần định hướng lý tưởng sống của chúng tôi" của Vũ Xuân Vinh vốn là một học sinh Chu văn An những năm 50, đăng trên tạp chí THẾ GIỚI MỚI 14.11. 2011. Thì ra, "hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ" như thế này nhận được trên những dặm đường "khấp khểnh, gập ghềnh" với những nhiễu nhương dễ làm nản chí, đã trở thành những liều thuốc hồi sinh, làm cho người ta vững bước đi tới.

    Cũng vì thế, trong dịp kỷ niệm ngày 20.11, tôi nghĩ, xin hãy bớt đi những lời chúc tụng, và cũng vơi vơi đi những phẫn nộ về thực trạng xuống cấp này nọ của đạo lý xã hội đang tràn vào học đường tàn phá tâm hồn thế hệ đang lớn. Thay vào đó, hãy nói nhiều hơn, viết nhiều hơn những khát vọng. Khát vọng của dân tộc, khát vọng của thế hệ trẻ. Những khát vọng đó phải là biểu tượng của văn hóa, của đời sống tinh thần mà xã hội đang cần. Đó chính là sản phẩm của văn hóa, thứ văn hóa đích thực mà cuộc đời, trước hết là thế hệ trẻ, đang rất cần.

    Vì sao? Vì, "văn hóa là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời". Thế nhưng lại "không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa...". **** Không thể có một bản chỉ đường đã được vạch sẵn, cứ thế mà ngoan ngoãn, cung cúc bước theo, mà phải biết tự mình tìm tòi. Chính vì "không thỏa mãn cái đã có" nên phải "đi tìm chân trời ", đó là một sự bứt phá. Bởi vậy, trong cuộc "đi tìm chân trời" này, cần một đôi mắt mới để phát hiện được những cái mình cần tìm, chứ không thể thỏa mãn với cái đã có và đang có.

    Chuyện này thật ra chẳng có gì mới. Cách nay hơn tám thế kỷ, ông cha ta đã răn dạy tuổi trẻ: Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành". Làm trai phải có chí xông trời thẳm, việc gì cứ phải lẽo đẽo lần theo vết chân của Phật tổ Như Lai. Nên nhớ đây là thơ của một nhà sư, thiền sư Quảng Nghiêm [1122-1190]! Chống giáo điều đến thế thì thế hệ hôm nay phải cúi đầu bái phục và tự hào về ông cha mình. Đây không phải là chuyện hoài cổ "bao giờ cho đến ngày xưa", kể cả "ngày xưa" của những năm 50 hay 80 của thế kỷ trước, mà chỉ là chuyện "con tằm đến thác cũng còn vương tơ" mà thôi.

    ____________________

    *Marcel Proust "Đi tìm thời gian đã mất".

    ** Việt Phương "Cửa Mở".

    ***Câu mở đầu của bài thơ "Cảm hoài" của Đặng Dung, cuối thế kỷ XIV, tạm dịch là: "Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm thế nào đây"!

    **** Phạm Văn Đồng "Văn hóa và Đổi mới. Tác phẩm và Bình luận. Bộ Văn hóa Thông tin. 1997. tr.119, tr.120,


    school@net (Theo http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-18-ngam-ve-mot-thoi-au-tri)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.