Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 9
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 9
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93396888 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Trực tuyến toàn cầu: Phải đổi mới, nhưng đừng quên văn hóa

    Ngày gửi bài: 02/04/2012
    Số lượt đọc: 3043

    (GDVN) - Sau nhiều giờ giao lưu, các vị khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới: Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Úc, Hàn Quốc, Singapore cùng các chuyên gia Giáo dục - Kinh tế ở Việt Nam... đã có cùng quan điểm: Phương pháp và phong cách giảng dạy cùng chương trình SGK ở Việt Nam cần quyết liệt đổi mới căn bản để không tụt hậu xa so với thế giới. Nhưng việc đổi mới đó phải có văn hóa và giữ được đạo đức của người thầy đứng trên bục giảng.


    1. Là một cử nhân kinh tế tại Hàn Quốc, Anh có thể chia sẻ về môi trường giáo dục bên đó, có gì khác so với môi trường của Việt Nam? (Hoàng Bảo Ngọc lớp Cao học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn)

    Cử nhân kinh tế Taesup Rim: Môi trường học tập ở bậc đại học tại Hàn Quốc là khá cởi mở đối với cả sinh viên và giảng viên. Sự tự do đó có ý nghĩa rất quan trọng để tiến tới một xã hội dân chủ, hiện đại.

    Các giảng viên và sinh viên đã và đang đấu tranh để bảo vệ sự tự do trong môi trường sư phạm bởi họ coi việc được nói ra những gì mình cho là đúng là rất quan trọng. Có thể nói, tư tưởng Khổng Tử vẫn còn tồn tại trong các trường Đại học ở Hàn Quốc khi sinh viên tôn trọng và dùng kính ngữ với giảng viên hơn so với nhiều nước phương Tây. Đổi lại, giảng viên cũng tôn trọng sinh viên và họ cùng nhau hướng đến mục tiêu chung.

    Hơn nữa, cũng giống như mọi thứ ở Hàn Quốc, điểm của bậc đại học mang tính cạnh tranh rất cao. Điểm các môn dựa trên bảng phân loại tương đối (nghĩa là sẽ có tỷ lệ phần trăm nhất định dành cho điểm A, B hay C), do đó sinh viên giỏi cũng vẫn có khi phải nhận điểm C. Trong môi trường cạnh tranh như vậy, hầu hết sinh viên nhận thức được điều này để cố gắng học, nếu không họ sẽ phải nhận lấy hậu quả sau này.

    2. Ở nước ngoài các giảng viên làm thế nào để thu hút học sinh? (Nguyễn Ánh Hồng, lớp k54 trường ĐH Khoa học Tự nhiên)

    Cử nhân kinh tế Taesup Rim: Các giảng viên thu hút sinh viên bằng cách tạo hứng thú cho người học làm cho họ muốn học. Đôi khi, giảng viên thường cho điểm thưởng đối với những sinh viên hăng hái phát biểu trên lớp. Trong một vài trường hợp, giảng viên giảng bài bằng cách cho sinh viên thuyết trình và việc làm này diễn ra trong suốt kỳ học. Điều đó khiến cho sinh viên hào hứng hơn khi đến lớp.

    Ở bậc đại học, giảng viên coi sinh viên là “những người lớn” và không bắt ép sinh viên phải học như ở trường cấp ba. Họ cho rằng sinh viên đã đủ trưởng thành để tự chịu trách nhiệm với tương lai của mình.

    3. Trong môi trường ĐH bên Hàn Quốc có khi nào anh thấy trường hợp thầy cô, hay học sinh văng tục hay chưa? Có xảy ra việc bạo lực học đường giữa thầy cô và học trò hay không? (Nguyễn Ngọc Huyền Trâm, lớp 12 trường THPT Kim Liên)

    Cử nhân kinh tế Taesup Rim: Rất hiếm khi giảng viên “văng tục” trong các lớp học ở Hàn Quốc. Giảng viên nhận thức được tầm ảnh hưởng của họ và luôn tôn trọng sinh viên. Trước đây đã từng xảy ra trường hợp giảng viên đề cập đến các chủ đề có tính xúc phạm đối với một vài sinh viên. Những sinh viên đó đã thẳng thắn chỉ trích giảng viên này trên các mạng thông tin xã hội. Giảng viên có quyền nói những điều mình cho là đúng nhưng nếu điều đó xúc phạm bất kỳ ai trong lớp học thì giảng viên đó đang vi phạm nhân quyền và điều này cần được xem xét xử lý nghiêm túc.

    4. Trong lớp anh đã từng học có khi nào học sinh ngủ gật, hay không nghe giảng của thầy cô? (Nguyễn Chi Tường Vy, lớp 9 trường THCS Khương Đình)

    Cử nhân kinh tế Taesup Rim: Tôi nghĩ vấn đề này xảy ra ở mọi quốc gia, đặc biệt nếu lớp học được tổ chức vào sáng sớm hay ngay sau bữa ăn trưa. Khi đó sẽ rất khó để ngăn cản nhu cầu tự nhiên và một số sinh viên có ngủ gật trong lớp.

    Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, các giảng viên cho rằng sinh viên phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình, và đó cũng là một hình thức giáo dục khác. Những sinh viên ngủ gật trong lớp sẽ không có khả năng đạt điểm cao và bảng điểm tốt là vô cùng quan trọng trong một môi trường cạnh tranh như ở Hàn Quốc. Sinh viên cố gắng không ngủ gật trong lớp và nếu có thì cũng không nhằm chống đối giáo viên.

    Sinh viên cũng có khi phản đối bài giảng nếu họ thấy họ cần phải làm như thế. Sinh viên được tự do phát biểu và sẽ được coi là nhanh trí và dũng cảm nếu họ nêu đúng vấn đề. Các giảng viên rất khuyến khích sinh viên tham gia tranh luận, thậm chí là phản đối bài giảng để từ đó tạo nên môi trường học tập sôi nổi và hiệu quả hơn.

    1. Môn kinh tế được coi là môn khô cứng, khó học, vậy theo ông làm thế nào để người học có thể tiếp thu được kiến thức kinh tế một cách dễ hiểu nhất? ( Nguyễn Thị Oanh, ĐH Ngoại thương HCM)

    Tôi là một tiến sỹ kinh tế, tốt nghiệp khoa Kinh tế chính trị, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1982. Tôi có thể nói với bạn rằng thật hạnh phúc với ai nếu có được một tấm bằng đại học kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển của thế giới hiện đại. Những kiến thức kinh tế có cái nhìn tổng quan và sắc sảo về toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của một quốc gia, cũng như thế giới.

    Kinh tế là một hoạt động tổng hợp và rất phức tạp, liên quan, hội tụ, lan tỏa đến tất cả các lát cắt, tầng lớp hoạt động kinh tế - xã hội khác, từ hạ tầng xã hội đến thượng tầng kiến trúc. Vì vậy, đương nhiên kinh tế là khó. Để giảm bớt những khó khăn này, người học cần hình dung đời sống kinh tế xã hội như một ngôi nhà lớn, phức tạp nhưng tuần theo những kết cấu cả bên trong và bên ngoài.

    Nắm được những kết cấu liên hệ của tòa nhà là tiền đề để hiểu được cấu trúc cũng như công năng của căn nhà đó, cũng như của đời sống kinh tế XH.

    Nói cách khác, cần nắm được kết cấu kinh tế của một quốc gia, bao gồm các lĩnh vực, các ngành nghề, cũng như sự phân bổ các cơ sở sản xuất theo địa bàn, địa phương; nắm được những mối liên kết kinh tế theo chiều dọc, chiều ngang, về kỹ thuật cũng như về xã hội, theo quy trình sản xuất cũng như theo các yếu tố đầu vào và đầu ra; đặc biệt cần nắm được các quy luật kinh tế, trong đó lợi ích kinh tế như là động lực và nhân tố quan trọng nhất chi phối các liên kết và các hoạt động kinh tế này.

    Khi nhìn nhận tổng hợp như vậy và vận dụng vào cuộc sống vận động, từ đời sống một doanh nghiệp, cho đến đời sống kinh tế của một địa phương, người ta sẽ thấy kinh tế thật dễ hiều và gần gũi đối với mỗi người. Đó chính là cuộc sống, môi trường và sinh kế của chúng ta. Vì vậy không có gì là khó hiều và đáng sợ.

    Ngoài ra, bạn nên có một địa chỉ, điện thoại của một chuyên gia kinh tế để có thể hỏi về những vấn đề chưa rõ. Đọc các từ điển về kinh tế để hiểu được các khái niệm kinh tế cũng là một điều kiện cần thiết để người ta nhìn rõ hơn, hiểu tốt hơn các sự kiện và đời sống kinh tế xung quanh, cũng khi nghe giảng bài về kinh tế.


    2. Kính thưa TS Nguyễn Minh Phong, ông có đồng ý với những nhận định của TS Dương về kinh tế vị mô VN, về khủng hoảng tài chính thế giới, vay nợ và khủng hoảng nợ của Hy Lạp trong 17 clip vừa rồi? Tôi cho rằng TS Dương không hiểu đúng bản chất của vấn đề và những thông tin ông đưa là rất khó kiểm chứng và tôi hồ nghi là sai. Ông có nghĩ thế không? (phamphuphusa@yahoo.com)

    Xin bạn đặt lại câu hỏi cho cụ thể bởi TS Phong chưa được nghe lời giải thích của TS Dương về vấn đề nợ Hy Lạp. Và tôi sẽ trả lời ngay khi nhận được câu hỏi. Cảm ơn!

    3. Những môn học chuyên ngành thường rất khô cứng, nếu giảng viên không tạo được sự đổi mới, phá cách, thì tiết học rất nhàm chán và “buồn ngủ.Thực tế, có rất nhiều giảng viên có phương pháp dạy hay, cuốn hút và không đến mức “quá” như thầy Lê Thẩm Dương. Xin hỏi TS Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội – các giảng viên đứng lớp có thường xuyên tham gia các lớp học để trao đổi về kinh nghiệm thực tế về nâng cao lối giảng cuốn hút, tạo hứng thú cho sinh viên không? (Thúy Hằng, ĐH Kinh tế)

    Theo quy định hiện hành của Bộ GD & ĐT , trong những sinh hoạt chuyên môn của các trường đại học, thường có nội dung về trao đổi về kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt lôi cuốn sinh viên vào bài giảng của mình. Nếu những cơ sở nào tổ chức tốt những hoạt động này đồng thời các giáo viên tham gia một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ có được sự chia sẻ hữu ích các kinh nghiệm tốt của đồng nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế có một vài nơi chưa tổ chức tốt hoạt động này hoặc một số giáo viên còn đánh giá chưa đúng ý nghĩa của nó, nên hiệu quả hoạt động đó có thể chưa cao. Điều này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, trong đó giảng về kinh tế.

    4. Thưa ông, cách giảng của TS Dương được nhiều học viên đồng tình ủng hộ, coi đó là cách giảng hay, dễ hiểu, tạo nhiều tiếng cười và họ lựa chọn bài giảng của TS Dương hơn là những bài giảng “du ngủ”, nhàm chán của một số giảng viên hiện nay. Vậy theo ông thì nguyên nhân có phải là từ chất lượng giảng viên không? (Phương Anh, Thanh Xuân).

    Phương pháp giảng dạy của thấy Dương là cố gắng tạo ra sự liên hệ giữa các nội dung của bài giảng với các sự kiện đời thường, đặc biệt là sự kiện thu hút được sự quan tâm của hầu hết người dân. Đề tài về vợ chồng là một trong những chủ đề đó. Đây là một sự sáng tạo và một cách giảng hay, với điều kiện người giảng sử dụng những so sánh ẩn dụ và ngôn ngữ thể hiện chừng mực, thông minh, dí dỏm và phù hợp với phông văn hóa của người nghe và chuẩn mực của xã hội.

    Xin nhấn mạnh chỉ những người thầy thật “cao tay ấn” mới đủ sức đứng vững trên sợi dây mong manh giữa sự dung tục và tính hấp dẫn của phương pháp giảng dạy này. Sự kiện của thầy Dương vừa rồi là ví dụ cho thấy dường như không đạt được yêu cầu, mong muốn của thầy, cũng như sự chờ đợi của người nghe và sự chấp nhận chung của xã hội.

    Thầy Dương có thể vẫn kiên trì theo phương pháp này nhưng cần có sự điều chỉnh thích hợp để đáp ứng những yêu cầu trên.

    4. Khi còn học Đại học, tôi thấy môn kinh tế khô cứng và thầy cô giảng giống i sì giáo trình nên sinh viên thường thấy nhàm chán. Phải chăng, bản thân khi được đào tạo ở trường Sư Phạm, các thầy cô tương lai cũng quen với cách thuyết giảng như vậy ạ? Xin hỏi Tiến sĩ một câu nữa là, Thầy nghĩ sao nếu môn Kinh tế vi mô, vĩ mô được học ở những học kì năm 3, 4 khi sinh viên sắp ra trường và có đủ trình độ lý luận để hiểu sâu hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn TS.!

    Việc người thầy giảng bài mà giống i sì giáo trình là một trong những biểu hiện của sự “lười biếng” trong giảng dạy; nó khiến không chỉ học trò chán mà bản thân người thầy cũng chán với chính mình.

    Tôi cho rằng với một giáo trình cho sẵn, người giảng nên trình bày theo 2 hướng. Một là, mở rộng những vấn đề có liên quan chưa được nói đến trong giáo trình, có cập nhật những vấn đề thời sự và cuộc sống xung quanh. Hai là, gợi ý người học chủ động trao đổi ý kiến xung quanh những kiến thức được trình bày trong giáo trình theo hướng phản biện hoặc gợi mở những điểm khúc mắc cần điều chỉnh… Trên tinh thần đó, giáo trình chỉ là điểm xuất phát của bài giảng mà người thầy thể hiện ở trên lớp.

    Đối với những môn kinh tế vĩ mô và vi mô được học ở năm 3, năm 4, tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh theo hướng sâu hơn về lý luận, cập nhật hơn về vấn đề thực tiễn, mở hơn về kết luận, để giúp người học tiếp cận cuộc sống đương đại nhanh hơn, rõ hơn…Tránh trường hợp tiếp tục lặp lại những nội dung đã được giảng sơ bộ ở những năm đầu, khi sinh viên còn tiếp thu ở mức thụ động.

    1. Thưa TS Lê Thống Nhất, với vai trò là người thầy, TS đánh giá sao khi nhiều sinh viên, học viên hưởng ứng, ủng hộ bài giảng của TS Dương và coi đó là cách dạy hay, còn hơn những giờ học đọc chép, buồn ngủ? Theo TS thì có nhất thiết phải có những lời lẽ, ví dụ như TS Dương để khiến bài học sinh động, dễ hiểu không?

    Những giờ mà giáo viên để sinh viên, học sinh buồn ngủ thì thật là những giờ dạy tệ hại. Giáo viên đó có thể thiếu kiến thức nên sinh viên, học sinh không thấy điều gì mới hoặc giáo viên đó chưa có phương pháp giảng dạy tốt.

    Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm về thái độ của sinh viên, học sinh khi ngủ trên lớp – đó là hình thức xúc phạm thầy giáo hay phản ứng không tốt. Nếu tôi thấy giờ giảng nhạt nhẽo vô bổ tôi sẽ xin phép ra ngoài luôn.

    Việc TS Dương dùng những lời lẽ hay thí dụ như trong đoạn clip trên mạng thì đó cũng là một “thủ pháp” để lôi cuốn người nghe tuy nhiên dù bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy không thể nói tục tĩu như thế. Không thiếu gì cách ví von, cách thu hút dí dỏm.

    Ngày trước tôi đi dạy tôi cũng hay ví von nhưng để có cách ví von thích hợp người thầy phải nghĩ ra nhiều cách để chọn lấy một. Tôi nghĩ giá như TS Dương chịu khó chọn cách khác mà vẫn vui, vẫn hấp dẫn thì sẽ tốt hơn.

    Tôi có 2 người bạn thân xưa đi dạy với tôi đã dùng “thủ pháp” gây cười cho học sinh bằng cách thỉnh thoảng lại kể 1 chuyện tiếu lâm. Tôi có góp ý nên bám lấy bài giảng, nếu chuyện chả liên quan gì đến kiến thức thì dần dần học sinh sẽ chán ngay.

    Nói đoạn clip của TS Dương còn hơn những giờ dạy làm cho học sinh, sinh viên buồn ngủ thì cũng chưa hẳn đúng, bởi một đằng thầy đưa văn hóa thô tục đến sinh viên, học sinh còn một đằng chỉ vô bổ thôi. Cả hai kiểu dạy đó tôi cho là đều không đạt chuẩn của một giờ dạy.

    Nhân đây tôi cũng nói rõ hơn là tôi không đánh giá trình độ của TS Dương vì tôi đâu có được nghe TS giảng mà chỉ nhận xét nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy của TS trong một đoạn clip mà tôi xem.

    2. Chào thầy Lê Thống Nhất, biết thầy là người dạy toán rất hay, nhân buổi giao lưu trực tuyến trên báo chí, em xin phép được hỏi có bao giờ thầy đi dạy mà thấy học sinh của mình ngủ gật trong lớp? nếu trong lớp mà có trên 1 học sinh ngủ gật thày sẽ nghĩ gì? Có bao giờ thày bị học trò chê là dạy khó hiểu chưa? (Vũ Anh – Đại học sư phạm Vinh)

    Chuyện nhìn thấy một học sinh ngủ gật là bình thường nhưng để nhiều học sinh ngủ gật thì không có. Khi thấy một học sinh ngủ gật thì mình sẽ nhờ đánh thức và mời bạn ấy về nhà ngủ cho sướng hơn hoặc là nhắc khéo : “Tất cả các em hãy trật tự để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn ấy!”.

    Chuyện học sinh chê mình dạy khó hiểu thì vẫn có, thường là khi mình chưa đánh giá đúng trình độ học sinh hoặc mình chuẩn bị bài dạy chưa tốt. Còn khi đã hiểu trình độ học sinh và công phu chuẩn bị bài dạy thì làm sao lại để học sinh khó hiểu được. Mình đã từng dạy vài trăm học sinh có trình độ khác nhau và vẫn làm cho tất cả các đối tượng đều thích thú. Nếu quá nhiều học sinh ngủ gật thì có lẽ mình sẽ bỏ nghề !

    3. Tôi là một giáo viên, tôi đã từng mắc phải một tai nạn nghề nghiệp trong quá trình thực nghề, phải mất một thời gian dài tôi mới thôi nghĩ về nó. Tôi muốn hỏi TS Nhất có bao giờ ông gặp “tai nạn” trong nghề chưa? Nếu có thì ông đã vượt qua nó bằng cách nào? Ông có thể chia sẻ? (Nguyễn Văn Bình – Hà Giang)

    Nghề nào cũng có “tai nạn” nghề nghiệp, nghề dạy học cũng vậy và hình như ai cũng gặp “tai nạn”. Việc bạn gặp “tai nạn” và “phải mất thời gian dài mới thôi nghĩ về nó” , chứng tỏ bạn là một người thầy có lương tâm. Những người có lương tâm luôn dằn vặt mình vì một sơ xuất nào đó.

    Tôi cũng gặp những “tai nạn” nghề nghiệp và “tai nạn” đầu tiên tôi nhớ tới bây giờ. Đó là giờ dạy đầu tiên trong đời dạy học của tôi.

    Đó là giờ dạy về khái niệm logarit, hôm đó trời lạnh, tôi nghĩ là giờ dạy tốt nhưng cô giáo hướng dẫn (cô Lan, giáo viên THPT Lương văn Tụy, Ninh Bình) lại cho là giờ không đạt yêu cầu chỉ vì một lý do: “Tại sao cậu lại bỏ tay vào túi quần khi dạy học sinh!”. Thì ra vấn đề phương pháp và kiến thức vẫn chưa đủ, cô đã lưu ý tôi về phong cách người thầy trên lớp.

    Tôi cảm ơn cô rất nhiều ! Vượt qua chỉ bằng cách coi đó là một bài học để mình rút kinh nghiệm, còn không cần thiết phải “quên nó đi” bạn ạ !

    4. Nếu tiến sĩ ở vị trí của tiến sĩ Dương, tiến sĩ sẽ xử lý thế nào?

    Điều đầu tiên là tôi sẽ xin lỗi những người đã xem clip đó và tôi cho rằng đây là một tai nạn nghề nghiệp. Các bạn ủng hộ tôi, có thể ủng hộ quá trình giảng dạy của tôi, không nên ủng hộ đoạn clip đã lan truyền trên mạng.

    Tôi sẽ không bao giờ để xảy ra một tai nạn nghề nghiệp như thế này nữa. Hãy coi như những lời tôi nói hôm ấy đang trong một trạng thái không bình thường.

    1. Kính gửi anh Nguyễn Quang Huy, là một nghiên cứu sinh anh nghĩ gì về cách trình bày của một TS khi thông tin không có nguồn và không có cơ sở kiểm chứng? (levinhtanbidv@yahoo.com)

    TS. Nguyễn Quang Huy: Tôi thấy hiện nay đa phần chúng ta khi trình bày 1 vấn đề hoặc đưa ra 1 thông tin rất nhiều khi dựa trên nguồn thiếu tin cậy hoặc không có căn cứ. Ngay cả báo chí có khi vội vàng cũng lấy thông tin từ nguồn chưa kiểm chứng. Điều này rất nguy hiểm và có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khi thông tin hay kiến thức sai lệch được phổ biến.

    Vì vậy tôi cho rằng người làm khoa học nói riêng, và tất cả những người làm công việc liên quan đến khoa học, giáo dục hay truyền thông, cần phải nghiêm túc rèn luyện thói quen “nói có sách, mách có chứng”.

    Mỗi khi truyền đạt thông tin kiến thức đều cần tự mình tìm hiểu kiểm chứng lại, đồng thời công khai nguồn khi truyền đạt. Việc đưa ra dẫn chứng, luận điểm cho những gì mình nói ra không chỉ làm tăng độ tin cậy cho kiến thức, mà còn giúp người nghe có thể tự mình tìm hiểu nghiên cứu thêm, giúp kiểm chứng lại độ chính xác của thông tin.

    2. Chào anh Quang Huy. Anh cho em hỏi trước đây anh học ở Việt Nam hay không? Anh có thể đánh giá thế nào về hình thức dạy và học ở trường trước đây anh học? (Nguyễn Mạnh Hùng, Vân Đình, Hà Nội)

    TS. Nguyễn Quang Huy: Chào bạn, tôi trước đây cấp 3 học chuyên toán tại trường ĐH Tổng Hợp. Sau đó, tôi học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội 2 năm trước khi sang Singapore du học.

    Tôi rất thích khoảng thời gian học cấp 3 và ĐH trong nước! Về môi trường học thì có lẽ hiếm nước nào có nhiều hoạt động sinh viên cũng như các hoạt động giữa các thành viên trong lớp học như ở Việt Nam. Về giáo trình thì có lẽ mỗi nền giáo dục có 1 đặc trưng riêng, nhưng những kiến thức được truyền đạt trong trường phổ thông cũng như ĐH ở Việt Nam không hề thua kém hay lạc hậu hơn so với các nước khác.

    Công bằng mà nói, khoa học tự nhiên của Việt Nam ở bậc phổ thông còn sâu và kỹ hơn Singapore rất nhiều. Vì vậy, các bạn sinh viên Việt Nam khi học ở Singapore luôn có lợi thế trong các môn tự nhiên.

    Về hình thức dạy, ĐH ở Singapore đa phần dùng máy chiếu bài giảng để tiết kiệm thời gian cho sinh viên chép bài. Giáo viên trước khi lên lớp đều ôn lại bài giảng dựa trên slide đã chuẩn bị sẵn, đồng thời dựa trên phản hồi của sinh viên để cải tiến nội dung bài giảng, nhấn mạnh vào những điểm sinh viên gặp khó khăn khi tiếp thu.

    Nhờ vậy bài giảng của kỳ sau sẽ tốt hơn kỳ trước, của năm sau tốt hơn năm trước. Tôi nghĩ rằng ĐH ở Việt Nam có thể học hỏi và sử dụng các phương tiện tương tự để nâng cao chất lượng giảng dạy.

    3. So với cách dạy của giảng viên Singapore, anh có đồng tình với cách dạy và giảng của GS. Lê Thẩm Dương không? (Trần Văn Minh – ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)

    TS. Nguyễn Quang Huy: Tôi nghĩ rằng rất khó so sánh giữa giảng viên Singapore và Việt Nam. Phương pháp giảng dạy và truyền đạt thường chịu ảnh hướng lớn bởi nền văn hoá của mỗi nước, cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa thày giáo và sinh viên.

    Ở Singapore nói riêng, và có lẽ các nước phương Tây, Mỹ, quan hệ giữa giáo viên và sinh viên ở bậc đại học thường “ngang hàng” hơn, đôi khi gần như là đồng nghiệp làm việc với nhau. Vì vậy cách thức truyền đạt ở môi trường đại học sẽ mang tính chia sẻ hơn là dạy dỗ. Đồng thời họ cũng phải áp dụng những chuẩn mực về đạo đức nhất định như: không dùng từ lóng, không dùng từ ngữ khiếm nhã vì có nhiều sinh viên quốc tế và có 1 uỷ ban độc lập đánh giá giáo viên.

    Ngược lại ở Việt Nam, ngay cả ở bậc đại học hay thậm chí trên đại học, người thày vẫn có vai trò như ở các bậc phổ thông: “Một ngày làm thày, cả đời làm cha”.

    Bản thân các giáo viên ở bậc đại học, nhất là các thày cao tuổi, vẫn coi học sinh như con cháu mình. Do đó sẽ có những lúc cao hứng và thoải mái “như ở nhà”.

    Một cách thẳng thắn, tôi không đồng tình với TS. Lê Thẩm Dương về cách sử dụng từ ngữ như vậy trong môi trường giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng TS. Lê Thẩm Dương hi vọng cách diễn đạt như vậy có thể tạo cảm hứng cho cả người giảng lẫn người học, và sự nỗ lực để truyền cảm hứng cho bài giảng là điều đáng trân trọng.

    4. Chào anh Quang Huy! Anh có thể cho biết sự khác biệt giữa cách giảng dạy của Việt Nam và nước ngoài không hiện nay như thế nào? (Minh Đức – Đà Nẵng)

    TS. Nguyễn Quang Huy: Trong các câu trả lời ở trên, tôi đã so sánh khá nhiều mặt của phương pháp giảng dạy giữa Việt Nam và nước ngoài. Ở đây tôi chỉ xin tóm tắt lại:

    1. Về giáo trình, kiến thức: Chúng ta không khác biệt nhiều so với thế giới. Dĩ nhiên do ảnh hưởng từ trước, chúng ta nhấn mạnh hơn vào khoa học tự nhiên, và đó là 1 ưu điểm, thể hiện ở sự trội hơn của sinh viên Việt Nam trong các môn tự nhiên khi du học ở nước ngoài.

    2. Về cơ sở vật chất, phương tiện giáo dục: Chúng ta chưa trang bị được đồng bộ các hệ thống hỗ trợ giảng dạy tiên tiến như máy chiếu, bảng viết hay thậm chí các hệ thống trợ giúp học từ xa. Tuy nghiên tôi cho rằng điểm khác biệt này không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

    3. Về trình độ giáo viên: Chất lượng giáo viên ở Việt Nam đang đi lên rất nhanh, do thế hệ cuối 7x, đầu 8x du học ở nước ngoài quay trở về tham gia giảng dạy. Thế hệ trước được đào tạo ở Liên Xô (cũ), Ba Lan, Trung Quốc, vv… cũng có bề dày kinh nghiệm và kiến thức cơ bản rất tốt. Các trường của chúng ta chỉ kém các trường đại học lớn trên thế giới ở khả năng làm nghiên cứu khoa học.

    Có lẽ điểm đáng lo ngại nhất của giáo dục ở Việt Nam hiện nay là ở mặt đạo đức: đạo đức của người thày, đạo đức của người trò, và đạo đức trong mối quan hệ giữa thày và trò cũng như gia đình trò. Đây là 1 chủ đề lớn và đã được đề cập đến ở rất nhiều nơi nên tôi xin phép không đi vào chi tiết.

    Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta giải quyết được bài toán đạo đức này, thì chất lượng giáo dục chúng ta sẽ có thể sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới.



    1. Hiện nay thực trạng sinh viên ngủ gật trong giờ học xảy ra phổ biến trên giảng đường đại học. Với cương vị là hiệu trưởng của trường ĐH Giáo dục, bà đánh giá như thế nào về hiện thực này và theo bà thì đâu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này?

    GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Sinh viên ngủ gật trong lớp có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

    Trước hết về chủ quan: có thể do các em quá mệt mỏi về thể chất, ăn uống không đầy đủ, sinh hoạt không điều độ, ngủ không đủ, vừa đi học vừa đi làm quá sức hoặc có thể do các em bị hổng kiến thức tiên quyết trước đó nên khi nghe giảng bài tiếp theo không hiểu....

    Về nguyên nhân khách quan: có thể do môi trường học tập không đủ hấp dẫn với các em mà trong đó yếu tố người dạy là quyết định.

    Trường Đại học nơi tôi công tác theo tôi biết không có giảng viên nào dùng lời lẽ đáng phê phán để giảng bài cả.


    2. Thưa GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nếu ở trường bà quản lý có một trường hợp như TS Lê Thẩm Dương, bà sẽ giải quyết vụ việc này như thế nào trên cương vị người quản lý trực tiếp? Nếu người ta phát hiện ở trường bà có giáo viên văng tục khi đứng trên bục giảng bà sẽ xử lý bằng cách nào. Bà sẽ buộc thôi việc hay tạo điện kiện để giáo viên đó có cơ hội sửa sai? (Trần Quốc – Cà Mau)

    GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Theo tôi phải xem xét cụ thể trường hợp, nhiệm vụ của người quản lý là giúp cho cán bộ ngày càng hoàn thiện hơn, hãy làm tất cả vì điều đó.

    3. Thưa GS. TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, trong một bài trả lới phỏng vấn báo Giáo Dục VN mới đây bà cho rằng nếu TS Dương văn tục trong buổi nói chuyện (không phải giảng dạy) với người đã trưởng thành thì cũng có thể chấp nhận được, miễn sao hợp gu người nghe. Thế thì quan điểm này có được giảng dạy tại trường bà không? (legiang198140@yahoo.com).

    GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Bạn nói như vậy là không chính xác rồi. Tôi chỉ nói về nguyên tắc nói chuyện, thuyết trình: đầu tiên là phải phù hợp với đối tượng người nghe, thứ hai là phù hợp với mục đích của cuộc nói chuyện, thuyết trình.

    Trường hợp của TS Dương, như tôi đã nói trong phỏng vấn trước, tôi không có thời gian nghe hết, tôi chỉ nghe một vài phút, tôi thấy người nghe vỗ tay, hưởng ứng nên tôi chỉ nói về nguyên tắc một buổi thuyết trình cuốn hút được người nghe cũng là thành công rồi. Những nguyên tắc này các giáo sinh của trường tôi được học khá kĩ.

    4. Thưa GS. TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, thông qua trả lời phỏng vấn mới đây trên báo Giáo dục VN chắc bà đã xem 17 clip do TS Dương trình bày? Đầu clip 1 ông nói cả ngày ông ký hợp đồng cho Vietcombank nên mệt... Nhưng cuồi clip 8 ông nói cả ngày nay giảng mệt quá. Bà có cho sự không trung thực để tự "marketing bản thân" này của TS Dương là chấp nhận được trong môi trường sư phạm?

    GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Như tôi đã nhắc lại ở trên, tôi không có thời gian xem hết các video clips cuộc nói chuyện của TS Dương, nên cho phép tôi không trả lời được cái điều mà tôi không rõ. Còn trung thực ư? phẩm chất này rất cần thiết cho tất thảy mọi người, mọi môi trường, không riêng gì môi trường sư phạm.


    1. Anh đáng giá thế nào về sự tự học, tư duy của các em học sinh hiện nay? (Vũ Kim Anh, trường ĐH Xây Dựng)

    Thạc sỹ Phí Hồng Thịnh: Nhìn chung sinh viên Việt Nam hiện nay khá thông minh, có khả năng tư duy khá tốt. Khi gặp các vấn đề các em quan tâm và yêu thích, các em nắm bắt và giải quyết vấn đề khá tốt. Nhiều em chăm chỉ và quyết tâm học tập, ý thức tự học cao.

    Tuy nhiên cũng khá nhiều em chưa tự giác học tập, chỉ tập trung học tập trong những ngày trước khi thi, làm bài tập thực hành mang tính đối phó hoặc không làm nếu giảng viên không thúc ép hoặc không kiểm tra. Quan sát và tự thống kê trong những năm tôi giảng dạy thì con số này khoảng 40%.

    2. Em mới tốt nghiệp ĐH được gần 1 năm và không phải khi ra trường mà ngay khi còn đang ngồi trên giảng đường, những kiến thức của hầu hết giảng viên giảng dạy em đều không lưu lại được lâu. Mặc dù học chuyên ngành nghiệp vụ nhưng những kiến thức lý luận khô khan lại rất nhiều và được chú trọng nhưng chất lượng bài giảng thì chỉ 1 số ít giảng viên có thể khơi dậy sự hứng thú vs sinh viên. Dù đã có nhiều cải cách nhưng có vẻ nó vẫn chưa thực sự phù hợp và em có một cảm nhận là chất lượng học sinh bây giờ không còn như được như thế hệ trước. Mong các khách mời cho chúng em biết những kinh nghiệm học tập.

    Thạc sỹ Phí Hồng Thịnh: Hiện nay giáo dục ở bậc đại học của Việt Nam còn nhiều hạn chế như:

    - Giảng viên trình độ cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều trường đang sử dụng giảng viên có trình độ kỹ sư hoặc cử nhân giảng bài trên lớp cả về lý thuyết và thực hành. Khi giảng viên trình độ chưa cao thì thường phụ thuộc giáo án, khuôn mẫu, không gắn được bài giảng với thực tế.

    - Nhiều giảng viên đứng lớp quá nhiều, quá tải 2 – 3 lần so với chuẩn của Bộ, dẫn tới chuẩn bị bài giảng qua loa, hời hợt, giảm hứng thú khi giảng bài.

    - Một số giảng viên đôi khi gia trưởng, lơ những ý kiến phản biện, tranh luận của sinh viên, thiếu nhiệt tình.

    - Lớp học thường quá đông 40 - 60 sinh viên, giảng viên không đủ thời gian quan tâm đến từng sinh viên.

    - Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy: nhiều phòng học đơn sơ, phòng thí nghiệm thực hành thiếu hoặc chất lượng kém.

    - Nhiều sinh viên thụ động, ý thức tự học chưa cao, ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế: đi học muộn, sử dụng điện thoại trong lớp, nói chuyện hoặc làm việc riêng trong lớp, không ôn bài trước khi đến lớp, dẫn tới không hiểu hoặc hiểu không sâu bài giảng.

    Trong điều kiện hiện nay, bản thân người học cần phải nâng cao ý thức tự giác:

    - Sau mỗi buổi học, cần đọc lại bài giảng và sách giáo khoa liên quan để nắm được nội dung bài học, tìm ra những điểm chốt của bài học, làm bài tập thực hành liên quan, tự đặt ra tình huống và câu hỏi và tự tìm cách giải quyết câu hỏi và tình huống đặt ra.

    - Trên lớp, không nói chuyện và làm việc riêng, chú ý nghe giảng, luôn liên hệ với bài giảng trước, tích cực và chủ động trao đổi bài với giảng viên.

    - Trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, cần tích cực và chủ động học hỏi kinh nghiệm thực tế của các anh chị đi trước, tìm hiểu phương pháp và qui trình làm việc, tìm hiểu và làm quen với các công cụ phục vụ công việc như: phần mềm, các qui trình qui phạm, máy móc thiết bị liên quan.

    - Nên tìm gặp những giảng viên và anh chị đi trước có trình độ cao, tâm huyết với nghề nghiệp để học hỏi và trao đổi kiến thức chuyên môn. Những người tâm huyết với nghề nghiệp luôn sẵn lòng giúp đỡ, trao đổi và truyền đạt kiến thức cho các em trong khả năng có thể.

    3. Chào anh Phí Hồng Thịnh! Anh có thể chia sẻ về môi trường giáo dục bên Nga có gì khác so với môi trường của Việt Nam? (Hoàng Bảo Ngọc lớp Cao học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn)

    Ở nước ngoài các giảng viên làm thế nào để thu hút học sinh? (Nguyễn Ánh Hồng, lớp k54 trường ĐH Khoa học Tự nhiên)

    Thạc sỹ Phí Hồng Thịnh: Tôi hiện đang theo học tại Trường đại học bách khoa Tomsk – Liên bang Nga. Tôi chỉ nhận xét về môi trường giáo dục tại Trường mà tôi đang theo học.

    - Chỉ có TS và TSKH mới được công nhận là giảng viên và được phép đứng trên lớp dạy lý thuyết. Những người có học vị thạc sĩ trở xuống chỉ được công nhân chức danh trợ giảng và thường đảm nhiệm hướng dẫn thực hành và thí nghiệm.

    - Tỷ lệ giảng viên có học vị TSKH và TS trong Trường khá cao: khoảng 50%. Những giảng viên có học vị TSKH thực sự có hiểu biết rất rộng, giảng bài rất hay, cuốn hút sinh viên.

    - Các giảng viên thường xuyên làm việc tại trường, rất dễ dàng cho sinh viên gặp gỡ, trao đổi bài.

    - Cơ sở vật chất khá tốt: giảng đường, lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, ký túc xá, khu thể thao… khá nhiều, sạch sẽ, rộng rãi, đủ trang thiết bị phụ trợ để giảng viên giảng bài tốt nhất, sinh viên có điều kiện học tập tốt nhất.

    - Một lớp học thường chỉ có từ 10 – 15 sinh viên.

    - Rất dễ dàng tìm kiếm và download sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bài báo trên internet.

    - Hàng năm có khá nhiều hội thảo khoa học, sinh viên được khuyến khích tham gia các hội thảo này.

    - Sinh viên được khuyến khích trao đổi bài trong lớp; Giảng viên khá thân thiện và quan tâm đến sinh viên.

    - Sinh viên được làm thí nghiệm, thực tập hiện trường và trong cơ sở sản xuất, thực sự được thực hành và làm việc.

    - Tuy nhiên số lượng giảng viên có phương pháp giảng dạy hay, cuốn hút sinh viên, lôi cuốn sinh viên vào bài giảng cũng không nhiều, khoảng 40%, chủ yếu là các giảng viên có trình độ TSKH và một số giảng viên có trình độ TS.


    1. Thưa Phó giáo sư, hiện tại dư luận đánh giá rất cao những quan điểm, góc nhìn khách quan thẳng thắn của giáo sư. Trong một phát biểu mới đây nhất Phó giáo sư có đề cập “Thầy cô trường tôi văng tục, tôi sẽ đuổi thẳng”… Nhưng nếu ở trường thầy có đến 10 thầy cô văng tục thì giáo sư nghĩ sao và giáo sư có sẵn sàng đuổi việc cả 10 thầy cô này không? Tiêu chí tuyển giáo viên của trường thầy là gì ạ? (Bích Thảo - Hà Nội)

    Trường tôi là trường tư thục nên chúng tôi lựa chọn thầy giáo và cắt hợp đồng với thầy cô giáo là chuyện thường xuyên.

    Nếu có 10 thầy cô vi phạm nguyên tắc của trường thì chúng tôi bắt buộc phải cắt hợp đồng. Đó là chuyện bình thường. Nhưng ở trường tôi thì ngay cả một người cũng không có chứ nói gì đến 10 thầy cô văng tục.

    Ở trường tôi chưa bao giờ có trường hợp văng bậy nào cả. Có một kỉ niệm mà tôi muốn chia sẻ: Tôi có lần đi ngang qua giờ giảng toán. Chợt nghe thấy thầy giáo này nói “thằng này, con này”. Tôi đứng lại nghe thì ra là giờ giảng toán thầy ấy ví dụ mấy con số là “thằng và con”. Nếu đánh giá nghiêm khắc thì cũng không nên, nhưng ngôn từ không có gì thô tục lại đem đến cho học sinh sự hứng thú, sinh động. Thì tôi cũng nghĩ đó cũng là điều tốt.

    Tôi nghĩ rằng các thầy cô đều muốn lấy những ví dụ sinh động cho bài giảng nhưng không được đi sâu, quá đà với những ngôn từ thiếu văn hóa. Chúng tôi tuyệt đối tránh những trường hợp nói năng thô tục trong trường học.

    Tiêu chí tuyển giáo viên là tôi thường trực tiếp phỏng vấn, qua đó biết được chuyên môn , phương pháp giáo dục, tâm huyết với nghề của thầy cô đó.

    Còn với thầy cô khác có danh tiếng, chuyên môn đạo đức, các học trò cũ của tôi ở trường Sư phạm có đạo đức và chuyên môn thì tôi chọn dễ dàng hơn.

    Tôi thì đánh giá đạo đức ở số 1: Các thầy giáo dạy học sinh không phải chỉ kiến thức thuần túy mà còn phải biết giáo dục nhân cách cho học sinh. Nên trước hết người thầy phải có nhân cách, là tấm gương cho học sinh.

    2. Xin dành câu hỏi cho PGS Văn Như Cương. Tôi được biết, với môi trường sư phạm, rất ít thậm chí không bao giờ có những ngôn từ “vỉa hè” trên bục giảng. Theo ông, người thầy phải có tư cách như thế nào trước khi đứng giảng, sự việc của TS Dương có chấp nhận được không?

    Tôi nghĩ tuyệt đối không được dùng những từ ngữ thô tục. Trước đây tôi học thầy Hoàng Tụy, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào…, các thầy giảng bài hấp dẫn đến mức chúng tôi phải nín thở mà nghe, nhưng không hề có một lời nói bậy nào cả. Ngoài ra, tôi cũng được nghe các nhà văn nhà thơ nói chuyện như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… Họ cũng nói rất cuốn hút nhưng không có lời thô tục nào cả.

    Tôi có mời Hoàng Cầm đến nói chuyện với học sinh trường tôi về bài Bên kia sông Đuống, ông nói rất hay, rất thuyết phục nhưng không hề có một lời văng tục, vỉa hè nào cả. Nên tôi đồng ý với bạn là không được dùng lời nói thiếu văn hóa, vỉa hè trong giảng đường.

    Trường hợp Tiến sỹ Dương sau này đọc thêm thì tôi mới biết rằng đó không phải là học sinh mà là những nhà doanh nghiệp. Vì đối tượng người nghe khác lớn tuổi nên tôi cũng không biết đánh giá thế nào. Khi tôi nghe ví dụ: xây cái hồ tròn tròn để vợ chồng đuổi nhau, thì tôi cũng thấy rất buồn và rất lạ, không thấy ăn nhập gì.

    Tôi rất đồng ý với lời của GS Nguyễn Minh Thuyết là: Người thầy giáo thì dù ngoài vỉa hè cũng không được dùng những lời lẽ như thế.

    3. Ông là hiệu trưởng của một trường cấp 3, khi cán bộ, giáo viên của mình vi phạm ông xử lí thế nào?

    Như tôi đã nói ở trên Nếu là giáo viên vi phạm những quy định nào đó của nhà trường, nhẹ thì góp ý, còn quá nặng thì chấm dứt hợp đồng.

    4. Nguyễn Thành Trung là học viên cao học trường ĐHSP Hà nội xin hỏi PGS Văn Như Cương: Để giảng bài cuốn hút học sinh, đặc biệt là học sinh phổ thông thì phải giảng như thế nào? nếu chỉ dùng kiên thức chuyên môn của mình mà giảng thì liệu có cuốn hút học sinh không? Còn nếu lấy những ví dụ cụ thể , minh họa thì đôi khi mất thời gian và làm lệch hướng suy nghĩ của học sinh.

    Trước hết một bài giảng tốt là bài giảng không sai lầm về kiến thức, không gò ép học sinh mà phải phát huy tính độc lập tự chủ của học sinh, phải sinh động và hấp dẫn học sinh.

    Truyền thụ kiến thức không phải chỉ nói y như trên sách vở mà phải có ví dụ sinh động, ngôn ngữ linh hoạt và trong sáng. Điều đó rất cần, không sợ mất thời gian. Nhưng phải có chừng mực hợp lý. Cái cuối cùng quan trọng nhất là đã đưa vào đầu học sinh được những cái gì.

    Thầy khuyến khích giáo viên trường mình nâng cao, sinh động bài giảng như thế nào trong khi có nhiều giáo viên giảng bài rất cứng nhắc?

    Trường chúng tôi học sinh có quyền góp ý với thấy giáo. Nên nếu thầy giảng bài quá khô khan, cứng nhắc thì học sinh phải ánh cho chúng tôi biết. Vì vậy các thày giáo luôn luôn tìm biện pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng của mình.

    Thông qua ý kiến của học sinh, tôi sẽ trực tiếp góp ý với thầy cô đó.

    5. Thưa PGS Văn Như Cương, tôi lý giải hiện tượng học viên và nhiều người xem clip giảng của TS Dương và thích và cho rằng dạy học phải nên như thế giống như một bên đọc truyện võ hiệp với một bên đọc bí kíp võ công. Đọc truyện Kim Dung thấy học võ và trở thành cao thủ võ lâm không khó, vì Kim Dung đơn giản và hư cấu đến mức vô lý võ thuật, còn bí kíp võ công đòi hỏi khổ luyện. Ông có thấy thế không? Nếu không, theo ông đó là do đâu? (legiang198140@yahoo.com)

    Tôi tán thành ý kiến của bạn. Học là khổ luyện ngay từ khâu nghe giảng. Còn đi nghe thuyết trình cho vui thì lại là chuyện khác. Đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung mà không khổ công rèn luyện bí kíp võ công thì không thể nào thành cao thủ võ lâm được.

    Sự học khoa học, kĩ thuật, văn hóa cũng vậy thôi. Muốn thành tài thì phải khổ học. Trong buổi thuyết giảng vui vẻ như vừa rồi của TS Dương, nhiều học viên cho rằng rất thú vị, rất có ích lợi biết được nhiều kiến thức. Xin phép cho tôi nghi ngờ điều đó.

    6. Thưa Ông, Tôi xin có một câu hỏi như sau : "theo Ông, Ông có thừa nhận Ông Dương có tài hay không? Thế hệ học viên hiện nay cần gì và khác thời của Ông như thế nào?

    Tôi lần đầu tiên biết đến TS Dương qua vụ việc vừa rồi, nên tôi không thể đánh giá về trình độ chuyên môn của ông Dương.

    Thế hệ học viên thời nào cũng cần những điều giống nhau. Tức là học để tiếp thu kiến thức mà mình cần phải có để ra đời làm việc. Còn khác nhau có lẽ là thích nghiêm chỉnh hay thích vui đùa. Bởi vì qua phản ánh của học viên trong buổi học đó, thì nhiều người rất tán thành và ủng hộ. Cố nhiên mỗi người có một nhận xét khác nhau, không ai ép buộc ai cả.

    7. Phạm Thị Hương - Yên Bái: Thưa Giáo sư Văn Như Cương! Giáo sư nói rằng nếu giáo viên trường GS mà văng tục thì GS đuổi thẳng. Thế nhưng tôi xin được hỏi, nếu giáo viên đó có chuyên môn cao, học sinh rất thích học giờ học của giáo viên đó và lượng học sinh giỏi hàng năm do giáo viên đó đào tạo rất đáng để các giáo viên khác học tập, vậy giáo sư sẽ xử lí thế nào?

    Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của tôi. Không thể lấy cớ thầy giáo có chuyên môn giỏi, học sinh thích học,giờ học của thầy mà cho phép thầy nói tục.

    Cố nhiên, trước đó nên góp ý với thầy giáo để hạn chế càng nhiều càng tốt thói quen văng tục của mình trên giảng đường.

    8. hungvxm@gmail.com: Kính gửi các vị khách mời. Tôi thấy hiện nay công tác tuyển dụng giảng viên ở các trường đại học nước ta có nhiều bất cập. Đó là việc lựa chọn những sinh viên có thành tích học tập tốt trong trường, cho học thạc sĩ, tiến sĩ trong hoặc ngoài nước rồi sau đó là đi giảng.

    Như vậy, một phần lớn những người thầy của chúng ta chỉ có đọc sách và đi giảng, cách giảng không hấp dẫn và không có các câu chuyện thực thế sinh động xen vào thì sinh viên buồn ngủ là đúng rồi.

    Theo tôi, nên thay đổi cách tuyển dụng giảng viên, thay vì tuyển sinh viên mới tốt nghiệp rồi cho đi đào tạo thì hãy để các tổ chức, các doanh nghiệp đào tạo họ bằng thực tế công việc tối thiểu là 5 năm. Như thế chúng ta sẽ có những giảng viên phù hợp hơn với môi trường giáo dục đại học.

    Theo tôi muốn có các giảng viên ĐH thì cần phải giữ lại những sinh viên xuất sắc và bồi dưỡng thêm. Vấn đề là chương trình bồi dưỡng có phù hợp hay không?

    Nói như bạn ai cũng phải qua sự đào tạo của các doanh nghiệp bằng công việc thực tế đến 5 năm thì không đúng, không áp dụng được với tất cả các ngành nghề.

    Ví dụ như đào tạo một giảng viên ở trường sư phạm thì không thể giao cho doanh nghiệp được, mà phải có một chương trình học tập thích hợp kể cả chuyên môn, kể cả phương pháp giảng dạy, thực tế sư phạm và đạo đức nghề nghiệp.

    9. Đinh Công Tiến – Quảng Ngãi

    Thưa thầy Cương, TS Dương nếu không nói tục như thế thì có giảng hay và cuốn hút được không? Nền giáo dục của chúng ta có thấy cần đổi mới phương pháp giảng dạy từ sau khi xuất hiện clip này hay không?

    Tôi đã thấy rất nhiều người giảng dạy hay và cuốn hút mà không cần phải nói tục. Tôi sẽ phục tài ông Dương hơn nếu ông ta không dùng các từ ngữ tục tĩu mà vẫn thuyết phục, lôi cuốn được người nghe về mặt kiến thức.

    Nền giáo dục của ta cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy nhưng không phải từ sau khi xuất hiện Clip này. Lại càng không phải phương pháp giảng dạy mới cần nói tục thì mới thu hút được học sinh, sinh viên.

    10. Trần Tuấn - Lào Cai

    Theo giáo sư, một bài giảng hay, hiệu quả cần những yếu tố nào? Có khi nào GS nghĩ rằng, hiệu quả bài giảng, sự tiếp thu kiến thức của học sinh quan trong hơn là những từ đệm không mấy văn hóa của Thầy cô hay không?

    Một bài giảng hay là mang lại những kiến thức mới mẻ đúng như mục đích của môn học đó, giờ giảng đó. Một bài giảng thất bại nếu đa số học sinh ngủ gật, hoặc làm chuyện riêng.

    Còn một bài giảng chỉ hay về mặt gây cười về mặt đùa vui để không ai buồn ngủ thì chưa hẳn là một bài giảng hay.

    Việc cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh qua bài giảng là hết sức quan trọng. Nhưng giáo dục không chỉ có thế, ngoài dạy chữ còn phải dạy người.

    11. Đông Pha – Quảng Ninh

    Thưa bác Văn Như Cương, bác có thể nói qua về những tiêu chuẩn cơ bản của người thày giáo khi đứng bục truyền đạt kiến thức cho học sinh mà Bộ Giáo Dục đã quy định?. Tại trường của bác, những quy định này có khác gì so với những nguyên tắc chung của ngành?


    Theo tôi tiêu chuẩn cơ bản của người thầy giáo khi đứng trên bục giảng là: Kiến thức đúng đắn và phong phú, phương pháp giảng dạy tiên tiến, sinh động, tác phong mẫu mực, ngôn ngữ trong sáng…

    Tại trường của tôi cũng giống như những nguyên tắc chung của ngành thôi.

    12. Chu Thế Toàn – Đà Nẵng

    Thưa PGS Văn Như Cương ông có thể cho biết đánh giá về hiện tượng số đông người chấp nhận việc sử dụng ngôn từ tục tĩu, chợ búa trong bài giảng, sự kiện đó nói lên điều gì ? Phải chăng sự gian dối đã quá nhiều, bây giờ mọi người thích ai đó nói sự thật, cho dù trần trụi, kể cả thô tục ?


    Tôi ngạc nhiên về hiện tượng nhiều người lại ủng hộ việc giảng bài bằng những ngôn từ chợ búa, tục tĩu.

    Không nói trần trụi, kể cả thô tục đâu phải là gian dối.?

    13. Em mới tốt nghiệp ĐH được gần 1 năm và không phải khi ra trường mà ngay khi còn đang ngồi trên giảng đường, những kiến thức của hầu hết giảng viên giảng dạy em đều không lưu lại được lâu. Mặc dù học chuyên ngành nghiệp vụ nhưng những kiến thức lý luận khô khan lại rất nhiều và được chú trọng nhưng chất lượng bài giảng thì chỉ 1 số ít giảng viên có thể khơi dậy sự hứng thú với sinh viên. Dù đã có nhiều cải cách nhưng có vẻ nó vẫn chưa thực sự phù hợp và em có một cảm nhận là chất lượng học sinh bây giờ không còn như được như thế hệ trước. Mong các khách mời cho chúng em biết những kinh nghiệm.

    Trong việc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, việc cải tiến phương pháp dạy và học là một trong khâu quan trọng bậc nhất. Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Học để làm gì, học như thế nào là những câu hỏi luôn luôn phải đặt ra.

    Chúng ta hi vọng rằng phương pháp giảng dạy mới, tiên tiến càng ngày càng được phổ cập rộng rãi ở nước ta. Khi đó chắc chắn sự tiếp thu của học sinh sinh viên sẽ dễ dàng hơn.

    Tuy nhiên cũng phải nói rằng khoa học kĩ thuật căn bản là khô khan, chỉ có những người say mê nó thì mới tìm thấy hứng thú.

    Những kiến thức về kinh tế thường rất khô khan. Những bài giảng về lý luận kinh tế trong các trường ĐH hiện nay cũng rất lý thuyết mà thiếu đi rất nhiều những ví dụ thực tế. Theo TS, để sinh viên dễ tiếp thu các kiến thức kinh tế thì giảng viên nên có bài giảng thế nào mà không giáo điều?

    Thực ra không có kiến thức khô khan chỉ cách giảng của người thày không có sức cuốn hút. Thực tế những môn khô khan nhất như toán học nhưng với những người dạy có phương pháp truyền thụ hấp dẫn thì SV vẫn say sưa nghe thậm chí còn thích thú hơn cả những môn nghệ thuật mà người truyền thụ không hấp dẫn.

    Đối với những bài giảng về Kinh Tế trong các trường ĐH hiện nay, trên thực tế trước hết phải dạy cho SV về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu người dạy chỉ triền miên nhồi vào đầu SV chỉ là lí thuyết trong sách vở mà không liên hệ được với thực tiến, hoặc các tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống, thực tiến kinh doanh thì bài giảng đó nhanh chóng nhàm chán và dẫn đến hiện tượng SV vừa học vừa ngủ, nói chuyện riêng... Đó là tình trạng rất phổ biến hiện nay tại các trường đại học ở VN.

    Vì vậy các bài giảng của người thày như của Thầy Dương (lí thuyết gắn liền với thực tế) thì SV sẽ rất thích thú và tập trung nghe giảng và kết quả tiếp thu được rất nhanh, thấu đáo lí thuyết mà người thày muốn truyền thụ thụ. Nói 1 cách ngắn gọn đó chính là chất lượng giảng dạy.

    Tuy nhiên để giảng được như vậy, đòi hỏi người thày ngoài kiến thức chung về lí luận phải có kiến thức thực tế bằng cách cập nhật thông tin ngoài xã hội, biết phân tích chắt lọc và đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài giảng của mình.

    Nhưng, bao nhiêu người thầy ở VN hiện nay có được cách giảng dạy như vậy? Tôi cho là không nhiều.

    Vì sao, vì, thứ nhất, thù lao cho bài giảng không đủ để tái tạo sức lao động của người thầy (bài giảng của thầy Dương, theo tôi, chắc chắn thù lao cao hơn nhiều mức thù lao chung trong các giờ học chính khóa của các trường đại học). Hai là, không có áp lực thay đổi cách dạy của người thày đặc biệt ở các trường công hiện nay.

    School@net (Theo http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Truc-tuyen-toan-cau-Phai-doi-moi-nhung-dung-quen-van-hoa/128162.gd)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.